Sau khi Ph.Ăng-ghen qua đời, chủ nghĩa cơ hội đã lũng đoạn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trước tình hình đó, V.I.Lê-nin đã tổ chức đấu tranh bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác. Hàng loạt những phần tử cơ hội và những trào lưu cơ hội đã “chui sâu, leo cao” vào phong trào như: Chủ nghĩa Béc-xtanh (E.Bernstein), chủ nghĩa Cau-xky (K.Kautsky), chủ nghĩa dân túy, phái kinh tế, phái Men-sê-vích (Menshevik), phái tả khuynh... đã lần lượt bị V.I.Lê-nin đánh bại... Nhân kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-2019), Báo QĐND Cuối tuần trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá, PGS, TS Lê Duy Chương (Học viện Chính trị) khái quát về cuộc đấu tranh của V.I.Lê-nin bảo vệ Chủ nghĩa Mác...
Năm 1895, Ph.Ăng-ghen qua đời, chẳng những các thế lực thù địch mà ngay trong nội bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã ra sức tấn công Chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa cơ hội ngóc đầu dậy đòi phủ nhận tất cả những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác, khiến cho phong trào lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Các trào lưu cơ hội có rất nhiều, trong khuôn khổ một bài viết, có thể nhắc đến 3 trào lưu chính mà đại biểu của nó là E.Béc-xtanh, C.Cau-xky và Mác-tốp (Yuli Martov).
|
|
Lực lượng cách mạng tấn công Cung điện Mùa đông trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Ảnh tư liệu |
E.Béc-xtanh (1850-1932) là thành viên Đảng Dân chủ xã hội Đức, biên tập viên tờ Người Dân chủ Xã hội, cơ quan ngôn luận của Đảng Dân chủ xã hội Đức. Với bản tính cơ hội, năm 1872, E.Béc-xtanh cùng nhóm hữu khuynh trong Đảng Dân chủ xã hội Đức đã công bố một số tác phẩm lý luận phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò cách mạng của đảng cộng sản... Những tác phẩm này đã bị C.Mác và Ph.Ăng-ghen phê phán nghiêm khắc. E.Béc-xtanh đã tỏ ra ăn năn, hối cải bằng việc công bố một số tác phẩm lý luận ủng hộ phong trào cộng sản. Ph.Ăng-ghen từng đánh giá cao những tác phẩm này của E.Béc-xtanh. Thế nhưng, khi Ph.Ăng-ghen qua đời, E.Béc-xtanh đã lộ mặt phản bội, tiếp tục chống phá phong trào cộng sản bằng những quan điểm phi mác-xít tinh vi và nguy hiểm, trong đó, ông ta cho công bố một loạt bài viết “Những vấn đề của chủ nghĩa xã hội”, cho rằng những tiến bộ của chủ nghĩa tư bản đã mở ra khả năng “thực hiện một phần chủ nghĩa xã hội”, cho nên không nên làm cách mạng XHCN, Chủ nghĩa Mác là “vô căn cứ”...
V.I.Lê-nin đã kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa E.Béc-xtanh. Người chỉ rõ bộ mặt thật của E.Béc-xtanh là lợi dụng năng lực lý luận để ru ngủ công nhân, nhượng bộ với chủ nghĩa tư bản. V.I.Lê-nin vạch rõ, sau mỗi cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản thì người chịu thiệt hại vẫn luôn là công nhân; những chiêu trò nhượng bộ về kinh tế và nhượng bộ về chính trị thông qua chế độ bầu cử của dân chủ tư sản không thể làm thay đổi bản chất của nhà nước tư sản... Bằng những dẫn chứng thuyết phục và mạnh mẽ, V.I.Lê-nin đã chứng minh sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, khẳng định vai trò của đảng cộng sản, khẳng định muốn thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình thì phong trào công nhân không thể “ngồi một chỗ và chờ đợi cho điều đó xảy ra”.
C.Cau-xky (1854-1938) là “đàn em” của E.Béc-xtanh nhưng “trình độ cơ hội” của ông ta thì tinh vi và nguy hiểm hơn nhiều. C.Cau-xky là thủ lĩnh của Đảng Dân chủ xã hội Đức, sinh ra trong một gia đình trí thức ở Praha (Tiệp Khắc trước đây). Vốn là cử nhân triết học, C.Cau-xky đã trải qua quá trình hấp thụ, tiếp thu nhiều học thuyết khác nhau trước khi chính thức “bị hấp dẫn” bởi Chủ nghĩa Mác. C.Cau-xky đã có thời kỳ cộng tác tích cực với Ph.Ăng-ghen để biên tập, xuất bản tập 4 bộ Tư bản của C.Mác. C.Cau-xky đã công bố nhiều công trình lý luận như: Học thuyết kinh tế của C.Mác, Vấn đề ruộng đất, Cách mạng xã hội, Đạo đức và chủ nghĩa duy vật lịch sử, Con đường giành chính quyền... V.I.Lê-nin đánh giá, đây là những tác phẩm đứng trên lập trường mác-xít, mãi mãi là tài sản của giai cấp công nhân. Đương thời, chính C.Cau-xky đã viết bài phê phán những quan điểm cơ hội, xét lại của E.Béc-xtanh.
Thế nhưng, do lập trường không vững vàng, thiếu tin tưởng vào sức mạnh của phong trào công nhân, sau khi Ph.Ăng-ghen qua đời, E.Béc-xtanh trượt dần và đứng hẳn về chủ nghĩa cơ hội. Với vị trí, vai trò của mình, ông ta đã lôi kéo làm lũng đoạn Quốc tế II, ra sức xuyên tạc Chủ nghĩa Mác bằng thứ lý luận ngụy biện rất nguy hiểm mà không mấy ai phản bác được.
V.I.Lê-nin là người sớm nhận diện Chủ nghĩa Cau-xky và đánh giá Quốc tế II đã trở nên thối nát do sự lũng đoạn của chủ nghĩa cơ hội. V.I.Lênin chỉ ra rằng, bè lũ C.Cau-xky “miệng nói trung thành với Chủ nghĩa Mác nhưng thực tế lại phục tùng chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”. Phái Cau-xky được V.I.Lê-nin chỉ đích danh là “một nọc độc được che đậy, được tô điểm bằng các thủ đoạn ngoại giao, che mắt người ta, mê hoặc đầu óc và lương tri của công nhân”. V.I.Lê-nin khinh bỉ C.Cau-xky và khẳng định ông ta là “kẻ giả nhân giả nghĩa hơn ai hết, đáng ghê tởm hơn ai hết và có hại hơn ai hết”. V.I.Lênin khẳng định, nếu không tham gia cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống những sự xuyên tạc Chủ nghĩa Mác của C.Cau-xky và đồng bọn đang tiến hành thì không thể là một người XHCN.
V.I.Lê-nin đã tập trung trí tuệ viết một loạt tác phẩm đấu tranh trực diện với chủ nghĩa Cau-xky, trên những vấn đề lớn như chủ nghĩa siêu đế quốc, vấn đề cách mạng vô sản, vấn đề dân chủ, vấn đề nhà nước... Các tác phẩm đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị như “Chủ nghĩa cơ hội và sự phá sản của Quốc tế II”, “Cách mạng vô sản và tên phản bội C.Cau-xky”... Những luận điệu rất nguy hiểm của C.Cau-xky như coi chủ nghĩa đế quốc là một hình thức bành trướng của chủ nghĩa tư bản, có khả năng phát triển hòa bình. V.I.Lê-nin đã vạch trần bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc và khẳng định, C.Cau-xky đã cố tình xóa nhòa những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa đế quốc, né tránh những nhiệm vụ mà thời đại đã và đang đặt ra như: Đấu tranh giai cấp, giải phóng dân tộc và đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa đế quốc.
Đặc biệt, V.I.Lê-nin đã đấu tranh rất thành công khi chỉ ra biểu hiện cơ hội của C.Cau-xky trong vấn đề dân chủ. C.Cau-xky đề cao giá trị dân chủ tư sản, cho rằng đó là dân chủ thuần túy, dân chủ cho mọi giai cấp nên nền dân chủ tư sản sẽ tồn tại vĩnh viễn. V.I.Lê-nin khẳng định đó là quan niệm phi giai cấp, dối trá, ngụy biện cho dân chủ tư sản. Ông cho rằng, dân chủ tư sản đúng là một bước tiến vĩ đại so với thời trung cổ, nhưng trước sau nó vẫn là nền dân chủ cho người giàu và là cái bẫy đối với người nghèo. Dân chủ tư sản là dân chủ cho thiểu số những nhà tư bản, những kẻ đang nắm giữ bộ máy nhà nước. Khi C.Cau-xky ra sức tuyên truyền rằng giai cấp công nhân chỉ nên đấu tranh để thay đổi tương quan lực lượng trong nội bộ chính quyền nhà nước tư sản, không thể xóa bỏ nhà nước tư sản; V.I.Lê-nin chỉ rõ: “Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề nhà nước; chừng nào mà chưa nhận rõ vấn đề đó thì đừng hòng nói đến việc tự giác tham gia cách mạng và càng không thể nói đến lãnh đạo cách mạng”.
Năm 1903, Đại hội II của Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Nga được tiến hành nhằm thống nhất các tổ chức rời rạc để thành lập một đảng thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đại hội trải qua một quá trình đấu tranh gay gắt giữa hai phái, phái Bôn-sê-vích do V.I.Lê-nin đứng đầu là phái kiên định với Chủ nghĩa Mác, chủ trương xây dựng một đảng thống nhất và phái Men-sê-vích do Mác-tốp đứng đầu, không kiên định với Chủ nghĩa Mác. Đại hội đã thông qua được Cương lĩnh, Điều lệ đảng, bầu được Ban Chấp hành Trung ương và Ban biên tập Báo Tia Lửa. Do thất bại trong bầu cử, Mác-tốp đã không phục tùng Ban Chấp hành Trung ương, tìm cách tách ra khỏi đảng, thành lập phái riêng. Sau đó, phái Men-sê-vích đã mua chuộc và từng bước chiếm đoạt Báo Tia Lửa, cơ quan ngôn luận của đảng, buộc V.I.Lê-nin phải xin ra khỏi ban biên tập. Tiếp đó, Mác-tốp lần lượt mua chuộc và chiếm đoạt các cơ quan Trung ương, đưa những người cơ hội vào Trung ương.
Cuộc đấu tranh của V.I.Lê-nin chống lại phái Men-sê-vích nhằm bảo vệ Chủ nghĩa Mác được thể hiện qua việc V.I.Lê-nin kiên quyết bảo vệ tiết 1 trong Điều lệ đảng về tiêu chuẩn trở thành đảng viên. Mác-tốp đưa ra công thức: “Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng, ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình giúp đỡ đảng một cách đều đặn, dưới sự chỉ đạo của một trong những tổ chức của đảng đều được coi là đảng viên của Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Nga”. Công thức này không đòi hỏi đảng viên phải tự giác tham gia sinh hoạt và chịu sự quản lý của một tổ chức đảng, thực chất là muốn mở rộng đội ngũ đảng viên vô hạn độ, coi đảng với giai cấp là một, hòng mở đường cho những phần tử cơ hội chui vào đảng.
V.I.Lê-nin đã chỉ rõ, công thức của Mác-tốp đã làm lẫn lộn tổ chức đảng với các tổ chức quần chúng, xóa nhòa ranh giới giữa đảng với giai cấp. Điều này sẽ dẫn tới đảng không có tổ chức rõ ràng, chặt chẽ, không có kỷ cương, kỷ luật, đảng viên chỉ có danh nghĩa mà không có tổ chức. Đó sẽ là một đảng lỏng lẻo, không có sức mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
V.I.Lê-nin đã đưa ra công thức: “Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng và ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất cũng như bằng cách tự mình tham gia một trong những tổ chức của đảng thì được coi là đảng viên của đảng”. Điểm cốt lõi của công thức này là yêu cầu bắt buộc mỗi đảng viên phải tự mình tham gia vào một trong những tổ chức của đảng, đề cao danh hiệu đảng viên, đòi hỏi tính tiền phong, gương mẫu, ý thức tổ chức và kỷ luật của đảng viên. Đó cũng là tiêu chí để phân biệt đảng viên với quần chúng. Cuộc đấu tranh về tiết 1 Điều lệ đảng thực chất là cuộc đấu tranh giữa Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa cơ hội.
V.I.Lê-nin đã viết tác phẩm “Một bước tiến, hai bước lùi” để chuẩn bị lý luận đấu tranh, đồng thời lãnh đạo cuộc đấu tranh không khoan nhượng với phái Men-sê-vích; bảo vệ tính đảng, đập tan hoàn toàn quan điểm sai trái của phái Men-sê-vích; vạch trần đặc điểm, bản chất, nguồn gốc chủ nghĩa cơ hội về mặt tổ chức, xác lập những nguyên tắc tổ chức của đảng kiểu mới. V.I.Lê-nin đã phát triển và cụ thể hóa Học thuyết về đảng của Chủ nghĩa Mác, sáng tạo những nguyên tắc về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, làm cơ sở để xây dựng một đảng vô sản kiểu mới ở Nga, lãnh đạo giai cấp công nhân Nga từng bước đi đến thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Mười Nga-1917. Đấu tranh bảo vệ Chủ nghĩa Mác trước sự tấn công của kẻ thù là mẫu mực cho sự kiên định, sáng tạo về một học thuyết cách mạng và khoa học của V.I.Lê-nin. Những nguyên tắc về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân không chỉ có ý nghĩa đối với Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, ý nghĩa đối với Cách mạng Tháng Mười Nga, mà còn là tài sản tinh thần vô giá, là những chỉ dẫn vô cùng quan trọng cho các chính đảng vô sản lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vì mục tiêu CNXH và CNCS.
Đại tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG