Diệt “Rồng xanh” và “Mãnh hổ”
Cách thành phố Quảng Ngãi 14km về hướng Tây, Di tích Chiến thắng Đồi Tranh-Quang Thạnh nằm ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, thuộc phía tây bắc của huyện Sơn Tịnh.
Mùa thu năm 1966, với mục đích “tiêu diệt và bình định”, đế quốc Mỹ đã điều lực lượng lính thủy đánh bộ Nam Triều Tiên từ Phú Yên đổ quân ra hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh. Với địa bàn có vị trí chiến lược về mặt quân sự, khu vực Đồi Tranh-Quang Thạnh đã được xây dựng thành cứ điểm quân sự của liên quân Mỹ-Nam Triều Tiên, với hệ thống giao thông hào sâu, lô cốt, hầm chiến đấu vững chắc. Cứ điểm án ngữ con đường đông-tây nhằm cắt đứt con đường liên lạc tiếp tế của quân ta từ phía đông lên phía tây Sơn Tịnh, đồng thời khống chế phía tây bắc thị xã Quảng Ngãi, lấn chiếm vùng giải phóng làm mất nguồn bổ sung vật chất, mất địa bàn đứng chân khiến cho các lực lượng vũ trang của ta phải lùi về rừng núi.
Các cựu chiến binh Trung đoàn Ba Gia kể lại nguồn gốc danh hiệu “Gọn như Ba Gia” cho thế hệ trẻ. Ảnh: HỒNG VÂN
Đồi Tranh-Quang Thạnh thuộc xã Sơn Kim, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cách Quốc lộ 1 và đường sắt về phía tây 2km, do Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh và một đại đội của Lữ đoàn Mãnh Hổ, Nam Triều Tiên chốt giữ. Quân số địch có khoảng 500 tên. Trong cứ điểm có 3 khẩu cối 106,7mm, 5 khẩu cối 81mm, 5 khẩu cối 60mm và 7 đại liên. Cứ điểm địch nằm trên Đồi Tranh, cây cối lúp xúp, đỉnh đồi có nhiều tảng đá lớn, xung quanh có hào ấp chiến lược rộng 2,5m, sâu 1,8m; hàng rào nhiều lớp, rào đơn và rào bùng nhùng chồng lên nhau cao 1,8m, rộng khoảng 6m; khoảng cách giữa các hàng rào là 5m, giữa các lớp rào có bố trí mìn sáng, mìn chống bộ binh và cơ giới, các hố chiến đấu cá nhân có giao thông hào nối liền nhau. Hầm ngầm nằm sâu dưới lòng đất 1,5m có bao cát chất xung quanh. Địch lợi dụng các tảng đá lớn có hang xây thêm bao cát làm Sở chỉ huy ở trung tâm cứ điểm và đặt máy thông tin.
Quân địch ở Sơn Tịnh ra sức tàn sát, khủng bố đồng bào, phụ nữ xã Bình Hòa đã gửi thư cho Trung đoàn Ba Gia. Hàng trăm đoạn khăn tang gửi đến các đơn vị bộ đội.
Phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao trào và quân chủ lực của ta đánh mạnh mẽ chúng buộc phải co lại, cố thủ. Căn cứ vào đặc điểm tình hình trên chiến trường, Tiền phương Quân khu 5 quyết định chuyển sang bước 2 của chiến dịch: Tiêu diệt cứ điểm Quang Thạnh và đánh quân địch ứng cứu.
Trung đoàn Ba Gia được giao nhiệm vụ tiêu diệt Quang Thạnh, tiêu diệt một cứ điểm do tiểu đoàn Nam Triều Tiên đóng giữ. Đây là nhiệm vụ cho đến lúc bấy giờ chưa có đơn vị nào ở chiến trường miền Nam thực hiện. Vì vậy, lúc đầu có một số cán bộ và chiến sĩ trong trung đoàn lo ngại.
Đánh nhanh, diệt gọn
Trung đoàn sử dụng Tiểu đoàn Bộ binh 40 đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu; được tăng cường 2 ĐKZ75, 2 ĐKZ57, 3 súng phun lửa, và 2 tổ mật bộc, có nhiệm vụ tiêu diệt Sở chỉ huy, khu trung tâm thông tin và trận địa hỏa lực của địch, hoàn thành nhiệm vụ cơ động về thôn Bình Châu, sẵn sàng tham gia đánh địch viện ở Núi Nón, Đồi Chùa hoặc điểm cao 47 Mả Tổ; Tiểu đoàn Bộ binh 60 đảm nhiệm hướng quan trọng: Được tăng cường 2 ĐKZ75, 2 súng phun lửa và 1 tổ mật bộc, có nhiệm vụ chiếm lĩnh phía bắc, tây bắc, phát triển chiến đấu dọc chiến hào lên trung tâm trận địa địch, hoàn thành nhiệm vụ cơ động về thôn Bình Đông, sẵn sàng tham gia đánh địch chi viện từ Sơn Trung; Tiểu đoàn Bộ binh 90 (thiếu) làm lực lượng dự bị, được tăng cường 1 súng phun lửa, có nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy Trung đoàn, sẵn sàng bước vào chiến đấu khi có lệnh.
Tiểu đoàn 40 ở trên hướng chủ yếu nhận nhầm lộ tiêu nên bị lạc. Ở hướng thứ yếu, tổ trưởng bộc phá của Tiểu đoàn 60 vướng mìn hy sinh. Địch báo động. Pháo địch từ các nơi bắn như vãi đạn vòng quanh cứ điểm. Trong tiếng gầm rít của đạn pháo địch, Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn kịp thời nhận định: Tuy lộ, nhưng nếu tiếp tục bí mật sẽ tạo ra bất ngờ. Về ta, khi bị lộ, hướng thứ yếu bị thương vong, Trung đoàn trưởng Hà Văn Trí đã kịp ra lệnh cho đơn vị nằm yên tại chỗ, đưa bộc phá dự bị vào tăng cường cho Tiểu đoàn 60, đồng thời cho người đi tìm bắt liên lạc với Tiểu đoàn 40.
Vào hồi 1 giờ 30 phút ngày 15-2-1967, từ các hướng, hỏa lực của ta dồn dập trút bão lửa xuống các ụ súng, các lô cốt vòng ngoài. Hoàn toàn bị bất ngờ nên trong mấy phút đầu, quân địch không chống trả được. Chớp thời cơ, các chiến sĩ bộc phá nhanh chóng lao lên phá toang các hàng rào.
Ở hướng thứ yếu, Tiểu đoàn 60 đánh chiếm đầu cầu, chiếm hào 1 và hào 2 rồi phát triển sâu vào trung tâm. Ở hướng chủ yếu, mũi thứ nhất của Tiểu đoàn 40 đã đánh chiếm đến hào 1, nhưng mũi thứ 2 do đánh chậm nên vẫn còn ở ngoài đồn. Do vậy, địch đã có thời gian phục hồi và bắt đầu tổ chức chống cự. Đạn đại liên, trung liên địch quét là là trên mặt đất. Tổ mũi nhọn của Tiểu đoàn 60, do tiểu đội trưởng Hạnh chỉ huy, khôn khéo vượt qua lưới lửa của địch, đánh chiếm thêm 2 lô cốt nhưng hướng chủ yếu vẫn chưa phát triển được. Trung đoàn trưởng phải quyết định tăng cường cho Tiểu đoàn 40 một đại đội của Tiểu đoàn 90. Trận đánh vẫn giằng co, trời sắp sáng. Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn họp và quyết định sử dụng tiểu đoàn dự bị mở thêm một hướng đột phá mới.
Sau 5 phút chiến đấu, Tiểu đoàn 90 đã đánh chiếm được đầu cầu. Đồng chí Sản, chiến sĩ của tiểu đội súng phun lửa, vận động qua ngách hào, chĩa nòng súng vào hầm ngầm của địch và bóp cò. Một luồng lửa sáng rực như con rắn khổng lồ luồn qua ngách hào, thiêu cháy hàng chục tên địch. Những tên sống sót khiếp đảm, la hét và tháo chạy thục mạng. Lợi dụng lúc quân địch đang bối rối đối phó với hướng tiến công mới của Tiểu đoàn 90, các tiểu đoàn 40 và 60 nhanh chóng xốc lại lực lượng và phát triển tiến công. Từ ba mặt, các đơn vị của ta xung phong đánh chiếm các khu vực còn lại.
Trời sáng rõ, bọn địch sống sót khoảng 30-40 tên, dựa vào hầm ngầm và hang đá ở đỉnh đồi ra sức cố thủ. Máy bay phản lực và trực thăng vũ trang của địch từ Chu Lai ào đến, phóng rốc-két xuống trận địa và ném bom ngay vào cứ điểm.
Hồi 6 giờ 30 phút ngày 15-2-1967, trận đánh kết thúc. Ta đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ trận đánh. Quang Thạnh bị tiêu diệt, quân địch đóng ở Khánh Mỹ, Hòn Ngang, Hòn Dọc hốt hoảng bỏ chạy.
“Đệ nhất trung đoàn tinh luyện Việt Cộng”
Chiến thắng Đồi Tranh-Quang Thạnh là kết quả của nhiều nguyên nhân, có thể rút ra một số nguyên nhân cơ bản và bài học kinh nghiệm đó là:
Một là, Trung đoàn Ba Gia chiến đấu trong thế trận chiến tranh nhân dân, được nhân dân đùm bọc, che chở, quần chúng nhân dân ở xã Bình Hòa hết sức căm thù giặc do chúng liên tục khủng bố, đàn áp, tàn sát đồng bào, trung đoàn đã làm tốt công tác vận động nhân dân, giúp đồng bào dựng lại nhà cửa, củng cố các công trình chiến đấu ở địa phương, quan tâm xây dựng mối quan hệ đoàn kết máu thịt với đồng bào, đánh mạnh mẽ và chiến thắng giòn giã các trận như điểm cao 62, Bắc Khánh Mỹ... tạo được sự tin tưởng vào chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ và toàn thể nhân dân khu vực đơn vị tác chiến. Trung đoàn đã thực hiện xuất sắc nghệ thuật quân sự đánh nhanh tiêu diệt gọn, khiến địch không kịp trở tay, không thể điều quân cứu viện, góp phần làm nên tên tuổi Trung đoàn 1: “Gọn như Ba Gia”. Trung đoàn còn được mệnh danh là “Trung đoàn thép”, lính Mỹ gọi đơn vị là “Đệ nhất trung đoàn tinh luyện Việt Cộng”.
Hai là, đơn vị đã làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường, trinh sát nắm chắc địch, địa hình, làm tốt công tác động viên, tạo được khí thế thi đua sôi nổi giết giặc lập công, cổ vũ mạnh mẽ toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Khắc phục được tâm lý lo ngại đánh địch (vốn là đội quân đánh thuê nổi tiếng tàn ác) ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ lúc bấy giờ. Đây là bước chuyển biến nhận thức có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi việc đánh một cứ điểm cấp tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên chưa có đơn vị nào ở miền Nam thực hiện.
Ba là, phái viên của Tiền phương Quân khu, cán bộ sư đoàn đã xuống sát từng trung đội, đại đội nghiên cứu, trao đổi, giải quyết tư tưởng, ra thao trường bàn bạc cách đánh: Trung đoàn 21 cử những cán bộ và chiến sĩ có kinh nghiệm đánh quân Nam Triều Tiên đến trao đổi, hướng dẫn. Bằng việc đi sâu, giải quyết cụ thể từng vướng mắc về tư tưởng, chiến thuật và qua việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ qua từng buổi tập, Trung đoàn đã xây dựng được lòng tin đánh thắng. 100% đoàn viên, thanh niên đăng ký nhận nhiệm vụ khó khăn nhất, điều này đã làm cho cán bộ, chiến sĩ tin tưởng hơn về khả năng thắng lợi của trận đánh, thấu suốt tinh thần chỉ đạo của cấp trên nên cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm cao, nắm chắc ý định, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án và tình huống dự kiến có thể xảy ra, tạo được sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động của đơn vị. Đây cũng là bài học lớn về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến đấu mà sau này cần tập trung nghiên cứu và vận dụng.
Bốn là, yếu tố chớp thời cơ tác chiến được thực hiện tốt, làm cho địch hoảng hốt. Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đã quyết đoán xử trí linh hoạt, táo bạo trong những tình huống gay go nhất, tiến hành đột phá liên tục, sử dụng lực lượng dự bị phù hợp, đúng thời cơ, buộc địch phải lúng túng đối phó trên nhiều hướng tiến công, lực lượng địch bị cô lập và tan rã hoàn toàn.
Đồng chí Nguyễn Chơn, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn Ba Gia, sau này là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, rồi Phó tổng Tham mưu trưởng và Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã viết: “Trận đánh tuy gặp khó khăn từ đầu do bị lộ, địch phản ứng mạnh tưởng không đánh được, nhưng quân ta đã kiên trì khắc phục, tạo yếu tố bất ngờ mới, thực hiện kẻ thù nào cũng đánh thắng” (Theo cuốn “Người chỉ huy Nguyễn Chơn”, NXB Đà Nẵng 2002).
Chiến thắng Đồi Tranh-Quang Thạnh một lần nữa cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Ba Gia, viết thêm vào lịch sử trung đoàn những chiến công chói lọi, góp phần xây đắp nên truyền thống “Trên tin, bạn mến, dân thương, đã đi là đến, đã đánh là thắng” của Sư đoàn 2 anh hùng.
Trung đoàn Ba Gia chiến đấu trong thế trận chiến tranh nhân dân, được nhân dân đùm bọc, che chở, quần chúng nhân dân ở xã Bình Hòa hết sức căm thù giặc do chúng liên tục khủng bố, đàn áp, tàn sát đồng bào, trung đoàn đã làm tốt công tác vận động nhân dân, giúp đồng bào dựng lại nhà cửa, củng cố các công trình chiến đấu ở địa phương, quan tâm xây dựng mối quan hệ đoàn kết máu thịt với đồng bào, đánh mạnh mẽ và chiến thắng giòn giã các trận như điểm cao 62, Bắc Khánh Mỹ... tạo được sự tin tưởng vào chiến thắng cho cán bộ, chiến sĩ và toàn thể nhân dân khu vực đơn vị tác chiến. Trung đoàn đã thực hiện xuất sắc nghệ thuật quân sự đánh nhanh tiêu diệt gọn, khiến địch không kịp trở tay, không thể điều quân cứu viện, góp phần làm nên tên tuổi Trung đoàn 1: “Gọn như Ba Gia”. Trung đoàn còn được mệnh danh là “Trung đoàn thép”, lính Mỹ gọi đơn vị là “Đệ nhất trung đoàn tinh luyện Việt Cộng”. |
Đại tá, Tiến sĩ LÊ QUANG TRUNG, Khoa Chiến thuật, Chiến dịch, Học viện Chính trị