Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng, hiểm họa từ SARS-CoV-2 vẫn còn vô cùng lớn và nhiều bất trắc vẫn đang tiềm ẩn trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Mỗi quốc gia trên thế giới với căn cốt và thế lực cũng như hiện trạng xã hội riêng đã có những cách đối phó khác nhau trước dịch Covid-19, đạt được những kết quả khác nhau với những tổn thất cũng không giống nhau. Hiện nay, số lượng thống kê bệnh nhân cũng như những người chết vì SARS-CoV-2 đã giảm ở một số quốc gia vốn rất nóng về hiểm họa này, thí dụ như ở Pháp hay Anh, hay Italy… Cũng có thể thấy rằng, ở châu Âu có vẻ như tâm điểm dịch đang chuyển dần từ Tây sang Đông…

Nước đầu tiên tuyên bố đã chấm dứt đại dịch là Slovenia ở châu Âu ngày 15-5 sau hai tháng đương đầu với dịch Covid-19: “Theo đánh giá của Viện Quốc gia bảo vệ sức khỏe, tất cả các chỉ số đều cho thấy rõ sự ổn định của việc lây truyền SARS-CoV-2 trong nhân dân”. Thủ tướng Janez Jansa cho rằng, “hiện nay ở Slovenia đã hình thành tình huống chống dịch thuận lợi nhất châu Âu, cho phép chúng tôi tuyên bố kết thúc đại dịch…”. Phần lớn những hạn chế từng được đưa ra như những biện pháp chống dịch ở Slovenia sẽ không bị gia hạn tới cuối tháng 6 như đã dự định… Tính từ thời điểm bắt đầu đại dịch ở Slovenia là ngày 12-3, tại đây mới có hơn 1.000 người nhiễm SARS-CoV-2 và 103 người chết vì nó…

Cũng vừa lên tiếng tuyên bố nới lỏng các biện pháp chống đại dịch ở thời điểm này là Italy, một trong những nước bị thiệt hại nặng nề nhất châu Âu. Từ ngày 18-3, chính quyền Italy đã bãi bỏ các hạn chế di chuyển của công dân trong khuôn khổ từng khu vực và từ ngày 3-6, người Italy sẽ được tự do đi lại trong nước, lệnh cấm xuất nhập cảnh sẽ được bãi bỏ… Theo thống kê của Viện Đại học Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ), trong giai đoạn vừa qua, tại Italy đã có hơn 223.800 người mắc bệnh và khoảng 31.600 người đã chết vì dịch Covid-19. Trong suốt một thời gian dài, Italy là nước có tình trạng đại dịch tồi tệ nhất châu Âu và hiện nay đang được xếp hạng ở vị trí thứ 5 trên thế giới về số người nhiễm bệnh và thứ ba về số bệnh nhân qua đời…

Điều đáng nói là đại dịch không chỉ sát hại mà còn làm thay đổi sâu sắc thái độ của người dân Italy theo hướng ác cảm, rời xa và chống lại những mối quan hệ vốn có với châu Âu. Tâm lý cho rằng Liên minh châu Âu (EU) hành xử theo cách “nhất bên trọng, nhất bên khinh” đối với các nước thành viên khác nhau đang ngày càng phổ biến ở Italy. Không ít chính trị gia Italy cho rằng, các giải pháp mà EU có thể đưa ra để giải quyết khó khăn chung liên quan tới đại dịch thường quá thiên về ý kiến và lợi quyền của Cộng hòa Liên bang Đức, nhiều khi không trùng với những nước thành viên còn lại. Không được bật đèn xanh kịp thời từ Berlin, EU đã không giúp đúng mức các quốc gia gặp khó khăn nhất vì đại dịch… Theo báo Pháp Liberation, “châu Âu đã không còn giữ được niềm tin ở Italy nữa” vì cuộc thăm dò xã hội tiến hành hồi đầu tháng 4 vừa qua cho thấy, trong con mắt của đa số người Italy, Trung Quốc và Nga, hai nước đã thực hiện những sự ủng hộ ấn tượng như gửi tới khẩu trang và các cán bộ y tế, hiện được coi là những quốc gia thân thiện, còn những thành viên trụ cột của EU như Đức hay Pháp chủ yếu bị coi là “những nước thù nghịch”…

Cũng phải nói rằng, đại dịch Covid-19 đang là nguyên do có thể dẫn tới những mâu thuẫn quốc tế gay gắt. Theo Hãng truyền hình phát thanh ABC, hiện đã có hơn 60 quốc gia ủng hộ sáng kiến của Australia và EU về việc tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Xu hướng này đang có khả năng gia tăng thêm. Trong sáng kiến này không hề nhắc cụ thể tới Trung Quốc hay Vũ Hán mà dư luận vẫn hồ nghi nhưng quan điểm của EU, theo nguồn tin từ Chính phủ Australia, trong văn bản đưa ra đủ độ quyết liệt để bảo đảm một cuộc điều tra đúng mức và chi tiết… Hiện trong danh sách những nước ủng hộ sáng kiến trên có Nga, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Nam Phi… Washington tạm thời chưa đưa ra ý kiến của mình… Trung Quốc đã phê phán gay gắt và coi sáng kiến trên, theo cách mà Chính phủ Australia công bố, như một mưu toan tấn công chính trị nhằm vào mình. Trong khi đó, đại diện EU về truyền thông Virginie Battu-Henriksson lại nhấn mạnh rằng, EU rất muốn đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này và muốn có sự ủng hộ của những nhân vật chính mà Trung Quốc là một trong số đó…

Không chỉ trên trường quốc tế mà ngay ở không chỉ một quốc gia, đại dịch Covid-19 cũng tiếp tục là nguyên nhân dẫn tới chia rẽ xã hội và chính trường. Những biện pháp cách ly xã hội mà các chính phủ đưa ra trong cuộc chiến chống đại dịch cúm không được tiếp nhận như nhau ở các tầng lớp dân cư. Và đây cũng là một trong những lý do khiến hiệu quả của những biện pháp chống đại dịch không mang lại kết quả cần thiết.

Cần phải nhìn thẳng vào thực tế để thấy rằng, thảm họa dịch Covid-19 vẫn chưa thể chấm dứt trong tương lai gần. Không ngẫu nhiên mà đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, TS Hans Kluge, mới đây đã lên tiếng cảnh báo, các nước châu Âu cần phải sẵn sàng để đón nhận làn sóng thứ hai của đại dịch. Sẽ là nguy hiểm hơn nếu dịch Covid-19 lại tái phát kết hợp với những dịch bệnh truyền thống theo mùa khác…

Họa vô đơn chí, những trường hợp một số người từng nhiễm SARS-CoV-2 và được chữa lành nhưng lại tái phát những triệu chứng dương tính, cho thấy, con người còn chưa hiểu rõ hết bản chất và mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, mới đây thậm chí còn cho rằng, nếu SARS-CoV-2 có khả năng tái sinh trong những bệnh nhân cũ thì có thể có sức mạnh khủng khiếp dẫn tới tiêu diệt cả nhân loại…

Trong bối cảnh hiện nay, mọi biện pháp nới lỏng cách ly và kiêng cữ trong bất luận trường hợp nào cũng chỉ nên được tiến hành một cách thận trọng và rất chậm rãi…

HỒNG THANH QUANG