Mở đường Nam tiến
Mùa thu năm 1924, lúc 16 tuổi, người thanh niên yêu nước Lê Văn Nghiệm lấy bí danh là Lê Như Vọng, bí mật đến Băng Cốc (Thái Lan) rồi lên tàu biển đi Hồng Công, đến Quảng Châu... học lớp đào tạo cán bộ do Lý Thụy (tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) giảng dạy. Mùa hè năm 1925, Trường Võ bị Hoàng Phố khai giảng khóa mới. Lê Như Vọng dự thi và đã trúng tuyển. Hoàng Phố là trường quân sự của Quốc dân Đảng, do Chính phủ Tôn Trung Sơn lập ra. Nhà trường được tổ chức theo mô hình của Hồng quân Liên Xô, do các chuyên gia quân sự Liên Xô giảng dạy. Phần lớn trang bị kỹ thuật đều do Liên Xô giúp đỡ... Trường có khá nhiều đảng viên Cộng sản tham gia lãnh đạo như Chu Ân Lai, về sau làm Thủ tướng nước CHND Trung Hoa. Hiệu trưởng nhà trường lúc ấy là Tưởng Giới Thạch.
Biệt danh “Cây gỗ mun” được hiểu theo nghĩa đen vì nước da ngăm đen của Lê Văn Nghiệm. Còn theo nghĩa bóng, là tâm sự gửi gắm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Lê Văn Nghiệm: Hoạt động trong lòng địch vẫn tuyệt đối trung thành, vững vàng và bền chắc như cây gỗ mun! Khi đó, Lê Văn Nghiệm vừa học xong Trường Võ bị Hoàng Phố. Ông đang mong mỏi được sang Liên Xô học tiếp. Nhưng cùng thời gian này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị ta giúp đỡ, đưa người vào hàng ngũ quân đội Quốc dân Đảng. Người được Nguyễn Ái Quốc tin cậy lựa chọn là Lê Văn Nghiệm. Người liên lạc trước khi chia tay đã dặn một câu ngắn gọn: “Từ nay, đồng chí Lý Thụy đặt cho anh mật danh là “Cây gỗ mun”, nhớ lấy nhé!”.
    |
 |
Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Ảnh tư liệu |
Cuối năm 1941, tại Pác Bó (Cao Bằng) với bí danh Lê Quốc Vọng, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng với đồng chí Lê Quảng Ba lập đội vũ trang du kích đầu tiên gồm 12 người. Đó là Đội du kích Pác Bó. Tiếp đó, ông lại nhận nhiệm vụ cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách Ban Xung phong Nam tiến, mở đường về xuôi...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại trong hồi ký: “Sau một thời gian ở Nguyên Bình, tôi được chỉ thị cùng anh Thiết Hùng (Lê Quốc Vọng) chuyển xuống phía Nam gây phong trào tại tổng Kim Mã, một nơi chưa có tổ chức Việt Minh. Bác và Liên tỉnh ủy muốn tổ chức cơ sở ở vùng này làm chỗ đứng chân, phát triển phong trào về dưới xuôi, mở đường Nam tiến”.
Hai đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Quốc Vọng phụ trách Ban Xung phong Nam tiến, có nhiệm vụ mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã để nối liền với Chợ Chu, Đại Từ.
“Tôi được biết Bác chuẩn bị đi xa. Sau khi trao nhiệm vụ Nam tiến cho chúng tôi, Bác nói: “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự, chú Vọng phải chú trọng thêm chính trị”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết.
Được Bác đặt tên là Lê Thiết Hùng
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Lê Quốc Vọng đã chỉ huy một đơn vị vũ trang và lãnh đạo quần chúng giành chính quyền ở Thất Khê, Đồng Đăng, Na Sầm (Lạng Sơn)... thu hàng nghìn khẩu súng của địch để trang bị cho những đội quân đầu tiên của cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Thời gian đầu, ông còn phải quay trở lại các vùng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Móng Cái… để chuẩn bị đối phó với “Hoa quân nhập Việt”. Rồi ông lại về Hải Phòng để phát triển lực lượng tự vệ chiến đấu, chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân.
Trước những biến chuyển mau chóng của đất nước, Lê Quốc Vọng được Bác Hồ giao làm lãnh đạo Khu 4. Một hôm, ông đang đi thị sát miền tây Khu 4 chống tàn quân Pháp đang từ Lào lăm le đánh xuống thì có điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi ra Hà Nội.
Trở ra Thủ đô, ông mới biết, bằng việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Bác Hồ đã khôn khéo gạt được hơn 20 vạn quân Tưởng khỏi miền Bắc. Theo phụ lục của Hiệp định sơ bộ, Chính phủ tổ chức “Đội Tiếp phòng quân” để thay thế quân Tưởng, giám sát việc rút quân của chúng; đồng thời cũng là để buộc phía Pháp phải thi hành đúng hiệp định đã ký... Lúc này, đang cần một người mang quân hàm thiếu tướng để chỉ huy “Đội Tiếp phòng quân”. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chọn Lê Quốc Vọng.
Trong hồi ký “Người học trò nhỏ của Bác Hồ” do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng kể, Đại tá, nhà văn Siêu Hải thể hiện, đã cho biết nội dung cuộc gặp này tại Bắc Bộ phủ. Bác hỏi ý kiến ông. Suy nghĩ trong giây lát, ông đáp: “Thưa Bác, tôi tự xét thấy chưa quen làm việc với bọn Pháp, ít am hiểu bọn chúng. Đề nghị Bác chọn một đồng chí khác có năng lực hơn”.
Nghe vậy, Bác động viên: “Kìa, chú định thay mặt Thường vụ Trung ương về công tác cán bộ đấy à? Thường vụ và Bác đã cân nhắc kỹ. Việc này chỉ có chú làm được. Chú nhận đi!”.
Cửa phòng hé mở, có người định bước vào. Bác ra hiệu hãy đợi, rồi nói tiếp: “Tướng Valluy, tướng Salan, tướng Alexandri và cả Sainteny lúc này đều có mặt ở Hà Nội. Mấy năm qua họ nằm ở Ấn Độ, ở Côn Minh hoạt động tình báo, nắm tình hình của ta. Nhiệm vụ của chú không dễ dàng đâu”.
Siết chặt tay Lê Quốc Vọng, Bác nói thêm: “Trước đây, trên chục năm chú sống trong quân đội Tưởng đầy chông gai, cạm bẫy, “chất thép” trong con người chú đã được tôi luyện già dặn. Nay, vào cuộc chiến đấu mới, đối mặt với thực dân xâm lược Pháp, phải thêm “chất hùng” của dân tộc ta nữa. Bác đã nghĩ kỹ, chọn cho chú cái tên mới: Lê Thiết Hùng”.
Từ đó, Lê Quốc Vọng mang tên mới Lê Thiết Hùng. Cái tên này đi theo ông đến cuối đời. Lê Thiết Hùng cũng là một trong những người có vinh dự được phong hàm tướng đợt đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1948.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy “Đội tiếp phòng quân”, trong kháng chiến chống Pháp, tướng Lê Thiết Hùng được giao làm Tổng Thanh tra quân đội, kiêm Cục trưởng Cục Quân huấn và Hiệu trưởng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.
Học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn luôn ghi nhớ vai trò của thầy Hiệu trưởng Lê Thiết Hùng. Trong ký ức của các học viên, đó là người thầy vô cùng nghiêm khắc, trước sau luôn kiên định, không xuê xoa, bỏ qua một lỗi nhỏ nào cho bất kỳ ai vi phạm quy chế của nhà trường, dù trong học tập, giảng dạy hay trong sinh hoạt, tiếp xúc với nhân dân… Nhưng thầy Hiệu trưởng Lê Thiết Hùng cũng là người anh cả rất đỗi thương yêu, chăm sóc tới mọi người từ bữa ăn, giấc ngủ. Dù nắng cháy xém da hay gió lạnh lùa cắt thịt, không lúc nào vắng mặt thầy trên thao trường hay hành quân dã ngoại.
Đại tá Đỗ Đức Kiên, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn nhớ lại: “Anh hoàn toàn nổi trội hơn tất cả mọi người trên nhiều phương diện: Tuổi đời, tuổi Đảng, tuổi quân, trình độ hiểu biết chính trị, quân sự, và có quá trình hoạt động đáng kính nể. Trong sinh hoạt, anh lúc nào cũng giữ được tác phong chính quy, đàng hoàng, nghiêm cẩn. Đồng thời anh lại là một người kiên trì, mẫu mực trong thực hiện và cuốn hút cán bộ, học viên, nhân viên toàn trường nỗ lực thi đua vượt mọi khó khăn, gian khổ nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ với quyết tâm “chỉ tiến không lùi”. Giờ đây người thầy, người anh của chúng ta đã đi xa, song tên tuổi, đức độ và tấm lòng của thầy mãi mãi khắc sâu trong trái tim, trí nhớ của chúng ta”.
Nhà ngoại giao có trái tim nhân hậu
Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng được cử làm Tư lệnh Binh chủng Pháo binh kiêm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh... Phó tham mưu trưởng (không có Tham mưu trưởng) là đồng chí Nguyễn Thế Lâm (sau là Thiếu tướng), kể lại, Tư lệnh Lê Thiết Hùng rất cương quyết trong kỷ luật tổ chức huấn luyện chính quy. Ông là chỗ dựa để cán bộ huấn luyện chính quy một binh chủng kỹ thuật đầu tiên của Quân đội ta.
“Có thể nói, trong những năm đầu công tác tại Bộ tư lệnh Pháo binh, trước khi sang học ở Học viện Pháo binh Liên Xô, tôi được hai đồng chí Lê Thiết Hùng và Phạm Ngọc Mậu quan tâm giúp đỡ rất nhiều”, Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm chia sẻ trong hồi ký.
Năm 1963, đồng chí Lê Thiết Hùng được giao trọng trách mới: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên...
Ngày 18-2-1964, đồng chí Kim Nhật Thành, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, đã tiếp Đại sứ Lê Thiết Hùng. Cùng dự có đồng chí Phác Thành Triết, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Báo chí đưa tin, buổi tiếp kiến đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và hữu nghị. Hết nhiệm kỳ, đồng chí Lê Thiết Hùng về nước làm Phó trưởng Ban CP48 của Chính phủ, rồi công tác ở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cho tới ngày nghỉ hưu...
Bài thơ “Anh cả Lê Thiết Hùng” của tác giả Phạm Lãm, học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 4, viết: “Ôi người anh cả rất bao dung/ Kỷ luật nghiêm minh, dáng lạnh lùng/ Mà trái tim hồng đầy nhân hậu/ Anh đi vào cõi nhớ mênh mông”.
MAI SƠN - PHẠM TUẤN