Ngày nay, khi chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy ở nước này hay nước kia, các nước lớn bị lôi cuốn vào cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện, đại dịch Covid-19 làm cho các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu đứt gãy, một số thể chế đa phương, trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bị thách thức… điều dễ hiểu là một số người có tâm tư nghi ngờ về toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Tâm tư ấy có thể hiểu được, song bình tâm nghĩ kỹ, ta có thể thấy, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là những xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người. Vậy căn cứ vào đâu để khẳng định điều đó? Có thể xét tới một số nhân tố sau:

Về khách quan, mỗi quốc gia đều là một bộ phận không thể tách rời của thế giới. Không liên thông với thế giới bên ngoài thì không một quốc gia nào có thể phát triển mạnh mẽ được. Riêng về kinh tế, nếu không có “đầu ra” là thị trường tiêu thụ hàng hóa và “đầu vào” là các nguồn lực về đầu tư, công nghệ, nguyên-nhiên-vật liệu thì chẳng khác nào “cá không có nước”. Không phải ngẫu nhiên mà con bài bao vây, cấm vận nhiều khi được sử dụng để “trừng phạt” nước này hay nước kia.

Vả lại, nền sản xuất hàng hóa có thiên hướng tìm kiếm thị trường, kể cả thị trường bên ngoài. Xu thế này càng phát triển trong thời đại công nghiệp. Karl Marx và Friedrich Engels từng nhấn mạnh: “Đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới… Thị trường thế giới thúc đẩy cho thương nghiệp, hàng hải, những phương tiện giao thông phát triển nhanh chóng lạ thường… Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc”(1).

Ngày nay, những ý tưởng trên của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học được biểu hiện bằng khái niệm “quốc tế hóa” rồi “toàn cầu hóa”. Về kinh tế, xu thế toàn cầu hóa thể hiện qua sự lan tỏa hàng hóa, dịch vụ, tiền tệ, vốn đầu tư, thông tin, giá trị văn hóa, lao động, giao thông-vận tải… ra toàn cầu. Xu thế trên được phản ánh trong sự hình thành, phát triển của các thể chế hội nhập toàn cầu và khu vực mà gần đây là sự nở rộ của các Khu vực Thương mại tự do (FTA). Về chính trị, xu thế ấy thể hiện trong sự phát triển mạnh mẽ của các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng… trong những nỗ lực chung nhằm ứng phó với những vấn đề toàn cầu.

Ở nước ta, khái niệm “quốc tế hóa” đã được đề cập tại các Đại hội VI và VII của Đảng; còn khái niệm “toàn cầu hóa” được sử dụng từ Đại hội VIII trở đi và Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh “Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi sự nghiệp cách mạng của Việt Nam là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng thế giới, Việt Nam là một thành viên không tách rời của cộng đồng quốc tế. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra chủ trương hội nhập quốc tế. Trong bức thư gửi Liên hợp quốc năm 1946, Người nói rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân”.

Tiếc rằng những ý tưởng cởi mở như vậy của Người đã không thể đi ngay vào cuộc sống do nước ta phải chống trả các cuộc chiến tranh xâm lược và chính sách bao vây, cô lập Việt Nam suốt mấy chục năm trời. Chỉ sau khi phát động công cuộc đổi mới, nước ta mới thực sự hội nhập quốc tế bằng việc tham gia các thể chế chính trị quốc tế như Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan, cũng như các thể chế kinh tế-tiền tệ quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) rồi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), WTO… và gần đây là hội nhập kinh tế quốc tế rộng về phạm vi, đa dạng về hình thức, sâu sắc về nội dung thông qua các thỏa thuận về FTA. Trong lĩnh vực chính trị-an ninh, nước ta luôn hành xử như một thành viên tích cực của Liên hợp quốc và nhiều tổ chức đa phương, tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các thể chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN như ADMM và ADMM+…

Về chủ quan, chủ trương hội nhập quốc tế xuất phát từ nhu cầu của bản thân chúng ta trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Đối với giai đoạn hiện nay, Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại(3)… Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”(4).

Mặc dù sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã gia nhập “câu lạc bộ” các nước có thu nhập trung bình song còn ở mức khá thấp, dung lượng thị trường trong nước tuy lớn nhưng thu nhập của các tầng lớp dân cư còn hạn chế nên không thể không mở rộng hơn nữa thị trường bên ngoài. Vả lại, đất nước ta đang đứng trước nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng “kết hợp có hiệu quả phát triển theo chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… đẩy mạnh CNH và HĐH”(5). Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, không thể không hội nhập sâu rộng hơn nữa với kinh tế thế giới để mở rộng thị trường, tranh thủ thêm nhiều vốn và công nghệ.

Bên cạnh đó, trước những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nước ta có nhu cầu lớn đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, không ngừng củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của mình. Hội nhập quốc tế chính là một trong những con đường để đáp ứng nhu cầu cấp bách này.

Về những công việc cần làm thì các văn kiện của Đảng, từ các đại hội tới nhiều hội nghị Trung ương và nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ; ở đây chỉ xin đề cập một số khía cạnh mang tính thời sự.

Một là, cũng như trong mọi công việc, điều kiện tiên quyết đối với thành công của công cuộc hội nhập quốc tế là sự thống nhất nhận thức và hành động. Qua những năm tháng hội nhập trên thực tế, trong Đảng và xã hội ta đã hình thành sự đồng thuận khá rộng rãi về nhu cầu hội nhập quốc tế.

Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, bộ mặt đất nước đã thay đổi một cách cơ bản và công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần không nhỏ vào sự đổi thay đó. Từ chỗ kim ngạch xuất khẩu chỉ vẻn vẹn chưa đầy 1 tỷ USD (theo thời giá) vào năm 1986, năm 2019 đã đạt hơn 264 tỷ USD; riêng thành tựu này đã nói lên nhiều điều. Không có hàng mấy trăm tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, viện trợ phát triển và kiều hối đổ vào nước ta, chắc diện mạo kinh tế-xã hội Việt Nam đã không như ngày nay. Đằng sau những con số đó là hàng triệu công ăn việc làm, là sự cải thiện đáng kể mức sống của các tầng lớp dân cư. Đó là chưa kể những kết quả vô hình như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự trưởng thành của các doanh nghiệp, sự đổi mới thể chế kinh tế trong nước cho phù hợp với yêu cầu hội nhập, vai trò và uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao chưa từng thấy và nước ta đã tranh thủ được thế cơ động linh hoạt đáng kể trong quan hệ quốc tế cả về chính trị lẫn kinh tế…

Tất nhiên những kết quả gặt hái được chưa như mong đợi, một phần vì nước ta hội nhập trong thời kỳ nền kinh tế và chính trị quốc tế có nhiều xáo động; bản thân nền kinh tế nước ta còn nhiều yếu kém; năng lực quản trị nền kinh tế thị trường lại hội nhập sâu với kinh tế thế giới là điều khá mới lạ đối với bộ máy Nhà nước.

Đặt lên bàn cân những gì đã thu lượm được và chưa thu lượm được thì những điều đã thu lượm được vẫn nặng cân hơn. Vả lại, bất kỳ sự vật nào cũng có hai mặt, có cái được, có cái mất và hội nhập quốc tế không phải là ngoại lệ.

Đối với những bước mới trong hội nhập quốc tế, nay không phải lúc băn khoăn mà là hành động nhằm làm sao tối đa hóa cơ hội và tối thiểu hóa thách thức vì những thỏa thuận, những cam kết hầu như đã hoàn tất, an bài. Thực tế cuộc sống tạo ra căn cứ để hy vọng rằng, với thế và lực mới, với những kinh nghiệm đã thu lượm được trong quá trình hội nhập vừa qua, nước ta có đủ trí tuệ và bản lĩnh đưa con thuyền hội nhập tới những bến bờ mới.

Hy vọng chỉ là hy vọng nếu không có hiểu biết và hành động đúng cách. Hiểu biết nói ở đây là kiến thức sâu rộng về những xu thế của một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và sâu sắc cả về chính trị-an ninh lẫn kinh tế, khoa học-công nghệ, văn hóa-xã hội, thậm chí cả về môi trường, biến đổi khí hậu. Ta vẫn nói, “biết mình, biết người trăm trận trăm thắng” nhưng tiếc rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng biết rõ tiềm năng, lợi ích, chính sách, văn hóa của đối tác. Những gì diễn ra trên thế giới ít nhiều đều ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta và ta cần thấu hiểu, dự báo chính xác chiều hướng phát triển của chúng.

Kế đến là sự hiểu biết những “luật chơi” trên thế giới. Những luật lệ, cam kết theo các FTA hết sức phức tạp; không nắm vững chúng thì không thể tận dụng những cơ hội chúng mở ra và ứng phó với những thách thức chúng đưa tới. Tiếc rằng, không ít công chức và các doanh nghiệp chưa nắm vững; thậm chí chưa quan tâm tìm hiểu.

Kỹ năng hội nhập còn là một lỗ hổng phổ biến. Ông cha ta thường nói, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, không tinh thông kỹ năng thì làm sao thắng nổi trên đấu trường quốc tế?

Nhiều lần Đảng ta đã nhấn mạnh, ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực mang tính quyết định. Đại hội XII của Đảng lại nhấn mạnh yêu cầu “phát huy vai trò quyết định của nội lực”. Nội lực bao gồm cả “sức mạnh cứng” là thực lực kinh tế và quốc phòng lẫn “sức mạnh mềm” bao gồm trí tuệ con người, đường lối chính sách đúng đắn, thể chế phù hợp, năng lực quản trị quốc gia….

Riêng về kinh tế thì những bước mới trong quá trình hội nhập cần góp phần đắc lực vào việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh đi đôi với việc nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cơ cấu kinh tế cần được chuyển dịch theo hướng hiện đại hơn, trong đó cần điều chỉnh chính sách theo hướng “chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước”(6).

Mối tương quan giữa nội lực và ngoại lực còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa kinh tế trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nhất là trong kim ngạch xuất khẩu của nước ta; bản thân các doanh nghiệp FDI cũng mới hoạt động chủ yếu trong các ngành sử dụng nhiều lao động, khai thác tài nguyên và hạn chế trong chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến, hội nhập kinh tế quốc tế chưa kết hợp, phát huy tốt nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phát triển. Những gì đang diễn ra hiện nay, một số ngành chủ lực như dệt may, giày da còn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Hơn thế nữa, chủ trương đa dạng hóa thị trường đã được nêu ra từ lâu song trên thực tế vẫn chưa đi vào cuộc sống. Thực tế đó đặt ra đòi hỏi cấp bách phải có sự điều chỉnh thích hợp, nếu không khó bề xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ tiên tiến.

Một nội lực quan trọng là đổi mới một cách cơ bản thể chế kinh tế-một nội dung được nhấn mạnh trong văn kiện các đại hội Đảng.

Về chính trị, an ninh, trong cục diện khu vực và quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, công cuộc hội nhập cần được tiến hành trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và điều kiện hòa bình để phát triển, giữa yêu cầu giữ vững độc lập, tự chủ với chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.

VŨ KHOAN

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ

----------------------------

(1) Karl Marx - Friedrich Engels, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội-1974, tr.45, 49, 50.

(2) Tính tới nay, Việt Nam tham gia 12 FTA và đang đàm phán về 4 hiệp định.

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.76.

(4) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 59.

(5) Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4-2015, tr. 20.

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, HN, 2011, tr. 188.