Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, về những thành tựu của công tác đối ngoại Đảng trong nhiệm kỳ qua, cũng như những định hướng trong nhiệm kỳ sắp tới.

leftcenterrightdel
Đồng chí Hoàng Bình Quân. Ảnh: LIÊN VIỆT

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, với vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, đối ngoại Đảng đã đạt được những thành tựu gì trong 5 năm qua?

Đồng chí Hoàng Bình Quân: Nhiệm kỳ vừa qua, đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn và quan trọng. Trong đó, đối ngoại được đánh giá là đạt được những thành quả nổi bật, góp phần quan trọng, có ý nghĩa vào bức tranh chung của phát triển kinh tế-xã hội, vào sự ổn định và phát triển đất nước.

Trước hết phải nói rằng, đối ngoại của Việt Nam là một nền ngoại giao toàn diện. Chúng ta có đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân gắn kết hết sức chặt chẽ. Theo đó, chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, khoa học kỹ thuật... hòa quyện với đối ngoại một cách rất nhuần nhuyễn. Đây chính là nhân tố rất quan trọng để tạo nên thành quả tổng hợp của công tác đối ngoại.

Tôi vẫn thường dùng một hình ảnh cho dễ hiểu là, ngoại giao Việt Nam giống như “kiềng ba chân” kết hợp hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Hay như tôi vẫn nói với bạn bè quốc tế: Ngôi nhà đối ngoại Việt Nam có hai cửa lớn. Một là Ban Đối ngoại Trung ương, hai là Bộ Ngoại giao. Cửa nào cũng luôn rộng mở, sẵn sàng đón tất cả bạn bè quốc tế. Bạn có thể vào cửa này, có thể vào cửa kia vì hai cửa thông với nhau.

Nhiệm kỳ qua, đối ngoại Đảng đã có đóng góp rất quan trọng và góp phần làm nên thành quả nổi bật của đối ngoại Việt Nam. Đối ngoại Đảng đã tạo nền tảng chính trị, định hướng chính trị, tin cậy chính trị để định hướng chung cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước. Đối ngoại Đảng đã tích cực, chủ động theo đúng tư tưởng, tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: Chủ động, tích cực, hoạt động có hiệu quả, đi vào chiều sâu trong quan hệ với các chính đảng trên thế giới và tham gia một cách hiệu quả vào các mặt trận đa phương, qua đó tuyên truyền để thế giới hiểu đầy đủ hơn về Đảng ta, về đường lối đổi mới, về chính sách đối ngoại của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Xin nêu cụ thể, thứ nhất, quan hệ đối ngoại trong nhiệm kỳ vừa qua là sự liên tục kế thừa. Đảng ta tiếp tục đi vào chiều sâu trong quan hệ với các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước láng giềng. Đây là những mối quan hệ chính đảng quan trọng nhất trong bàn cờ đối ngoại Việt Nam vì liên quan trực tiếp tới an ninh, quốc phòng và sự phát triển của Việt Nam. Đó là, chúng ta có quan hệ toàn diện, chặt chẽ, đặc biệt với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Nhà nước Lào. Với Đảng Nhân dân Campuchia, chúng ta cũng có mối quan hệ rất chặt chẽ và hiệu quả. Quan hệ của chúng ta với Đảng Cộng sản Trung Quốc được liên tục thúc đẩy, gắn liền với lịch sử 70 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc. Đây là những mối quan hệ truyền thống và mang tính chất định hướng cho quan hệ nhà nước với nhà nước, nhân dân với nhân dân. Cùng đó, quan hệ của chúng ta với Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Cộng sản Triều Tiên cũng đều là những mối quan hệ quan trọng và chúng ta luôn tăng cường thúc đẩy.

Bên cạnh đó là mối quan hệ với những đảng bạn bè truyền thống, từng giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong các cuộc kháng chiến như: Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, Đảng Cộng sản Italy... hay những đảng cộng sản ở các quốc gia là đối tác chiến lược, toàn diện với Việt Nam. Hiện nay, Đảng ta có quan hệ với 247 đảng ở 112 nước trên thế giới.

Thứ hai, đột phá trong quan hệ đối ngoại Đảng chính là quan hệ với các đảng cầm quyền. Đó có thể là những đảng có ý thức hệ khác chúng ta. Trước đây, chúng ta có rào cản về ý thức hệ nên hạn chế không gian quan hệ. Từ khi có chỉ thị của Bộ Chính trị và gần đây nhất là Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới thì chúng ta đã chủ động vượt qua rào cản ý thức hệ để mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền. Đó có thể là những đảng hữu, nhưng quan trọng, đó là quan hệ giữa đảng cầm quyền với đảng cầm quyền. Từ đó thúc đẩy quan hệ song phương tích cực, lành mạnh và cũng là cơ sở để học hỏi, tham khảo kinh nghiệm cầm quyền, lãnh đạo đất nước, làm giàu trí tuệ của Đảng ta.

Thứ ba, Đảng ta luôn coi trọng tăng cường quan hệ với các đảng công nhân, đảng cánh tả và các phong trào tiến bộ trên thế giới. Đây là lực lượng hậu thuẫn chính trị rất rộng, rất quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta có hệ thống bạn bè là các đảng cộng sản và đảng công nhân rộng rãi trên toàn thế giới. Đặc biệt, đối với những địa bàn như châu Âu hay những địa bàn “cùng lớn lên với cách mạng Việt Nam” ở châu Phi hay Mỹ Latin đều có hệ thống đảng cộng sản, đảng công nhân và mạng lưới các phong trào tiến bộ. Trong 247 đảng hiện chúng ta có quan hệ, các đảng truyền thống này chiếm tỷ lệ 30%.

Thứ tư là, sự tham gia của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các diễn đàn đa phương chính đảng. Chúng ta là Ủy viên thường trực của Hội nghị các chính đảng châu Á-một tổ chức tập hợp các chính đảng quan trọng ở khu vực. Đảng ta tích cực tham gia các cơ chế đa phương khác như: “Diễn đàn Sao Paulo”, cuộc gặp các đảng cộng sản, công nhân... Đây là những diễn đàn quan trọng để Đảng ta tuyên truyền và tranh thủ bạn bè quốc tế.

PV: Với chức năng chủ yếu là tham mưu cho Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng và trực tiếp tổ chức thực hiện các quan hệ đối ngoại của Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương đã làm gì để hoàn thành trọng trách đó, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Bình Quân: Có thể nói, một trong những chức năng rất quan trọng của Ban Đối ngoại Trung ương là tổng hợp, nắm bắt, phân tích tình hình thế giới, trong đó có tình hình của các chính đảng. Trên cơ sở đó, đề xuất, tham mưu chiến lược, sách lược, xử lý tình huống đối ngoại. Việc “bắt mạch thế giới” không hề dễ, nhất là thế giới hiện nay đầy biến động, hết sức phức tạp, một thế giới bất an, bất định và bất ngờ. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất nặng nề và rất quan trọng.

Mặt khác, Ban Đối ngoại Trung ương đã hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ như: Tổ chức các hoạt động đối ngoại theo kênh Đảng, đặc biệt là hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; thẩm định các đề án, tờ trình, kế hoạch, đối sách... liên quan đến đối ngoại; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối ngoại nhân dân, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong đề xuất và xử lý các tình huống đối ngoại.

PV: Đối ngoại Đảng cần phối hợp với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân như thế nào để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Bình Quân: Ngoại giao Việt Nam là một nền ngoại giao toàn diện, đang vươn tới tầm một nền ngoại giao hiện đại. Để đạt được điều này cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn, mang tính cơ chế. Ban Đối ngoại Trung ương đã ký chương trình phối hợp với Bộ Ngoại giao từ nhiều năm nay. Cùng đó, giữa Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Đối ngoại của Quốc hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có cơ chế giao ban hằng năm. Trong quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, Ban Đối ngoại Trung ương đã đúc kết từ thực tiễn, xác lập cơ chế phối hợp với Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Ngoài ra, thực tế, từng cán bộ, từng đồng chí lãnh đạo của Ban Đối ngoại Trung ương phải thể hiện tinh thần hợp tác cao và hiệu quả. Điều này không một văn bản nào thể hiện hết được, không một cơ chế nào có thể bao trùm hết mà do năng lực và trách nhiệm của những người làm công tác đối ngoại. Chúng tôi phát huy rất tốt và đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

PV: Thời gian tới, công tác đối ngoại của Đảng cần tập trung vào trọng tâm nào để góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ cho phát triển đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và quan hệ giữa Đảng ta với các chính đảng trên thế giới?

Đồng chí Hoàng Bình Quân: Những năm tới, bối cảnh quốc tế và khu vực sẽ khác rất nhiều. Có thể nói, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên đầy biến động, có thể nói là phức tạp và vô cùng khó đoán định. Thậm chí, có những học giả đã gọi đây là một giai đoạn “rối loạn chiến lược”. Cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh vương quyền Mỹ-Trung gia tăng sẽ làm thay đổi toàn cầu hóa, thay đổi sự chuyển động của một thế giới đa cực. Đại dịch Covid-19 sẽ đem đến một thế giới rất khác. Hậu Covid-19 sẽ là những chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, những dòng đầu tư chu chuyển, thuế quan sẽ không còn mấy giá trị mà biên giới quốc gia và quy chuẩn trở thành quan trọng nhất. Tình hình buộc các quốc gia phải toan tính với những bước đi thận trọng hơn. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đối ngoại vô cùng quan trọng là góp phần giữ môi trường hòa bình để ổn định, phát triển, phải giữ được chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ được cục diện hữu nghị, đồng thời tranh thủ được sự hợp tác và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của đối ngoại hiện nay là phải làm thật tốt việc nắm bắt tình hình và dự báo, tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược, phải tiếp tục đổi mới mạnh về tư duy đối ngoại, đột phá mạnh trên tinh thần sáng tạo đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Tiếp tục tổ chức hiệu quả các hoạt động đối ngoại theo kênh Đảng. Trong đó trọng tâm nhất, quan trọng nhất là các hoạt động của đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, làm sao để mỗi chuyến thăm là một dấu mốc của quan hệ Việt Nam với các nước, để mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, đi vào chiều sâu thực chất.

Mặt khác, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tôi đã từng tổng kết để dễ nhớ, dễ hiểu là “5 phối hợp”, gồm: Phối hợp nghiên cứu, dự báo; phối hợp triển khai hoạt động đối ngoại; phối hợp bồi dưỡng cán bộ; phối hợp quản lý các hoạt động đối ngoại; phối hợp trao đổi thông tin và xử lý tình huống.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HẢI ĐĂNG (thực hiện)