Trong lịch sử mỹ thuật loài người từ thời cổ đại, trung cổ cho đến phục hưng, nụ cười rạng rỡ được cho là thiếu nghiêm túc. Ngược lại với ngày nay, khi chúng ta coi nụ cười như sự biểu lộ thân thiện, hạnh phúc hay tình cảm. Nó như một điều kiện tiên quyết trong các bức ảnh. Ban đầu, chúng ta có thể cho rằng người phương Tây hàng thế kỷ trước cố gắng không cười trong các bức tranh chân dung nhằm tránh để lộ hàm răng xấu của mình. Bởi lẽ việc vệ sinh răng kém giai đoạn này đã quá phổ biến, đến nỗi răng đã không còn được coi là một yếu tố của sự hấp dẫn.
    |
 |
Tác phẩm "Portrait of a Young Man" của Antonello da Messina. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, Mỹ. |
Tuy nhiên, câu trả lời lại đơn giản hơn nhiều: Ngày nay, cười để tự chụp ảnh chỉ mất vài giây, nhưng ngược lại, ngồi làm mẫu để vẽ chân dung thì mất hàng giờ đồng hồ. Vậy nên tạo dáng là một việc hết sức khó khăn. Chúng ta đều hiểu mình sẽ như thế nào nếu phải giữ miệng cười quá lâu để chụp ảnh: Chúng ta sẽ thấy mình có điệu cười thật nhăn nhó khi xem lại các bức ảnh ấy.
Nụ cười cũng giống như cái liếc mắt, nó là sự đáp lại chứ không phải sự biểu lộ tình cảm, vì vậy, chúng ta không thể dễ dàng khi giữ nụ cười lâu hoặc lưu lại nụ cười ấy. Nếu một họa sĩ cố gắng thuyết phục người ngồi mẫu để vẽ chân dung họ đang cười thì ngay lập tức, bức chân dung đó sẽ được coi là cực đoan, nụ cười sẽ trở thành điểm nhấn của bức tranh, nhưng đó lại không phải những gì chủ nhân bức chân dung mong muốn.
Ông Antonello da Messina, họa sĩ thời phục hưng người Italy là một trong số ít họa sĩ từng kiên định với việc vẽ chân dung cười. Messina được đào tạo những kỹ năng vẽ sơn dầu độc đáo vốn được phát triển ở Hà Lan, với ưu tiên cho lĩnh vực vẽ thiên nhiên. Ông bắt đầu vẽ chân dung với nụ cười để miêu tả cuộc sống nội tâm của người mẫu. Nổi tiếng trong đó là bức “Portrait of a Young Man” (Chân dung một người đàn ông trẻ) của ông, từ khoảng năm 1470. Tác phẩm này ra đời trước cả bức chân dung “Mona Lisa” nổi tiếng của Leonardo da Vinci rất lâu (hoàn thành trong những năm 1503-1519), đã từ lâu được coi là một bức chân dung có nụ cười bí ẩn nhất trong nghệ thuật vẽ tranh. Không ai có thể biết bằng cách nào Leonardo thuyết phục Mona Lisa cười, khi mà việc giữ được khuôn mặt với đôi môi mím chặt của cô ấy như vậy là rất khó.
“Mona Lisa” liệu có mang đến cho người xem của mình sự mời gọi say đắm lòng người hay lại là sự coi thường? Có lẽ là nụ cười vĩ đại nhất trong các bức chân dung của Leonardo xuất hiện trong bức tranh mang tên “Saint John the Baptist” (Thánh John Baptist), được vẽ vào khoảng những năm 1513-1516. Có một sự thực rằng, nụ cười điệu đà của St.John là một hiện tượng phổ biến hơn nhiều trong lịch sử nghệ thuật phương Tây.
Vào thế kỷ 17 ở châu Âu, các nhà quý tộc cho rằng, việc để lộ hàm răng (kể cả ở nơi công cộng hay trong nghệ thuật) là một sự biểu lộ dâm dục, chỉ dành cho tầng lớp thấp, những người say xỉn hoặc các diễn viên nhà hát. Mặc dù vậy, người Hà Lan lại đặc biệt thích miêu tả cuộc sống thường ngày bằng những nụ cười. Nhiều họa sĩ như Jan Steen, Frans Hals, Judith Leyster và Gerrit van Honthorst,… tự do phác họa chân dung với nụ cười những người ăn chơi chè chén thuộc tầng lớp thấp trong xã hội.
Bức chân dung “The Merry Fiddler” vẽ năm 1623 của Gerard van Honthorst và bức tranh chân dung mang tên “The Concert” (tạm dịch: Buổi hòa nhạc) vẽ năm 1623 của Judith Leyster đều lột tả những nụ cười hở răng và tiếp tục là sự kết hợp âm nhạc trong hội họa của thời phục hưng như một biểu tượng của tình yêu. Tuy nhiên, trong các bức tranh đó, sự lột tả những kẻ say xỉn lạc lối hay những ngụ ý về tình dục là rõ ràng: Nhân vật trong bức tranh của Gerard van Honthorst giơ cốc rượu về phía người xem; đôi má ửng hồng của ông chứng tỏ ông đang say xỉn. Trong khi đó, trong bức tranh “The Concert”, ba diễn viên trẻ dường như đang trong phân cảnh của mối tình tay ba.
Không còn nghi ngờ gì, những họa sĩ đó bị ảnh hưởng bởi bậc tiền bối người Italy của họ, họa sĩ Caravaggio. Nhạc cụ rải rác trên sàn nhà trong bức chân dung gây sốc và có tầm ảnh hưởng của ông năm 1602 mang tên “Triumphant Eros” (Vị thần Ái tình chiến thắng)-một biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp vị thành niên. Vị thần Ái tình trẻ trung, khỏa thân, cầm mũi tên trong tay, cười một cách dâm tục với người xem. Khi bức chân dung này được giới thiệu với công chúng, sự biểu lộ kỳ lạ trên khuôn mặt đó khiến người xem coi tác phẩm như một lời ca tụng tình yêu đồng giới.
Ngược lại, sự quyến rũ mãi mãi của những nụ cười mỉm kín đáo với hai bờ môi mím chặt giống như tranh về Mona Lisa lại được thể hiện trong những bức chân dung thanh lịch của những phụ nữ ưu tú, nhằm chuyển tải sự e lệ và gợi cảm của nhân vật trong bức họa. Tranh của Peter Paul Ruben vẽ vợ ông “Portrait of Isabella Brant” (tạm dịch: Chân dung Isabella Brant) (khoảng những năm 1620-1625), tranh của Francisco de Goya (trước năm 1805) và tranh của Jean-Auguste-Dominique (năm 1823) đều đi theo xu hướng này.
Ngay sau sự phát minh ra thuật chụp ảnh vào giữa thế kỷ 19, nụ cười thoáng qua trở thành một biểu tượng chuẩn đối với các tác phẩm chân dung. Những họa sĩ hiện đại và đương thời đã vẽ những nụ cười bất an để diễn tả ý nghĩa lo ngại về tình hình chính trị-xã hội. Bức tranh của Kerry James Marshall (năm 1980) là một bức tranh hai chiều về chính họa sĩ, với những nụ cười toe toét tới tận mang tai, để lộ hàm răng trắng bóng. Tác phẩm này phác họa cuốn tiểu thuyết “Invisible Man” (tạm dịch: Người vô hình) của Ralph Ellison, đồng thời là nét biếm họa về sự phân biệt chủng tộc và thể hiện hình ảnh của nhóm nhạc hát rong da đen.
Theo nhiều phương diện, sự tri nhận về nụ cười trong lịch sử nghệ thuật đã cho thấy thiện ý của chúng ta trong việc nhìn nhận chính bản thân và nhìn nhận những người khác.
NAM KHÁNH (tổng hợp)