Hồ Chí Minh sinh ra trong gia đình gia giáo, nhân ái, yêu thương sâu sắc những người lao động; một gia đình mà hai bên nội-ngoại đều hiếu học và đỗ đạt, có chí lớn; cộng với một quê hương nghèo khó nhưng là chốn thi thư, đất văn vật; yêu quê hương, yêu đất nước, tiếp thu và nối tiếp truyền thống văn hóa dân tộc trong một thời đại với những sự kiện mang nhiều ý nghĩa tác động không nhỏ đến quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh có một tố chất đặc biệt về phẩm chất cá nhân: Là người nhạy bén, có khả năng tiếp thu nhanh, nhất là cái mới và luôn luôn đổi mới. Người không bảo thủ và giáo điều, luôn có xu hướng cách tân, sáng tạo. Mẫn cảm với thời cuộc, nhạy bén với chính trị, nhạy bén với tri thức mới, kiên định về nguyên tắc nhưng không cứng nhắc, rập khuôn. Ngay cả việc tiếp thu và xây dựng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng trên cơ sở của hoàn cảnh cụ thể, đúng lúc và đúng nơi để vận dụng sáng tạo và thực hiện. Ví như việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam-một sự kiện hệ trọng của Đảng và của dân tộc, hay như Nguyễn Ái Quốc viết bài nổi tiếng “có một không hai” báo cáo Quốc tế Cộng sản: “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ” về thực tế ở Việt Nam và các nước thuộc địa và cả sau này cũng vậy.
|
Tranh của PHẠM HÀ |
Sự nhạy bén của Hồ Chí Minh đối với cái mới không có nghĩa là thay đổi liên tục các quan điểm của mình, mà khi có thay đổi phải được đặt trên nền tảng vững chắc của tính nguyên tắc. Cái thấy đúng trước sau vẫn đúng, giữ vững, trước sao sau vậy, không hề suy suyển, nao núng. Đó chính là tư duy biện chứng và hành động của Hồ Chí Minh.
Cái nhanh nhạy, cái kiên trì, hay nói cách khác là giữ vững nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, luôn luôn sáng tạo... Đó là những phẩm chất cực kỳ quý giá, quan trọng, cần thiết đối với nhà hoạt động chính trị, đồng thời là nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh.
Làm chủ bản thân mình là điều không đơn giản chút nào. Hồ Chí Minh đã tổng kết về mối quan hệ cơ bản nhất của một con người: Đối với người-đối với việc-đối với mình. Trong đó, đối với mình là khó nhất. Đối với người có chức, có quyền thì làm chủ bản thân mình còn khó hơn nữa, bởi vì cám dỗ hơn ai hết.
Hồ Chí Minh làm chủ được mình nên sống lạc quan:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân;
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
(Tự khuyên mình)
Hồ Chí Minh là người có khả năng biến những giá trị văn hóa của dân tộc và của nhân loại thành giá trị của riêng mình, biết tiếp thu, kế thừa và phát triển. Là người bôn ba 30 năm đến nhiều nước trên thế giới, 30 năm sống ở nước ngoài với nhiều gian truân, vất vả, nhưng Hồ Chí Minh có ý thức tìm hiểu các giá trị văn hóa của thế giới. Đi nhiều nên đã học được nhiều và làm được những việc lớn lao, vĩ đại cho dân tộc, cho thế giới.
Từ một người có khả năng biến những điều tiếp thu được, đúc kết thành những vấn đề có hệ thống là một học thuyết, rồi tổ chức hoạt động thực tiễn, biến chúng thành hiện thực.
Cuộc đời Hồ Chí Minh là quá trình không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu cho cái chân, thiện, mỹ. Người rèn đạo làm người cho đến trọn vẹn cuộc đời. Sự tu dưỡng, rèn luyện này luôn gắn với cái tâm trong sáng. Cái tâm trong đức, trong trí, trong nhân, trong dũng... Các yếu tố này có tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách đạo đức, nhân cách trí tuệ Hồ Chí Minh.
Nhờ sự tôi luyện bản lĩnh, nhân cách trong lao động để tồn tại cuộc sống, những nhận thức rút ra từ thực tiễn lăn lộn tìm đường cứu nước, nên vào năm 1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên Báo L’humannite’ đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những câu hỏi đang nung nấu, tìm tòi. Nhân cách đạo đức và đặc biệt là nhân cách trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc đã được nâng lên về chất.
Trên bình diện nhân cách, Hồ Chí Minh đã trở thành lãnh đạo của Đảng và dân tộc với đầy đủ những phẩm chất cần có cả về đạo đức và trí tuệ, đức và tài. Thế nhưng, cũng bắt đầu từ đây, Người gặp nhiều khó khăn.
Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Quốc tế Cộng sản coi quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là phạm sai lầm “hữu khuynh’’, “dân tộc chủ nghĩa’’.
Như vậy, trên một số vấn đề quan điểm cơ bản, giữa Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản có sự khác nhau. Sở dĩ là do Quốc tế Cộng sản một mặt mắc sai lầm “tả khuynh’’, mặt khác do Quốc tế Cộng sản thiếu thông tin, thiếu thực tế về phương Đông, về các nước thuộc Đông Nam Á. Cho nên Nguyễn Ái Quốc bình tĩnh, về nguyên tắc Đảng là chấp hành, nhưng niềm tin tương lai sẽ được sửa đổi. Đến Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (1935) đã có sự thay đổi. Dưới ánh sáng của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Đảng ta chuyển hướng về đường lối và sách lược, tức là trên thực tế trở về tư tưởng, đường lối, sách lược mà Nguyễn Ái Quốc vạch ra từ khi mới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời kỳ này, nhân cách đạo đức, nhân cách trí tuệ Hồ Chí Minh được bổ sung, phát triển và phát huy đến cao độ, đáp ứng nhu cầu vận động không ngừng của cách mạng Việt Nam.
Quá trình hình thành nhân cách Hồ Chí Minh cũng là quá trình hình thành và phát triển tư duy lý luận cách mạng, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn Việt Nam, nên đã góp phần làm phong phú và phát triển tư tưởng cách mạng của thời đại trên một loạt vấn đề quan trọng và cấp bách, đặc biệt là về cách mạng thuộc địa trong thời đại mới. Đó là trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách Hồ Chí Minh và cũng là trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.
Về đặc trưng cơ bản nhân cách Hồ Chí Minh, theo GS, TS Mạnh Quang Thắng trong sách Nhân cách Hồ Chí Minh thì Hồ Chí Minh là chuẩn mực giá trị của một nhà hoạt động chính trị, người đứng đầu nhà nước, một vị lãnh tụ lỗi lạc, một nhà hiền triết, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, một trí thức uyên thâm, sắc sảo, một nhân vật xuất chúng, một vĩ nhân của dân tộc Việt Nam.
Nhân cách Hồ Chí Minh chính là TÂM, TÀI, LỰC. Ba thành tố này, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947) được cụ thể hóa là NHÂN, TRÍ, DŨNG, LIÊM, tiếp đến là CẦN, KIÊM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ.
Bao quát đặc trưng nhân cách Hồ Chí Minh là: Đạo đức chuẩn mực và tâm trong sáng.
Về nhân cách đạo đức
Nhân trong nhân cách Hồ Chí Minh có cốt lõi là nhân ái, tình thương của Người với nhân dân, với nhân loại cần lao. Nhân ái của Người khác với kiêm ái của Mạc Tử, của Ki-tô giáo, Phật giáo, của sĩ phu phong kiến Việt Nam. Nhân ái Hồ Chí Minh trước hết là yêu thương, tôn trọng con người đặt vào những “người cùng khổ”.
Nhân trong nhân cách Hồ Chí Minh là sự tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền con người, là sự đấu tranh quyết liệt, không đội trời chung với kẻ thù chà đạp lên nhân phẩm, áp bức, bóc lột người lao động.
Nhân được nâng cao thành nhân nghĩa ở đời, thể hiện ở hành động cứu người, cứu đời, ở cách xử thế, lối sống trong đời sống hằng ngày.
Lòng nhân ái của Hồ Chí Minh với nhân dân, với nước “như dòng sông chảy nặng phù sa”, nó vô tận và bao la vì dòng sông có bao giờ hết chảy, có bao giờ thôi chở những hạt phù sa. Tình thương đó ăn sâu vào khối óc, con tim của biết bao thế hệ người Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã cống hiến suốt đời cho nhân dân, dân tộc, đất nước. Cả cuộc đời Người thực hiện mong muốn cho đến khi Người ra đi mãi mãi.
Về tâm trong sáng
Cái tâm cũng là cốt lõi tạo nên nhân cách Hồ Chí Minh-một nhân cách thiên tài.
Trong ngôn ngữ hằng ngày, tâm thường được hiểu là tấm lòng, thiên về nghĩa tình cảm (như tâm can, tâm sự, tâm tình...).
Theo nghĩa tâm lý học, tâm chỉ toàn bộ các hiện trạng tâm lý, từ nhận thức, tình cảm, ý chí, hành vi... Chữ tâm bao hàm nhiều nghĩa. Chữ tâm theo nghĩa tình cảm (tâm cảnh) được hiểu là lòng người, lòng yêu thương, khinh miệt hoặc kính trọng, hoặc đồng cảm, hoặc căm thù...
Chữ tâm theo nghĩa đức chí trong tâm lý thường đi đôi với ý chí, thể hiện khả năng tự đặt cho mình mục tiêu hành động và sự kiên trì thực hiện mục tiêu đó. Ý chí là một hoạt động của thực tiễn, năng lực làm biến đổi và cải tạo xã hội loài người.
Yếu tố đầu tiên, bất di bất dịch của cái tâm trong nhân cách Hồ Chí Minh vẫn là lòng thương người, thương yêu tới vô hạn, rộng đến bao la vô cùng. Ở Người, lòng tin vào tính bản thiện, vào phẩm giá của con người được nhân lên nhờ sự nhận thức, mắt thấy tai nghe thực tế đau khổ của người lao động Việt Nam và các nước thuộc địa, các nước đế quốc. Cái tâm nhân ái dần chuyển thành tư tưởng nhân đạo. Lòng thương yêu con người bao la, mang tầm nhân loại của Hồ Chí Minh đã được chứng minh hùng hồn bằng cả cuộc đời hoạt động vì độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của người Việt Nam và nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Có thể nói, Hồ Chí Minh là hiện thân một trí tuệ lớn của thời đại, với tư chất thông minh, sáng tạo và sự ham mê học hỏi, khám phá. Người đã tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của triết học và văn hóa phương Đông, các quan điểm dân chủ, nhân đạo, tiến bộ của phương Tây cũng như tư tưởng cách mạng vô sản tiên tiến của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thể hiện ở sự nhận thức hiện thực xã hội, những bất công vô lý, vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc cũ và mới đối với dân tộc thuộc địa, ở sự nhận thức đúng đắn các quy luật vận động, phát triển tất yếu của lịch sử, ở sự xác định vai trò quyết định yếu tố con người trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Đường lối của Hồ Chí Minh thể hiện ở cái tâm trí tuệ được khái quát thành hệ tư tưởng, đó là lý luận, chiến lược cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, kinh tế chưa phát triển. Tư tưởng này được nhiều nước thuộc địa vận dụng vào thực tiễn cách mạng của họ. Xem xét cái tâm theo ý chí, khả năng hoạt động thực tiễn nhằm cải tạo xã hội, đó là điểm nổi bật đặc biệt của Hồ Chí Minh. Ý chí mạnh, vững vàng, bản lĩnh kiên định, ý thức tự rèn luyện bản thân để chiến thắng mọi gian lao, khổ cực, vượt qua mọi hoàn cảnh, tình thế, tình huống qua nhiều giai đoạn của cuộc đời cách mạng.
Cái tâm nhân ái, cái tâm trí tuệ, cái tâm ý chí và nhân cách đạo đức đã hội tụ ở Hồ Chí Minh thành nhân cách Hồ Chí Minh, một trong không nhiều nhân cách vĩ đại nhất thế kỷ 20.
Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng nhân cách vĩ đại của Người mãi mãi là niềm tự hào, là tinh hoa, là biểu tượng cho cái tâm của dân tộc Việt Nam.
Nhà văn LÊ XUÂN ĐỨC