Phóng viên (PV): Chuẩn bị hồ sơ để trình UNESCO luôn là việc khó khăn vì những yêu cầu khắt khe trong xét duyệt, công nhận DSVHPVT đại diện của nhân loại. So với những hồ sơ, hồ sơ Bài chòi đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

TS Nguyễn Bình Định: Từ năm 2012, Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Bài chòi vào danh sách lập hồ sơ đề cử quốc gia trong giai đoạn 2012-2016 trình UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Đến tháng 9-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định phê duyệt kế hoạch và giao Viện Âm nhạc chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố có di sản Bài chòi tiến hành xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam” để trình UNESCO.

Chúng tôi đã cùng 9 tỉnh miền Trung tổ chức thực hiện việc lập hồ sơ. Sau khi hoàn thành, hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi tới UNESCO vào tháng 3-2015. Với kinh nghiệm từ việc lập hồ sơ của những DSVHPVT trước đây, lần này, chúng tôi chuẩn bị hồ sơ rất kỹ lưỡng. Cùng đó là sự nỗ lực, phối hợp hiệu quả của các địa phương có di sản, sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UNESCO cùng các nước trong Ủy ban Công ước 2003. Kết quả, hồ sơ “Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam” đã vượt qua sự đánh giá khắt khe của các cơ quan chuyên môn UNESCO, đáp ứng 5 tiêu chí để được công nhận là DSVHPVT đại diện của nhân loại.

leftcenterrightdel
TS Nguyễn Bình Định

PV: Ông có thể đánh giá vài nét về giá trị của nghệ thuật Bài chòi?

TS Nguyễn Bình Định: Nghệ thuật Bài chòi dân gian là một trong những sáng tạo đặc sắc về văn hóa phi vật thể của người Việt-tộc Kinh ở Trung Bộ Việt Nam. Có thể nói, trong số những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ở các nước thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Bài chòi là một trong những nghệ thuật trình diễn dân gian rất sinh động, phong phú, đa dạng. Trong Bài chòi có sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất, ứng tác, tấu nói, diễn hài... có lúc thì hát các làn điệu dân ca, có khi thì ngâm thơ, có lúc lại diễn kịch… Đặc biệt, khả năng trình diễn của người đóng vai nhân vật anh hiệu trong Bài chòi đã tạo ra hiệu quả thể hiện rất hồn nhiên nhưng rất hấp dẫn người xem. Đó chính là một trong những điểm mạnh, điểm đặc sắc mà không phải loại hình trình diễn nào cũng có được.

Về nguồn gốc, lịch sử ra đời của loại hình nghệ thuật này đã có một số tài liệu của người Việt Nam và nước ngoài đề cập ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20. Trong cuốn “Larouss musicale” xuất bản tại Paris, Pháp năm 1928 của tác giả G.L Bouvier, nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học người Pháp gốc Ba Lan đã dành riêng một chương có tiêu đề "Những bài hát phổ thông của người An Nam” để nói về Bài chòi. Ông cho rằng, Bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm 1470 nhưng lại không đưa ra dẫn chứng để chứng minh. Sau này, một số nhà nghiên cứu của Quảng Bình và Bình Định đã dựa vào những câu chuyện truyền miệng trong dân gian để đưa ra giả thuyết rằng Đào Duy Từ (1571-1643), một nhà Nho sống ở giai đoạn cuối thời nhà Lê, đầu thời nhà Nguyễn là người đã sáng tạo và truyền dạy lối chơi Bài chòi ở vùng đất này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa đủ chứng cứ để chứng minh giả thuyết đó là đúng.

Trải qua biết bao những thăng trầm lịch sử, dù trong hoàn cảnh nào, nghệ thuật Bài chòi vẫn luôn nhịp bước, đi cùng với mọi tầng lớp nhân dân lao động, với bộ đội, với những chủ nhân đã sáng tạo ra nó để phản ánh tư tưởng, tình cảm, khát vọng; để động viên, khuyến khích cái tốt đẹp, cái tích cực; đấu tranh chống lại những cái xấu xa, tiêu cực; giúp cho cuộc sống thêm sinh động, có ý nghĩa và hướng tới ấm no, hạnh phúc. Qua đó đã cho thấy nghệ thuật Bài chòi có sức sống mạnh mẽ và đáp ứng được nhu cầu trình diễn, thưởng thức, sáng tạo nghệ thuật của đông đảo quần chúng, mà trước hết là đồng bào các tỉnh, thành phố ở miền Trung.

Xét về giá trị nghệ thuật, Bài chòi là loại hình vừa mang tính trình diễn, vừa mang tính thực hành xã hội, công chúng cùng một lúc được thưởng ngoạn nhiều thể loại, nhiều thành phần nghệ thuật khác nhau như dân ca, thơ, trò diễn, trích đoạn sân khấu, chuyện kể và diễn tấu nhạc cụ truyền thống… Cái hay riêng của Bài chòi là ở chỗ kể chuyện nhưng không giống như lối kể chuyện thông thường mà có động tác, nhạc cụ phụ họa; diễn trích đoạn sân khấu nhưng không giống như tuồng và hát bội, vì không có sân khấu, không có phông cảnh, không dùng y phục biểu diễn chuyên nghiệp mà chỉ với bộ quần áo thông thường. Đặc biệt, chỉ có một người mà đóng được nhiều vai khác nhau nhưng lại đạt hiệu quả thể hiện tự nhiên, gần gũi, dễ hiểu mà sâu sắc-đó là nghệ thuật độc diễn trong Bài chòi. Cùng với tài tức hứng lời thơ tại chỗ, lối độc diễn tự tin và hồn nhiên chính là nét đặc trưng độc đáo và đặc sắc của nghệ thuật Bài chòi dân gian, là điểm hoàn toàn khác biệt so với các loại hình nghệ thuật khác.

leftcenterrightdel
Hội Bài chòi ở Khánh Hòa. Ảnh: Ngọc Anh

PV: Là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống, đời sống của Bài chòi có bị rơi vào tình trạng khó khăn như nhiều loại hình khác, thưa ông?

TS Nguyễn Bình Định: Theo kết quả kiểm kê năm 2014, có 1.376 người với 86 đội, nhóm, câu lạc bộ đang thực hành Bài chòi tại 9 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Tại Bình Định và Quảng Nam, Bài chòi phát triển mạnh nhất với số lượng lớn câu lạc bộ (37), gia đình (27), nghệ nhân (106) và có ảnh hưởng tới các tỉnh còn lại.

Nghệ thuật Bài chòi vẫn tồn tại và duy trì 3 phong cách âm nhạc đặc trưng cho 3 vùng: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế (trung tâm): Chậm rãi, dung dị; Quảng Nam (trung tâm), Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng: Nhẹ nhàng, trữ tình, thanh thoát; Bình Định (trung tâm), Phú Yên, Khánh Hòa: Mang sắc thái kịch tính.

PV: Trong những năm qua, người dân-những chủ nhân của nghệ thuật Bài chòi, các cơ quan chức năng đã gìn giữ và phát triển nghệ thuật này như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Bình Định: Đóng vai trò chính trong bảo vệ Bài chòi là các anh/chị hiệu như: Trần Rí, Lê Thị Đào, Trương Thị Hằng, Minh Liễu, Nguyễn Văn Dũng, Đỗ Hữu Quế… và gia đình họ. Ngoài việc truyền dạy bài bản kỹ năng hát, đàn, cách trình diễn, cách làm con bài, dựng chòi và thể thức chơi cho thế hệ trẻ, họ còn cùng cộng đồng thành lập gần 90 đội, nhóm, câu lạc bộ Bài chòi để sinh hoạt, trình diễn và truyền dạy, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào sinh hoạt Bài chòi.

Các liên hoan, hội diễn Bài chòi của tỉnh (Bình Định từ năm 2010 đến nay), khu vực (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa năm 2013 và 2014) và liên tỉnh (các năm 2011, 2014 và 2015) được tổ chức với sự hỗ trợ của chính quyền, tổ chức xã hội và được cộng đồng nhiệt tình hưởng ứng.

Từ năm 1989, Trung tâm Văn hóa Thông tin thành phố Hội An tổ chức phong trào hô, hát Bài chòi. Từ năm 1998, Bài chòi được tổ chức sinh hoạt trong “Đêm rằm phố cổ” hằng tháng. Năm 2013, Chi hội Di sản văn hóa tỉnh Quảng Trị đã tài trợ để nghiên cứu, phục hồi Bài chòi cổ truyền, trong đó có Bài chòi cờ. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 4 cá nhân: Lê Thị Đào, Minh Liễu, Nguyễn Thị Đức, Hồ Ngọc Tùng.

Ngoài ra còn rất nhiều hoạt động khác liên quan tới việc gìn giữ, phát huy di sản Bài chòi. Năm 2013-2014, nghệ thuật Bài chòi của các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam và Phú Yên đã được kiểm kê và đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia. Hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa, kiểm kê Bài chòi được 9 tỉnh và Viện Âm nhạc, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp cùng cộng đồng thực hiện từ năm 1998 đến nay. Từ năm 1989, chính quyền các cấp đã cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, phục hồi, truyền dạy, trình diễn Bài chòi.

Tuy nhiên, việc trao truyền Bài chòi còn một số trở ngại như: Yêu cầu cao về năng khiếu, năng lực và sự đam mê đối với người theo học; cơ hội trình diễn, đối tượng khán giả, không gian thực hành bị thu hẹp; nghệ nhân giỏi hầu hết tuổi cao, sức yếu, đời sống khó khăn trong khi kinh phí hỗ trợ học và thực hành di sản còn hạn chế...

PV: Cũng như những DSVHPVT khác, sau khi được UNESCO công nhận, chúng ta cần tiếp tục làm gì để gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật của Bài chòi?

TS Nguyễn Bình Định: Các tỉnh có di sản tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động: Kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa nghệ thuật Bài chòi và cập nhật kết quả kiểm kê; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn. Cùng đó, nghệ thuật Bài chòi cần được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Về những hoạt động cụ thể, theo tôi cần định kỳ tổ chức Liên hoan nghệ thuật Bài chòi cấp tỉnh và vùng hai năm một lần, cấp quốc gia luân phiên ba năm một lần. Đặc biệt, cần tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ với việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HOÀI NAM (thực hiện)