Ở nơi không phân biệt đêm ngày
Những cuộc điện thoại tranh thủ ấy cũng không kéo dài được bao nhiêu bởi các bệnh nhân có diễn biến cần thăm khám nên bác sĩ phải đến kiểm tra và theo dõi liên tục. “Đợi bệnh nhân ổn định mình nói chuyện sau nhé!”, đó là câu nói bác sĩ Ngọc Anh thường để lại giữa những cuộc chuyện trò đang dang dở với chúng tôi. Những việc như vậy cứ diễn ra thường xuyên mỗi ngày ở đây.
Bình thường, luân phiên mỗi tháng, các khoa trong viện sẽ cử một ê kíp tiếp quản việc điều trị bệnh nhân ở Đơn vị điều trị Covid-19 (Khoa Virus-Ký sinh trùng). Tháng này, ê kíp của Khoa Viêm gan, trong đó có bác sĩ Đới Ngọc Anh vừa nhận nhiệm vụ thì có bác sĩ nhiễm Covid-19, rồi cách ly toàn bệnh viện, lượng bệnh nhân gửi đến cũng tăng. Lực lượng được tăng cường, vậy là có 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng, 1 hộ lý, 1 nhân viên vệ sinh. Ê kíp chia nhau ra luân phiên trực nhưng với việc điều trị, chăm sóc cho khoảng 50 bệnh nhân thường xuyên, trên thực tế tất cả đều chia sẻ công việc, đều không có ngày nghỉ. Ở đây không giống như việc điều trị bệnh nhân thông thường, mọi thứ đều phải bảo đảm phòng tránh lây nhiễm nên có rất nhiều việc tưởng đơn giản hóa ra lại chẳng dễ dàng chút nào. Ví dụ, khi bác sĩ ra khu bệnh nhân không thể dùng điện thoại nên việc trao đổi thông tin với đồng nghiệp ở phòng trong cũng là cả vấn đề; hay trời nóng nhưng không thể bật điều hòa vì có thể làm virus lây lan; đeo khẩu trang suốt ngày khiến vành tai của các y, bác sĩ sưng tấy, mưng mủ... Nhưng như bác sĩ Ngọc Anh chia sẻ: “Chúng tôi luôn giữ được tinh thần lạc quan, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, giữa đồng nghiệp với nhau và với bệnh nhân. Nhờ thế mà mọi thứ diễn ra thuận lợi hơn”. Giả sử, nếu bác sĩ Ngọc Anh mặc đồ phòng hộ ra tiếp nhận, thăm khám bệnh nhân thì mọi thông tin sẽ được chị ghi lại vào giấy, sau đó giơ qua cửa kính, bác sĩ khác sẽ chụp lại, nhập vào hồ sơ, máy tính và cho các chỉ định cần thiết. Khi bác sĩ Ngọc Anh khám xong ra ngoài thì đồng nghiệp cũng đã cho đơn thuốc xong. Cứ như vậy, mọi việc diễn ra ăn ý, phối hợp chặt chẽ từ khi nhận bệnh nhân.
Theo chia sẻ của bác sĩ Ngọc Anh, bệnh nhân nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 lần này thường diễn tiến muộn. Khi vào viện chỉ có những biểu hiện của bệnh nhiễm virus thông thường, nhưng đến ngày thứ 7-9 lại bắt đầu có tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp tiến triển nhanh hơn, kể cả ở bệnh nhân trẻ, không có bệnh nền... Vì thế, một bệnh nhân thường mất ít nhất hai tuần theo dõi. 50 bệnh nhân điều trị nên cũng có rất nhiều vấn đề, có người sốt liên tục, có người ho liên tục không thể ngủ, có người tưởng ổn định rồi, hôm sau lại trở nặng... nhất là suy hô hấp thường diễn tiến về đêm và rất nhanh. Điều đó đồng nghĩa với việc các bác sĩ, điều dưỡng phải theo sát bệnh nhân 24/24 giờ. Vậy nên ở khu điều trị đặc biệt này, không phân biệt ngày đêm, đầu tuần hay cuối tuần.
Khó khăn này có đáng gì
Chiều thứ bảy, gửi cho tôi đoạn video con gái đang nói chuyện với mẹ qua điện thoại, chị nhắn: “Nhớ lắm, đến nỗi nhiều khi không dám gọi về nhà vì sợ sẽ khóc”. Cảm giác “mất tự do”, áp lực công việc, nhớ nhà, nhớ con là điều không chỉ riêng bác sĩ Ngọc Anh phải vượt qua. Những ngày này, chồng chị là bác sĩ Nguyễn Viết Nam, cũng đang công tác tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện, cùng ở lại bệnh viện cách ly và làm việc, con gái ở với ông bà ngoại. Nếu không có dịch, những dịp cuối tuần không phải trực, bác sĩ Ngọc Anh thường cùng chồng con đi chụp ảnh, cắm trại, du lịch. Giờ đây, những điều đó trở nên xa xỉ. Nhưng với chị, đó chỉ là những điều nhỏ bé, đương nhiên không đáng để nhắc đến bởi trong cuộc chiến phòng, chống dịch này, còn có rất nhiều người phải hy sinh hơn chị rất nhiều. “Ngoài kia, giữa nắng nóng, những đồng nghiệp ở CDC cũng đang quên ăn, quên ngủ làm việc còn vất vả hơn tôi; lãnh đạo bệnh viện, ngành y tế cũng đang phải chịu áp lực, lo lắng hơn tôi rất nhiều; hay chị đồng nghiệp cùng nhóm tôi có hai con đều đang ở năm chuyển cấp, lại học trực tuyến, so với tôi có con nhỏ, có lẽ nỗi lo lắng của chị còn nhiều hơn; công việc của chồng tôi ở Khoa Cấp cứu cũng căng thẳng, có khi hơn tôi; đồng nghiệp của tôi không may nhiễm virus cũng đang rất buồn và mong sớm khỏi bệnh để được trở lại làm việc... Những bệnh nhân ở đây cũng đang phải chịu đựng bệnh tật và cả những khó khăn về tâm lý nữa, chắc chắn họ cũng không dễ chịu hơn tôi... Vì thế, dẫu gặp phải điều gì, tôi vẫn thấy rất thoải mái tinh thần, vì mình còn có thể làm việc, giúp ích cho bệnh nhân”, nữ bác sĩ trẻ chia sẻ.
Vài ngày trước, một bệnh nhân đã “lén” chụp ảnh, quay video khi bác sĩ Đới Ngọc Anh tới thăm khám, động viên bệnh nhân rồi sau đó chia sẻ lên facebook với những lời cảm ơn, khen ngợi. Rất nhiều người thân của bệnh nhân ấy đã bình luận, gửi lời cảm ơn và động viên bác sĩ, thậm chí hứa hết dịch sẽ đến chơi nhà, rồi phải mời bác sĩ Ngọc Anh về quê chơi. Khi biết việc ấy, Ngọc Anh rất bất ngờ và xúc động: “Họ không biết mặt mũi tôi ra sao, tên là gì, chỉ nghe giọng nói nhưng mỗi lần nghe lời cảm ơn từ bệnh nhân, đơn giản thôi, chính là sự động viên lớn giúp chúng tôi có thêm nhiều sức mạnh”.
Bác sĩ Ngọc Anh kể, bệnh nhân Covid-19 ngoài việc phải chiến đấu với bệnh tật, lại không có người nhà ở bên nên thường mang nặng tâm lý lo lắng, dễ cáu gắt, đôi khi có những đòi hỏi rất khó tính; rồi đa số vào viện gấp nên không chuẩn bị kịp đồ dùng cá nhân... Vì thế, việc gần gũi quan tâm, động viên, giúp đỡ, đôi khi là vài câu vui đùa của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân thoải mái hơn. Tinh thần tốt mới là yếu tố quyết định để cả bác sĩ và bệnh nhân cùng vượt qua khó khăn. Chị nói: “Mỗi lần mặc bộ đồ phòng hộ, nhiều người thường nghĩ nóng, khó chịu nhưng tôi lại chọn suy nghĩ rằng mỗi lần mình mặc bộ đồ này là mang đến sự an tâm cho bệnh nhân. Nghĩ mình có ích, sẽ thấy vui vẻ”.
HOÀNG DƯƠNG