Nguyễn Thị Kim sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tuổi thơ của bà gắn bó với phố Hàng Gai. Bà thích vẽ từ nhỏ. Cha bà chính là người thầy đầu tiên nhen nhóm trong tâm hồn bà lòng đam mê nghệ thuật. Lúc thiếu thời được tiếp xúc với họa sĩ Lê Thị Lựu (nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam-khóa III, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương 1927-1932), ước mơ được vào trường mỹ thuật trở thành niềm khát khao cháy bỏng của cô thiếu nữ Hà thành Nguyễn Thị Kim. Hồi đó, phụ nữ học mỹ thuật rất hiếm, trong nhiều năm, trường chỉ thu nhận 3 sinh viên nữ (trong số 128 sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 1925-1944) và Nguyễn Thị Kim là một trong số đó.
    |
 |
Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim bên bức tượng Bác Hồ |
Kỷ niệm không bao giờ quên và tạo niềm cảm hứng sáng tác trong cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Thị Kim là vào tháng 5-1946, bà cùng họa sĩ Tô Ngọc Vân và Nguyễn Đỗ Cung được Hội Văn hóa cứu quốc cử vào vẽ và đắp tượng Bác Hồ, chuẩn bị cho triển lãm mỹ thuật mùa thu đầu tiên của cách mạng. Sinh thời, bà kể, bà đã lặng đi trong niềm vui, niềm vinh dự được gặp Bác và nỗi lo về nhiệm vụ mới. Bà nhớ như in lúc mình mang giá nặn và thùng đất lúng túng chưa biết đặt vào đâu, Bác đã gọi người mang đến cho chiếc chiếu để đặt dụng cụ làm việc. Nhớ những lúc Bác hỏi đùa rất thân mật: “Mẫu phải ngồi thế nào đây?”, “Hôm nay mẫu ngồi thêm giờ phải có bồi dưỡng đấy nhé”... Lúc bà lúng túng vì sợ các dụng cụ điêu khắc đụng vào Bác, Bác bảo: “Cô cần đo cứ đo, đừng ngại. Không đo, làm không được thì hỏng việc”, hoặc: “Lúc nào làm việc cũng phải mang đủ thứ như thế này à? Thế ra làm công tác văn nghệ cũng nặng nhọc và vất vả nhỉ?”... Ngày ngày, trước khi các nghệ sĩ làm việc xong, chuẩn bị ra về, Bác đều xem lại tượng, tranh. Người góp ý: “Này, hai tai Bác không đều nhau đâu, bộ râu thế mà khó đấy nhỉ, hãy xem người Ai Cập xưa họ thể hiện râu ra sao?”. Hơn 20 ngày, mỗi ngày được gần Bác hai giờ, nặn tượng Bác, với bà đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên. Điều đặc biệt là thần thái vĩ đại, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in sâu vào tâm khảm của Nguyễn Thị Kim, để rồi đề tài Bác Hồ là đề tài lớn và cũng làm nên sự nghiệp của nữ điêu khắc gia trong nền điêu khắc Việt Nam.
Tại Phòng Triển lãm mỹ thuật Tháng Tám khai mạc ngày 18-8-1946 ở Thủ đô Hà Nội, nhân kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn một tuổi, bức tượng “Chân dung Hồ Chủ tịch” của Nguyễn Thị Kim được đặt tại vị trí trang trọng. Nữ điêu khắc gia thể hiện Bác Hồ trong tư thế đang đọc sách, đầu hơi cúi xuống, vầng trán, rộng nét mặt đăm chiêu. Nguyễn Thị Kim đã thể hiện hình tượng vĩ đại của lãnh tụ dân tộc bằng ngôn ngữ điêu khắc giản dị. Bà đã thể hiện được cái thần thái ung dung ẩn chứa nội tâm sâu thẳm của vị Chủ tịch nước lo toan trăm mối cho đất nước mới giành được độc lập. Mỗi lần nhìn thấy bức tượng, bao nhiêu kỷ niệm về ngày tháng trọng đại đó lại ùa về với bà. Bà vô cùng khâm phục sự giản dị vĩ đại và trí tuệ uyên bác của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Pho tượng sau này được đúc đồng, đặt ở Nhà in Báo Sự thật (114 phố Bạch Mai, Hà Nội). Ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, vợ chồng bà Kim đã chôn giấu pho tượng trước khi rút khỏi Thủ đô tham gia kháng chiến.
Đề tài Bác Hồ chiếm phần lớn sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thị Kim. Bà đã tập trung nhiều suy nghĩ, đầu tư sức lực, trí tuệ để thể hiện. Tình cảm đối với Bác trở thành ngọn lửa say mê sáng tạo đối với bà. Năm 1952, tại Thái Nguyên, bà làm bức đắp nổi về Bác Hồ. Ở rừng thiếu đất nặn, đồng đội đã đi vào tận suối sâu trong rừng thẳm để lấy nguyên liệu cho bà hoàn thành tác phẩm. Năm 1960, bà sáng tác tác phẩm “Bác Hồ ngồi làm việc” cỡ lớn trên cơ sở bức chân dung sáng tác năm 1946. Nguyễn Thị Kim sáng tạo đều đặn, số lượng tác phẩm của bà nhiều lên theo năm tháng, tiêu biểu là “Tượng Bác Hồ” (1946-đồng), “Bác viết Tuyên ngôn Độc lập” (1945-thạch cao), “Tiếp quản Thủ đô” (1958-đất nung), “Chân dung cháu gái” (1958-đồng), “Công nhân hầm lò”, “Công nhân mỏ” (1960-thạch cao)...
Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật - giải thưởng cao quý nhất tặng người nghệ sĩ của cách mạng, của nhân dân năm 2001. Trong chặng đường lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Nguyễn Thị Kim đã ghi một dấu ấn, một điểm son, là người góp viên gạch đầu tiên xây dựng nền điêu khắc hiện đại Việt Nam.
TRẦN THỊ QUỲNH NHƯ