Phóng viên (PV): Thời học sinh, anh có thần tượng của mình chứ?
PGS, TS Trần Thành Nam: Có chứ! Thời nhỏ, thần tượng của tôi và chắc cũng của nhiều bạn cùng trang lứa là ban nhạc Modern Talking. Hai nghệ sĩ có gương mặt lãng tử, phong cách ăn mặc thật bảnh thời bấy giờ và giọng ca thật ấm áp, mềm mại luôn làm mọi người phải nhún nhảy khi nghe. Tôi cũng thích cái tên ban nhạc Modern Talking, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là cuộc nói chuyện hiện đại.
PV: Nhân vật thần tượng thông thường là những người tài giỏi, được nhiều người biết đến và mến mộ, có thể ở bất cứ lĩnh vực, ngành nghề, lứa tuổi nào, hoặc có khi là người thân xung quanh có ảnh hưởng đến mình. Thần tượng ai đó là quyền của mỗi người cần được tôn trọng. Nhưng dường như nhiều bạn trẻ hiện nay quá dễ dãi khi chọn thần tượng và cũng không ngại thể hiện sự ngưỡng mộ bằng nhiều cách. Dưới góc độ tâm lý học, anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
PGS, TS Trần Thành Nam: Thần tượng quen thuộc của giới trẻ thường là những hình mẫu diễn viên, ca sĩ, rồi đến các vận động viên, chính trị gia, thậm chí là các cao tăng, người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực nào đó... Những người trẻ thường thần tượng ai đó vì tài năng, kiểu như năng lực trình diễn của nghệ sĩ, cũng có khi là tính cách hài hước, ngoại hình cuốn hút, hay phong cách ăn mặc độc, lạ... Cũng có thể thần tượng vì quan điểm triết lý sống thể hiện qua những phát biểu hay sản phẩm nghệ thuật. Thần tượng vì cá tính nghệ thuật như là mức độ ảnh hưởng, sự độc đáo so với những nghệ sĩ khác cũng như ảnh hưởng đến xu hướng chung, sự phát triển lĩnh vực nghệ thuật đó. Có khi là thần tượng theo trào lưu...
Thực ra, việc thần tượng một ai đó là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống và sự phát triển, trưởng thành nhân cách của giới trẻ. Đó cũng là cách để đứa trẻ xác định lại bản sắc cá nhân khi bước vào tuổi dậy thì. Thần tượng một ai đó cũng là cách đứa trẻ kết nối với nhóm cùng sở thích, thỏa mãn nhu cầu được thuộc về một nhóm, và nó được những người bạn cùng trang lứa khuyến khích, ủng hộ, thưởng thức. Và điều đó khiến các bạn có nhu cầu, được khuyến khích để thể hiện quan điểm, tình cảm, quan tâm, hiểu biết những vấn đề xung quanh thần tượng của mình nhiều hơn. Từ trang phục, kiểu tóc, quan điểm sống, cách phát ngôn, cử chỉ hành vi và phong cách; các nghi thức thờ phượng như treo tranh ảnh, mua các vật có liên quan, tìm đọc thông tin trên mạng, kết nối với các fan (người hâm mộ) khác, chống lại nhóm antifan, tìm các vật dụng cá nhân của thần tượng, thậm chí xăm tên thần tượng lên người...; thể hiện mình không bao giờ bỏ lỡ các sản phẩm nghệ thuật, các buổi biểu diễn, các chương trình trên truyền thông, nhớ giai điệu, nhớ lời các bài hát của thần tượng...
PV: Tôi từng đọc được nghiên cứu đưa ra các mức độ hâm mộ thần tượng từ mức độ giải trí, tức là quan tâm và thích nói chuyện về những việc xung quanh thần tượng, đến mức mãnh liệt-thường xuyên nghĩ đến, mức tôn thờ thần tượng tới cực đoan, có thể làm bất cứ việc gì. Thậm chí còn có mức độ bắt chước tai hại những hành vi của thần tượng. Trong xã hội hình như có đủ các mức độ này và ngày càng thấy nhiều biểu hiện ở mức độ cao hơn. Khi nào thì việc hâm mộ trở nên đáng lo ngại và cần can thiệp, thưa anh?
PGS, TS Trần Thành Nam: Như bạn đã nói, thần tượng có 3 mức và mức tôn thờ, cuồng thần tượng là mức cao nhất, đôi khi còn được xem như một hình thức bệnh tâm lý. Những người này có xu hướng bị quá ám ảnh với những thành công, thất bại của thần tượng, trở nên gắn bó một cách cưỡng bức với cuộc sống của thần tượng và có một số hành vi nghi thức cưỡng bức để cảm thấy an tâm, thỏa mãn hoặc giải tỏa những nỗi lo như là phải hôn ảnh thần tượng, hôn ghế thần tượng đã ngồi...
Có nhiều cơ chế tâm lý dẫn đến thần tượng một người ở mức độ này. Xu hướng lãng mạn hóa, tức là người trẻ phỏng chiếu những khát vọng hoặc mơ ước phi thực tế của cá nhân họ vào những người nổi tiếng và thành công để thông qua thần tượng cảm thấy mình có cảm giác chạm tay vào những ước mơ mà cá nhân không thể với tới...
Cơ chế tiếp theo dẫn đến việc thần tượng này là thỏa mãn đam mê, thường được thể hiện qua những hành động quá khích trong khuôn khổ được chấp nhận, giống như cảm giác được xả stress, được "quẩy tới bến" vậy. Thần tượng cũng có thể là những hình mẫu đại diện cho những nét cá tính, kiểu phong cách mà cá nhân người trẻ muốn xây dựng cho chính mình. Nó cũng có thể là một thông điệp định hướng về thế giới quan, cách nhìn cho tuổi teen.
Bản chất của việc cuồng thần tượng là những huyễn tưởng của chính những người trẻ. Chính bản thân họ cần sớm nhận ra rằng các thần tượng không thể biết và đáp ứng những mong muốn, mơ ước của họ để dừng lại các ảo tưởng. Tuy nhiên, không có nhiều người nhận ra và sẵn lòng làm việc này.
PV: Tức là để hâm mộ thần tượng không mang lại tác động tiêu cực cho giới trẻ thì chính các bạn phải nhận thức được điều gì nên, không nên và tự hành động. Cấm cản là không nên, thưa anh?
PGS, TS Trần Thành Nam: Đúng là càng cấm cản thì giới trẻ lại càng mâu thuẫn với gia đình và gắn bó hơn với thần tượng. Lúc này, các fan sẽ dần trở nên phụ thuộc vào thần tượng, có thể là thay đổi ngoại hình theo thần tượng, thay đổi các mối quan hệ xã hội, thay đổi cảm xúc cá nhân với những người thích hoặc không thích thần tượng của mình. Thậm chí thay đổi cả các giá trị, quan điểm niềm tin theo những phát ngôn, hành xử của thần tượng, có thể còn ảnh hưởng tới cả các kế hoạch tương lai của bạn trẻ. Thế nên, nếu thần tượng đem lại các hiệu ứng tích cực thì đó là việc tốt, đáng khuyến khích. Nhưng nếu thần tượng càng có hành vi ứng xử hay phát ngôn lệch chuẩn thì các fan sẽ càng có xu hướng bắt chước phong cách lệch chuẩn theo.
PV: Từ phía thần tượng, mà hiện nay đa số là nghệ sĩ trẻ, không ít trong số đó lại có hành vi không chuẩn mực, thậm chí là phạm pháp trong khi có hàng nghìn, chục nghìn người hâm mộ đa số ở lứa tuổi còn trẻ, phần lớn là học sinh THCS, THPT, sinh viên đôi khi nhận thức còn chưa định hình được rõ điều gì nên hay không nên. Anh có lời khuyên gì đối với cả nghệ sĩ và người hâm mộ?
PGS, TS Trần Thành Nam: Các bạn hãy nhớ rằng những thần tượng, nghệ sĩ chân chính luôn “bán” cho công chúng những sản phẩm lao động nghệ thuật hàm chứa đầy giá trị nhân văn, và vì thế họ sẽ sống mãi cùng những tác phẩm trong ký ức của cộng đồng. Còn những nghệ sĩ với hành vi không chuẩn mực, "buôn bán" thị phi, vi phạm pháp luật, sớm muộn cũng sẽ bị pháp luật xử lý và công chúng quay lưng.
PV: Trân trọng cảm ơn anh!
PGS, TS, nhà nghiên cứu mỹ học Nguyễn Thu Nghĩa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):
Cần coi trọng giáo dục thẩm mỹ cho học sinh
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy việc thần tượng trong giới trẻ hiện nay thường chỉ dừng lại ở lĩnh vực hoạt động nghệ thuật, có khi còn là các cá nhân có nhiều chiêu trò "câu view", xa rời đời sống thực tế, gắn nhiều với thế giới ảo của giới trẻ. Và có một bộ phận giới trẻ đang rơi vào tuyệt đối hóa hình ảnh của thần tượng, sẵn sàng bảo vệ thần tượng, thậm chí bất chấp tính mạng của mình. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do các tiêu chí về thần tượng, về cái đẹp cũng có sự lệch chuẩn. Ở nhiều cấp học, vấn đề giáo dục thẩm mỹ cho học sinh chưa được coi trọng. Chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng vai trò của giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường nên ở một số nơi, các môn có tính chất giáo dục thẩm mỹ, định hình cho các em cái hay, cái đẹp còn yếu và thiếu; năng khiếu nghệ thuật trong giới trẻ không có điều kiện được nuôi dưỡng một cách đầy đủ. Và khi thiếu sự định hướng thẩm mỹ, không hiểu đầy đủ về các môn nghệ thuật cơ bản, giới trẻ sẽ thiếu về tri thức, thị hiếu, tình cảm và lý tưởng thẩm mỹ dẫn đến việc cảm thụ, thưởng thức, đánh giá sẽ thiếu chính xác. Chính vì vậy, giáo dục thẩm mỹ, xây dựng những hình mẫu chuẩn về nhân cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc định hướng, giáo dục cái hay, cái đẹp cho giới trẻ. Khi đã biết đâu là đúng, là sai, là đẹp, là xấu, giới trẻ sẽ có lựa chọn thần tượng đúng đắn để phấn đấu và hành động.
TS Trần Bách Hiếu (Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội):
Phát huy vai trò của tổ chức đoàn
Đáng tiếc là gần đây ngày càng xuất hiện nhiều mặt xấu xí của không ít nghệ sĩ là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ và không phải bạn trẻ nào cũng có cái nhìn thấu đáo để phân biệt đúng, sai về thần tượng của mình. Là người nhiều năm làm công tác thanh niên, cũng đặc biệt quan tâm chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên, tôi cho rằng các tổ chức đoàn cần thông qua các kênh để nắm bắt dư luận, sớm phát hiện những hiện tượng lệch chuẩn, phối hợp với gia đình, chuyên gia tư vấn tâm lý, bạn bè, có hình thức trao đổi, chia sẻ để gần gũi, hiểu hơn suy nghĩ của các bạn và có giải pháp phù hợp, tránh để ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý, quan điểm, định hướng tương lai của các bạn. Trong những chương trình, hoạt động thường xuyên, tổ chức đoàn cần lồng ghép vào đó nội dung tư vấn, định hướng cho đoàn viên, thanh niên về những giá trị nhân văn, lối sống lành mạnh. Đặc biệt ở các cấp học phổ thông, các em cần được bồi dưỡng không chỉ kiến thức mà cả kỹ năng mềm qua thực tiễn sinh động, những câu chuyện cụ thể để vững vàng về tư tưởng ngay từ sớm.
|
DƯƠNG THU (thực hiện)