Giáo dục lấy nêu gương làm đầu

GS Vũ Khiêu từng nhận định: “Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà trí thức rực rỡ một thời và tiêu biểu cho nhiều tầng lớp trí thức Việt Nam. Ông đỗ Trạng nguyên, sau đó lại tự mình đào tạo ra những Trạng nguyên khác và để lại cho đời một đội ngũ trí thức kiệt xuất. Phải chăng đó chính là tấm gương sáng cho những người đi học và đi dạy của chúng ta hôm nay?”.

Về đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng, chúng tôi tìm được những tài liệu tại di tích cho thấy rõ quan niệm của ông về việc dạy học và làm thơ: Trước hết là để vực lại nền đạo đức đang suy đốn và qua đó hy vọng có thể chấn chỉnh lại kỷ cương, trật tự của chế độ phong kiến. Bằng tấm gương sống trực quan, ông luôn tự rèn luyện mình nêu cao phẩm chất thanh khiết của một nhà giáo.

leftcenterrightdel
Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm tại đền thờ Trạng Trình (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)

Trong thời gian làm quan triều Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm được giao kiêm chức giảng quan cho các thái tử. Ông thường đến Văn Miếu ở Mao Điền (nay thuộc Cẩm Giàng, Hải Dương) để giảng sách hoặc chủ trì nghe sách và tập sách cho học sinh. Khi về hưu, ông lại mở trường học. Giữa một vùng quê đầm lầy nước đọng, một chiếc am nhỏ được dựng lên. Chiếc am nằm giữa đất trời, sớm chiều mây trắng bay nên có tên Bạch Vân. Am Bạch Vân trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước lúc đó, học trò gần xa có đến hàng ngàn. Nhiều người sau này trở thành những người có danh vọng, đỗ đạt cao như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Giáp, Nguyễn Dữ, Giáp Hải,…

Những ngày tháng ẩn dật, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng quán Trung Tân làm cho đời sống nhân dân địa phương thêm phong phú. Người dân còn lưu truyền giai thoại: Các cụ già Trung Am lúc ấy cũng muốn có một công trình để xin chữ Trạng Trình, mong lưu lại đời sau, song làng xã vì nghèo quá không xây cất nổi. Câu chuyện ấy đến tai Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông sai người nhà đặt thợ tạc một tấm bia tặng làng. Tấm bia nhỏ trang trí đơn giản, ở giữa nổi bật hai hàng chữ: “Ấu cù vu học-Lão giả vu nông” (Nhỏ cần cù về việc học, già vì việc canh nông). Được lời khuyên của ông, các cụ già ở làng đều tâm niệm hai điều: Dạy con cháu học tốt và động viên dân xã chăm chỉ làm việc.

Những hành động thực tế như vậy chứng tỏ ông tuy ở nhà nhưng không sống thờ ơ với đời, vẫn hết lòng với dân, với nước. Sống trong cảnh thế đạo nhân tâm suy vi, ông vẫn tin vào giáo dục có thể cải tạo được nền đạo đức xã hội đang lao dốc.

Bên cạnh đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc biệt coi trọng sự giáo dục trong gia đình. Trong bài tựa tập “Bạch Vân am thi tập”, chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói rõ: “Tôi lúc ít tuổi nhờ sự dạy của gia đình, lớn tuổi ra làm quan”. Ngay từ nhỏ, thấy con có tố chất, bà Nhữ Thị Thục (hay Thục Nương-thân mẫu của ông) càng ra sức dạy bảo cẩn thận, đem cả chính văn, kinh truyện dạy cho con. Lên 4 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đọc “Chính văn kinh” làu làu không chút vấp váp, lại thuộc cả thơ Nôm đến vài chục bài. Sự dạy dỗ của Cù Xuyên tiên sinh (thân phụ của ông) và phu nhân đã góp phần quyết định quá trình hình thành phẩm hạnh, tài năng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm từ lúc làm quan đến lúc về quê ở ẩn đều trong sạch đến mức Giáp Hải, bạn đồng liêu lúc đó, phải ca ngợi là “thế thượng tiên” (vị tiên trên trời). Vì tài năng và nhân cách của mình, người đời gọi ông là Đại sư, học trò thì tôn thầy là Tuyết Giang phu tử.

Tư duy biện chứng của Trạng Trình

Có thể khẳng định, tài tiên tri của Nguyễn Bỉnh Khiêm có được là nhờ tư duy biện chứng rất sắc sảo của ông. Sống trong một thời kỳ đầy biến động của xã hội phong kiến tù túng, Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho con người. Tư duy biện chứng của ông có được chính là nhờ nhận thức được vai trò của việc học. Trong cuộc đời làm thầy, Nguyễn Bỉnh Khiêm giáo dục học trò rất nhiều về đạo làm người, đạo lý ở đời, sự học, cách học. Ông coi việc giáo dục phải thực hiện được vai trò định hướng ý chí và hành động cho người học, thúc đẩy con người nâng cao hiểu biết về thế giới xung quanh, có cách hành xử đúng mực trong đời sống. Ông coi việc học phải nhằm hành đạo, yêu cầu các học trò noi gương bậc thánh hiền, đề cao vai trò của sự tìm tòi, học hỏi, đồng thời rèn tư duy biện chứng cho học trò. Tư duy biện chứng của ông là luôn nhìn cuộc đời trong mối liên hệ với nhau, nhìn ra nguyên nhân thành-bại của con người trong chính bản thân họ và cách ứng xử của họ với đời sống xã hội. Đây là điều đặc biệt, vì tuy chịu ảnh hưởng của Tống Nho nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm không làm theo kiểu Tống Nho. Ông chọn con đường phát huy truyền thống tư tưởng Việt Nam là con đường “tam giáo đồng nguyên”.

Cùng với đó, những tác phẩm của ông như “Bạch Vân gia huấn”, “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” có thể coi là bản tổng kết đầy đủ về quan niệm và kinh nghiệm nhân sinh của ông. Bên cạnh việc nói lên mơ ước về một xã hội công bằng, thuần lương, chất phác, ông cực lực tố cáo những cái xấu của hiện thực lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ông không nhìn ra cái xấu ấy là hậu quả tự thân của xã hội phong kiến mà cho rằng nó là sản phẩm của quá trình con người sống ra ngoài cái cơ chế đạo đức phong kiến.

Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất phát từ lập trường đạo đức phong kiến. Thái độ phê phán của ông là để làm cho xã hội phong kiến trút bỏ đi những thói hư tật xấu để trở nên vững mạnh, trong sạch chứ không phải để lên án. Cùng với đó, trong những sáng tác của ông, khuynh hướng phê phán tồn tại song song với khuynh hướng giáo huấn, thuyết lý. Hai điều này không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau và nếu xét thực chất thì khuynh hướng giáo huấn, thuyết lý ở ông mới là khuynh hướng chủ đạo. Ví dụ, ông nói: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi” thì ngay sau đó ông viết tiếp: “Xưa nay đều trọng người chân thật/ Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi”. Hai câu sau chính là một lời khuyên. Ông phê phán là để khuyên răn, để ngăn ngừa.

Ông còn khuyên học trò, người đời phải giữ lấy thuần phong mỹ tục, thể hiện qua hàng loạt bài thơ có ý răn: Anh em đừng tranh giành nhau; chồng đối vợ phải có tình, có nghĩa; bạn bè sống với nhau phải giữ lấy chữ “tín” làm đầu; họ hàng phải đối xử với nhau như tình bầu bí; hàng xóm láng giềng cần ăn ở tốt với nhau để giữ tiếng muôn đời; chớ tham, chớ mê sắc đẹp làm hại đạo đức; đừng cậy giàu mà khinh người nghèo… Riêng đối với mình, ông tỏ ra khiêm tốn: “Văn khôi tam tướng tiếu tài sơ” (Khôi Nguyên ba bận đâu dám khoe).

Tài năng, đạo đức và phong cách Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đến ngày nay vẫn là kho tàng văn hóa nhiều giá trị, góp phần bồi dưỡng phẩm chất đạo đức con người thời đại mới: Sống có lòng tin vào con người, có tình thương đối với con người, sống có trách nhiệm với xã hội, với đất nước, có ý thức trau dồi đạo đức, nhân phẩm.

Nhà nghiên cứu Phan Ngọc nhận định: “Ông là một ẩn sĩ nhưng không phải một ẩn sĩ Ấn Độ chạy vào núi sống để thờ thần linh, không phải một ẩn sĩ Trung Quốc quay lưng với chính trị, tự thổi phồng mình, tự tôn thờ mình. Ông quay về sống trong vòng tay của làng mạc họ hàng, dạy học trò, bình dị, khiêm tốn, như cha ông chúng ta... Con người được cả thời đại tôn sùng chẳng buồn nhắc tới danh tiếng của mình. Đây là một phong cách lạ, trước ông không có mà sau ông cũng không. Nhưng ông hiểu được cái bí quyết để giành được lòng tin của hậu thế. Phải gạt bỏ mọi “bánh vẽ” của cuộc đời (công danh, chức tước, chữ nghĩa, trang tức) để xuất hiện giản dị và chân thành... Ông là con người duy nhất của văn học ta chủ trương một đường lối nghệ thuật riêng: Nghệ thuật là để giúp con người tìm lại được chính mình, chân thành với mình và với xã hội. Khi nào ta hiểu được nhu cầu ấy, ta sẽ biết ơn phu tử và sẽ hiểu được giá trị của nhà thơ kiệt xuất” (Tạp chí Sông Hương, 1989).

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT