Nếu môi trường sinh thái có vai trò thiết yếu bảo đảm sự tồn tại sinh học của con người thì môi trường văn hóa là nơi diễn ra quá trình “nhập thân văn hóa” của mỗi cá nhân, có ảnh hưởng lớn đến nhân cách, đạo đức, lối sống của họ. Môi trường văn hóa thế nào sẽ tạo ra những con người tương ứng. Chính vì thế, cổ nhân đã đúc kết: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”...

Từ thời phong kiến, các thiết chế văn hóa truyền thống cùng với các phong tục, tập quán, chuẩn mực ứng xử của cộng đồng, những phép tắc, nền nếp, gia phong trong gia đình, truyền thống “tiên học lễ, hậu học văn” trong nhà trường... đã góp phần tạo dựng nên những môi trường văn hóa tốt lành. Khi đất nước bước sang chế độ mới, ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, nhiệm vụ đầu tiên là phải xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa. Các nghị quyết của Đảng về văn hóa như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) đều rất chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Hiện nay, trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thực trạng tư tưởng, đạo đức, lối sống có nhiều biến chuyển phức tạp thì việc tạo dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Về mặt lý luận, môi trường văn hóa là khái niệm có nhiều cách hiểu rộng-hẹp khác nhau. Theo nghĩa rộng nhất, “môi trường văn hóa” gần như được đồng nhất với môi trường xã hội trong sự đối lập với môi trường tự nhiên. Theo nghĩa hẹp hơn, môi trường văn hóa chỉ là một bộ phận hợp thành môi trường xã hội, trong đó có nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, lịch sử, tôn giáo... Theo nghĩa hẹp nhất, môi trường văn hóa chỉ là một thành tố cấu thành nên văn hóa và chỉ bao gồm các yếu tố văn hóa tinh thần tồn tại xung quanh chủ thể.

leftcenterrightdel
Du khách vui chơi trong không gian Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Ảnh: TUỆ PHÚC ANH

Trong bài viết này, từ góc độ của văn hóa học, môi trường văn hóa được hiểu là “tổng hòa những thành tố vật chất và tinh thần tương đối ổn định trong một thời gian và không gian cụ thể mà cá nhân tiếp xúc và có tác động tới hoạt động của chủ thể”. Từ cách hiểu này thì các thành tố cấu thành nên “môi trường văn hóa” sẽ bao gồm: Sản phẩm và hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa nơi công cộng, tại cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường... Nhìn chung, môi trường văn hóa là một chỉnh thể thống nhất luôn vận động và biến đổi, trong đó, các thành tố có mối quan hệ biện chứng, vừa là nguyên nhân vừa là kết quả, bổ sung tương hỗ cho nhau.

Trong những năm qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta luôn được quan tâm và đã đạt nhiều kết quả. Hệ thống văn bản quản lý thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung. Các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều tác phẩm điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh... có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách con người. Các thiết chế văn hóa từ Trung ương tới địa phương từng bước được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng. Hệ thống nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, triển lãm, trung tâm văn hóa-thông tin-thể thao, câu lạc bộ, nhà văn hóa, di tích lịch sử-văn hóa, cửa hàng sách báo, khu vui chơi giải trí... có nhiều đổi mới, cải thiện cả về cơ sở vật chất lẫn phương thức hoạt động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân, lành mạnh hóa lối sống, giảm bớt các tệ nạn xã hội.

Môi trường văn hóa trong gia đình được quan tâm, góp phần phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu, bổ sung những giá trị mới, tiến bộ của gia đình thời hiện đại. Môi trường văn hóa học đường cũng được cải thiện, trở thành nơi “học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình”. Trong môi trường xã hội, nếp sống văn hóa được củng cố tại các nơi công cộng, nhiều thuần phong mỹ tục được vun đắp, các hủ tục dần dần bị loại bỏ, nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc cưới, việc tang và lễ hội từng bước được khắc phục.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, phải thẳng thắn thừa nhận, công tác xây dựng môi trường văn hóa còn không ít hạn chế, yếu kém. Việc hoàn thiện thể chế văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hệ thống thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, hiệu quả hoạt động thấp. Trình độ quản lý, điều hành trong thực tiễn của đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém. Chưa kiểm soát được xu thế thương mại hóa thái quá trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Còn nhiều lúng túng trong xử lý các hiện tượng văn hóa mới như: Văn hóa mạng, văn hóa giới trẻ, văn hóa các nhóm thiểu số, “bên lề”, các trào lưu nghệ thuật đương đại dẫn đến một số hiện tượng lệch chuẩn, phản văn hóa, tác động xấu tới môi trường văn hóa. Một số phong trào văn hóa còn mang tính hình thức, bề nổi, nội dung đơn điệu, thiếu hấp dẫn, hiệu quả xã hội chưa cao. Môi trường văn hóa còn nhiều biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục. Tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, một số hiện tượng mê tín dị đoan, hủ tục có dấu hiệu phục hồi. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng còn chưa quan tâm xây dựng môi trường văn hóa.

Như vậy có thể thấy, xây dựng môi trường văn hóa là một nhiệm vụ rất phức tạp, khó khăn, lâu dài. Vì vậy, để công cuộc này thực sự đi tới thành công, rất cần tiến hành một hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện và triệt để. Về cơ bản, có thể đưa ra một số giải pháp chính như sau:

Một là, đẩy nhanh công tác củng cố, hoàn thiện thể chế văn hóa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công cuộc xây dựng môi trường văn hóa trong cả nước. Xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí đánh giá đối với các môi trường văn hóa khác nhau, góp phần chấn chỉnh nếp sống, hành vi ứng xử trong các không gian văn hóa cụ thể, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng.

Hai là, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân. Một khi đời sống văn hóa phong phú, môi trường văn hóa lành mạnh thì con người khó có thể sa vào các tệ nạn xã hội hay bị ảnh hưởng về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Phải có những đánh giá, tổng kết, tiến tới đổi mới mô hình, nội dung, cách thức xây dựng môi trường văn hóa (chẳng hạn, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hay một số phong trào, cuộc vận động khác) để có những điều chỉnh, bổ sung, chuyển hóa cho phù hợp.

Ba là, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng môi trường văn hóa. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật phải trở thành công cụ sắc bén giáo dục đạo đức, niềm tin, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người, hướng con người tới khát vọng chân, thiện, mỹ.

Bốn là, phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng môi trường văn hóa. Gia đình là môi trường đầu tiên, quan trọng nhất tạo dựng nhân cách con người. Gia đình là tế bào của xã hội, môi trường văn hóa gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Cần xây dựng gia đình Việt Nam thực sự trở thành tổ ấm bình yên, nơi hình thành và giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử của con người.

Năm là, nâng cao vai trò của nhà trường trong xây dựng môi trường văn hóa. Mỗi trường học phải trở thành một không gian văn hóa quan trọng góp phần giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, lẽ sống. Thầy cô phải trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Sáu là, tăng cường vai trò chủ thể của cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa. Khơi dậy sức mạnh, phát huy sáng kiến của người dân, tránh áp đặt từ trên xuống, tránh biến cộng đồng thành người quan sát hay khách bên lề trước công việc của chính cộng đồng. Khuyến khích tinh thần tự quản, tự giác, tự chủ trong xây dựng môi trường văn hóa. Mỗi tập thể, tổ chức, địa bàn dân cư phải là những môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần điều chỉnh các cá nhân. Nâng cao vai trò phản biện xã hội, tạo dư luận lên án cái xấu, cái ác, ca ngợi cái tốt, cái đúng, lấy gương người tốt, việc tử tế để cổ vũ, khuyến khích tính hướng thiện của con người.

Bảy là, tăng cường phối hợp liên ngành, huy động mọi nguồn lực để xây dựng môi trường văn hóa. Công cuộc xây dựng môi trường văn hóa sẽ không thể thành công nếu coi đó chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa. Rất cần tới sự chung tay hiệp lực của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội... Đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động xây dựng thiết chế văn hóa, tôn tạo cảnh quan văn hóa, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa...

Như vậy, để công cuộc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở Việt Nam thành công, bên cạnh việc tổng kết, đánh giá thực tiễn một cách thẳng thắn, khách quan, rất cần có sự nhìn nhận, đổi mới, nâng tầm về mặt tư duy và lý luận, đồng thời có những hành động thiết thực, bước đi cụ thể để triển khai các giải pháp thực tế chứ không chỉ là những kỳ vọng và hô hào suông.

GS, TS TỪ THỊ LOAN (*)

(*) Nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia