Bỏ bao cấp là cần thiết
Phóng viên (PV): Theo lộ trình thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đến năm nay, các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ hoàn toàn. Theo bà, đây có phải hướng đi phù hợp cho sân khấu trong giai đoạn đang được cho là nhiều khó khăn như hiện nay?
NSND Thúy Mùi: Xã hội hóa là tiến trình hết sức tự nhiên của xã hội. Trong khi nhiều lĩnh vực khác có sự chuẩn bị và làm tốt thì sân khấu có vẻ đang có nhiều vấn đề. Hình như việc tự chủ làm cho các đơn vị sợ, lo lắng, cảm giác như không có sự bấu víu, bị bỏ rơi. Tất nhiên, xã hội hóa chắc chắn phải có khó khăn nhưng kể cả không xã hội hóa thì các đơn vị cũng phải tự vận động, không thể cứ trông chờ mãi vào Nhà nước. Tôi nhớ những năm 1980-1990, dù được bao cấp hoàn toàn nhưng các đơn vị vẫn giữ tính chủ động rất tốt, không hề ỷ lại vào lương Nhà nước. Những năm đó, Nhà hát Chèo Hà Nội liên tục đưa anh em nghệ sĩ đi biểu diễn, mà đã đi buộc phải có kết quả mang về. Qua đó không chỉ đời sống nghệ sĩ được nâng lên, đời sống tinh thần nhân dân thêm phong phú, mà đời sống của tác phẩm cũng được nhân lên... Còn bây giờ, như một nghệ sĩ từng nói thì nhiều nghệ sĩ từ người mới vào nghề đến người sắp nghỉ hưu một năm diễn được vài buổi, chia ra số lương Nhà nước trả vài chục đến cả trăm triệu đồng thì đều thành “sao” cả rồi. Nhiều nghệ sĩ vẫn sáng tạo, kiếm tiền cho cá nhân nhưng không bảo dưỡng, cống hiến cho tập thể cái gì. Đó chính là thất thoát tiền Nhà nước, là một bất cập của bao cấp.
Tuy nhiên, muốn các đơn vị tự chủ tốt thì Nhà nước phải trang bị, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cơ bản ban đầu cho các đơn vị đủ điều kiện phục vụ nhân dân. Hiện nay, nhiều đơn vị còn không có rạp hát, thiếu thốn đủ thứ. Bố mẹ muốn đứa con tự lập, thành đạt nhưng không thể cứ thế “ném” con ra xã hội, “chân không đến đất, cật chẳng đến trời” được. Đặc biệt, với riêng nghệ thuật truyền thống thì Nhà nước lại cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa một cách toàn diện cho công tác bảo tồn, phát triển. Bảo tồn bộ môn nghệ thuật không đơn giản là cho nghệ sĩ xây dựng lại các tiết mục rồi lưu giữ mà cần sự đào tạo sâu, “cài cắm” các thế hệ để liên tục truyền nối cho nhau, bởi tinh hoa của nghệ thuật truyền thống nằm nhiều ở người nghệ sĩ. Nếu không có sự quan tâm đầu tư xứng đáng thì nghệ thuật truyền thống sẽ đứt quãng, rất dễ rơi vào tình trạng mai một, thậm chí là mất.
Quá trình tự chủ gặp nhiều bất cập
PV: Bao cấp thể hiện nhiều bất cập nhưng tiến trình thực hiện tự chủ những năm qua cũng đang khiến cho không chỉ các đơn vị nghệ thuật mà cả cơ quan quản lý cũng lúng túng, phải không thưa bà?
NSND Thúy Mùi: Việc chuẩn bị tinh thần cho những người đứng đầu chưa có, đó là bất cập đầu tiên. Và vì người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật, kể cả những đơn vị quản lý nhà nước nhận thức chưa đầy đủ về việc này nên việc để các đơn vị tự chủ sẽ là một khó khăn lớn. Tôi thấy đáng lẽ ra việc này phải diễn ra trong guồng quay chung của xã hội nhưng vì không chuẩn bị tốt nên thành ra tất cả bị rơi vào sự khó khăn, nhất là về tinh thần, tư tưởng hoang mang, khi đó mọi vướng mắc đều không vượt qua được.
Cùng với đó, thiếu cơ chế, chính sách cụ thể cho các đơn vị trong nhiều vấn đề cũng khiến quá trình tự chủ gặp khó khăn, lúng túng. Ví dụ như lâu nay ta vẫn kêu gọi các đơn vị xã hội hóa nhưng chưa đơn vị công lập nào làm được, cũng không nhà đầu tư nào dám đầu tư cho sân khấu dù sẵn cơ sở vật chất, sẵn diễn viên. Đó là bởi chưa có cơ chế hướng dẫn rõ ràng khiến các đơn vị lúng túng, sợ làm không đúng lại sai phạm...
Rồi tự chủ về tài chính nhưng các đơn vị lại không được tự chủ về con người. Giả sử nhà hát đang có 150 biên chế, nhưng tôi chỉ cần 50 người thôi thì 100 người kia phải giải quyết thế nào? Khi tôi làm quản lý Nhà hát Chèo Hà Nội, biên chế hết, muốn có các nghệ sĩ trẻ để luân chuyển, làm mới mà không có cơ chế nào. Tôi phải thuyết phục khéo các nghệ sĩ lớn tuổi, không làm nghề tốt nữa về hưu sớm, nhà hát sẽ hỗ trợ thêm một khoản... và chúng tôi giải quyết được hơn 30 trường hợp. Tất nhiên đó là do chúng tôi linh động, dựa các mối quan hệ với doanh nghiệp để xin tiền hỗ trợ, chứ không phải đơn vị nào cũng làm được vậy. Trong khi đó, các đơn vị nghệ thuật công lập hiện cũng không được ký hợp đồng, kể cả bằng tiền tự chủ của đơn vị, mà những đối tượng cần ký hợp đồng lại là nguồn các đơn vị đang cần. Các quy định này đang bó buộc lẫn nhau. Đơn vị phải tự chủ nhưng lại không được cho quyền tự chủ.
Cần tăng cường vai trò của Nhà nước
PV: Có phải những khó khăn đó khiến sân khấu càng thêm thiếu tác phẩm gây tiếng vang? Và trong giai đoạn khó khăn này, Nhà nước có nên tăng cường đặt hàng các đơn vị?
NSND Thúy Mùi: Không có nhiều tác phẩm gây tiếng vang vừa là tình trạng chung nhưng cũng phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các đơn vị. Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng vừa lên làm Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam đã ra mắt vở múa rối rất xuất sắc “Thân phận nàng Kiều” mà đã từ lâu lắm rồi ngành rối mới có vở diễn xuất chúng khiến người làm nghề phải “tâm phục khẩu phục” như vậy.
Tất nhiên, tôi nghĩ việc Nhà nước đặt hàng các đơn vị nghệ thuật làm các tác phẩm phù hợp là cần thiết. Nhưng cũng cần có quy định, cơ chế rõ ràng để có tác phẩm thật sự chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, tránh tình trạng duyệt xong để đó. Ví dụ, Nhà nước yêu cầu tác phẩm đặt hàng duyệt xong phải diễn được bao nhiêu buổi, có báo cáo nghiệm thu rồi mới quyết toán kinh phí và duyệt kinh phí cho lần tới. Đó cũng là một cách làm hay, vừa bảo đảm được chất lượng tác phẩm, đời sống của cả nghệ sĩ, khán giả cũng được nâng lên và nhất là đời sống của tác phẩm được nhân lên.
PV: Theo bà, có cần thiết có một quỹ đầu tư cho nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng để thúc đẩy sân khấu phát triển?
NSND Thúy Mùi: Nhiều nghệ sĩ tâm huyết bỏ tiền, đứng ra thành lập sân khấu tư nhân nhưng họ khó khăn về trụ sở, về rạp hát... đến khi sân khấu gặp khó thì họ thường trắng tay, thậm chí khuynh gia bại sản. Vì thế, một quỹ đầu tư cho nghệ thuật sẽ phù hợp và cần thiết với sân khấu tư nhân. Còn các đơn vị công lập đã có đầu tư nhất định từ Nhà nước rồi thì không cần thiết nữa vì dễ gây chồng chéo.
Với các đơn vị nghệ thuật công lập, Nhà nước cần chuẩn bị tinh thần và tư duy cho những người quản lý, nhất là các đơn vị nghệ thuật truyền thống và cần thời gian, lộ trình phù hợp để các đơn vị làm quen với tự chủ. Đặc biệt là cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể, đồng bộ về các vấn đề hợp tác đầu tư trong xã hội hóa, về nhân sự, tài chính, cơ chế nhà nước đặt hàng... Tự chủ không có nghĩa là Nhà nước bỏ mặc các đơn vị tự “bơi” mà càng cần có sự đầu tư thích đáng cho đội ngũ nhân lực từ tác giả, đạo diễn, diễn viên... tới việc xây dựng thế hệ khán giả, nhất là khán giả trẻ cho sân khấu.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
NSND Lệ Ngọc (Sân khấu Lệ Ngọc):
Bỏ bao cấp để sân khấu phát triển
Chế độ bao cấp với các đơn vị nghệ thuật hiện nay đang làm cho con người ỷ lại, thiếu trách nhiệm, lười suy nghĩ. Cần phải bỏ chế độ bao cấp và tìm được những người cầm lái đơn vị nghệ thuật có sức thuyết phục về mọi mặt, là những nền tảng thực sự để xây dựng văn hóa. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách để sân khấu phát triển, trước hết cần nhanh chóng có cơ chế sử dụng rạp hát cho các đơn vị nghệ thuật chưa có rạp, nhất là đơn vị nghệ thuật tư nhân. Làm sao để các rạp luôn đỏ đèn, như là một tín hiệu thông báo cho khán giả biết và tìm đến. Tiếp đến, cần có chiến lược giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật bằng việc “nối vòng tay lớn” giữa giáo dục và văn hóa nghệ thuật, đó là việc quan trọng và cần thiết.
    |
 |
NSND Lệ Ngọc (Sân khấu Lệ Ngọc) |
|
NSƯT Quế Anh (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai):
Nhà nước hỗ trợ, nhà hát nỗ lực
Trong giai đoạn giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã mạnh dạn xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ khán giả trực tuyến qua YouTube, livestream Facebook 21 suất, rất tiết kiệm mà hiệu quả, nhận được nhiều lời khen của khán giả.
Tôi nghĩ trong mọi hoàn cảnh, các nhà hát cũng cần chủ động tận dụng tất cả các lợi thế của mình, đôi khi phải vượt khó để dấn thân đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật về công tác tuyển dụng, kinh phí dàn dựng những chương trình lớn, chính sách đãi ngộ cho đặc thù nghề nghiệp, nhất là nghệ thuật truyền thống...
    |
 |
NSƯT Quế Anh (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) |
|
DƯƠNG THU (thực hiện)