“Vị thế nhà giáo” là một văn bản được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc) và ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) soạn thảo và công bố từ mấy chục năm nay, nhưng đến nay nó vẫn mang một giá trị to lớn với tác dụng tích cực tới việc xây dựng nhân cách của những người làm nghề dạy học.
Ngay từ những trang đầu của văn bản đã nhấn mạnh: Sự tiến bộ trong giáo dục phụ thuộc phần lớn vào trình độ và năng lực của đội ngũ nhà giáo, vào phẩm chất nhân văn, sư phạm và kỹ thuật của từng giáo viên; vị thế của nhà giáo và sự tôn trọng của công chúng đối với nghề dạy học có tầm quan trọng thiết yếu trong việc thực thi đầy đủ các mục đích, mục tiêu giáo dục...
|
|
Tập huấn cho giáo viên về sách giáo khoa mới lớp 1 tại Trường Tiểu học Ngôi Sao (Hà Nội). Ảnh: HỒNG HẠNH |
Từ xưa, ông cha ta đã tổng kết vị thế nhà giáo bằng một mệnh đề ngắn gọn “không thầy đố mày làm nên”. Đến giờ, khi chúng ta đã cách xa nền giáo dục Nho học hơn một thế kỷ, câu nói đó vẫn đúng: Xã hội ta đang tiến lên theo “Chương trình di truyền xã hội” mà tác nhân cơ bản vẫn là nền giáo dục và lực lượng các thầy giáo khả kính của xã hội.
Hơn 20 năm qua, Đảng chủ trương xây dựng nước ta thành một xã hội học tập, về thực chất, đó là một nền giáo dục mở, trong đó, nhà giáo có chức năng chia sẻ tri thức cho mọi người. Nền kinh tế tri thức sẽ phát triển khi mỗi người dân đều là những lao động tri thức, mỗi cộng đồng dân cư đều là cộng đồng tri thức, và tri thức sẽ là một sản phẩm, một hàng hóa được chia sẻ tới người có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm đó.
Chia sẻ tri thức là một phương thức giáo dục-đào tạo của một nền giáo dục chia sẻ, và giáo dục chia sẻ là một bộ phận của nền kinh tế chia sẻ. Sự tăng trưởng của vốn tri thức trong xã hội là điều kiện để xã hội phát triển nhanh và bền vững. Về ý nghĩa của giáo dục chia sẻ tri thức, xin mượn lời của Charles Franklin Brannan (Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ): “Nếu bạn có một quả táo và tôi cũng có một quả táo, chúng ta trao đổi cho nhau những quả táo này thì rốt cuộc, tôi và bạn vẫn mỗi người có một quả táo. Nếu bạn có một ý tưởng và tôi cũng có một ý tưởng, chúng ta trao cho nhau ý tưởng của mình, kết quả tôi có hai ý tưởng và bạn cũng có hai ý tưởng”.
Nhà trường chia sẻ tri thức, nhà giáo chia sẻ tri thức thì nền giáo dục trở nên hiện đại trong những năm đầu của thế kỷ 21.
Xã hội học tập đòi hỏi mỗi người dân phải là một công dân học tập, tức là người công dân coi việc học tập suốt đời là nghĩa vụ và là quyền bất khả xâm phạm của mình. Theo Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (8-4-2020) thì từ năm 2022, mọi người dân, kể từ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân đến những người làm nghề tự do, những người cao tuổi đã xong nghĩa vụ lao động, những người khuyết tật... đều phải phấn đấu trở thành những công dân học tập theo những bộ tiêu chí thích hợp. Chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy trong nhà trường đều hướng vào đào tạo công dân học tập tương lai. Để làm được nhiệm vụ đó, nhà giáo phải trở thành công dân học tập trước khi xuất hiện những cán bộ, công chức, viên chức... trở thành công dân học tập. Lý do thật đơn giản: Chỉ có nhà giáo-công dân học tập mới đào tạo ra những công dân học tập tương lai. Do vậy, ngành giáo dục cần là người tiên phong xây dựng những nhà giáo công dân học tập sớm hơn các ngành khác khi đi vào chương trình này. Mặt khác, trường sư phạm cần nhanh chóng đổi mới chương trình, giáo trình, phương thức đào tạo, cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo nhà giáo công dân học tập càng sớm càng tốt. Đổi mới sự nghiệp đào tạo sư phạm cần đón đầu có hiệu quả đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục mẫu giáo, giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học.
Bộ tiêu chí đánh giá mô hình “công dân học tập” sẽ bắt đầu được thử nghiệm tại các tỉnh, thành phố từ tháng 10-2020, đến cuối năm 2021, trên cơ sở thử nghiệm, bộ tiêu chí sẽ được hoàn chỉnh để Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thực thi trong cả nước từ năm 2022. Đó là bộ tiêu chí khung, và khi áp dụng vào ngành sư phạm, bộ tiêu chí sẽ bao gồm những năng lực cốt lõi và những kỹ năng cơ bản, những phẩm chất mong muốn như sau:
Năng lực tự học, học tập suốt đời bao gồm: Kỹ năng cập nhật những thông tin, những kiến thức về khoa học giáo dục và sư phạm hiện đại trên các phương tiện thông tin và truyền thông để áp dụng vào công tác giáo dục, đào tạo hằng ngày; kỹ năng xây dựng kế hoạch học tập theo các chương trình phục vụ công tác giảng dạy và đào tạo theo quy định của Nhà nước hoặc theo yêu cầu của đơn vị công tác, của tổ chức đảng hay công đoàn...; kỹ năng sắp xếp công việc chuyên môn hợp lý để có thời gian tham gia các hoạt động xã hội, các hội nghị, hội thảo khoa học...; kỹ năng động viên người thân, bè bạn, đồng nghiệp tham gia học tập suốt đời. Năng lực sử dụng những công cụ tương tác bao gồm kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu công việc và cuộc sống; kỹ năng sử dụng ngoại ngữ theo yêu cầu công việc và vị trí đảm nhiệm; kỹ năng tính toán để công việc được cải tiến, sáng tạo, đạt chất lượng và hiệu quả cao, đóng góp nhiều cho xã hội; kỹ năng tư duy phản biện, tư duy giáo dục trong công việc của nhà giáo, trong hoạt động xã hội. Năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội gồm kỹ năng tạo các mối quan hệ thân thiện với mọi người, điều hòa các quan hệ để tránh xung đột; có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Tuân thủ pháp luật, nhất là luật giáo dục, gìn giữ vị thế nhà giáo trước cộng đồng dân cư, cộng đồng sư phạm và trước học sinh; kỹ năng hợp tác, chia sẻ trong công tác giáo dục, trong hoạt động xã hội; tôn trọng bình đẳng giới, sự đa dạng văn hóa, tôn trọng học sinh; có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh trường, lớp.
Để nhà giáo trở thành công dân học tập trong quốc gia chuyển đổi số theo yêu cầu của Quyết định số 749/QĐ-TTg (3-6-2020), ngành giáo dục cần nhạy bén và nhanh chóng triển khai thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá mô hình “công dân học tập” trên đây, “ngành hóa” bộ tiêu chí này cho thích hợp với các loại hình giáo viên các ngành học từ mầm non, phổ thông, chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên đến đại học, sau đó sẽ triển khai đại trà trong toàn ngành từ năm 2022 khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí chính thức.
Hệ thống các trường dạy nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý cũng như các trường không thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ triển khai bộ tiêu chí chính thức do Chính phủ ban hành một cách đồng loạt theo lịch trình chung, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo là ủy viên thường trực của cơ quan chỉ đạo triển khai bộ tiêu chí này.
Các trường sư phạm cần nhanh chóng đổi mới một cách triệt để chương trình, nội dung, phương pháp, phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật... để đào tạo nhà giáo tương lai có được những năng lực cốt lõi, những kỹ năng cơ bản và những phẩm chất mong muốn của công dân học tập trong một giai đoạn phát triển xã hội cụ thể.
Công việc chuyển đổi số hệ thống sư phạm và trong việc xây dựng nhân lực sư phạm chất lượng cao theo chương trình chuyển đổi số quốc gia hoàn toàn không đơn giản. Trước hết, xây dựng cơ sở hạ tầng số cho các trường học và những phương thức học tập e-learning, online learning không thể thiếu ngay từ bây giờ. Tri thức luôn luôn thay đổi, nhanh chóng bị lão hóa, nhiều kiến thức trong sách giáo khoa và các giáo trình sẽ lạc hậu sau vài năm xuất bản. Việc tự học, tự truy cập những thông tin mới, những kiến thức mới và sự chuyển giao những kỹ năng mới phải dựa vào internet, vào các tổ chức chia sẻ tri thức... là việc làm mà nhà giáo phải coi đó là cơ bản nhất. Nhà giáo ngày nay không còn đơn thuần là người truyền đạt tri thức như một mẫu giáo viên vốn có trong nhà trường “2.0” mà ta vẫn duy trì đến bây giờ. Ngày nay, họ sẽ là người hướng dẫn, người hỗ trợ học viên, giúp người học (kể cả học sinh ít tuổi) học cách học, làm cho người học có năng lực xử lý thông tin thành tri thức hoặc sáng tạo tri thức từ tri thức.
Theo thiển ý của chúng tôi, để nhà giáo thành công dân học tập, Nhà nước nhất thiết phải có chính sách, có luật định, có cơ chế đầu tư tài chính xây dựng lại hệ thống đào tạo sư phạm và bồi dưỡng, đào tạo lại lực lượng giáo giới. Trước mắt cần giải quyết sớm: Đã là giáo viên thì dù dạy học ở bậc học nào, ở ngành học nào cũng phải trải qua vòng đào tạo ở bậc đại học. Với những giáo viên hiện nay chưa qua giáo dục đại học thì phải theo chương trình chuẩn hóa để có học vấn đại học. Tất cả loại hình giáo viên ít nhất phải sử dụng được một ngoại ngữ. Mọi giáo viên đều phải sử dụng được những thiết bị di động thông minh để tác nghiệp, tự học. Những giáo viên không đạt tiêu chí công dân học tập đều cần được nghỉ việc tạm thời để học hỏi, tu dưỡng, đào tạo lại. Nhà nước phải nghiêm cấm các cấp lãnh đạo giáo dục, các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên... chạy theo bệnh thành tích trong giáo dục. Hiện tượng đại đa số học sinh trong một lớp đều đạt học sinh giỏi, mọi luận văn tốt nghiệp của sinh viên và luận văn thạc sĩ đều giỏi, đạt từ 9 điểm trở lên, mọi luận án tiến sĩ đều được đánh giá đạt mức giỏi hay xuất sắc, mọi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều đạt kết quả từ 95% trở lên trong khi, cả xã hội lo lắng thanh, thiếu niên của ta chưa chăm lo học hành v.v.. và v.v.. đều đào tạo ra những công dân không tự giác học tập. Đây là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng nhân lực của nước nhà.
Trong những năm tới, không có được đội ngũ nhà giáo là những công dân học tập chân chính sẽ không thể có một chất lượng đào tạo cần thiết cho sự phát triển xã hội.
GS, TS PHẠM TẤT DONG