QĐND - Đàn bầu là một trong những nhạc cụ truyền thống vô cùng độc đáo của dân tộc Việt Nam với cấu tạo đơn giản nhưng hình dáng đẹp, cùng kỹ thuật gảy bồi âm mang âm sắc quyến rũ. Trong đời sống hôm nay, đàn bầu vẫn có vị trí nhất định với tư cách là một trong những cây đàn đặc sắc đại diện cho tâm hồn, bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, hiện đang có sự hiểu chưa đầy đủ về cây đàn bầu, có thể dẫn tới tình trạng hiểu chưa đúng về xuất xứ của cây đàn này.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn PGS, TS, NGƯT Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc, nhằm có cái nhìn đầy đủ hơn về cây đàn bầu của Việt Nam.
Phóng viên (PV): Theo nghiên cứu của ông, trên thế giới có bao nhiêu loại đàn một dây tương tự như đàn bầu của Việt Nam?
 |
PGS, TS, NGƯT Nguyễn Bình Định.
|
PGS, TS, NGƯT Nguyễn Bình Định: Trên thế giới có hơn 10 loại đàn một dây, phân bố nhiều nhất là ở châu Á rồi đến châu Phi và một số nước ở miền Nam châu Âu. Các loại đàn một dây thuộc chi dây gảy có các loại như: Đàn kingri, đàn ektar, đàn tuntune, đàn gopicand của Ấn Độ; đàn bầu của Việt Nam; đàn tushuenkin (độc huyền cầm) của Trung Quốc; đàn ichigenkin (nhất huyền cầm) của Nhật Bản; đàn xađiu (còn đọc là Xa-đi-ơ) của Cam-pu-chia; 3 loại đàn cung ở Trung Phi, Đông Phi, Nam Phi; đàn một dây ở In-đô-nê-xi-a, ở Ma-đa-ga-xca... Đàn một dây thuộc chi dây kéo có các loại như: Đàn rababa ở các nước A-rập; đàn orutu ở Kê-ni-a, U-gan-đa; đàn gusle (có 3 loại) ở Séc-bi, Crô-a-ti-a, Môn-tê-nê-grô...
Trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn bầu của Việt Nam được đánh giá là rất đặc sắc, độc đáo. Bởi lẽ, đàn bầu là đàn duy nhất phát ra âm thanh là âm bồi, chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ (kể cả các âm có cao độ tuyệt đối và các âm có cao độ tương đối với các mức độ non, già tùy ý). Đàn bầu có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là các dạng luyến láy, tô điểm âm khác nhau nên rất phù hợp với kiểu giai điệu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, luyến láy của Việt Nam. Do sử dụng kỹ thuật uốn vòi đàn (cần đàn), tạo ra sự căng chùng khác nhau của dây đàn, nên đàn bầu là nhạc cụ duy nhất trên thế giới làm được việc với một lần kích âm có thể cho một âm cơ bản và các âm khác có cao độ cao hơn hoặc thấp hơn âm cơ bản ấy tới một quãng 5 (các nhạc cụ khác không thể làm ra được các âm có cao độ thấp hơn âm cơ bản với một lần kích âm vì không có kỹ thuật làm chùng dây đàn).
PV: Đàn bầu luôn được coi là một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, nhưng chúng ta có thể xác định được niên đại của nó?
PGS, TS, NGƯT Nguyễn Bình Định: Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có đủ cứ liệu để xác định một cách chính xác đàn bầu có từ bao giờ. Có người thì cho rằng đàn bầu ra đời ở khoảng thế kỷ 9-10. Có người còn đưa ra con số cụ thể là đàn bầu được chế tạo vào năm 1770... Tuy chưa có giả thuyết nào được khẳng định là chính xác, nhưng chúng ta cũng có thể nói, đàn bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt, đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ 19. Trải qua những bước thăng trầm, chuyển hóa trong suốt quá trình lịch sử, đàn bầu từ thuở ban đầu chỉ đơn giản là làm từ một ống bương (hoặc vầu, hoặc mai), ngựa đàn là mảnh sành, mảnh sứ hoặc miếng gỗ cứng, vòi đàn là một que tre dài, dây đàn làm bằng dây móc, dây gai, dây tơ, bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm hoặc vỏ gáo dừa khô... cho đến khi thân đàn làm bằng gỗ, vòi đàn làm bằng sừng, bầu đàn làm bằng gỗ tiện theo hình quả bầu nậm, dây đàn làm bằng hợp kim... Từ chỗ âm lượng nhỏ do thân đàn nhỏ, quả bầu nậm nhỏ, các nghệ nhân hát xẩm đã nghĩ ra cách để lên mặt đàn ở phía dưới đuôi đàn một thùng sắt tây hoặc một chiếc chậu đồng tỳ vào dây đàn để tần số rung của dây đàn truyền trực tiếp vào vỏ thùng, do đó âm lượng được phóng to hơn... Đến cuối thập niên 1950, các nghệ sĩ đàn bầu: Mạnh Thắng (Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị), Bá Sách (Đoàn Ca múa Trung ương), Nguyễn Tiếu (Đoàn Ca nhạc Dân tộc Việt Nam) đã tìm cách sử dụng bô bin chạy bằng pin lắp vào đàn bầu để âm thanh được phóng to hơn nữa và truyền trực tiếp ra loa, đồng thời tiếng đàn còn có thể ngân được độ dài gấp nhiều lần trước đây. Từ đó, đàn bầu có thể tham gia hòa tấu với nhiều nhạc cụ khác cùng một lúc và có thể trình diễn trên sân khấu lớn cho nhiều người cùng nghe.
PV: Theo ông, đàn bầu chiếm vị trí như thế nào trong nền âm nhạc Việt Nam?
PGS, TS, NGƯT Nguyễn Bình Định: Trong số các nhạc cụ dân tộc ở nước ta, đàn bầu là nhạc cụnhận được sự chú ý, quan tâm nhiều nhất của các nhạc sĩ sáng tác và những người nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ. Điều đó được minh chứng bằng số lượng tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc độc tấu và số lượng cũng như quy mô của các đề tài nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ dân tộc thì bao giờ đàn bầu cũng chiếm nhiều nhất. Trong các chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam phục vụ du khách quốc tế, khách ngoại giao hoặc phục vụ các sự kiện lớn ở trong nước cũng như chương trình của các nhóm, các đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài luôn phải có tiết mục đàn bầu.
 |
Người dân Hải Phòng chế tác đàn bầu. Ảnh do người Pháp chụp vào đầu thế kỷ 20
|
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng văn công quân đội cũng như dân chính đã có mặt trên khắp các nẻo đường chinh chiến, động viên bộ đội, dân công và nhân dân vùng hỏa tuyến. Khi đó, tiết mục đàn bầu và tiết mục sáo trúc luôn được ưa thích nhất. Có những đơn vị bộ đội trước giờ bước vào trận đánh ác liệt chỉ muốn được nghe đàn bầu biểu diễn bài “Dòng kênh trong” (sáng tác: Hoàng Đạm), bài “Vì miền Nam” (sáng tác: Huy Thục) và sáo trúc biểu diễn bài “Trên đường chiến thắng” (sáng tác: Đinh Thìn)... Trong những năm 1970-1980 và đầu thập niên 1990, tiết mục đàn bầu cùng các nghệ sĩ ca múa nhạc của Việt Nam đã đi biểu diễn ở khắp các châu lục trên thế giới. Nhiều người nước ngoài ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ... đã cho rằng, họ hiểu con người Việt Nam, đất nước Việt Nam qua tiếng đàn bầu. Vì thế, có thể coi đàn bầu là một đại diện, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam.
Về phương diện chức năng nghệ thuật, đàn bầu có thể dùng đệm cho hát và ngâm thơ, có thể độc tấu, hòa tấu cùng với các nhạc cụ dân tộc khác và cũng có thể tham gia độc tấu với phần đệm của các nhạc cụ phương Tây, tham gia hòa tấu với các nhạc cụ phương Tây, trong đó bao gồm cả việc biểu diễn âm nhạc Việt Nam và âm nhạc nước ngoài. Đàn bầu đã tham gia vào nghệ thuật hát xẩm, tham gia vào dàn nhạc chèo, dàn nhạc cải lương, ban nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ, ban nhạc ngũ tuyệt ở Huế... Đàn bầu là một trong số ít nhạc cụ Việt Nam đã được người nước ngoài nghiên cứu đến từ đầu thế kỷ 20, trong đó có người Pháp, Nhật, Đức, Ô-xtrây-li-a... Các nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu thành danh được công chúng yêu mến, được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND như: Mạnh Thắng, Xuân Ba, Hồ Khắc Chí, Thanh Tâm, Đức Nhuận, Nguyễn Tiến, Đoàn Anh Tuấn, Hoàng Anh Tú, Bùi Lệ Chi...
PV: Đàn bầu được coi là một đại diện của bản sắc văn hóa Việt. Để đại diện ấy tỏa sáng, theo ông, chúng ta cần làm gì?
PGS, TS, NGƯT Nguyễn Bình Định: Nếu để chọn ra một cây đàn đại diện cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có khả năng giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam thì chắc chắn chúng ta sẽ chọn đàn bầu. Trong nhiều năm qua, đã có nhiều bài viết, luận văn, luận án, công trình nhiên cứu, đề tài cải tiến nhạc cụ về đàn bầu. Tuy nhiên, để cho cây đàn bầu được lưu truyền, phát triển lâu dài và bền vững thì cũng còn khá nhiều việc cần phải làm.
Thứ nhất, cần tổng kết, đánh giá lại một cách khoa học toàn bộ các vấn đề về: Lịch sử, ý nghĩa xã hội, giá trị văn hóa, chức năng nghệ thuật, kỹ thuật trình diễn (cổ truyền và hiện đại, cả về ngón đàn và nghệ thuật thể hiện). Thứ hai, tiến hành quy chuẩn hóa, đưa ra tiêu chuẩn đo lường quốc gia cho đàn bầu để tránh tình trạng tùy tiện, không thống nhất trong chế tác và sử dụng đàn bầu, nhất là trong khuynh hướng chúng ta cần phải hội nhập khu vực và quốc tế để phát triển hiện nay. Bên cạnh đó, trong tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, chiến lược bảo vệ bản sắc dân tộc, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có âm nhạc đang đặt ra những nhiệm vụ cấp bách.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Theo GS, TS Trần Quang Hải, có hai huyền thoại về đàn bầu. Huyền thoại thứ nhất là chuyện chàng Trương Viên rời gia đình theo tiếng gọi của đất nước đi đánh giặc, vợ ở nhà phụng dưỡng mẹ chồng. Chờ lâu không thấy Trương Viên trở về, hai mẹ con khăn gói lên đường đi tìm. Dọc đường người con bị hung thần móc mắt, trở thành đui mù. Một bà tiên cảm động trước sự hy sinh của người con dâu (cắt thịt mình để cho mẹ chồng ăn), mới tặng cây đàn một dây có âm thanh như giọng người. Nhờ đó hai mẹ con tìm gặp được chàng Trương Viên. Huyền thoại thứ hai là cuộc đời hát xẩm của Thái tử Trần Quốc Đĩnh. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên kể lại trong bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Kiều thì đàn bầu chính là báu vật mà Bụt ban cho Thái tử Trần Quốc Đĩnh làm kế sinh nhai, làm nhạc cụ định an tinh thần trong hoàn cảnh bơ vơ, gia biến.
Theo "An Nam chí lược", "Đại Việt sử ký toàn thư", "Chỉ Nam Ngọc âm giải nghĩa", "Đại Nam thực lục tiền biên", "Tân Đường thư", "Cựu Đường thư"… cây đàn bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, sau đó được người Kinh (Việt Nam) mang sang Quảng Tây, Trung Quốc. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, vua Thành Thái, một trong ba vị vua yêu nước thời Pháp thuộc, yêu tiếng đàn bầu như hơi thở quê hương xứ An Nam. Lúc đó, đàn bầu được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt tranh-tỳ-nhị-nguyệt và bầu. Đàn bầu có mặt trong dàn đờn ca tài tử Nam Bộ thế kỷ 19 do những người miền Trung vào miền Nam khai khẩn đất hoang. Trong "Đại Nam thực lục tiền biên" (bộ sử của nhà Nguyễn) ghi: Cây đàn bầu đã được sáng tạo từ năm 1770, trải qua gần 250 năm được phát triển nhanh chóng. Cây đàn bầu cũng từng được các nghệ sĩ mù ở Hà Nội dùng phụ đệm hát xẩm ở các chợ từ cuối thế kỷ thứ 19. Do đó đàn này còn được gọi là “đàn xẩm”.
|
HUY ĐĂNG (thực hiện)