Từ cuối tháng 4-2019, nhiều cuộc triển lãm, thuyết trình, hội thảo, ca nhạc về “Con tàu ma” (tiếng Đức là “Der fliegende Hollander”, tạm dịch: “Người Hà Lan bay”) và Richard Wagner được tổ chức ở nhiều nơi trên đất Pháp, khiến công chúng náo nức chờ đợi vở diễn. Tiếp theo, nhiều hãng phát thanh và truyền hình của Pháp, như France Télévision, Radio France, Télénantes… bàn bạc kỹ lưỡng về việc phối hợp sao cho buổi truyền hình có một không hai đạt hiệu quả cao nhất có thể. Cơ quan văn hóa, chính quyền các địa phương cũng vào cuộc tận tình. Và sự chung sức chung lòng của các bên đã đưa lại những bất ngờ hơn cả thú vị.
    |
 |
Richard Wagner. Ảnh tư liệu |
Lúc đầu, lãnh đạo Nhà hát Graslin dự định chiếu vở diễn qua màn hình lớn ngoài trời, ở những quảng trường hay địa điểm chủ yếu tại các thành phố miền Tây, nhưng cuối cùng, việc đó được tiến hành ở bất cứ nơi nào có địa điểm chung rộng rãi, dù có mái che hay không, như bể hay hồ bơi, nơi giao lưu với khách hàng của các nhà nhiếp ảnh, trung tâm nữ phạm nhân, điểm cải huấn trẻ vị thành niên, khu ký túc xá đại học… Nhiều làng xã cũng xin được xem truyền hình trực tiếp “Con tàu ma” trên màn ảnh nhỏ gia đình… Vở nhạc kịch được thể hiện bằng tiếng Đức, bên trên sân khấu hiện rõ phụ đề tiếng Pháp. Như thế, bất cứ ai ở miền Tây nước Pháp cũng có thể được tùy ý thưởng thức kiệt tác của Richard Wagner mà không phải trả tiền… Đáng chú ý, phương diện tài chính của buổi truyền hình trực tiếp không được đề cập. Những người tổ chức muốn một chương trình nghệ thuật vì số đông, cho số đông, đúng như tâm niệm hồn cốt của Richard Wagner thuở sinh thời.
Đời riêng và sự nghiệp nghệ thuật khá đặc biệt, lắm thăng trầm của Richard Wagner luôn là chủ đề hấp dẫn công chúng. Ông là một bộ óc bách khoa thư, thời trẻ từng mong muốn có sự nghiệp như Shakespeare (1564-1616), nhà viết kịch số một toàn cầu. Sau đó, ông lại mong được như Beethoven (1770-1827), nhà soạn nhạc nhóm trên đỉnh thế giới. Đời ông nhiều long đong, lận đận, có khi phải chạy trốn chủ nợ, làm việc cơ cực để sống đắp đổi qua ngày. Từng phiêu bạt nhiều nơi ở Đức và các nước khác như Thụy Sĩ, Anh hay Pháp, từng nhiều phen thất bại ê chề với những thăng trầm bi hài trong đời sống tình cảm nhưng ông luôn nhận được sự ngưỡng vọng của công chúng.
Sự kiện nổi bật nhất trong đời ông là “ân huệ” mà vua Ludwig II xứ Bavaria (1864-1886), một người hâm mộ ông hết sức cuồng nhiệt, dành cho ông sự ủng hộ hầu như vô điều kiện. Số là, như mọi văn nghệ sĩ khác, việc được công chúng Paris ghi nhận là cánh cửa tất yếu để đi vào vũ trụ nghệ thuật thứ thiệt. Wagner cũng quyết tâm đạt được thành công lớn ở Paris-thủ đô của nghệ thuật phương Tây thời bấy giờ. Năm 1861, ông tập trung tâm sức cho việc trình diễn ở Paris vở nhạc kịch “Tannhauser” của mình, nhưng khán giả đa phần huýt sáo chế giễu, báo chí chê cười thậm tệ… Đằng sau thất bại ầm ĩ ấy là mưu đồ nhơ bẩn của các đối thủ nghệ thuật của ông. Năm sau, 1862, ông chia tay Minna Planer, nữ diễn viên mà ông kết hôn từ năm 1836. Năm 1864, vừa lên ngôi, vua Ludwig II đã mời thần tượng Wagner của mình về Munich, trả hết nợ nần cho Wagner, tạo điều kiện cho Wagner công diễn các vở nhạc kịch của mình dưới sự điều phối của Hans von Bulow (1830-1894)-nhạc trưởng, đồng thời là tay dương cầm gạo cội, một học trò sáng giá của Wagner. Với sự tài trợ của vua Ludwig II xứ Bavaria, một nhà hát tại Bayreuth đã được xây dựng do chính Wagner thiết kế chuyên để trình diễn các tác phẩm của Wagner. Nhưng đúng lúc ông không còn phải bận tâm về tài chính thì oái oăm thay, Cosima Bulow-vợ người học trò Hans von Bulow, con gái của nhạc sĩ thiên tài người Hungary Franz Liszt (1811-1886), bạn thân của Wagner-đem lòng si mê Wagner, dù kém ông tới 24 tuổi. Năm 1865, Cosima sinh một bé gái, mang dòng máu của Wagner, cả Munich sôi lên vì đủ chuyện xì xầm, ảnh hưởng tới uy tín triều đình. Năm 1866, Wagner đành lòng “rời bỏ” nhà vua trước áp lực dư luận. Năm 1869, Cosima ly dị Bulow và năm sau làm lễ cưới với Wagner, chấp nhận cuộc sống phiêu bạt cùng ông. Hans von Bulow sau đó chấp nhận tha thứ cho vợ và Wagner… Cosima thực sự mang lại hạnh phúc cho ông, từ đó cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng.
Richard Wagner căm ghét chủ nghĩa tư bản và quân phiệt. Do vậy, quan điểm nghệ thuật của ông được xem là tiến bộ nhất đương thời, thể hiện qua những tác phẩm lý luận về âm nhạc và sân khấu như: “Nghệ thuật và cách mạng”, “Lao động nghệ thuật của tương lai”, “Opera và tính kịch”... Lý tưởng thẩm mỹ này được định hướng từ tâm niệm của Arthur Schopenhauer (1788-1860), nhà triết học Đức vĩ đại mà ông tôn làm sư phụ toàn diện. Ngày nay, điện ảnh được coi là nghệ thuật tổng hòa của mọi nghệ thuật, thì thời ấy, Schopenhauer nhấn mạnh rằng âm nhạc là nghệ thuật chủ lực, vì không mấy liên quan tới thế giới vật chất; âm nhạc phải là tổng hợp của văn-thơ-nhạc-họa. Từ đó, Wagner chủ trương, nhạc kịch cần từ bỏ những ước lệ khô cứng, nhạc kịch phải là hoa trái của sự hợp tác giữa nghệ sĩ và nhân dân, cội nguồn của mọi thiên tài, mà gương sáng là những thành tựu chói lọi của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, nảy sinh từ sự hòa hợp thân thiết giữa nhà thơ và công chúng của mình. Không lạ, Richard Wagner đứng lại vĩnh viễn trong lịch sử nghệ thuật thế giới như một trong những nhạc sĩ quan trọng nhất, với những vở nhạc kịch cuốn hút, đầy chất văn, chất thơ, chất họa. “Con tàu ma” là một trong những thành tựu luôn chói lọi theo thời gian. Nó được trình diễn không ngưng nghỉ, ở khắp hành tinh, suốt từ khi ra đời. Lý do cho sức thanh xuân của nó có lẽ là tính thời sự của chủ đề tư tưởng. Chuyện của “Con tàu ma” được gợi ý từ nhiều truyền thuyết Tây Âu cổ, đặc biệt là câu chuyện về anh chàng Hà Lan buộc phải trôi dạt muôn đời trên biển. Từng cơ cực trong một chuyến đi gặp bão biển đe dọa tính mạng, Richard Wagner ngẫm nghĩ nhiều về giai thoại chàng Hà Lan xấu số. Và “Con tàu ma” ra đời.
Chuyện rằng, do báng bổ Chúa trời, một thuyền trưởng Hà Lan bị dính lời nguyền nên phải lang thang mãi mãi trên các đại dương. Một thiên thần đã cho ông cơ hội để giải thoát khỏi lời nguyền, đó là cứ bảy năm một lần, những con sóng sẽ đẩy ông vào bờ; nếu ông tìm được một người vợ chung thủy thì ông sẽ được giải thoát. Chiếc tàu của thuyền trưởng bị va vào một con tàu đang tránh bão và những chiếc neo tàu đã móc hai chiếc tàu vào nhau. Thuyền trưởng của con tàu tránh bão có người con gái chưa chồng tên là Senta và ông ta đồng ý gả con gái để đổi lấy châu báu. Senta vừa gặp đã trúng tiếng sét ái tình với thuyền trưởng Hà Lan, nhưng trước đó cô đã hứa hôn với Erick. Erick lên tiếng trách móc Senta. Viên thuyền trưởng không thể phá hoại hạnh phúc của người khác, bèn nói thật bản án kinh khủng của mình và nhảy lên “Con tàu ma”, chạy trốn ra biển. Bất ngờ, Senta chung tình đã tự hứa sống chết vì “người mới”, nên nhảy xuống biển tự tận… “Con tàu ma” là câu chuyện hàm chứa nhiều thông điệp, khiến công chúng hôm nay khó hờ hững.
Một trong những thông điệp của “Con tàu ma” là ở đâu cũng vậy, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn sống hạnh phúc, dù họ vô thần, vô tín ngưỡng… Từ những giá trị không thể chối cãi ấy, các nhà nhạc kịch Pháp vỡ lẽ rằng, nhạc kịch thực ra là dành cho đông đảo khán giả. Cần xóa bỏ định kiến lâu nay rằng nhạc kịch chỉ vừa tầm với những người lắm bạc nhiều tiền, học cao biết rộng. Năm 2009, ở thành phố Rennes miền Tây nước Pháp đã tổ chức truyền hình trực tiếp đến đông đảo công chúng vở “Don Giovanni” của Mozart (1756-1791). Thành công của tinh thần “nghệ thuật cho số đông” rất đáng khích lệ. Năm 2017, kiệt tác “Carmen” của Meilhac (1831-1897), Halevy (1799-1862) và Bizet (1838-1875) được truyền hình trực tiếp mấy lần liền đều thành công vang dội. Sau thành công mỹ mãn của dự án truyền hình trực tiếp “Con tàu ma” năm nay, ông Mathieu Rietzler, giám đốc Đoàn Nhạc kịch Rennes, đại diện cho các nhà chủ trương “đại chúng hóa nhạc kịch” vui mừng khẳng định: “Chúng tôi vững tin vào sức mạnh kết nối cộng đồng của nhạc kịch, vào khả năng của nó-khơi gợi những xúc động tập thể”.
NGUYỄN QUẢNG VĂN