Tuy nhiên, BĐBP có một vẻ đẹp thầm lặng với những phẩm chất đặc trưng là sự kiên trì, bền bỉ và dẻo dai. Ví dụ, sau ngày 30-4-1975, khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, từng đoàn người hân hoan kéo về các thành phố, thị xã trên mọi miền quê xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Trong dòng chảy chung đó, các chiến sĩ biên phòng lại “hành quân ngược” về hướng biên giới, hải đảo xây đồn, lập trạm dựng nên chiến lũy bảo vệ biên cương và sự bình yên của Tổ quốc”.

Nhận định đó mở đầu cho cuộc trò chuyện rất thú vị mà Trung tướng Phạm Huy Tập dành cho phóng viên Báo QĐND Cuối tuần, nhân dịp kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959/3-3-2017).

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, đặt ra nhiều yêu cầu mới về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ biên phòng, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP có giải pháp gì để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ? Đề nghị đồng chí cho một ví dụ cụ thể?

Trung tướng Phạm Huy Tập: Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và phục vụ tốt nhất nhiệm vụ hội nhập quốc tế, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP triển khai ba chủ trương lớn đều liên quan đến đội ngũ cán bộ. Thứ nhất, BĐBP đã đẩy mạnh việc hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Đây là điểm đột phá thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Thực hiện nội dung này, BĐBP cải thiện cơ bản mối quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, xây dựng niềm tin hợp tác, trong đó có nội dung trao đổi kinh nghiệm và tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Những năm vừa qua, BĐBP đã tổ chức kết nghĩa được 123 cặp đồn, trạm ở hai bên biên giới, với chủ đề: “Đồn trạm hữu nghị, biên giới bình yên”. Bên cạnh đó, BĐBP đã tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp tổ chức kết nghĩa được 148 cụm dân cư hai bên biên giới. Thông qua đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã từng bước vững vàng hơn, tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong thực hiện công tác đối ngoại biên phòng. Thứ hai, toàn lực lượng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính ở cửa khẩu, trọng tâm là thủ tục biên phòng cảng biển, hiện đại hóa cửa khẩu. Triển khai dự án “một cửa một lần dừng”, kết nối với cổng thông tin điện tử quốc gia. Nâng cao năng lực kiểm soát cửa khẩu tạo hành lang thông thoáng để hợp tác, phát triển kinh tế. Tạo ấn tượng thật tốt với du khách nước ngoài khi họ đến với Việt Nam. Trong cải cách hành chính ở cửa khẩu, BĐBP đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp, tác phong công tác, tinh thần phục vụ. Như chúng tôi hay nói “không những chặt chẽ về mặt pháp lý mà còn biết nở nụ cười chào đón bạn bè quốc tế đến với Việt Nam” để quảng bá hình ảnh thân thiện của Việt Nam ra nước ngoài. Thứ ba, Đảng ủy BĐBP có chỉ thị riêng đẩy mạnh việc học tập ngoại ngữ. Đương nhiên, BĐBP không chỉ học ngoại ngữ mà phải học tiếng đồng bào các dân tộc thiểu số; học phong tục, tập quán của đồng bào. Đẩy mạnh học tập ngoại ngữ cũng là một trong ba giải pháp đột phá để thực hiện hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Thực hiện chỉ thị này, hàng nghìn cán bộ biên phòng được nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trong đó, hàng trăm đồng chí có trình độ ngoại ngữ bậc đại học, còn phổ biến là có thể trao đổi, giao tiếp thông thường. Đặc biệt, cũng từ phong trào học tập nói trên, hiện nay lực lượng BĐBP đã có hàng trăm đồng chí thông thạo ngoại ngữ, có thể làm tốt công tác phiên dịch trong các sự kiện đối ngoại, giao lưu với người nước ngoài.

leftcenterrightdel
Trung tướng Phạm Huy Tập. 

PV: Thưa đồng chí, BĐBP thường phải đóng quân xa nhà, làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã có những giải pháp gì về chính sách cán bộ và công tác hậu phương chiến sĩ, giúp bộ đội yên tâm công tác?

Trung tướng Phạm Huy Tập: Đặc điểm BĐBP là phần lớn đóng quân xa nhà. Trước hết, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã chủ động báo cáo, tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù cho lực lượng BĐBP. Có thể khẳng định, thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng vũ trang, trong đó có BĐBP. Cụ thể như chính sách phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp đặc thù quân sự, hoạt động dân vận, phòng chống tội phạm... Chính sách đó có tác dụng khích lệ rất lớn để bộ đội yên tâm công tác.

Đảng ủy, BĐBP chủ động quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, chiến sĩ với tinh thần tương thân, tương ái. Cụ thể hóa một loạt biện pháp chăm lo chính sách hậu phương quân đội. Thứ nhất, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt ở đồn biên phòng. Chẳng hạn, hiện các đồn được sử dụng bếp lò hơi cơ khí. Đây là loại bếp sử dụng nguyên liệu sạch. Hay các đơn vị từ Huế trở ra được tắm nước nóng vào mùa lạnh, được áp dụng các biện pháp chống gió lùa mùa đông. Cán bộ, chiến sĩ được mặc ấm hơn. Nhà cửa, doanh trại, cảnh quan đơn vị được đầu tư tu sửa, nâng cấp. 100% các đồn biên giới không còn tình trạng xập xệ, dột nát.

Đối với công tác cán bộ, chúng tôi chủ trương hợp lý hóa gia đình cho cán bộ. Việc này tuy không thể thực hiện ngay một lúc, nhưng chúng tôi đang từng bước thực hiện. Có nhiều biện pháp quan tâm đến những đồng chí xa vợ, xa con, xa gia đình. Tạo điều kiện giải quyết phép, tranh thủ. Trong dịp lễ, Tết, ưu tiên cho các đồng chí xa nhà về ăn Tết. Mặc dù quân số phải bảo đảm trực hơn 70%, nhưng không thể để tình trạng cán bộ quá lâu không được về thăm nhà, thăm vợ, con.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nhà ở, đất ở cho cán bộ. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Bộ tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các địa phương giải quyết hàng nghìn suất đất ở cho cán bộ. Đây là một cố gắng rất lớn của Đảng ủy, Bộ tư lệnh và chính quyền địa phương. Có nhiều địa phương tiêu biểu như: Đắc Lắc, Đắc Nông, Lào Cai… Như ở Lào Cai có hẳn một phố người dân đặt tên là “Phố Biên phòng”. BĐBP đã triển khai Quỹ “Mái ấm chiến sĩ”, xây nhà cho gia đình cán bộ công tác ở khu vực biên giới khó khăn về nhà ở. Đây là hoạt động rất nhân văn, rất thiết thực để bộ đội yên tâm công tác. Đến nay, BĐBP đã xây dựng được 1.375 ngôi nhà. Tức là một tỷ lệ khá lớn các đồng chí trong diện vùng sâu, vùng xa, khó khăn về nhà ở đã được giải quyết. Đây là chính sách, chủ trương có tác động rất tích cực đến tâm lý bộ đội, nên hiện nay, khi luân chuyển, điều động cán bộ đến công tác ở vùng biên giới dễ dàng hơn trước rất nhiều, tinh thần của bộ đội rất hăng hái.

PV: Thưa đồng chí, được biết, do đặc thù nhiệm vụ nên cán bộ, chiến sĩ BĐBP gặp khó khăn trong xây dựng gia đình, nhiều đồng chí rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn. Là người lãnh đạo lực lượng, đề nghị đồng chí cho biết kết quả và những biện pháp trước mắt, lâu dài giúp đỡ các trường hợp trên?

Trung tướng Phạm Huy Tập: Cách đây hơn 3 năm, trong hội nghị của Bộ Quốc phòng về chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, chúng tôi nghe được thông tin báo cáo của quân y, toàn lực lượng BĐBP có từ 70 đến 80 trường hợp hiếm muộn. Đảng ủy BĐBP đã họp, giao nhiệm vụ cho quân y đi điều tra, khảo sát nắm số trường hợp hiếm muộn của toàn lực lượng. Khảo sát đợt đầu, các đơn vị báo cáo có hơn 200 trường hợp. Đến nay, xác định có hơn 485 trường hợp hiếm muộn. Khi nắm được tình hình, Bộ tư lệnh xác định đây là vấn đề cần được quan tâm, cần có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ. Trước tiên, Bộ tư lệnh đã cho mời tất cả các đồng chí về gặp mặt tại Bộ tư lệnh. Thủ trưởng Bộ tư lệnh đã thăm hỏi, động viên, tặng quà, mời chuyên gia giỏi tư vấn về sức khỏe sinh sản, hạnh phúc gia đình cho các đồng chí này. Đồng thời, chúng tôi giải quyết ngay cho mỗi đồng chí nghỉ 6 tháng để về gần vợ, với mục đích tạo điều kiện khắc phục tình trạng hiếm muộn. Còn nhiệm vụ ở đơn vị, có đồng đội gánh đỡ. Đối với các trường hợp này, Bộ tư lệnh đồng ý để các đồng chí về công tác tại các đơn vị gần gia đình. Nhiều trường hợp trong miền Nam vừa nhận nhiệm vụ đi tăng cường cũng được điều ngay về đơn vị gần nhà. Đồng chí nào có nhu cầu đến những nơi có phụ cấp cao, để tăng thu nhập giúp đỡ gia đình hoặc chữa bệnh, Bộ tư lệnh cũng giải quyết. Bên cạnh đó, Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế thuộc BĐBP liên hệ với các trung tâm hiếm muộn, tạo điều kiện đón anh em vào đó để chữa trị. Trong suốt những năm vừa rồi, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã đóng góp Quỹ hỗ trợ hiếm muộn được gần 7 tỷ đồng. Trong tổng số 485 gia đình hiếm muộn đã tư vấn, giúp đỡ được 336 gia đình. Kết quả đến bây giờ, 118 gia đình đã có con.

PV: Nhiều năm gần đây, chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đề nghị đồng chí cho biết kết quả, những vấn đề đặt ra để chủ trương này thu được kết quả cao hơn nữa?

Trung tướng Phạm Huy Tập: Cuối thập niên 1990, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 15 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã, phường, biên giới, hải đảo”, BĐBP bắt đầu đưa cán bộ về tăng cường công tác ở các xã đặc biệt khó khăn. Từ đó đến nay, BĐBP thực hiện liên tục được 18 năm. Khi chúng tôi tiến hành tổng kết 15 năm chương trình hoạt động, đồng chí Trương Tấn Sang lúc đó là Chủ tịch nước đã tới dự. Hội nghị thống nhất đánh giá đây là chủ trương rất đúng, rất tốt, rất hiệu quả. Cán bộ của Đảng, của quân đội trực tiếp về với các xã, phường đặc biệt khó khăn, trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, quản lý, bảo vệ biên giới. Giải pháp này đã đạt hiệu quả rất tốt, mọi người thường nói rằng Đảng đến với dân bằng nhiều con đường, nhưng con đường thông qua quân đội là một trong những con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất. Trên cơ sở chủ trương này và kết quả đã đạt được, thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc của Chính phủ và chương trình hành động của Quân ủy Trung ương, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng các đề án thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Trong đó có đề án tăng cường cán bộ sĩ quan, QNCN của BĐBP về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn. Hiện nay, BĐBP đã xây dựng hai đề án “Dạy tiếng dân tộc” và “Tăng cường sĩ quan, QNCN BĐBP về các xã đặc biệt khó khăn”. Đề án này Quân ủy Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo, xây dựng, cấp Bộ Quốc phòng đã hoàn chỉnh.

Hiện nay, để nâng cao chất lượng cán bộ tăng cường ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn, cần thực hiện tốt một số nội dung. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án để chính thức hóa, hợp pháp hóa chủ trương này. Thứ hai, BĐBP rà soát lại đội ngũ cán bộ tăng cường tại các xã. Hiện nay, BĐBP có 310 cán bộ về công tác tại các xã trong tổng số hơn 500 xã đặc biệt khó khăn. Trong đó có 250 đồng chí giữ các chức danh chủ chốt. Không kể hơn 1.000 đảng viên về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản. Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương tập huấn cho đội ngũ cán bộ tăng cường. Rất cần phải tập huấn, vì về địa phương, không phải cái gì khó khăn bộ đội cũng làm được. Công tác xây dựng hệ thống chính quyền, tổ chức đảng ở cơ sở khác với tổ chức trong quân đội. Do vậy, phải tập huấn, đặc biệt là kỹ năng công tác. Thứ ba, các cơ quan có liên quan, nhất là Ban Tổ chức Trung ương, cần xây dựng quy chế hoạt động, chế độ công tác, chính sách, chế độ trách nhiệm của cán bộ tăng cường đối với xã, phường đặc biệt khó khăn. Trách nhiệm của cán bộ đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của xã, phường.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒNG HẢI - VĂN TUấN (thực hiện)