Tháng 10-2015, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày ra số báo đầu tiên (20-10-1950 / 20-10-2015), nhà báo Đức Toại bay từ TP Hồ Chí Minh ra dự. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng biết tin liền báo Văn phòng Bộ Quốc phòng đón và mời bác Đức Toại vào Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng. Thế là tôi và anh Hữu Khiết được Ban biên tập cử đi cùng bác Đức Toại. Đó là một cuộc gặp gỡ rất cảm động và thú vị của nghề báo.

leftcenterrightdel

Các nhà báo Báo Quân đội nhân dân trước lúc chia tay tại Vĩnh Linh năm 1967 (từ phải sang: Lê Đình Dư, Nguyễn Ngọc Nhu, Nguyễn Đức Toại). Ảnh tư liệu.

Năm 1971, nhà báo Đức Toại theo chân bộ đội tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Nghe tin về gương chiến đấu dũng cảm của Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, nhà báo Đức Toại lập tức tìm đến. Sau khi làm việc với chỉ huy đơn vị, nhà báo Đức Toại xin được về “ba cùng” với trung đội của Phùng Quang Thanh. Trong nhiều tuần, nhà báo Đức Toại lặng lẽ quan sát tác phong, lối sống trên chiến trường của người trung đội trưởng. Chia tay đơn vị, nhà báo Đức Toại trở ra Bắc, tìm về quê hương Phùng Quang Thanh ở Mê Linh (Vĩnh Phúc, nay thuộc Hà Nội) tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh gia đình, tuổi thơ của người chiến sĩ ấy, rồi mới viết bài “Người chỉ huy là dũng sĩ”. Tấm gương chiến đấu dũng cảm của Phùng Quang Thanh lập tức “gây sốt” trong bạn đọc, lan tỏa trong bộ đội khắp các chiến trường...

Hôm đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh rất xúc động khi gặp lại bác Đức Toại. Ông ôm bác thật chặt, thật lâu. Ông nhìn thật kỹ gương mặt bác, thốt lên: “Bao nhiêu năm rồi mà thủ trưởng chỉ già đi chút ít thôi!”. Sao Đại tướng lại gọi Đại tá-nhà báo là thủ trưởng? Bộ trưởng Phùng Quang Thanh quay sang phía tôi, giải thích: “Năm đó (1971), tôi chỉ là Thượng sĩ, anh Đức Toại là nhà báo đeo quân hàm Thiếu tá, nên tôi toàn gọi anh là thủ trưởng”...

Cuộc gặp hôm đó có biết bao câu chuyện xúc động về tình cảm giữa nhà báo quân đội và người lính chiến đấu trên chiến trường. Thấy tôi ghi chép liên hồi, bác Đức Toại rất tinh tế, nói với Đại tướng Phùng Quang Thanh: “Hôm nay có nhà báo trẻ đi cùng, mong Bộ trưởng cho phép cậu ấy ghi chép làm tư liệu, còn đây là cuộc gặp gỡ với tình cảm riêng tư, không nên viết bài đăng báo”. Đại tướng Phùng Quang Thanh đồng tình, ông ghé tai tôi nói nhỏ: “Đồng chí cứ theo ý kiến của bác Toại mà làm nhé. Bao nhiêu năm anh em tôi mới gặp lại nhau, cứ để chúng tôi trò chuyện tự nhiên”.

Trong thời kỳ chiến tranh, Báo QĐND kịp thời tuyên truyền, nhân rộng rất nhiều gương chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ trên các chiến trường. Đó là các trang viết không chỉ đánh đổi bằng mồ hôi và trí tuệ người cầm bút mà nhiều khi còn đánh đổi bằng máu. Đức Toại chính là một nhà báo như thế. Sau buổi gặp với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, bác đã dành cho tôi cả buổi tối ở nhà khách Bộ Quốc phòng để tâm sự về nghề báo. Câu chuyện của bác là những ngày đi chiến trường, vừa cầm bút, vừa cầm súng. Bác bị thương 4 lần, cả 4 lần được yêu cầu trở về tuyến sau điều trị nhưng đều xin ở lại bám bộ đội để có tư liệu nóng hổi viết bài. Có lần đang tác nghiệp ở Nam Lào, bác bị thương ở đầu ngón tay, đơn vị yêu cầu quay về hậu cứ nhưng bác thấy chưa đủ tư liệu, nên đã nhờ quân y cắt đốt ngón tay và rịt vết thương để ở lại chiến trường.

leftcenterrightdel

 Vợ chồng nhà báo Đức Toại. Ảnh gia đình nhân vật cung cấp

Năm 1967, Đức Toại đang trên đường vào chiến trường Quảng Trị thì gặp hai phóng viên cùng tòa soạn là Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu ở Vĩnh Linh. Ba anh em rủ nhau chụp chung một tấm hình rồi chia tay, mỗi người một ngả bám theo đội hình chiến đấu các đơn vị. Một thời gian sau, đang bám trụ chiến trường Khe Sanh thì nhà báo Đức Toại nhận được tin Lê Đình Dư và Ngọc Nhu đều đã hy sinh. Nhà báo Lê Đình Dư sau đó được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đầu năm 1972, Đức Toại và 4 nhà báo: Tô Ân, Văn Uyển, Lê Thu, Trần Tuấn cùng một chuyến xe sang làm nhiệm vụ trên chiến trường nước bạn Lào. Xe đi qua sân bay Dừa (Nghệ An) thì bị máy bay Mỹ phát hiện. Lập tức chúng bu lại phóng rốc két, tên lửa. Phóng viên Trần Tuấn bị trúng bom khoan, vỡ nát đầu, hy sinh tại trận địa; Tô Ân bị thương nặng, chuyển về Bệnh viện Quân y 4 thì mất. Văn Uyển, Lê Thu bị thương. Đức Toại lấy tấm vải dù ngụy trang của mình trải ra đất, gom nhặt từng mảnh thi thể Trần Tuấn, cất tạm vào nơi an toàn rồi chạy đi sơ cứu Tô Ân. Khi Tô Ân được đưa đi viện, anh quay lại mai táng Trần Tuấn...

Không biết bao lần, Đức Toại may mắn thoát cửa tử nhưng “chiến trường-đi và viết” là lẽ sống cuộc đời ông. Cuối tháng 3-1975, hơi nóng từ khắp chiến trường miền Nam “phả” về tòa soạn, Đức Toại đang làm Phó trưởng phòng Thư ký tòa soạn nhưng không cam tâm “ngồi yên”. Ban biên tập hiểu ông, cử ông vào Huế-Đà Nẵng viết bài nhưng phải ra sân bay Gia Lâm ngay mới kịp. Thế là, mặc dù nhà ở khá gần tòa soạn nhưng ông không kịp về chia tay vợ con mà lên đường ngay. Bám theo các đoàn quân thần tốc từ Huế đến Quy Nhơn thì ông nhận được lệnh của tòa soạn quay ra Hà Nội. Nhưng chiến trường đang sôi sục... ông bèn "vận động" phóng viên mang “mệnh lệnh thư” của Ban biên tập làm ngơ, coi như chưa gặp nhau để tiếp tục tiến về phía Nam, chấp nhận sẽ bị “kỷ luật” vì tội “ngó lơ” mệnh lệnh cấp trên...

Ngày 16-8-2021, tôi nhận được tin nhà báo Nguyễn Đức Toại từ trần do tuổi cao, sức yếu, thọ 94 tuổi... Bất giác, hình ảnh bác Đức Toại 6 năm trước trong căn phòng nhỏ ở nhà khách Bộ Quốc phòng và những câu chuyện nghề bác kể, sống động như một cuốn phim lần lượt hiện về trong tôi. Không hiểu sao, nhớ về bác, tôi lại nghĩ ngay đến hình tượng Danko trong truyện ngắn “Bà lão Izergil” của nhà văn Maksim Gorky. Nhà báo chiến trường như bác, khi mất, trái tim không ngừng đập mà bốc cháy, cháy mãi, thắp sáng ngọn “lửa nghề” trong trái tim chúng tôi.

HỒNG NGỌC