Mục tiêu đến năm 2030, có nghĩa là 10 năm nữa trở thành nước có thu nhập trung bình cao (thu nhập bình quân đầu người 9.000USD/năm). Tức là chúng ta mất 45 năm để từ một nước có thu nhập thấp đến nước có thu nhập trung bình-cao. Trong khi đó, một số nước có thời điểm mà trình độ, thu nhập bình quân đầu người tương đương Việt Nam nhưng chỉ mất 1/2 thời gian để trở thành nước có thu nhập trung bình-cao.

 GS, TSKH Nguyễn Mại

Chúng ta hiện nay đã đạt được những thành quả to lớn, được khẳng định nhưng rõ ràng tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh tế của Việt Nam thấp hơn nhiều một nước được đánh giá là “con rồng châu Á”. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong 35 năm trung bình là 7%; hệ số sử dụng vốn (ICOR) của Việt Nam trong 10 năm gần đây là 6,1, tức là phải đầu tư 6,1 đồng mới tăng trưởng được 1 đồng. Nhưng trong 35 năm qua, chúng ta đã có những lúc hệ số ICOR là 3-4, tốc độ tăng trưởng 8,6-9%. Vì vậy, nếu giải quyết vấn đề đầu tư có hiệu quả, đặc biệt là đầu tư công, xóa bỏ được tình trạng tham nhũng, lãng phí để tăng tốc độ tăng trưởng, giảm ICOR thì kinh tế sẽ phát triển rất nhanh.

Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6,5% nhưng các nhà hoạch định đánh giá, đây là một mục tiêu khiêm tốn. Ngoài những yếu tố đầu tư và tiêu dùng, Việt Nam còn 3 yếu tố mới để tăng trưởng. Một là, kinh tế số, đang là vấn đề thời đại, tất yếu. Hai là, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ-gắn chặt với không chỉ tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội mà còn vấn đề biến đổi khí hậu-đang là vấn đề nóng được thế giới quan tâm giải quyết. Ở Việt Nam đang có những mô hình rất tốt về kinh tế tuần hoàn và nếu nó trở thành nền kinh tế tương đối phổ biến thì rất có triển vọng. Ba là, các FTA thế hệ mới mà chúng ta vừa ký kết, sắp tới có thể sẽ có nhiều nước tham gia hơn nữa sẽ là cơ hội lớn cho kinh tế tăng trưởng.

Với những yếu tố ấy, tôi đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam giai đoạn tới: Kịch bản thấp nhất như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là 6,5-7%; kịch bản trung bình dựa trên khắc phục một phần khuyết điểm về đầu tư và tiêu dùng, tận dụng được 3 nhân tố mới là 8-8,5%; kịch bản cao dựa trên nâng cao được hiệu quả đầu tư và tiêu dùng, tận dụng tốt các nhân tố mới là 8,5-9%.

Nếu đạt được kịch bản cao thì thời gian chúng ta đạt được kỳ vọng thịnh vượng năm 2030 chắc chắn sẽ sớm hơn nhiều. Và để từ nước thu nhập trung bình-cao đến cao trong 10 năm tiếp theo sẽ đạt được, trở thành nước có nền kinh tế thứ hạng cao. Theo nhiều đánh giá, nếu đạt mức tăng trưởng liên tục cao thì đến năm 2045, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 20 nền kinh tế cao nhất thế giới.

Khát vọng thịnh vượng là điều hàng nghìn năm nay chúng ta mong muốn nhưng bởi chiến tranh liên miên, cũng có những lúc đường lối, chính sách chưa phù hợp nên ta chưa đạt được. Nhưng sau 35 năm đổi mới, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Năm 2020, Việt Nam đã làm được những điều khiến cả thế giới nể phục đó là chống dịch Covid-19 hiệu quả, tăng trưởng gần 3%, điều đó chứng tỏ sức chống chịu của doanh nghiệp rất tốt, dù vẫn có thất nghiệp, phá sản. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước càng tăng lên với tinh thần kỷ luật chấp hành quy định trong đối phó với dịch bệnh... Những điều đó làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện. Vị thế đất nước ta như vậy, nếu ta tận dụng được thì khát vọng thịnh vượng sẽ nhanh chóng hiện thực hóa, tầm nhìn năm 2045 (kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao hoàn toàn có thể đạt được.

HOÀNG DƯƠNG (ghi)