Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh năm 1901 tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1925, chàng thanh niên Phùng Chí Kiên vào làm thuê cho Nhà máy xe lửa Tràng Thi, sau đó về làm cho một thương nhân Hoa kiều ở ga Yên Lý, một ga nhỏ trên tuyến đường sắt xuyên Việt. Tại đây, Phùng Chí Kiên đã chứng kiến nhiều cảnh bất công ngang trái của xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Tại ga Yên Lý, Phùng Chí Kiên gặp gỡ, giao lưu với những người yêu nước có chí hướng tiến bộ như Nguyễn Năng Tựu quê ở Nghi Lộc và Nguyễn Hữu Lập (tức Hoàng Lùn) quê ở Thanh Hóa. Các trí thức này đã giác ngộ, dìu dắt, giúp đỡ Phùng Chí Kiên tham gia tích cực trong nhóm đọc sách, báo tiến bộ và quyên góp ủng hộ những người xuất dương tìm đường cứu nước. Đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Phùng Chí Kiên.
Tháng 10-1926, Phùng Chí Kiên bí mật cùng một số thanh niên yêu nước rời quê hương sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với những người đồng hương như Lê Huy Doãn (tức Lê Hồng Phong), Phạm Thành Tích (tức Phạm Hồng Thái)... hoạt động, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập và dìu dắt. Trước lúc ra đi, để tránh mật thám, Phùng Chí Kiên nhờ chú ruột lo cho một tấm căn cước mang tên Nguyễn Hào. Sau này, trước sự truy lùng gắt gao của mật thám Đông Dương, Phùng Chí Kiên còn dùng tới 20 bí danh nhưng mật thám vẫn lần tìm ra. Với lòng yêu nước, tư chất thông minh và tư duy quân sự nhạy bén, Phùng Chí Kiên sớm được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dìu dắt, rèn luyện, cử đi đào tạo tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) và Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản... Tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng tổ chức tháng 3-1935 tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Ủy viên Thường vụ, phụ trách Ban Hải ngoại của Đảng ở nước ngoài và công tác huấn luyện cán bộ của Đảng. Đầu năm 1941, Phùng Chí Kiên cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pắc Bó, Cao Bằng; tham gia huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh, tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Tại hội nghị này, đồng chí được lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp giao làm Tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn và Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1. Trên cương vị Tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, đồng chí đã tích cực hoạt động và có nhiều đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng, đặc biệt là nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang. Trong lúc phong trào cách mạng đang lên, đồng chí bị địch bắt trong một trận địch phục kích, bị tra tấn rất dã man và hy sinh anh dũng khi tài năng đang độ chín muồi.
Đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh tư liệu
Thời điểm đó là cuối tháng 6-1941, thực dân Pháp mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ cách mạng, nhằm lùng bắt các đồng chí lãnh đạo Đảng, tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng mới hình thành. Chúng huy động 4.000 quân, đủ các sắc lính cùng bọn cường hào phản động địa phương, tổ chức ba mũi tiến công khu căn cứ. Cánh quân từ Lạng Sơn kéo xuống càn quét các xã Hưng Vũ, Lân Áng, Tân Lập, Vũ Lăng thuộc Bắc Sơn. Cánh quân thứ hai từ Thái Nguyên qua Đình Cả càn vào xã Tràng Xá, Phú Thượng, La Hiên, Lũng Mười, thuộc Võ Nhai. Cánh quân thứ ba từ Bắc Giang lên khép vòng ra lối vào. Đi tới đâu, chúng đốt làng bản, giết gia súc, phá vườn cây ăn quả. Chúng thi hành chính sách thâm độc “tát nước bắt cá”, dồn dân tập trung vào các trại Đình Cả, Nà Pheo, Làng Giữa,
Đồng Án
... Không khí khủng bố căng thẳng đến nghẹt thở. Hàng trăm gia đình chạy vào rừng sâu, sống trong hang đá vô cùng thiếu thốn. Các cơ sở bí mật của Trung ương và Cứu Quốc quân bị uy hiếp nghiêm trọng. Trong cuộc họp khẩn cấp tại Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), Ban chỉ huy Cứu Quốc quân quyết định cử một tổ bảo vệ và dẫn các đồng chí Trung ương qua Tràng Xá về xuôi an toàn. Còn toàn đội phối hợp với tự vệ chiến đấu hoạt động phân tán bám dân, duy trì, bảo vệ cơ sở cách mạng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương, ở lại căn cứ cùng Đảng bộ Võ Nhai tổ chức lực lượng đối phó với địch. Đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy Đội Cứu quốc quân chiến đấu anh dũng, phá một số trận càn lớn của địch, góp phần giữ vững tinh thần cách mạng của nhân dân trong vùng, điển hình là trận chống càn ở Giá Huần (Vũ Lễ).
Ngày 19-8-1941, cánh quân của đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri qua Pò Kép (châu Na Rỳ, Bắc Kạn) thì bị địch phục kích, nhưng với tài chỉ huy của đồng chí Phùng Chí Kiên, đơn vị đã thoát khỏi trận địa phục kích của địch. Ngày 21-8-1941, đơn vị lại bị phục kích tại xã Bằng Đức. Bọn châu đoàn phản động ở đây huy động lính dõng khép kín vòng vây. Đồng chí Lương Văn Tri bị thương rồi bị địch bắt. Mặc dù bị thương nặng, đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Khi bắn hết viên đạn cuối cùng, đồng chí sa vào tay giặc. Bọn châu đoàn gán cho đồng chí Phùng Chí Kiên là “tướng cướp” và để cho lũ tay sai mặc sức hành hung. Tuy bị đánh đập dã man nhưng Phùng Chí Kiên vẫn bình tĩnh giải thích: “Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp, đuổi Nhật để giải phóng đồng bào. Chúng ta là người Việt Nam, cần phải đoàn kết chống kẻ thù chung”. Lời giải thích của đồng chí Phùng Chí Kiên làm xiêu lòng một số tên giặc. Nhưng ngày 22-8-1941, bọn giặc vô nhân tính đã chặt đầu đồng chí rồi đem cắm đầu cầu Ngân Sơn để hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương.
Khách tham quan tại ngôi nhà ngang được phục dựng lại trong Khu di tích liệt sĩ cách mạng Phùng Chí Kiên. Ảnh: THU GIANG
Sau 16 năm xông pha hoạt động (1925-1941) với nhiều bí danh khác nhau, những người cùng thời đều đánh giá và ghi nhận Phùng Chí Kiên là nhà cách mạng văn võ song toàn, cũng là một trong những chiến sĩ Cộng sản bị địch theo dõi truy lùng gắt gao nhất. Dù ở hoàn cảnh nào, đồng chí vẫn kiên trung, dũng cảm đứng mũi chịu sào, góp công lớn vào thành quả lớn lao của cách mạng. Sự hy sinh của đồng chí là một tổn thất lớn của Đảng và cách mạng Việt Nam. Do điều kiện đồng chí hy sinh trong những năm tháng cam go nên Đảng, Nhà nước chưa có điều kiện tôn vinh, đến ngày 23-9-1947, tại căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong hàm cấp tướng cho đồng chí. Đây cũng là sắc lệnh phong hàm cấp tướng đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, kiên trung, bất khuất của đồng chí Phùng Chí Kiên trở thành một trong những di sản quý báu của dân tộc Việt Nam, sống mãi với non sông, đất nước.
Tháng 3-2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An và UBND huyện Diễn Châu đã khởi công xây dựng công trình Khu di tích liệt sĩ cách mạng Phùng Chí Kiên tại làng Mỹ Quan, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Khu di tích được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt có tổng diện tích 12.000m2, mức đầu tư 25 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Khu di tích gốc, phục dựng nhà ngang, đàn tế, giếng nước, chuồng bò; Nhà tưởng niệm, nhà lưu niệm, nhà đón tiếp khách, sân vườn, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác. Sau 6 tháng thi công, đến tháng 9-2014, Khu di tích chính thức mở cửa đón du khách thập phương đến tưởng nhớ tri ân liệt sĩ Phùng Chí Kiên...
Ban tổ chức Hội thảo khoa học "Phùng Chí Kiên-Người cộng sản mẫu mực, kiên trung; nhà chính trị, quân sự song toàn" ngày 18-8-2008 đã công bố tài liệu của mật thám Pháp về trường hợp hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên như sau: Thông cáo 1: Ngày 2-12-1941, Chánh mật thám miền (Le chef locan des service de police) Rô-be Pê-rô-sô (Robert Perroche) gửi Thông báo số 8801C tới Cảnh sát trưởng Trung Kỳ về việc nhận dạng Phùng Chí Kiên bị bắn chết ngày 22-8-1941. Nội dung báo cáo như sau: "Huế, ngày 2-12-1941. Gửi các ông Cảnh sát trưởng Trung Kỳ. Việc nhận dạng tên phiến loạn bị giết. Ở Khau Pan, tỉnh Bắc Kạn (Bắc Kỳ) ngày 22-8-1941. Tên phiến loạn Tư Thịnh bị bắt ở Bắc Sơn ngày 21-8-1941, đã khai ra rằng những vật và tài liệu tìm được trong xác một tên phiến loạn đã bị giết ở Khau Pan (Bắc Kạn) ngày 22-8-1941 là của tên Phùng, quê ở Trung Kỳ và tên này đã tham gia cuộc Hội nghị của Đảng Cộng sản Đông Dương ở hải ngoại tháng 5 vừa rồi. Ngoài ra, cuộc thẩm tra các tang vật bắt được trong quá trình chúng ta tiến hành dẹp loạn ở vùng này đã khám phá ra trong người tên phiến loạn bị giết ở Khau Pan, một con dấu có những chữ Hán sau đây: Phùng Quốc Nghiêu ấn-con dấu của Phùng Quốc Nghiêu. Những tang vật trên đây cho phép chúng ta nhận ra Phùng Quốc Nghiêu là tên của tên phiến loạn bị giết. Đến nay chưa có gì đích xác về căn cước của tên An Nam này, vì vậy tôi yêu cầu các ông báo cho tôi biết tất cả những điều gì các ông biết hoặc thu thập được về vấn đề này. Tên phiến loạn này có đặc điểm sau đây: Khoảng 38 tuổi, cao 1m65, thân hình vừa phải, mặt bầu dục, gò má cao, tóc hất ngược ra đằng sau. Chánh mật thám miền (Le chef locan des service de police): Rô-be Pê-rô-sô (Robert Perroche). |
VĂN HẠNH (tổng hợp)