QĐND - Bộ phim tài liệu 2 tập mang tựa đề “Giọt nước giữa đại dương” đã được lựa chọn để công chiếu khai mạc cho Tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến và 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn của bộ phim, NSND Đào Trọng Khánh.

Phóng viên (PV): Ông có thể chia sẻ về quá trình làm bộ phim mới nhất của mình - “Giọt nước giữa đại dương”?

Thế rồi, bẵng đi mấy năm, đến khi bác Giáp mất, tôi cảm nhận được sự nghẹn ngào vô tận. Trong tôi lại nhen nhóm lên một điều gì đó về những thước phim còn đang dang dở về bác. Tôi nghĩ, bao nhiêu người muốn quay, muốn biết nhiều hơn về con người đại tài ấy mà không được, trong khi mình còn bao nhiêu thước phim quý giá, để không thấy nuối tiếc! Vậy là đến năm 2014, tôi quyết định tự làm một bộ phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa. Sau khi có được nguồn kinh phí từ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và một số công ty tư nhân, tôi ngồi xem lại và biên tập toàn bộ những tài liệu, thước phim mà mình còn giữ. Tôi tìm đến hợp tác cùng với Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Phòng trong khâu dựng phim. Sau gần một năm cặm cụi, tôi đã hoàn thành xong bộ phim thứ hai về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Giọt nước giữa đại dương” với thời lượng 60 phút.NSND Đào Trọng Khánh: Trước khi làm phim về bác Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp-PV), tôi đã có rất nhiều năm quay các tư liệu về bác. Nhất là trong thời gian bác Giáp chuyển công tác làm bên Chính phủ. Lúc đó bác đã có nhiều thời gian thảnh thơi hơn, nhiều cơ hội để ngồi lại và trải lòng mình hơn. Sau quá trình thu thập tư liệu đó, tôi đã có được tổng cộng hơn 700 phút về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ những tư liệu quý giá đó, tôi đã cho ra đời bộ phim đầu tiên về ông là “Một thế kỷ - Một đời người”. Tuy nhiên, khi làm bộ phim này, do nhiều vấn đề về phát hành nên thời lượng bộ phim phải giới hạn trong 30 phút.

leftcenterrightdel
 Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong thời gian quay phim, tôi nhớ nhất lần bác Giáp nói: “Trong kháng chiến, công lao tất cả là của nhân dân, còn công lao của mình chỉ là giọt nước thôi, giọt nước giữa cả một đại dương ấy!”. Chính vì câu nói hết sức chân thành ấy đã khiến tôi đặt tên cho bộ phim này là Giọt nước giữa đại dương”.

Làm xong, tôi đã chuyển nhượng bản quyền bộ phim cho Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Từ đó, hãng phim đã mang bộ phim đi dự thi và đạt được khá nhiều giải thưởng. Bộ phim đã từng đoạt hai giải vàng về Đạo diễn xuất sắc nhất” và “Phim tài liệu xuất sắc nhất” tại giải “Cánh diều vàng năm 2014”. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 (năm 2015), bộ phim lại đoạt giải “Kịch bản xuất sắc nhất”. Với tất cả những giải thưởng này, tôi cho đó là một duyên may. Vì một ông cụ 74 tuổi, lọ mọ, đi còn khó vững mà lại may mắn đoạt được những giải thưởng quý giá.

Trong đời làm phim, tôi đã từng ghi được nhiều thước phim về những người kiệt xuất. Nhưng chẳng may, tôi làm thất lạc những thước phim ấy. Tiếc lắm, ân hận lắm! Cho nên, đó cũng là lý do rất lớn thôi thúc tôi làm “Giọt nước giữa đại dương”.

PV: So với bộ phim “Một thế kỷ - Một đời người”, bộ phim này có điểm gì đặc biệt, thưa ông?

NSND Đào Trọng Khánh: Điểm khác biệt đầu tiên, đó là về thời lượng của phim. Một bộ phim 30 phút, không thể truyền tải nhiều nội dung bằng một bộ phim 60 phút. Hơn nữa, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi hay nói đùa với nhau là: Kể bao giờ cho hết được chuyện về Cụ Hồ, chuyện về bác Giáp! Những con người kiệt xuất trải qua bao thăng trầm đó, họ có rất nhiều thứ để một người làm nghệ thuật có thể khai thác, có thể dùng làm chất liệu cho sự sáng tạo của mình.

Các phim tài liệu chân dung của chúng ta làm bây giờ hay bị đi vào lối mòn kể lể, lê thê như một bộ phim về lược sử con người. Tôi rất ngại làm phim như vậy, bởi xem xong, khán giả chưa chắc đã đọng lại được điều gì. Với dòng phim tài liệu, sự thật và cách kể chính là hai yếu tố cốt lõi tạo nên một bộ phim. Một bộ phim nói chung và phim tài liệu nói riêng, muốn sống được trong lòng khán giả thì phải có cảm xúc, có cái hồn. “Giọt nước giữa đại dương” thể hiện được điều đó, một bộ phim tài liệu nhưng rất nhiều yếu tố tình cảm, tâm tư. Đó như là những lời tự sự, những lời thuật lại không chỉ về những chiến công mà còn là suy nghĩ và cảm xúc của một vị đại tướng về những câu chuyện ngày thường, về những đứa con, về bà vợ Quang Thái vô cùng xinh đẹp.

Ngoài yếu tố về cảm xúc, như tôi nói ở trên, sự thật vô cùng quan trọng. Và tôi có thể tự tin mà nói rằng “Giọt nước giữa đại dương” là những thước phim rất chân thật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong phim là những câu chuyện khiến người xem có thể cảm nhận được sự mộc mạc dung dị và vô cùng gần gũi của bác Giáp, chứ không màu mè, hoa mỹ.

PV: Đã từng quay rất nhiều tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ với Đại tướng không?

NSND Đào Trọng Khánh: Bộ phim này còn đặc biệt ở chỗ, đó là một kỷ niệm vô cùng đẹp trong sự nghiệp của tôi. Những ngày đến nhà riêng của bác Giáp để ghi lại những câu chuyện quý giá đó, tôi thường gặp con gái bác, cô Hồng Anh. Cô hay cùng tôi ngồi lặng lẽ bên bác, nghe những câu chuyện tuyệt vời bác kể, nghe những ưu tư, những tâm sự của một thời đã qua, mà khi ấy, bác không thể hoặc chưa thể bày tỏ cùng ai.

leftcenterrightdel
 Một cảnh trong phim tài liệu "Giọt nước giữa đại dương".

Tôi cảm thấy mình may mắn lạ thường khi được sinh ra vào thời kỳ có nhiều con người kiệt xuất, được nghe tận tai những câu chuyện của họ. Và tôi nghĩ, chẳng có lý do gì để tôi không chia sẻ điều may mắn đó đến mọi người, để nhiều người hơn nữa được biết đến những câu chuyện ấy.

Hồi trẻ, tôi bị cái tật ham uống rượu. Nhiều lần, khi ngồi cùng, bác Giáp hay đùa tôi rằng: “Chú uống nhiều quá, bớt bớt đi. Tôi mà uống nhiều như chú có khi mất nước như chơi!”. Bác Giáp là một con người đáng để ngưỡng mộ, một con người mà chỉ cần nhìn vào những gì bác đã làm là đã có thể cảm hóa và thu phục lòng người. Bác Giáp có thể là một vị tướng tài ba, một cán bộ cách mạng tuyệt vời nhưng trên hết, bác Giáp là người anh, người đồng đội ấm áp của bao nhiêu chiến sĩ. Cuộc đời tôi, thế hệ tôi có may mắn là được gặp những người đáng kính vô ngần, như Cụ Hồ, bác Giáp, bác Phạm Văn Đồng...

Kỷ niệm về bác Giáp thì nhiều lắm, kể cả trong đám tang của bác Giáp cũng có biết bao hình ảnh để tôi nhớ mãi. Ám ảnh nhất là hình ảnh các cựu chiến binh xếp hàng dài, nước mắt lưng tròng, khi cuộc đời đã gần đi về bến cuối. Lúc xe đưa thi hài của bác Giáp đi, có những tiếng nấc nghẹn: “Anh Văn ơi, anh Văn ơi, chúng em ở đây cơ mà, sao anh đi đâu vậy?”. Sự gắn bó của những người đồng đội là sự gắn bó thiêng liêng vô ngần. Trong gian khổ của chiến tranh, đó có thể gọi là tình anh em, tình ruột thịt. Vì đất nước lâm nguy, họ gặp nhau và họ đã bên nhau, gắn kết với nhau vì tình người, tình đồng chí.

Câu nói cuối cùng trong bộ phim là thông điệp lớn nhất mà tôi muốn truyền tải đến khán giả: “Đại dương đã rơi vào giọt nước, ông đã trở về với cõi vô cùng...”. Bác Giáp đã nhận mình chỉ là giọt nước, nhưng với đất nước, với nhân dân, với những người ở lại, bác là đại dương, một đại dương bao la nhưng thu mình đầy khiêm nhường thành giọt nước mà ở lại với đời.

PV: Vậy với ông giờ đây, "lửa" nghề có còn rực cháy cùng với dự án đang ấp ủ?

NSND Đào Trọng Khánh: Thời gian còn lại của tôi bây giờ chẳng bao nhiêu, nhưng trong tôi vẫn còn một điều đang cháy bỏng là mong muốn làm một bộ phim về Cụ Hồ. Tôi đã từng làm bộ phim “Việt Nam-Hồ Chí Minh” được Giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1985) và bộ phim “Hồ Chí Minh-hình ảnh một con người” cũng được Giải vàng. Nhưng tất cả những bộ phim đó mới chỉ được chiếu ở Việt Nam. Tôi mong ước mình có thể làm được một bộ phim về lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh được chiếu ở nước ngoài dưới tư cách như một bộ phim tài liệu chân dung về một nhân vật xuất chúng trong lịch sử. Có lẽ giờ chỉ còn nguyện vọng cháy bỏng đó thôi!

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Tiếng đàn trong chiến hào

Trong "Nhật ký của một bộ trưởng", ông Lê Văn Hiến viết rằng, sau buổi làm việc khoảng 4 giờ chiều hôm đó (19-12-1946) với ông Giáp, "Văn cho biết tin cuối cùng" (tức là tin về thời gian nổ súng). Một giờ sau, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã cùng các ông: Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thái và Vương Thừa Vũ đến Ô Chợ Dừa rồi Khâm Thiên kiểm tra tình hình tại chỗ một đơn vị trước giờ nổ súng. Đâu đó văng vẳng từ dưới chiến hào tiếng đàn Măng-đô-lin. Một không khí chuẩn bị bước vào chiến đấu "rất Hà Nội". Các ông đến tận các vị trí của tự vệ ở đầu phố Khâm Thiên rồi phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn), nói chuyện với tự vệ công nhân xe lửa rồi cùng anh em chụp ảnh kỷ niệm. Có thể các chiến sĩ sắp lao vào trận chiến đấu đầu tiên không biết vừa nói chuyện và chụp ảnh với ai.

Chia tay với mọi người, ông Giáp trở về hướng Hà Đông. Đúng 20 giờ đêm hôm đó, 19-12, ĐàiTiếng nói Việt Namtruyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy gửi LLVT cả nước: "Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung - Nam - Bắc phải nhất tề đứng dậy:

Phải xông ra mặt trận, giết giặc cứu nước.

Hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng

Tiêu diệt thực dân Pháp!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Quyết chiến !"

(Trích trong "Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh", NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010)

TỐNG HOÀNG HÀ MY (thực hiện)