Cuộc đời lừng lẫy chiến công cùng tài năng quân sự thiên bẩm của ông đã trở thành huyền thoại. Trong bài viết này, chúng tôi xin kể đôi câu chuyện nhỏ thể hiện bản lĩnh Nguyễn Bình trong giải quyết vấn đề "thập bá tranh hùng" của Nam Bộ vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì ngày 23-9-1945, thực dân Pháp dưới sự bảo trợ của quân Anh, nổ súng tái chiếm Nam Bộ. Trước tình thế khẩn cấp đó, Nguyễn Bình (lúc này đang chỉ huy Đệ tứ Chiến khu ở Đông Triều) nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi về Thủ đô. Đến gặp Bác tại Bắc Bộ Phủ, trao đổi về tình hình cách mạng Nam Bộ, Bác nói: “Bác nghĩ rằng, các LLVT trong đó đang cần một chỉ huy tài năng để tập hợp cán bộ địa phương lại, nếu không sẽ có thể xảy ra nạn "thập nhị sứ quân" rất tai hại. Người chỉ huy đó phải là một người có đủ bản lĩnh thu hút những tay giang hồ kiểu Bình Xuyên. Chú có thể đảm nhận được không?”.
Nguyễn Bình nói: "Bác đã tín nhiệm, Nguyễn Bình xin nhận".
Vào Nam, tới miền Đông, Nguyễn Bình tìm đến nhà ông giáo Đoàn Hữu Chương là một "mạnh thường quân" nổi tiếng ở thị xã Thủ Dầu Một. Vừa tới nơi, Nguyễn Bình bắt tay vào việc thiết kế phòng thủ thị xã cùng với chính quyền sở tại. Cuối tháng 10-1945, Nguyễn Bình họp với một số nhân vật lãnh đạo tỉnh Thủ Dầu Một để tổ chức lại lực lượng quân sự. Cuộc họp diễn ra trong ba ngày tại Sở Cao su Võ Bình Tây. Nguyễn Bình truyền đạt chủ trương của Trung ương muốn thống nhất chỉ huy các lực lượng quân sự yêu nước. Đây là vấn đề khó vì tâm lý các “thủ lĩnh” muốn "cát cứ" một vùng, không thích ai chỉ huy mình. Nhưng nghe phái viên Trung ương trình bày đường lối của Bộ Tổng tư lệnh có hệ thống mạch lạc từ trên xuống dưới, từ Trung ương tới địa phương và nhất là bản lĩnh của người thuyết trình; hội nghị nhất trí chịu sự lãnh đạo của Trung ương mà đại diện là Khu trưởng Nguyễn Bình.
Đầu tháng 11-1945, Nguyễn Bình đến Tân Uyên. Khi đang cần một chỉ huy địa phương để làm tham mưu thì gặp đúng Tám Nghệ (đồng chí Huỳnh Văn Nghệ). Tám Nghệ là một đảng viên cộng sản, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ đã lui về quê nhà Tân Uyên xây dựng căn cứ chiến đấu và tổ chức một đơn vị vũ trang mang tên Bộ đội Tám Nghệ. Qua trao đổi, hai bên đã xem nhau như là “anh hùng tương ngộ”. Tám Nghệ đưa Nguyễn Bình đi khảo sát căn cứ Tân Uyên. Nơi đây, núi rừng trùng điệp ăn thông tới dãy Trường Sơn là một vị trí quân sự cực kỳ quan trọng, công thì tiến tới Sài Gòn, thủ thì lên tận cao nguyên Trung Bộ. Nguyễn Bình đã chọn nơi này để xây dựng căn cứ cho Bộ chỉ huy miền Đông.
Nguyễn Bình tiếp tục đi khắp nơi gặp các vị chỉ huy quân sự, bàn chuyện thống nhất LLVT để chống Pháp hữu hiệu hơn. Ông tới Mỹ Hạnh là một làng trong quận Đức Hòa. Được biết đây là nơi đóng quân của một bộ phận Giải phóng quân liên quận Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa. Nguyễn Bình tới gặp đồng chí Trần Văn Trà (thường gọi là anh Ba Trà), Tổng thư ký của Giải phóng quân liên quận, chỉ huy bộ phận Mỹ Hạnh. Lần đầu gặp gỡ, Ba Trà đã có nhận xét về Nguyễn Bình: Tướng đi đứng, cách ăn nói, tất cả toát ra cốt cách oai phong lẫm liệt.
Khi nghe Nguyễn Bình trình bày vắn tắt mục đích, yêu cầu của Bộ Tổng tư lệnh, anh Ba Trà thấy rõ mình phải giúp phái viên Trung ương hoàn thành sứ mệnh. Những điều mà Nguyễn Bình dự định làm, chính anh Ba Trà cũng đang suy tính.
Trung tướng Nguyễn Bình. Ảnh tư liệu
Tại hội nghị quân sự An Phú Xã, Nguyễn Bình được gặp hầu hết các nhân vật yêu nước có tên tuổi của miền Đông. Nguyễn Bình đã nhấn mạnh: Muốn đánh thắng thằng Tây, chúng ta phải tập hợp thành một khối. Đừng bao giờ để chúng xé lẻ chúng ta mà diệt gọn. Bài học bẻ đũa từng chiếc lẽ nào chúng ta không biết? Tôi đề nghị từ nay, bộ đội các đồng chí chọn một cái tên chung để gọi. Chẳng hạn như Giải phóng quân hay Vệ quốc quân.
Sau hội nghị, Nguyễn Bình quyết định lập các chi đội Giải phóng quân, đưa tất cả bộ đội đã có trước đó vào nền nếp. Sau khi bố trí các chi đội theo hệ thống tại hội nghị An Phú Xã, Nguyễn Bình trở về Tân Uyên kiện toàn Bộ chỉ huy khu. Mặc dù đang bị giặc Pháp truy lùng ráo riết nhưng Nguyễn Bình vẫn quyết định mạo hiểm đột nhập vào Sài Gòn, nơi đầu não của quân địch. Ông bàn với hai trí thức thân cận là Giáo sư Phạm Thiều và luật gia Lê Đình Chi: “Giết rắn phải đánh giập đầu. Tôi muốn đánh vào đầu não của chúng trong Sài Gòn. Muốn đánh phải nắm tình hình thật chính xác”.
Sau chuyến đột nhập Sài Gòn, Nguyễn Bình bàn với Tám Nghệ thành lập Đội Quyết tử gồm các chiến sĩ thông minh, dũng cảm, chuyên thọc sâu, đánh hiểm, nhắm vào đầu não của địch. Nguyễn Bình đặt tên là Ban Trinh sát Quân chính và chọn Nguyễn Ngọc Sớm, Nguyễn Đình Chính và Trần Phong. Sớm là thợ quấn mô tơ ở Gò Vấp, Chính là lính Marine (Hải quân) bỏ ngũ theo cách mạng, Phong là công nhân. Ngày 6-1-1946, ngày toàn dân bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cũng là ngày Ban Trinh sát Quân chính làm lễ ra mắt với cái tên mới: Ban Công tác số 1.
Sau hơn một năm, trên cương vị Khu trưởng Khu 7 những ngày đầu kháng chiến, với uy tín và tài trí, Nguyễn Bình đã cùng Khu ủy và Xứ ủy Nam Bộ có những quyết định đúng đắn, giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản, phức tạp của tình hình lúc bấy giờ, thống nhất các LLVT đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thu phục, cảm hóa lực lượng Bình Xuyên
Trong những ngày đầu kháng chiến, LLVT cách mạng ở Nam Bộ được hình thành từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có “bộ đội Bình Xuyên”. Trước Cách mạng Tháng Tám, lực lượng này gồm các tay anh chị cùng đông đảo đàn em giang hồ, vì mưu sinh và tự vệ mà kết lại với nhau thành từng nhóm, lấy nghĩa huynh đệ, luật giang hồ làm căn cứ ứng xử. Một số bộ phận không vượt qua được bản chất lưu manh, cơ hội, đã quay lại phản bội cách mạng, tác oai tác quái, nhũng nhiễu dân lành. Nhóm của Ba Nhỏ là một trường hợp như thế.
Ba Nhỏ tên thật là Lê Văn Khôi, trước Cách mạng Tháng Tám, Nhỏ đứng đầu một băng nhóm chuyên nghề đâm thuê chém mướn ở cầu Xóm Củi. Khi chuyển địa bàn hoạt động sang vùng Cầu Bông-Tân Định-Đa Kao-Thị Nghè, y nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của nhiều băng nhóm.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Ba Nhỏ đưa lực lượng của mình nhập với các nhóm vũ trang khác. Khi lực lượng cách mạng đang bao vây Sài Gòn, Ba Nhỏ đã không ngần ngại rút gươm hạ sát một bà mẹ vô tội ở Cầu Bông, chỉ vì trong giỏ của bà có 1kg thịt định đem cho con gái và cháu ngoại đang bị kẹt trong thành phố. Mặt trận số 1 bị vỡ, Ba Nhỏ chỉ huy bọn đàn em gồm 3 tiểu đội với 15 khẩu súng, rút vào Bưng Sáu Xã, liên kết với Tư Cò Đá-một phần tử lưu manh với lực lượng vài chục đàn em và hơn chục khẩu súng chuyên bắt cóc con tin đòi tiền chuộc. Tại đây, nhóm Ba Nhỏ và Tư Cò Đá tiếp tục nhũng nhiễu nhân dân, đe dọa chính quyền và các đoàn thể cách mạng địa phương.
Việc bắt một tên giang hồ như Ba Nhỏ thì không dễ dàng, bởi hắn luôn thủ súng trong người, theo sát còn có một vệ sĩ thiện xạ. Công việc khó khăn này được giao cho “hùm xám” Mai Văn Vĩnh (tức Hai Vĩnh)-người được Ba Nhỏ tin nể-đảm trách. Biết Ba Nhỏ cùng tên vệ sĩ ở trong chùa Cao Đài tại thị xã Bà Rịa, Hai Vĩnh trao súng cho người bảo vệ đi cùng, rồi tay không một mình tới gặp, thuyết phục Ba Nhỏ đi gặp Nguyễn Bình. Với lực lượng được bố trí từ trước, Ba Nhỏ đã nhanh chóng bị bắt. Tuy nhiên, xử lý Ba Nhỏ lúc bấy giờ lại không phải chuyện dễ. Các tay anh chị không ai chịu ai, nhưng đều rung động trước cái chết của người cùng giới. Nắm trước tâm lý đó, Nguyễn Bình đã phái Hai Trọng, một người có uy tín, làm công tác tư tưởng trước trong giới chỉ huy Bình Xuyên. Tuy vậy, trước khi Ba Nhỏ bị xử tử, nhiều tay anh chị từng sống, liên kết với Ba Nhỏ, đứng đầu là Mười Lực đã làm đơn kiến nghị xin giảm án cho hắn.
Tại phiên tòa, ngồi ghế chánh án là Nguyễn Bình, Khu trưởng Khu 7; Dương Văn Dương, Khu phó Khu 7 kiêm Chỉ huy trưởng Liên chi 2 và 3, cùng Nguyễn Văn Mạnh-chỉ huy bộ đội Chánh Hưng ngồi ghế hội thẩm. Sau khi nghị án, Nguyễn Bình thay mặt tòa nêu rõ những tội danh mà Ba Nhỏ đã phạm phải rồi tuyên án: Tử hình Ba Nhỏ.
Sau khi nghe khu trưởng hỏi tội và tuyên án tử hình, Ba Nhỏ thành tâm nhận lỗi:
- Tội tôi làm, tôi xin chịu. Cảm ơn anh Ba đã chỉ dạy cho tôi. Xin anh Ba cho tôi một đặc ân: Được tự xử lấy mình.
Nguyễn Bình gật:
- Chiến sĩ cách mạng đã nhận tội, đồng chí sẽ được một cái chết xứng đáng. Tôi cho phép đồng chí dùng khẩu súng đã gây tội ác của đồng chí để tự xử.
Ba Nhỏ được giao trả khẩu súng của mình. Ba Nhỏ cầm khẩu súng quen thuộc rồi ngước mắt nhìn đám đông nói:
- Các bạn hãy lấy tôi làm gương. Xin đừng đi con đường của tôi.
Nói xong, Ba Nhỏ tay phải cầm súng, tay trái vuốt ve nòng súng. Lúc đó, cả trăm người nín thở, hàng trăm mắt nhìn nòng súng lo sợ cho ba vị ngồi trên bục cao. Mục tiêu số một chắc là Khu trưởng Nguyễn Bình.
Nguyễn Bình vẫn điềm nhiên nhìn xuống Ba Nhỏ đứng trước vành móng ngựa. Nhưng Ba Nhỏ không nhìn ai, từ từ đưa họng súng từ bụng đi lên tới ngực, khẽ nhích qua bên trái một chút, ngay trái tim. Một tiếng tách vang lên. Nhưng đạn không nổ. Ba Nhỏ cười, nói to lên:
- Hồi nào tới giờ mầy theo tao, sao bây giờ mầy lại phản tao?
Ném súng xuống đất, Ba Nhỏ nói với chánh án:
- Anh Ba (Nguyễn Bình), anh cho tôi mượn cây súng của anh.
Mọi người quay lại nhìn Nguyễn Bình xem phản ứng. Nguyễn Bình móc súng đưa người đem lại cho Ba Nhỏ. Ba Nhỏ chĩa lên đầu, ngang vành tai, bóp cò.
Súng nổ vang. Ba Nhỏ gục xuống tắt thở.
Vụ Nguyễn Bình xử Ba Nhỏ là một vụ án nổi tiếng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nếu không phải là Nguyễn Bình với tài năng và bản lĩnh hơn người, sẽ không đời nào cho Ba Nhỏ được tự xử theo kiểu giang hồ mã thượng như thế. Có thể nói, đây là một vụ án được tiến hành trong điều kiện cực kỳ khó khăn và phức tạp. Thành công của vụ án đã có tác dụng to lớn nhằm răn đe những kẻ cơ hội, lợi dụng tình hình để chống phá cách mạng, đồng thời tạo được niềm tin cho nhân dân quyết tâm theo Đảng, theo cách mạng tiến hành kháng chiến cho tới ngày toàn thắng.
Thời trẻ, Nguyễn Bình lên Hải Phòng làm thủy thủ trên tàu viễn dương chạy tuyến Việt Nam-Pháp. Được Trần Huy Liệu vận động, ông tham gia cách mạng, gia nhập Việt Nam quốc dân đảng, phụ trách quân sự. Sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái, lực lượng Việt Nam quốc dân đảng bị phân hóa. Cả Trần Huy Liệu và Nguyễn Bình đều bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi Côn Đảo. Do tư tưởng thiên tả, ông bị nhóm cực hữu trong Việt Nam quốc dân đảng kết án tử hình, may mắn thoát nạn nhưng bị đâm mù một mắt.
Ngày 29-9-1951, theo yêu cầu của Trung ương, Nguyễn Bình ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Trên đường đi, ông bị quân Pháp phục kích và hy sinh tại xã Srê Dốc, huyện Sê San, tỉnh Xtung Treng, Cam-pu-chia. Tháng 2-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 84/SL truy tặng ông Huân chương Quân công hạng nhất. Ông là người đầu tiên trong quân đội nhận được huân chương cao quý này. Ngày 29-2-2000, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã di chuyển hài cốt của ông về Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh. Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
|
VĂN TUẤN (tổng hợp)