Chính vì tầm quan trọng này mà Tết Nguyên đán là dịp để triều đình thực hiện việc ban thưởng, ân xá… Tất cả đều thể hiện rõ nét qua "Châu bản triều Nguyễn".
Ban thưởng cho quan lại
Tết Nguyên đán là dịp nhà vua ban tiệc thưởng cùng vàng bạc cho các quan viên theo thứ bậc. "Châu bản triều Nguyễn" Minh Mạng tập 20, tờ 199, ngày 19 tháng Chạp năm Minh Mạng thứ 7 có nội dung: “Thượng dụ: Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ cùng ăn Tết với các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban cho ăn tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và Chư công mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm nhất phẩm mỗi người 12 lạng; Tòng nhất phẩm 10 lạng; Chánh nhị phẩm 8 lạng; Tòng nhị phẩm 6 lạng; Chánh tam phẩm 5 lạng; Tòng tam phẩm 4 lạng; Chánh tứ phẩm 3 lạng; Tòng tứ phẩm 2 lạng 5 tiền… thị nội Chánh đội trưởng, Đội trưởng suất đội, Cai đội, Suất đội các quân đều được thưởng mỗi người một lạng và đều cho dự tiệc”.
Tuy nhiên, không phải tất cả quan viên đều được tham dự yến tiệc. Những người dự yến phải là hoàng thân quốc thích, quan lại có phẩm hàm cao, người lập nhiều công trạng hoặc những người đỗ đạt cao trong khoa cử. Những thành phần phải đưa ra xem xét là những quan viên hiện đang có tang hoặc can án, xét bàn chưa xong… Nội dung văn bản sau là một ví dụ: “Nội các kính tâu: Tết Nguyên đán đầu năm tới được ban tiệc thưởng theo thứ bậc có khác nhau. Nay theo sách tấu của Phủ Tôn nhân đem trình các thân phiên, hoàng thân công, hoàng thân theo lệ được dự tiệc ở điện Cần Chánh là 54 người, theo lệ được dự tiệc ở Duyệt Thị đường là 12 người. Lại trình kèm rằng Diên Khánh Công Tấn, Ninh Thuận, Công Miên Nghi hiện đang có tang, theo lệ không dự tiệc, nên chăng được ban thưởng. Sách tấu của Bộ Lễ đem ban văn ở Kinh Thự Chánh lục phẩm trở lên, trong đó viên nào can án, xét bàn chưa xong, còn được theo ban hầu hạ theo lệ được dự tiệc, người chưa hết tang hiện ở lại nha làm việc cũng được dự khoản theo từng khoản tập hợp danh sách… Chúng thần xét thấy, trước kia xử lý: Về các viên can tội tầm thường, không làm việc công vì có tang và đến Kinh chiêm cận, đến Kinh đợi chỉ, ở lại Kinh theo ban đều được dự thưởng. Nay xin theo đó mà làm. Duy 4 người hiện đang có tang nên chăng được thưởng và 5 viên Phụ chính Đại thần Vũ Văn Giải can án nên chăng dự thưởng, kính cùng tâu trình, chờ chỉ vâng mệnh làm tờ phiếu. Châu phê: Đều là việc tầm thường, chuẩn cho được dự tiệc thưởng”. ("Châu bản triều Nguyễn" tập 41, tờ 354, ngày 30 tháng Chạp năm Tự Đức thứ 5)
Nói chung, nhà vua là người quyết định thành phần dự yến tiệc, tùy theo từng đời vua mà thành phần tham dự yến tiệc có sự thay đổi.
Các quan dự tiệc tại điện Cần Chánh. Ảnh tư liệu
Thăng thưởng cho người có công
Tết Nguyên đán cũng là dịp triều đình thăng thưởng để khuyến khích những người có công trạng, làm việc lâu năm. Những viên quan được thăng thưởng hàm gì đều phải kê khai thông tin lý lịch đầy đủ. "Châu bản triều Nguyễn" tập 32, tờ 14, ngày 24 tháng Giêng năm Duy Tân thứ 6 có nội dung: “Bộ Binh tâu: Tháng 10 năm ngoái nhận được tờ tư của phủ Thừa Thiên trình bày việc gần đến Tết Nguyên đán, theo lệ có việc thăng thưởng cho các viên có công trạng. Phủ ấy bàn bạc xem xét các viên quan võ làm việc lâu năm lại có công trạng xin cho được thăng thưởng để khuyến khích. Bộ thần vâng xét thấy theo lệ đã phù hợp nên chuẩn y. Ngoài ra, các viên đầu quân mới ít ngày không có công trạng gì lắm nghĩ nên đình chỉ việc xét thưởng để đợi còn các viên từ 50 tuổi trở lên cho giữ phẩm hàm về quê nghỉ hưu. Binh ngạch khuyết đó xin do phủ ấy chọn người bổ sung, đã bàn bạc với tòa Khâm sứ thẩm duyệt, xem nên chuẩn cho thi hành. Tất cả các viên, viên nào được thăng thưởng hàm gì đều đem tên tuổi, quê quán, lý lịch liệt kê phía sau. Châu điểm”.
Thưởng cho binh lính
Tết Nguyên đán cũng là dịp để triều đình khao thưởng binh lính, những người đã có công giúp triều đình phong kiến. Đơn cử: “Bộ Hộ phúc tâu: Nay phụng sắc: Nay là Tết Nguyên đán, vậy các viên biền binh dũng ở các quân thứ truyền cho bộ theo lệ trước đây làm phiếu nghĩ dụ ngữ để ban yến và do Bộ Binh chuyển phát bằng ngựa cho kịp khao thưởng. Lại các trạm từ Kinh ra Bắc, gần đây, việc vận chuyển cũng vất vả gian lao. Nay đã gần Tết cũng chiếu theo cách làm trước đây làm phiếu dụ thưởng cấp cho một lần tiền gạo. Thần bộ xét các quân thứ ở Bắc Kỳ vâng theo dụ chuẩn hàng văn từ Lục, Thất phẩm, võ từ Hiệp quản, Suất đội trở lên thì các tỉnh mở yến tiệc khao đãi một lần, ngoài ra thì khao đãi thịt trâu, thịt lợn, không được phát thay bằng tiền. Từ Kinh đô trở về Bắc có 32 trạm dịch nhiều việc thưởng cho mỗi trạm 30 quan tiền và 15 phương gạo, có 30 trạm công việc đỡ hơn thưởng cho mỗi trạm 20 quan tiền, 10 phương gạo. Châu điểm”. ("Châu bản triều Nguyễn" tập 235, tờ 149, ngày 19 tháng Chạp năm Tự Đức thứ 23)
Dâng biểu chúc mừng và cung tiến lễ vật
Nhân dịp Tết Nguyên đán, “Hoàng tử, hoàng thân phủ Tôn nhân, các quan văn, võ dập đầu kính cẩn tâu trình: Nay gặp Lễ Tết Nguyên đán chúng thần kính cẩn dâng biểu chúc mừng…”. ("Châu bản triều Nguyễn" tập 18, tờ 334)
Cũng nhân dịp Tết Nguyên đán, tỉnh Quảng Bình đã đưa biểu mừng và sản vật về Kinh cung tiến. "Châu bản triều Nguyễn" Minh Mạng tập 27, tờ số 159 có nội dung: “Trấn thần Quảng Bình Trần Bá Kiên kính tâu: Ngày Mồng Ba nhận được tờ chiếu hội của quan Bộ Lễ nói rằng: Năm nay kính gặp lễ lớn mừng Hoàng thái hậu 60 tuổi. Trước đã tuyên triệu trấn thủ Lê Văn Quý đến kính chúc mừng. Nay lễ lớn đã xong trực tiếp được Thánh huấn cho phép viên này ở lại Kinh chờ đến Tết Nguyên đán làm lễ chúc mừng. Chúng thần tuân theo lệ viết biểu văn chúc mừng và 32 lạng trầm hương là sản phẩm của địa phương đưa lên Kinh giao cho viên ấy, qua bộ đến ngày sẽ bưng vào cung tiến”.
Cử người về Kinh hầu trực Tết
Các tỉnh chọn cử người về Kinh hầu trực Tết Nguyên đán phải tâu trình đầy đủ thông tin lý lịch của những người này, bao gồm: Họ tên, chức hàm…
“Bộ Lễ tâu: Ngày 11 tháng này nhận được tờ sớ của hai tỉnh thần: Bắc Ninh, Thái Nguyên là Phạm Thế Trung, Lê Quang Nguyên trình rằng: Theo lệ đã bàn giao cho Tri huyện Văn Lãng tỉnh Thái Nguyên Vũ Văn Trinh lên Kinh hầu trực Tết Nguyên đán đầu năm tới xin tâu trình lý lịch gồm họ tên, chức hàm của viên đó… Châu điểm”. ("Châu bản triều Nguyễn" tập 33, tờ 146, ngày 13 tháng Mười Một năm Tự Đức thứ 4)
“Bộ Lễ tâu: Nay nhận được sớ tâu của hai tỉnh thần Hà Nội, Ninh Bình Nguyễn Đăng Giai trình rằng: Theo lệ, chọn cử Thự Tri phủ phủ Lý Nhân Bùi Đức Trí về Kinh hầu trực Tết Nguyên đán đầu năm xin tâu trình lý lịch gồm chức hàm, họ tên của các viên đó… Châu điểm”. ("Châu bản triều Nguyễn" tập 33, tờ 150, ngày 17 tháng Mười Một năm Tự Đức thứ 4)
Việc bắn pháo mừng lễ dịp Tết
Trong "Châu bản triều Nguyễn" có một số văn bản đề cập việc bắn pháo chúc mừng khi Hoàng thượng từ Đại Nội đi làm lễ và sau khi lễ xong quay về cung.
Theo "Châu bản triều Nguyễn" tập 18, tờ 306, ngày 27 tháng Chạp năm Thiệu Trị thứ 2: “Thần Tôn Thất Năng tâu: Sang năm vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Mồng Một. Hoàng thượng từ Đại Nội sang cung Từ Thọ làm lễ chúc mừng. Chúng thần xin vâng theo lệ trước, bắn 7 phát pháo hiệu, lễ xong quay về cung lại bắn 3 phát. Thần trộm nghĩ đây là việc quan trọng. Dám xin trình bày chờ chỉ thực hiện. Châu điểm”.
Như vậy, theo quan niệm xưa, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để nghỉ ngơi việc triều chính mà còn là dịp quan trọng để nhà vua gia ân, ban thưởng cho hoàng thân quốc thích, quan lại có phẩm hàm cao, người lập nhiều công trạng và ân xá cho những người đang chịu tội… Điều này cho thấy tính chất linh thiêng và tầm quan trọng của ngày Tết, cũng là một phong tục đẹp từng tồn tại trong triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam.
HỒNG NHUNG