Với người Việt, trà là đồ uống để thưởng thức trong nhiều không gian và là văn hóa phổ biến không kể sang hèn bởi tác dụng tích cực của nó với sức khỏe. Người Việt có thể uống trà một mình (độc ẩm), uống với hai người (đối ẩm), hay nhiều người (quần ẩm). Nhưng thưởng trà mà không yêu trà, yêu cây chè chắc sẽ là một thiếu sót. Tôi có được bài học đó từ một phụ nữ nặng lòng với cây chè, người trồng chè và đang quyết tâm thổi hồn để chè, trà Thái Nguyên nâng cao giá trị.
Sau chuyến công tác tại Lữ đoàn 575 (Quân khu 1), trở về Hà Nội, thấy còn sớm nên tôi dừng xe ở lề đường Việt Bắc rồi vào một cửa hàng giới thiệu sản phẩm có tên “Hương Vân Trà”, định bụng mua quà biếu. Đang quan sát, ngắm không gian trưng bày sản phẩm mang nhiều nét Á Đông bắt mắt, tôi nghe tiếng phụ nữ mời gọi phía sau:
- Em mời anh đến thưởng trà!
Quay người về phía âm thanh nhẹ nhàng, trước mặt tôi là một phụ nữ nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu, nở nụ cười thân thiện. Mái tóc dài đen và bộ váy màu nâu trầm sang trọng khiến tôi cảm mến. Tôi gật đầu và tiến theo sau người ấy đến bàn trà.
|
|
Khách nước ngoài ghé không gian trưng bày sản phẩm Hương Vân Trà. Ảnh: TRƯỜNG MINH |
Rồi người phụ nữ ấy tráng ấm, thực hiện quy trình pha trà. Hơi nước sôi mỏng manh từ miệng ấm bay lên vấn vít đôi tay mềm mại. Nhìn các động tác thuần thục, uyển chuyển ấy, tôi liên tưởng tới những diễn viên múa trong một vở kịch pha trà, dâng trà chốn cung đình. Người phụ nữ tự giới thiệu tên là Nguyễn Thị Hương Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Hương Vân Trà, có địa chỉ ở phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi tráng trà, chị Vân lấy một chiếc “đũa” dài khoảng 15cm để tản trà. Chị đậy nắp lên miệng chiếc ấm màu đen cũ kỹ to như quả dưa lê rồi đưa lên lắc đều điêu luyện giống như cách các nhân viên pha chế ở quán bar. Chị Vân giới thiệu, đây là khâu đánh thức hương trà.
Vừa làm, chị vừa hồn hậu kể, một người ở trong Nam vô tình biết chị qua những giọt trà vàng nhạt mang vị chát dịu ngọt mà lắng sâu của đất “đệ nhất danh trà” nên đã tặng chị chiếc ấm nguồn gốc từ gốm Bát Tràng này. Nó có tuổi đời hơn trăm năm. Vài phút sau, chị Vân mở nắp và đưa chiếc ấm lên mũi hít hà trong ánh mắt lim dim. Chị ngâm ngợi câu thơ: “Se lạnh gió khẽ ru tình/ Chén trà ấm áp bóng hình tri âm/ Hương bay quyện ý tri âm/ Lời không cần nói, lặng thầm thấu nhau". Rồi chị Vân đưa nó cho tôi và động viên:
- Mời anh thưởng và đánh giá hương của trà!
Tôi làm động tác giống chị đã thực hiện. Mùi trà thơm và hơi ngái thoang thoảng trong cánh mũi, khiến tôi có chút hưng phấn. Tôi đưa lại ấm trà cho chị Vân và nói, nó thua trà sen và có mùi thơm rất dịu chứ không đậm đặc.
- Vâng, chắc anh cũng yêu trà nhiều lắm?
Tôi nhìn chị và gật đầu.
Thực ra tôi tỏ thái độ đồng tình là vì muốn đáp lại thành ý của chị, để có cơ hội mãn nhãn sự tò mò. Đây là lần đầu tôi thấy một phụ nữ pha trà kỳ công trong không gian ấn tượng như thế.
Chị Vân rót trà điệu nghệ và đưa chén trà bốc khói màu vàng chanh về phía tôi. Tôi đưa lên môi, hương trà thoang thoảng. Nhấp một ngụm để trong khoang miệng tôi thấy trà có vị hơi chát. Khi trà qua cổ họng một lúc thì tôi thấy có vị ngọt đậm dần rồi đọng lại rất lâu.
Chị Vân nói với tôi, với người Việt, văn hóa uống trà rất đa dạng và theo sở thích, điều kiện kinh tế. Nhưng phổ biến và đại chúng nhất vẫn là uống trà tinh khiến. Tức là loại trà chế biến theo kiểu truyền thống. Trà là cớ để mở đầu sự thanh bạch, thư thái, để thi sĩ dưỡng nuôi ý tưởng và đưa tâm hồn phiêu diêu, thăng hoa viết văn làm thơ. Trà cũng là “điểm tựa” cho sự kết nối tâm giao của đấng quân tử, nảy nở những câu chuyện nhân sinh thế thái. Trà có mặt tại mọi sự kiện của người Việt, trong đám cưới, đám hỏi và nhiều nghi lễ, các cuộc họp, hội thảo... Nhưng người yêu trà thật lòng và đến với trà bằng tâm thì hiếm?
- Liệu đánh giá như vậy có vội vã không? Tôi thấy có nhiều người yêu trà đấy chứ?
- Tất nhiên mỗi người yêu trà bằng cách riêng. Nhưng em thấy vẫn chưa ổn.
Rồi chị Vân nói tiếp:
- Này nhé, xin bỏ qua tích hứng sương mai trên lá sen để pha trà, hoặc ướp trà sen để uống rất cầu kỳ và hiếm thấy, thời nay, nhiều người tỏ nghiện trà, quý trà ra mặt đấy, nhưng lại pha trà bằng nước máy đun sôi 100 độ C hoặc sử dụng nước mưa đun sôi để pha trà mà chưa qua xử lý. Cách pha trà phổ thông là làm nóng ấm, cho trà vào, đổ nước sôi tráng trà sau đó châm ra chén để thưởng trà. Làm như thế khiến trà bị chín ém, mất hương, mất vị, thậm chí bị nồng. Chất clo để lọc nước cho sạch vô tình làm mất hương vị trà.
- Ồ, giờ mình mới biết việc ấy.
- Em thưởng trà theo cách riêng và thường nhìn khách để đoán gu mà pha theo quy chuẩn đã đúc kết. Trà của em pha bằng nước giếng từ vùng quê hoặc nước lọc tinh khiết và chỉ đun sôi rồi để giảm xuống 80-85 độ C, tương ứng với từng loại trà. Em phải đánh thức trà sau đó mới cho nó chín từ từ. Như vậy trà mới dậy hương, dậy vị. Nhấp một ngụm trà, thực khách sẽ cảm nhận đầy đủ tinh túy của đất trời Thái Nguyên đọng trong tường giọt nước trà sánh vàng.
- Cầu kỳ quá!
Ấy, chưa đủ đâu anh! Yêu trà là phải yêu cây chè, phải kiểm soát được sản phẩm trồng không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hái chè, sao chè, chế biến chè phải được kiểm soát thì trà mới phát huy giá trị đích thực.
Điều chị Vân nói khiến tôi nhớ tới những băn khoăn cách đây chục năm. Ngày đó, khi đi đến những đồi chè của nông dân ở Thái Nguyên, tôi thấy nhiều gia đình khó sống được vì sản phẩm làm ra phải bán cho các nhà chế biến với giá thấp. Họ không tìm được đầu ra để hoàn thiện quy trình từ sản xuất đến chế biến. Thế là trà Thái dù ngon nức tiếng vẫn cứ quẩn quanh chưa có cơ hội bay xa. Nhưng đáng buồn là người nước ngoài mua chè Thái Nguyên rồi làm nguyên liệu để chế biến ra những loại trà cao cấp xuất khẩu ra nước ngoài thu về giá trị lợi nhuận ngất ngưởng. Mua sản phẩm cao cấp ấy, nhưng nhiều người Việt không hề biết nguyên liệu được lấy từ cây chè ở quê hương mình.
Như đọc được suy nghĩ của tôi, chị Vân nói dịu dàng, do nặng lòng với trà, yêu trà nên chị đã liên kết với các hộ nông dân để hình thành chuỗi trà sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gần 20 năm. Với 30ha chè nguyên liệu, trong đó có 5ha chè canh tác hữu cơ. Hợp tác xã Vân Hương Trà sản xuất ra 4 dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Thái Nguyên. Mới đây, Vân Hương Trà cho ra sản phẩm mới có tên gọi “Sum vầy”.
Chị Vân rời bàn trà và đi đâu đó mấy phút rồi quay lại với hộp trà trên tay. Chị nói, người Việt có câu: “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Trà là vật thành kính dâng người đã khuất, dâng lên tổ tiên. Trà là biểu hiện của sự sum vầy ngày Tết; là biểu hiện cho văn hóa dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất, khát khao độc lập, tự do, yêu chuộng hòa bình. Trà là quà tặng để kết tâm giao, để hướng tới hòa hợp và phát triển.
Nhưng bản chất trà là một loại nông sản khó bảo quản. Thế nên, muốn nâng cao giá trị của trà thì phải kết hợp trà với công nghệ và gắn với văn hóa và du lịch. “Em tin, đến với trà bằng tấm lòng và cái tâm trong sáng thì trà sẽ đưa lại cho ta những giá trị về tâm hồn, phẩm hạnh và những điều tuyệt vời khác”.
Tôi mua một hộp trà làm quà tặng và rời đất Thái Nguyên trong sự thèm muốn dư vị ngọt dịu vấn vít nơi cổ họng. Câu chuyện nặng lòng với phát triển trà của chị Vân khiến tôi có đôi chút băn khoăn. Đúng lúc này, trên sóng radio của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài hát: “Em chọn lối này” của nhạc sĩ An Thuyên. Âm hưởng dân ca đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao... ở vùng ATK khiến tôi càng khó quên hương vị từ chén trà ấm nóng của chị Vân.
“Chân em đi rừng nhiều đường lắm lối
Này này ơi! Nhưng em chọn lối này
Em đây chọn lối này thôi”
Vâng, chị Vân, một phụ nữ ở TP Thái Nguyên giống như nhân vật trong tác phẩm của nghệ sĩ An Thuyên. Chị chỉ chọn lối về bản cho riêng mình. Bởi lối ấy không chỉ có chim rừng hót vang, có cây tre, cây lim, có ánh trăng rọi đường trong tiếng suối trong ban mai mà còn có cả hương vị trà mê đắm. Tôi tin, khi chị Vân và những nông dân Thái Nguyên quý trà như bạn, như người tri kỷ và thổi hồn cho sản vật trứ danh thì chắc chắn trà Thái sẽ bay xa.
Tôi trộm nghĩ, trà là người và người là trà chắc cũng vì lẽ ấy chăng?
ANH THU