Bộ phim chiến tranh không nhiều tiếng súng

“Rặng trâm bầu” do Hãng phim Phương Đông Thành phố Hồ Chí Minh, Phát hành phim và băng hình quân đội, Đài Phát thanh-Truyền hình Tiền Giang hợp tác sản xuất. Truyện phim kể về một nguyên mẫu có thật ở Cai Lậy, Tiền Giang. Đó là mẹ Đoàn Thị Nghiệp (Tám Nghiệp), Tỉnh đội phó Tỉnh đội Mỹ Tho, người đã hy sinh anh dũng vào tháng 4-1972 trong một trận đánh tại Cai Lậy, Tiền Giang. 

Sự khác lạ lớn nhất trong bộ phim “Rặng trâm bầu” là dù nói về đề tài chiến tranh, nhưng trong phim không nhiều tiếng súng. Âm thanh lan tỏa trong toàn bộ phim chủ yếu là tiếng rì rào của những rặng trâm bầu xanh ngát che bộ đội, lồng vào đó là những câu chuyện đầy cảm động và nước mắt, những tình cảm giữa mẹ chồng, nàng dâu, nỗi nhớ của người vợ có chồng chiến đấu phương xa, cả tình đồng đội, tình quân dân và những hy sinh quên mình vì việc lớn… Tất cả như để tô đậm hình ảnh má Tám Nghiệp.

leftcenterrightdel
Má Tám Nghiệp. 
Hiện tại, người nhớ nhiều chuyện nhất về má Tám Nghiệp có lẽ là bà Tư Lang, ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, người gọi má là mợ. Bà Tư Lang sinh năm 1950, được má Tám Nghiệp giác ngộ nên tham gia cách mạng rất sớm, năm 1965. Cùng chiến đấu, được chứng kiến những chiến công cũng như sự hy sinh của mợ mình, trong tâm trí bà Tư Lang luôn ăm ắp những kỷ niệm về má Tám Nghiệp.

Má Tám Nghiệp sinh năm 1925, lớn lên trong một gia đình nông dân ở làng Hội Cự, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Ông nội của má là nghĩa quân của thủ lĩnh Đoàn Trưng (Đoàn Túc Trưng) đã nổi dậy chống vua Tự Đức xây “Vạn niên thành”. Người cha của má Tám Nghiệp đã theo Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Thủ khoa Huân đánh Pháp. Thừa hưởng lòng yêu nước, khí tiết bất khuất của ông cha, ngoài 20 tuổi, má Tám Nghiệp cùng hai người anh Đoàn Văn Lệ, Đoàn Hữu Huynh gia nhập vào đội quân kháng chiến. Má được phân công làm Bí thư xã Đoàn Thanh niên cứu quốc. 

Tháng 12-1945, Binh đoàn lính lê dương số 3 đánh chiếm huyện Cái Bè. Đoàn Thanh niên cứu quốc của má Tám Nghiệp được Huyện ủy phân công phối hợp với Chi đội 17 Mỹ Tho cản bước tiến của địch trên Quốc lộ 4. Để chuẩn bị cho trận chiến, anh Vệ quốc đoàn Bùi Văn Thô (Tám Thô), quê ở miệt vườn Bình Phú, Cai Lậy, được giao nhiệm vụ hướng dẫn thanh niên sử dụng vũ khí và cách gài mìn. Ngày qua ngày, cô Bí thư xã đoàn Tám Nghiệp ngày càng cảm phục người “cán bộ” tận tình. Còn anh Vệ quốc đoàn nhút nhát, hiền khô như bị hớp hồn khi gặp ánh mắt sắc sảo của cô Bí thư xã đoàn. Kết quả, sau đợt tập huấn chống càn năm đó, hai người nên duyên vợ chồng. Họ cưới nhau vào năm 1946. Má Tám Nghiệp theo chồng về Bình Phú. Cuối năm 1947, người con đầu, anh Bùi Văn Thưởng chào đời. Ba năm sau, người con trai thứ hai, anh Bùi Văn Tấn được sinh ra trong căn cứ cách mạng Mỹ Phước, nơi đặt trụ sở cơ quan của Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.

“Mặt trận chống phá bình định”

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, má Tám Nghiệp tiễn chồng tập kết ra Bắc với niềm tin gia đình sẽ sớm đoàn tụ. Sau đó, má đưa hai con nhỏ về Đồng Tháp Mười sinh sống. Còn chút tiền dành dụm được và sự giúp đỡ của người thân, má Tám Nghiệp mua cái máy may làm phương tiện kiếm sống qua ngày và nuôi hai con ăn học. Đó cũng là vỏ bọc để má hoạt động công khai, vận động bà con đấu tranh đòi chính quyền Mỹ- ngụy thực hiện hiệp định, tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc tiến tới thống nhất nước nhà.

Thế nhưng, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm chối bỏ. Không những thế, quân Mỹ-ngụy còn điên cuồng đánh phá, bắt bớ bỏ tù, giết hại những cán bộ và những người tham gia Việt Minh, kháng chiến cũ. Trước tình hình bất lợi đó, Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo cho các cơ sở cách mạng rút lui vào hoạt động bí mật, âm thầm xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng đấu tranh kháng chiến lâu dài trong khu bưng biền Đồng Tháp Mười. Lúc bấy giờ, với vỏ bọc hoạt động công khai, má Tám Nghiệp len lỏi vượt các ấp chiến lược để gắn kết trở lại các đầu cơ sở bị tan rã và xây dựng cơ sở cách mạng mới. Đó là những tháng ngày cơ cực, nguy hiểm trong đời hoạt động cách mạng của má Tám Nghiệp. Nhiều tháng, má không đủ gạo, phải ăn củ chụp, củ bình bang thay cơm, dành dụm số gạo ít ỏi cho hai con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Gian khổ vô vàn nhưng tấm lòng người mẹ cách mạng luôn tràn trề niềm lạc quan, hạnh phúc. Hơn thế, trong khó khăn càng sáng tỏ bản lĩnh của người nữ chiến sĩ cách mạng. Năm 1962, trong một chuyến đi công tác, cán bộ ta bị đụng địch, hy sinh 3 đồng chí. Chúng dìm thi thể các đồng chí ta xuống hào sâu, rồi phục kích chờ quân ta đến lấy. Má Tám Nghiệp được phân công cùng 3 đồng chí đi lấy xác đồng đội về. Ba ngày liền, đội của má vẫn không áp sát được đồn vì địch bắn quá rát. Đến  ngày thứ tư, chờ đêm xuống, một mình má Tám Nghiệp bò vào hàng rào, lặn xuống nước, nhổ hết cọc tràm, cõng từng xác anh em, đưa ra cho đồng đội chuyển về vùng tự do chôn cất chu đáo. 

leftcenterrightdel

Liệt sĩ Bùi Văn Thưởng (trái) và liệt sĩ Bùi Văn Tấn. Ảnh tư liệu 

Năm 1960, anh Bùi Văn Thưởng thôi học, vào làm công việc phát điện truyền tin tức, bài vở về Tổng xã Giải phóng Miền. Cùng đó, anh còn chép tin đọc chậm từ Đài 

Tiếng nói Việt Nam,

 Đài

 Tiếng nói Giải phóng 

chuyển cho lãnh đạo và các cơ quan Tỉnh ủy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Mỹ Tho. Bùi Văn Thưởng rất gan lỳ, lanh lẹ, trên người lúc nào cũng mang theo lựu đạn, hễ đụng giặc là chủ động đánh, mở đường cho Phân xã rút an toàn. Vừa làm vừa học, học ở những anh chị cô chú đi trước, chẳng bao lâu anh Bùi Văn Thưởng đã hoàn toàn tự tin để viết tin, bài, cung cấp ảnh cho các tờ báo “Tranh đấu”, “Tin tức Mỹ Tho”, “Giải phóng”, “Ấp Bắc” phục vụ cho bộ đội nhân dân vùng giải phóng. Ba năm sau, cậu em trai Bùi Văn Tấn cũng vào căn cứ, công tác báo chí ở Phân xã Mỹ Tho. Từ đây anh làm thay công việc cho anh trai mình và làm cả phần việc công vụ cho cơ quan Tuyên huấn Mỹ Tho. Cuối tháng 3-1967, trên đường đi công tác về Tân Phú, Cai Lậy, bị lộ, bọn địch dùng trực thăng vây bắt, Bùi Văn Tấn tách ra khỏi đoàn công tác, đánh lạc hướng địch. Anh phóng mình ra giữa trảng cát kéo bọn giặc bám theo. Anh bị thương nặng và đã hy sinh ở tuổi 17. Hai năm sau, người anh Bùi Văn Thưởng cũng hy sinh khi anh mở đường máu cứu đồng đội trong trận càn ở Mỹ Đức Tây, Cái Bè, khi bước sang tuổi 22.

Hai người con lần lượt hy sinh, má Tám Nghiệp đau thắt ruột thắt gan. Thế nhưng, đôi mắt nghiêm nghị của má vẫn luôn chứa đựng một quyết tâm. Quyết tâm trả thù cho con, đi đến tận cùng con đường chồng con đã đi: Quét sạch quân thù, giành lấy độc lập tự do.

Năm 1967, chiến sự miền Tây Nam Bộ ngày càng khốc liệt, má Tám Nghiệp được điều về Mỹ Tho và chiến đấu tại mặt trận vành đai diệt Mỹ Bình Đức. Tại đây, má đã tham gia nhiều trận đánh vào căn cứ Đồng Tâm do Sư đoàn 9 Mỹ chiếm đóng và từng lập kế hoạch bắt sống được một sĩ quan Mỹ. Năm 1968, má được phân công phụ trách mảng 4 Cai Lậy Bắc, gồm các xã: Bình Phú, Phú An, Mỹ Thành Nam, Phú Nhuận. Thực hiện sáng tạo chủ trương “Bám trụ đánh địch” của Tỉnh đội, má Tám Nghiệp (lúc đó giữ chức vụ Tỉnh đội phó Tỉnh đội Mỹ Tho) đã thành lập “Mặt trận chống phá bình định”, với lực lượng chủ yếu là các cơ quan của Tỉnh đội và du kích các xã trong khu vực, nhằm kiên quyết bẻ gãy các cuộc hành quân càn quét của địch, giữ vững địa bàn đứng chân. Sau hơn 8 tháng tổ chức xây dựng xã chiến đấu đánh địch, mức tiêu hao địch bằng vũ khí tự tạo của ta ngày càng cao, các cơ quan và du kích bám trụ lại được. Từ đó mở ra bước chuyển mới cho toàn tỉnh và phong trào bám trụ đánh địch.

Trận đánh định mệnh

Năm 1972, cục diện trên khắp các chiến trường có nhiều thay đổi, Giải phóng quân liên tục tấn công vào các cứ điểm của Mỹ-ngụy, giáng những đòn đánh quyết định, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang, tiến tới ký kết Hiệp định Pa-ri và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Thời điểm ấy, tại Mỹ Tho liên tục chịu tổn thất nặng nề ở vành đai Bình Đức, quân Mỹ-ngụy điên cuồng trả đũa. Sáng ngày 22-4-1972, địch huy động hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 mở trận càn quy mô, với sự yểm trợ của trực thăng và pháo binh, đánh phá ác liệt vào cơ quan Huyện đội Cai Lậy Bắc đóng ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy. Khi đó, má Tám Nghiệp đang có mặt tại đây. Do các đơn vị được điều đi tác chiến ở các chiến trường trong tỉnh, nên tại cơ quan Huyện đội chỉ còn 5 chiến sĩ và 8 du kích xã. Với cương vị là Tỉnh đội phó, má Tám Nghiệp nhanh chóng tổ chức chiến đấu, với quyết tâm cao nhất-dù phải hy sinh đến người cuối cùng.

Quân địch đông gấp bội về quân số, lại được sự yểm trợ của hỏa lực mạnh, liên tục mở nhiều đợt tấn công nhưng đều bị đánh bật ra. Cuộc chiến ác liệt kéo dài đến khoảng 12 giờ trưa, địch mới tiến được vào đến vòng ngoài khu căn cứ. Lúc bấy giờ, má Tám Nghiệp bị thương nặng và súng hết đạn nên bị sa vào tay địch. Biết má giữ chức vụ quan trọng ở Tỉnh đội Mỹ Tho, quân địch tìm đủ mọi cách, vừa mua chuộc, dụ dỗ, vừa tra tấn dã man nhằm buộc má phải đầu hàng. Má không chịu khuất phục và anh dũng hy sinh lúc 22 giờ ngày 22-4-1972. Tấm gương anh dũng hy sinh của Tỉnh đội phó Mỹ Tho Đoàn Thị Nghiệp đã gây xúc động và dấy lên phong trào giết giặc trả thù cho người nữ chỉ huy anh dũng.

Box: Má Tám Nghiệp được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 3 Huân chương Giải phóng hạng nhất, nhì, ba. Ngày 6-11-1978, má được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 1995, má Tám Nghiệp được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tên của má được đặt cho Trường THCS của xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Trường Tiểu học ở xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và con đường trung tâm huyện lỵ Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày nay.

 VÕ TRƯỜNG AN