Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết khởi nguồn hình thành những nét văn hóa đặc sắc vùng sông nước Cửu Long?

Nhà nghiên cứu, soạn giả Nhâm Hùng: Trong quá trình khẩn hoang lập nghiệp, kết quả mang lại không chỉ kinh tế mà còn có những giá trị văn hóa đặc trưng châu thổ Cửu Long. Đó là nhờ ông cha ta dựa vào thế mạnh của sông nước, sáng tạo ra nhiều mô hình như cây lúa nổi, nhà nổi, làng nổi, chợ nổi, sân khấu nổi... Những năm kháng chiến cũng có căn cứ nổi Xẻo Quýt ở Đồng Tháp, U Minh ở Kiên Giang, Lung Ngọc Hoàng ở Cần Thơ... Có thể nói, trong không gian văn hóa chung của đất phương Nam, nổi bật 3 loại hình tiêu biểu là đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương và chợ nổi... đã hình thành và phát triển hơn trăm năm qua, tạo nên sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người miền Tây Nam Bộ. Chúng ta luôn tự hào về 3 loại hình văn hóa này, bởi ngoài sự lan tỏa trong nước còn tạo tiếng vang đến nhiều quốc gia trên thế giới, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bao thế hệ.

PV: Vậy, cụ thể về đỉnh cao của 3 loại hình văn hóa đó diễn ra như thế nào, thưa ông?

Nhà nghiên cứu, soạn giả Nhâm Hùng: Đầu thế kỷ 20 rộ lên các cuộc chơi đờn ca tài tử đầy phong lưu, tao nhã và phát triển khắp Nam Kỳ lục tỉnh, thu hút nhiều thành phần tham gia từ công chức, thợ thuyền, khách thương hồ đến người lao động. Họ vừa sáng tạo bài bản, vừa nỗ lực truyền dạy, khẳng định là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội qua các cuộc hiếu hỉ, liên hoan, sân vườn...; nhất là trên ghe thương hồ, chợ nổi để vơi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Phát triển từ đờn ca tài tử và hát bội cũng như tiếp thu tinh hoa sân khấu phương Tây, nghệ thuật cải lương ra đời nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần giải trí rộng lớn nơi đất phương Nam. Nhiều vở diễn ăn khách đi vào lòng người trở thành kinh điển; đồng thời, tạo nên các thế hệ nghệ sĩ tài năng lừng danh.

Trên lĩnh vực giao thương, sự hình thành tự phát của chợ nổi là đỉnh cao nghề thương hồ. Vùng châu thổ Cửu Long có lúc hơn chục chợ nổi sung túc, nhộn nhịp như Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Cái Răng (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)...; mỗi chợ hàng trăm chiếc ghe, tàu mua bán. Hàng hóa phong phú, đa dạng. Không ít ghe chở lá lợp nhà từ Cà Mau và muối từ Bạc Liêu lên, gốm sứ từ Lái Thiêu xuống, hoặc đồ gia dụng, vải vóc từ Sài Gòn-Chợ Lớn về. Đặc biệt, quá trình bán mua đã hình thành văn hóa giao thương lấy chữ tín làm trọng; văn hóa quảng cáo qua sáng tạo cây “bẹo” hàng; văn hóa nghệ thuật với tiếng rao hàng, điệu hò sông nước cùng lối chơi đờn ca tài tử “tri kỷ tri âm”.

leftcenterrightdel
 Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng.

PVKhông khí thời ấy thật rộn ràng, nhộn nhịp, nhưng hiện nay thì như thế nào, thưa ông?

Nhà nghiên cứu, soạn giả Nhâm Hùng: Những năm qua, tác động của kinh tế thị trường ảnh hưởng đến đời sống khiến các giá trị văn hóa sông nước dần bị phai nhạt, biến đổi, thậm chí biến mất. Ví như đờn ca tài tử dù có chính sách bảo tồn nhưng do xác định chưa đúng thực trạng và giải pháp không gắn liền thực tiễn nên nó chơi vơi. Trong khi đó, nghệ thuật cải lương khán giả còn khá ít. Phần lớn các đoàn cải lương trong khu vực chỉ hoạt động cầm chừng, chờ đến mùa hội diễn, hội thi mới dựng vở tham gia. Với chợ nổi thì còn vài cái nhưng trên đà suy giảm, nhất là số phương tiện giao thương. Chợ nổi Cái Răng lớn nhất giờ chỉ còn 50% phương tiện hoạt động (200-250 chiếc) so với 10 năm trước. Mặt khác, nhiều nét văn hóa chợ nổi cũng mất dần, hàng hóa không đa dạng; thậm chí muốn mua vài món đặc trưng để làm quà cũng chẳng có. Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng khá đông, song họ thất vọng vì không còn nhộn nhịp, mất không gian “trên bến dưới thuyền”, vắng tiếng rao hàng, hò đối đáp, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ...

PVTheo ông thì đâu là nguyên nhân? Và làm cách nào để cứu vãn thực trạng này?

Nhà nghiên cứu, soạn giả Nhâm Hùng: Nguyên nhân là chúng ta chưa đổi mới nội dung lẫn hình thức hoạt động để theo kịp sự phát triển của thời đại, cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiếp nhận của công chúng. Đây là quy luật tất yếu nhưng mãi loay hoay chưa tìm ra những giải pháp rạch ròi, phương thức cụ thể để nó khỏi chông chênh. Giả thuyết chúng ta chuyển đổi từ hình thái truyền thống sang mô hình du lịch nghệ thuật, nghĩa là không thể bê nguyên xi theo lối cũ mà kết hợp giữa xưa và nay nhưng phải tinh gọn, phù hợp trào lưu, nhịp sống mới, thị hiếu của công chúng.

Với đờn ca tài tử, có thể kể câu chuyện gia đình bằng một số lớp ngắn trong 20 bài bản Tổ (3 nam, 4 oán, 6 bắc, 7 bài lễ) được dàn dựng, hóa trang, biểu diễn 15-20 phút. Về nghệ thuật cải lương cũng nên sáng tác nhiều kịch bản mang hơi thở cuộc sống đương đại, cung cách dàn dựng nhiều hàm lượng sáng tạo, nhất là thời lượng rút ngắn lại. Du khách đâu thể ngồi suốt 2 tiếng đồng hồ xem trọn vở cải lương như ngày xưa. Mô hình chợ nổi đã đến lúc chuyển từ tính chất tự nhiên sang tự tạo, tức là chợ nổi du lịch nhưng vẫn bảo đảm các tố chất thương hồ xưa, trong không gian sang trọng từ ghe, tàu đến sản phẩm. Tất cả phải đa dạng hóa vừa sinh động, vừa mang tính giải trí, thỏa mãn tính hiếu kỳ của du khách. Đồng thời, không ngừng nâng tính chất văn hóa mua bán, dịch vụ gắn với du lịch nhưng vẫn giữ được cái hồn sông nước.

leftcenterrightdel

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: TÔ HOÀNG VŨ 

PVVới những cách làm như ông vừa nói, liệu có thành công trong việc bảo tồn bền vững gắn với phát triển các giá trị văn hóa sông nước Cửu Long?

Nhà nghiên cứu, soạn giả Nhâm Hùng: Tôi luôn trăn trở và tự hỏi như vậy. Song, qua tìm hiểu tôi biết có địa phương ở miền Bắc, miền Trung tổ chức du lịch nghệ thuật bằng cách dựng các vở thực cảnh hoặc nghệ thuật tổng hợp gồm nghệ thuật dân gian, truyền thống kết hợp hiện đại. Có vở, chương trình biểu diễn doanh thu 6-7 năm nay vẫn thu hút đông đảo khán giả, kể cả du khách Tây. Châu thổ Cửu Long đầy rẫy những giá trị văn hóa sông nước nhưng chưa mạnh dạn phát huy, thử nghiệm. Thiết nghĩ, mỗi tỉnh, thành phố trong vùng đều có nét đặc sắc riêng, nếu tổ chức du lịch nghệ thuật về sông nước gắn với văn hóa tinh hoa bản địa sẽ tạo dấu ấn đậm nét với du khách khi đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Vấn đề hiện nay là chúng ta đang bế tắc khi khảo sát chưa chính xác do thiếu thực tiễn nên nhận diện, nhận thức thực trạng chưa đúng. Do vậy, khi đề ra giải pháp sẽ không khả thi. Mặt khác, nhiều nơi còn mơ hồ bảo tồn giá trị gốc với cách làm như cất giữ trong bảo tàng, trong khi bảo tồn phải đi đôi với phát huy, phát triển. Nếu gắn kết được du lịch là cách bảo tồn bền vững; tức là làm cho văn hóa luôn đầy sức sống, không bị phai nhạt mà còn bù đắp thêm. Hay nói cách khác là làm mới văn hóa trên nền hồn cốt cội rễ.

PVÔng vừa nhắc đến sự thành công của một số địa phương với mô hình du lịch nghệ thuật. Còn Đồng bằng sông Cửu Long, ông có thể nêu cách làm cụ thể một trong 3 loại hình văn hóa sông nước tiêu biểu?

Nhà nghiên cứu, soạn giả Nhâm Hùng: Tôi lấy bộ môn đờn ca tài tử trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng thì phải thông suốt nhận thức: Đờn ca tài tử vốn là “nghe” nên để đa dạng hóa lối thưởng thức cần chuyển đổi theo mô hình “nghe-nhìn”, thống nhất tiêu chí: Hấp dẫn-nghệ thuật-khác biệt-ngắn gọn-dễ nghe, xem. Khi đưa vào không gian du lịch phải có kịch bản nội dung vui tươi, mang sắc thái riêng từng địa phương. Chương trình được kết cấu thành câu chuyện ý nghĩa, có đầu có đuôi. Chọn sử dụng bài bản xưa kết hợp sáng tác mới gần gũi đời sống, thiên về tính nhân văn, tiết giảm điệu thức bi lụy, vận dụng lối “ca ra bộ” sinh động. Bên cạnh đó, cần có yếu tố dàn dựng để chương trình nhẹ nhàng, khơi gợi sự ngẫu hứng và mời du khách giao lưu. Với diễn viên vừa có thanh, vừa có sắc, đẳng cấp theo phong cách xưa và nay; được hóa trang, phục trang, đạo cụ hỗ trợ phù hợp. Sân khấu thiết kế gọn, nhẹ, sắc màu kiểu sơn thủy cải lương như gian nhà, mảnh vườn, góc phố... Trong trình diễn, đôi khi phải có nước mắt, nụ cười để lay động trái tim người xem. Như vậy, du khách sẽ tìm đến thưởng thức ngày càng nhiều giúp chúng ta có nguồn thu để bù đắp lại, đời sống ổn định mới yên tâm tái tạo sản phẩm mới.

Cứ vậy, mỗi loại hình chúng ta xây dựng hướng đi cụ thể, thực hiện từng bước, dù chậm nhưng chắc để không bị chao đảo, bế tắc. Sinh thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất. Vì vậy, chúng ta có thể thực hiện đủ các yếu tố bảo tồn bền vững gắn với phát triển các giá trị văn hóa sông nước Cửu Long bằng nhiều mô hình mới mang tính bền vững, lâu dài để nó không bị mai một, mất dạng, nếu không sẽ có lỗi với đất nước, với thế hệ kế thừa.

PVTrân trọng cảm ơn ông! 

TRUNG KIÊN (thực hiện)