Trong đời làm báo, tôi có vài lần được diện kiến ông. Nếu biết trước có ngày sẽ viết về ông như thế này để mà tận dụng thời gian, cơ hội trò chuyện với ông nhiều hơn trong những lúc gặp gỡ ấy thì bây giờ tôi đã không phải nuối tiếc...
Làm văn nghệ là làm cách mạng
Anh bạn đồng nghiệp từ Hà Nội gọi điện cho tôi, cần bài cho số báo đặc biệt về một tấm gương văn nghệ sĩ tiêu biểu noi theo gương Bác Hồ ở phía Nam. Tôi suy nghĩ mãi, không phải vì hiếm mà vì các thế hệ nghệ sĩ có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, những tên tuổi lớn. Đặc biệt là thế hệ những nghệ sĩ tham gia kháng chiến. Chọn một đại biểu trong số đó, thực chẳng dễ dàng.
Tôi đem tâm trạng băn khoăn này chia sẻ với chị Thân Thị Thư, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Suy nghĩ một lát, chị Thư nói: “Chú Tư Ánh em ạ!”.
    |
 |
Đồng chí Trần Bạch Đằng. Ảnh tư liệu |
Tư Ánh là bí danh mà các thế hệ văn nghệ sĩ, báo giới gọi nhà cách mạng quá cố Trần Bạch Đằng theo cách dân dã, thân thương của người Nam Bộ, lấy từ tên của con gái ông-chị Trần Ngọc Ánh. Chị Thư cung cấp cho tôi kỷ yếu và nhiều tài liệu quý từ Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Bạch Đằng-người cộng sản kiên trung” do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức từ 4 năm trước. Mới đây, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cũng vừa phát hành cuốn sách “Trần Bạch Đằng-chân dung kẻ sĩ Nam Bộ” của nhóm tác giả Nguyễn Trọng Xuất, Quách Thu Nguyệt, Phan Văn Hoàng. Trong các tài liệu mà tôi đọc được, Trần Bạch Đằng được các nhà nghiên cứu, tác giả, đồng chí gọi bằng những danh xưng rất mực trân trọng: Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà cách mạng lão thành, nhà lãnh đạo tài năng, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, kịch tác gia… Ông là một người đa năng, đa tài, toàn diện cả về phẩm chất đạo đức và năng lực, ở lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn sâu sắc. Song, trên hết và xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nghiên cứu và sáng tác của ông chính là lòng yêu nước, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng. Tư tưởng Bác Hồ chính là vầng hào quang soi sáng đường thiên lý suốt cuộc đời ông. Trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí, ông có nhiều bút danh, trong đó đáng chú ý, khi sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, ông thường lấy bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý. Tiêu biểu nhất phải kể đến tiểu thuyết văn học và kịch bản điện ảnh “Ván bài lật ngửa”.
Chị Thân Thị Thư kể, chị và các thế hệ cán bộ tuyên giáo của TP Hồ Chí Minh luôn coi chú Tư Ánh là một người thầy lớn, một người cha, người chú nghiêm khắc, nhân từ, độ lượng. Từ khi còn là cô giao liên của Ban Binh vận Sài Gòn-Gia Định những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chị đã được nghe danh tiếng của chú Tư Ánh trên cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Sau này gắn bó với ngành dân vận và tuyên giáo của thành phố, chị có cơ hội gặp gỡ, học tập, xin ý kiến chú Tư Ánh thường xuyên. Chú Tư thường căn dặn, làm văn nghệ chính là làm cách mạng. Tuyên giáo là công tác đặc thù, đặc biệt, đòi hỏi cán bộ phải luôn nhạy bén. Muốn vậy, phải nghiên cứu, học tập, nắm chắc, hiểu sâu tư tưởng của Bác Hồ, làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất. “Công lao đóng góp cho cách mạng, cho đất nước của chú Tư Ánh thật to lớn nhưng cuộc đời của chú rất mực giản dị, khiêm nhường. Chú ra đi không có tài sản gì ngoài căn nhà ở quận Bình Thạnh, đã được chị Ánh tu sửa, dành một phòng làm gian thờ và trưng bày những hình ảnh, hiện vật hoạt động cách mạng cùng những công trình nghiên cứu, sáng tác văn học-nghệ thuật của chú. Tụi chị và gia đình đang có ý định chung tay xây dựng đền thờ chú Tư Ánh tại quê hương của chú để có địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”, chị Thư xúc động nói.
Thiên lý và ánh sáng soi đường
Theo gợi ý của chị Thân Thị Thư, tôi tìm gặp PGS, TS Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, người cán bộ tiền nhiệm của chị Thư, có rất nhiều kỷ niệm, gắn bó mật thiết với chú Tư Ánh.
PGS, TS Phan Xuân Biên hào hứng tiếp chuyện chúng tôi. Ông nói:
- Sinh thời, chú Trần Bạch Đằng rất gần gũi, yêu quý anh em chúng tôi. Từ công việc cho đến những bữa ăn ấm áp tình thân, chú đều coi chúng tôi như con em trong nhà. Chúng tôi cũng luôn kính trọng, yêu quý chú như người cha, người chú, người thầy của mình.
Trần Bạch Đằng tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi và đến với báo chí, văn chương, nghệ thuật từ rất sớm. Năm 1946, Trần Bạch Đằng đã được giao phụ trách tờ Chống xâm lăng của Thành ủy Sài Gòn; năm 1951 làm Tổng biên tập Báo Nhân dân miền Nam của Trung ương Cục. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trần Bạch Đằng lần lượt đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng như: Bí thư Thành ủy Sài Gòn, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam… Có thể nói, con đường và sự nghiệp cách mạng của Trần Bạch Đằng là hành trình bền bỉ, trung thành tuyệt đối theo ánh sáng soi đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, ông là người lãnh đạo kiên quyết, mạnh mẽ, kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị, tư tưởng văn hóa với đấu tranh vũ trang. Trong hòa bình, kiến thiết, xây dựng đất nước, Trần Bạch Đằng là một trong những người tiên phong tư tưởng đổi mới. Ông nhận thức rất rõ vai trò đầu tàu của TP Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, khi khẳng định: Nhất quyết TP Hồ Chí Minh không thể nghèo. Nếu TP Hồ Chí Minh nghèo thì sẽ kéo theo cả nước nghèo… Tại cuộc Hội thảo khoa học “Đồng chí Trần Bạch Đằng-người cộng sản kiên trung”, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đều cho rằng, Trần Bạch Đằng là người có tư duy dự báo, định hướng rất cao. Đây chính là phẩm chất quý giá ông học tập, noi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ.
Trong sự nghiệp làm báo, Trần Bạch Đằng là cây bút sắc sảo, nhạy bén. Ông để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ về tư duy đổi mới, đấu tranh chống tham nhũng, trì trệ, lạc hậu. Vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, các bài viết của ông trên nhiều tờ báo lớn đã tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả, có tính phát hiện, dự báo, định hướng rất giá trị. Một phần lớn các tác phẩm báo chí của ông đã được in thành sách, là “cẩm nang” của nhiều cán bộ, nhà báo hiện nay. Dù được ký với bút danh nào thì “cái chất” Trần Bạch Đằng với ngòi bút chiến đấu, phê bình sắc bén, phân tích các vấn đề thời sự có tính thuyết phục cao vẫn không thể lẫn vào đâu được.
Vào những năm 2003-2006, tôi có vài lần được diện kiến ông, nghe ông nói chuyện tại Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh và trong một số hội nghị. Bằng ngôn ngữ và phong cách Nam Bộ dân dã, phóng khoáng, ông truyền tải các thông điệp giáo dục, định hướng phát triển cho giới trẻ một cách nhẹ nhàng pha chút hài hước, dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Chánh Tín, người thủ vai Nguyễn Thành Luân trong bộ phim điện ảnh dài 8 tập “Ván bài lật ngửa”, trong lần gặp gỡ cuối cùng với chúng tôi vẫn kể về chú Tư Ánh. Anh nói rằng, ngay từ khi đọc kịch bản và thực hiện những phân cảnh đầu tiên của bộ phim “Ván bài lật ngửa”, anh đã tìm gặp tác giả kịch bản và được chú Tư Ánh trang bị thêm vốn hiểu biết, kiến thức về ngành tình báo cách mạng, hiểu thêm về chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo, nguyên mẫu của Nguyễn Thành Luân trên phim. Nhờ đó khi diễn xuất, Nguyễn Chánh Tín đã thể hiện thành công tầm vóc, tài trí một nhà tình báo hàng đầu, khắc họa một góc nhìn cận cảnh về ngành tình báo cách mạng trong kháng chiến. Nghệ sĩ Nhân dân Lý Huỳnh cũng kể rằng, khi đóng vai Hai Cũ trong bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết của Trần Bạch Đằng, ông phải đọc kỹ tác phẩm văn học, hỏi chuyện tác giả để có sự hình dung bao quát và nhập tâm tốt nhất khi diễn xuất.
Đọc các bài viết về Trần Bạch Đằng của các tác giả là những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nổi tiếng như: Nhà văn Anh Đức; GS, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai; nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu; PGS, TS Mạc Đường; GS, TS Mai Quốc Liên; nhà văn Nguyễn Đắc Xuân; Hồng Điểu; Lê Quang Trang; Phạm Chánh Trực; Phạm Phương Thảo..., chúng tôi được hiểu sâu sắc thêm nhân cách, lẽ sống của một người cộng sản kiên trung, một văn nghệ sĩ mẫu mực thông qua những kỷ niệm, ký ức của các tác giả với chú Tư Ánh.
Mới đó mà ông đã rời xa trần thế 13 năm. Con đường ông đi luôn có ánh sáng của Bác Hồ và Đảng ta dẫn đường, soi lối. Nay, những chiến sĩ kiên trung, thế hệ cầm bút, sáng tác đi sau ông trên con đường ấy, vẫn luôn thấy vầng hào quang sáng soi dọc đường thiên lý…
PHAN TÙNG SƠN