“Nơi đầu sóng” là cuốn sách mà các tác giả tự làm công tác phát hành thành công với số lượng lớn, điều đó phần nào nói lên tình yêu biển, đảo Tổ quốc ta của bạn đọc cả nước. “Nơi đầu sóng” cũng đã theo chân người Việt tỏa đi nhiều nơi trên thế giới, làm lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với nhà thơ Lữ Mai về cuốn sách này...
Tâm huyết là điều quan trọng
Phóng viên (PV): Viết về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng tản văn, tạp văn sinh động, hấp dẫn mà không dùng nghệ thuật hư cấu là một thử thách. Chị có thể chia sẻ, “Nơi đầu sóng” đã ra đời như thế nào?
Nhà thơ Lữ Mai: Sau chuyến tôi đi công tác Trường Sa, nhà giàn DK1 vào tháng 5-2019, tôi có gặp kỹ sư Trần Thành để trao đổi về dữ liệu biển, đảo. Anh Thành đã có 8 lần đi Trường Sa, là chủ nhiệm nhiều công trình khoa học ý nghĩa, như: “Máy lọc nước biển thành nước ngọt”, “Máy ép rác, công nghệ xử lý vi sinh bảo vệ môi trường”... Chúng tôi đã kết nối nhiều năm nay và kỹ sư Trần Thành chính là người truyền cho tôi các kinh nghiệm khi tác nghiệp trên biển, đảo, những điều đặc biệt cần quan tâm ở những điểm tôi đặt chân đến. Khi gặp lại nhau, chúng tôi có nhiều đồng cảm. Hình ảnh những người lính trẻ tiễn tôi ở cầu tàu, bày tỏ mong muốn được đọc thêm những cuốn sách viết về biển, đảo và người lính hôm nay; hình ảnh về từng đóa hoa, từng số phận con người nơi đầu sóng cứ hiện hữu trong từng câu chuyện. Thế rồi, ý tưởng cùng viết chung một cuốn sách với phần ảnh của Trần Thành được nhen nhóm trong chính những câu chuyện không hồi kết đó.
    |
 |
Tác giả Lữ Mai, Trần Thành (người ngồi) tại lễ ra mắt sách |
PV: Nghe nói chị tự phát hành và bán khá chạy, chị có bí quyết gì để truyền thông cho cuốn sách?
Nhà thơ Lữ Mai: Sách “Nơi đầu sóng” được in lần đầu với số lượng 5.000 cuốn do Nhà xuất bản Văn học cấp phép. Ngoài số lượng sách được tặng Quân chủng Hải quân, đưa ra biển, đảo tặng bộ đội, tặng các thư viện... chúng tôi phát hành trên toàn quốc vào dịp Quốc khánh 2-9. Tính đến giữa tháng 10, số lượng sách được tiêu thụ gần hết. Chúng tôi không có bí quyết gì đặc biệt ngoài sự nỗ lực truyền đi thông điệp yêu biển, đảo Tổ quốc. Cùng với lễ ra mắt sách là triển lãm ảnh cùng tên. Triển lãm diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh, và đây cũng là lần đầu tiên có một triển lãm ảnh giới thiệu đầy đủ hình ảnh, thông tin về 15 nhà giàn DK1 cùng với hình ảnh Trường Sa, bộ đội, thân nhân chiến sĩ, tàu trên biển... Đây là đóng góp của rất nhiều người, cả nhiếp ảnh gia và không chuyên, có cả ảnh do cán bộ, chiến sĩ chụp. Sau sự kiện, chúng tôi đã mang triển lãm và sách tới các trường học, có những trường như Lương Thế Vinh còn khai giảng bằng triển lãm đậm sắc màu Trường Sa này. Trong việc phát hành sách, tôi nghĩ bí quyết cũng quan trọng nhưng chất lượng và tâm huyết của mình dồn vào còn quan trọng hơn!
Sống bằng nghề viết
PV: Tôi biết, chồng chị là một nhà thơ mặc áo lính. Một con số thống kê cho biết, chỉ 1% nhà văn, nhà thơ sống được bằng nghề viết. Gia đình chị thì cả vợ lẫn chồng đều là nhà thơ. Xin hỏi thật, anh chị thu xếp cuộc sống gia đình như thế nào để theo đuổi nghiệp văn chương?
Nhà thơ Lữ Mai: Vợ chồng tôi cùng nghề, vừa sáng tác văn chương vừa làm nghề báo. Như vậy, ngoài việc viết văn thơ thì cũng như bao công chức bình thường, hưởng lương, đi làm và mưu sinh. Các cụ xưa có câu “cơm áo không đùa với khách thơ”, tôi thì nghĩ, “cơm áo” chẳng đùa với ai cả, ai cũng nhọc nhằn, vất vả trong lao động mới nhận được thành quả xứng đáng. Thời buổi hiện nay, nhiều điều đã khác xưa, cơ hội mở mang hơn, nếu linh hoạt mà thích ứng thì chẳng lo ngại gì cả. Chúng tôi sống bằng nghề viết theo đúng nghĩa, là cộng tác viên quen thuộc của nhiều tờ báo, nhà xuất bản. Mình không phụ nghề, nghề cũng chẳng phụ mình đâu!
PV: Chị có trăn trở gì về tuyên truyền tình yêu biển, đảo của Tổ quốc đến bạn đọc, công chúng văn học nghệ thuật?
Nhà thơ Lữ Mai: Trăn trở thì nhiều, và thực lòng tôi mong điều đó được thắp lửa từ chính mỗi cá nhân trong xã hội để góp vào tinh thần, hành động chung hướng về biển, đảo. Qua câu chuyện của cá nhân tôi với những tác phẩm, triển lãm tôi đã thực hiện thì tôi mong muốn với thế hệ trẻ, những học sinh, sinh viên-chủ nhân tương lai của đất nước cần được quan tâm hơn trong việc tiếp nhận nguồn thông tin này. Mỗi con người đều có lòng trắc ẩn, nhưng chúng ta cần lan tỏa, chia sẻ với nhau hơn. Khi chúng tôi đưa triển lãm về các trường học, nhiều em lần đầu tiên biết thế nào là hình ảnh nhà giàn DK1, biết các chú bộ đội thiếu rau xanh, nước ngọt thế nào... và ngay khi sự kiện kết thúc, các em đã tặng hạt giống, viết thư gửi ra đảo xa.
Chúng tôi chỉ là những con người nhỏ bé, làm những việc nhỏ bé mà nhiều người đều có thể làm và làm tốt hơn. Bởi thế, tôi mong rằng tình yêu biển, đảo Tổ quốc đang nồng ấm trong trái tim mỗi con người sẽ được thể hiện bằng việc làm cụ thể ở mọi nơi, mọi lúc. Không hẳn cứ phải ra Trường Sa, gặp bộ đội mà còn nhiều điều khác đang cần được sẻ chia từ thân nhân cán bộ, chiến sĩ ở đất liền, công tác tuyên truyền trong trường học, địa phương, mở rộng hình thức phong phú đa dạng khác...
Dự án sách “Nơi đầu sóng”
PV: Nghe nói chị có ý định phát hành “Nơi đầu sóng tập 2”?
Nhà thơ Lữ Mai: Sau khi “Nơi đầu sóng” phát hành, chúng tôi thu được một phần kinh phí và chủ yếu đóng góp cho các hoạt động vì biển, đảo như tổ chức tuyên truyền ở các trường học, ủng hộ Tết Trung thu “Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn”, máy lọc nước cho đảo An Bang... Cảm thấy ấm lòng, được mọi người ủng hộ, chúng tôi quyết định phát triển thành một dự án sách. Theo đó, mỗi năm sẽ có vài ấn phẩm ra mắt bạn đọc theo các chủ đề, hình thức khác nhau... kinh phí thu được cũng tập trung ủng hộ biển, đảo. Chúng tôi mong mỏi dự án sẽ nhận được sự chung tay của xã hội, để có thể một thời gian nữa, tác giả là một bút nhóm chứ không chỉ riêng tôi và anh Trần Thành.
“Nơi đầu sóng” tập 2 có tên chính thức: “Nơi đầu sóng: Mắt trùng khơi”. Hình thức: Tản văn, ghi chép, ảnh minh họa. Số lượng xuất bản: 5.000 cuốn, Nhà xuất bản Văn học. Cuốn sách gồm 18 câu chuyện xoay quanh chủ đề biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Dự kiến sách sẽ ra mắt đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2019).
|
* Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai: Sinh năm 1988, tốt nghiệp Khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Hiện công tác tại Ban Văn hóa-Văn nghệ Báo Nhân Dân. Tính đến nay, Lữ Mai đã xuất bản khoảng 10 đầu sách đa dạng về đề tài với các thể loại, như: Thơ, truyện ngắn, tản văn.
* Kỹ sư Trần Thành: Sinh năm 1973, đã 8 lần đi công tác Trường Sa. Anh là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa. Các công trình khoa học công nghệ ứng dụng vào cuộc sống của anh đã giành nhiều giải thưởng cao quý, như: Giải thưởng sáng tạo khoa học-công nghệ Việt Nam VIFOTEC 2017, Bằng Lao động sáng tạo năm 2018... Trần Thành còn là nhiếp ảnh gia, các tác phẩm nhiếp ảnh của anh liên tục được triển lãm trên khắp mọi miền đất nước và cả quốc tế, được nhiều người mến mộ mua. Toàn bộ kinh phí bán ảnh, anh ủng hộ các chương trình hướng về biển, đảo quê hương. Trần Thành hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương, Chủ tịch Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật Hà Nội.
|
HƯƠNG NGỌC VÂN (thực hiện)