Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước-Bộ Nội vụ) hiện bảo quản nhiều bản gốc truyền đơn, lời kêu gọi, yết thị, tuyên ngôn của các tổ chức tiền thân của Đảng, như: Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội, Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và các tổ chức quần chúng của Đảng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã được rải nhiều nơi trên đất nước Việt Nam từ năm 1929 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và được Sở Mật thám Pháp thu về, đính kèm các báo cáo “Mật”, “Tuyệt mật” để gửi lên các cơ quan cấp trên.
Các truyền đơn, lời kêu gọi, yết thị, tuyên ngôn hiện được bảo quản tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, tập trung nhiều nhất là những năm 1929-1930; khoảng thời gian trước và sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thời kỳ hoạt động của Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Phần lớn đây là tài liệu gốc được viết hoặc in bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp, cá biệt có một số tài liệu được viết bằng chữ Hán Nôm. Số còn lại là ảnh của các tài liệu gốc do mật thám Pháp chụp lại với sự mô tả tỉ mỉ về chữ viết, màu mực và khổ giấy.
Theo thời gian, một số bản truyền đơn đã bị sờn rách hoặc phai màu mực nhưng hầu hết vẫn giữ được nguyên vẹn nội dung.
Nội dung truyền đơn phản ánh sinh động phong trào giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cộng sản, các tổ chức tiền thân đến quá trình vận động thành lập Ðảng; cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), cao trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; đồng thời cung cấp nhiều thông tin về các yêu sách được nêu trong đấu tranh, các đối tượng mà việc tuyên truyền hướng đến… Qua đó, chúng ta thấy được tính chất và đặc điểm của từng cuộc đấu tranh, sự phát triển đi lên không ngừng của phong trào và nổi bật là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong từng chặng đường cách mạng.
Nội dung truyền đơn ngắn gọn, súc tích, lời văn mộc mạc và có sức truyền cảm mạnh mẽ đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Đa số truyền đơn là những lời hiệu triệu, kêu gọi: Các anh em chị em bị bóc lột đè nén cả xứ Đông Dương! Các đồng chí! Hỡi các anh em, chị em!; Hỡi các anh chị em thợ thuyền các xưởng! Hỡi các anh chị em lao động bị bóc lột, bị đè nén các nơi!; Hỡi các anh chị em thợ thuyền! Hỡi anh em chị em thanh niên học sinh!... Trong đó, mở đầu truyền đơn nêu lên tình cảnh cùng cực mà đối tượng được kêu gọi đang phải gánh chịu và cả tình cảnh của binh lính Pháp.
Những khẩu hiệu ngắn gọn mà đanh thép, yêu cầu các anh em công nhân phải vững tâm bãi công mãi đến khi nào được: Bãi các tệ bạo ngược; giảm bớt giờ làm; tăng thêm lương...; yêu cầu binh lính Pháp: Anh em hãy trở về nhà mình và lao động bằng tất cả sức lực cho sự nghiệp vĩ đại được khởi đầu bằng Cách mạng Nga, phải đảm bảo cho vô sản toàn thế giới cùng với tự do và phẩm giá có sự sung túc và hạnh phúc hơn!
Nội dung truyền đơn còn tố cáo chính sách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai, đồng thời kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh chống áp bức, phản đối chiến tranh, đánh đổ phong kiến và đế quốc thực dân để giành tự do, độc lập cho dân tộc. Trong bản gốc một truyền đơn do Đảng Cộng sản Việt Nam phát hành, được rải ở Yên Dũng (Nghệ An) các ngày 31-8 và ngày 3-9-1930, viết bằng chữ Quốc ngữ, có đoạn: Anh em chị em! Chúng ta chịu khổ nhiều rồi! Đành chịu nằm chờ chết mãi sao? Đành chịu cho quân đế quốc chém giết những người cách mệnh đã hết sức hy sinh để bênh vực chúng ta sao? Anh em chị em! Ai là người bị bóc lột, áp bức, ai là người bị khổ sở, hãy đứng dậy cùng Đảng Cộng sản chống lại khủng bố dã man của đế quốc Pháp.
Ngoài ra, còn có những truyền đơn tuyên truyền sự gắn kết cách mạng với phong trào cách mạng thế giới, tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của các ngày kỷ niệm lớn như: Ngày Quốc tế đỏ (1-8), Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11)…
Đối tượng mà truyền đơn trước Cách mạng Tháng Tám hướng đến, không chỉ có các anh em, chị em thợ thuyền, dân cày, học sinh, thanh niên, các anh em binh lính,… - những người bị đè nén, bị bóc lột ở xứ Ðông Dương mà còn hướng đến thức tỉnh binh lính và thủy thủ Pháp, binh lính thuộc địa, lính lê dương, kêu gọi hướng thiện, phản đối khủng bố trắng, liên kết với nhân dân Ðông Dương để giải phóng chính mình bằng cách vạch mặt chính sách của chủ nghĩa đế quốc, mượn khai hóa để bóc lột dân ta, vừa kêu gọi họ liên hiệp lại, phản đối chiến tranh đế quốc, thực hành xã hội chủ nghĩa.
Nội dung truyền đơn thay đổi theo nhận thức của các tầng lớp nhân dân và phát triển theo tiến trình cách mạng. Những truyền đơn trong những năm 1930 đến năm 1940 còn lưu giữ được cho thấy, trong giai đoạn này, việc tuyên truyền chủ yếu nhằm làm rõ đường lối cách mạng đúng đắn của Ðảng ta; phân tích tình hình trong nước và quốc tế; ca ngợi hòa bình, ủng hộ tiến bộ, dân chủ và bình đẳng; đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ; phản đối chiến tranh phi nghĩa trên toàn thế giới. Còn truyền đơn trong những năm từ 1939 đến 1944 gắn với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh và Trung đội Cứu quốc quân tiến tới thành lập Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cùng với các hình thức đấu tranh cách mạng khác như báo chí bí mật, hô hào diễn thuyết chốn đông người, truyền miệng thì hình thức tuyên truyền bằng truyền đơn đã thu hút sự chú ý của quần chúng nhân dân, tác động sâu sắc đến phong trào đấu tranh ủng hộ cách mạng. Lực lượng cách mạng ngày một lớn dần.
Với thế hệ hôm nay, những tờ truyền đơn thực sự là minh chứng chân thực và quý giá, kể về một thời kỳ đấu tranh gian khổ giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là những tài liệu có giá trị đặc biệt về mặt sử liệu đối với công chúng, nhất là đối với các nhà nghiên cứu lịch sử về chủ đề tuyên truyền và vận động cách mạng trước năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng.
HỒNG NHUNG