Không có sự cả nể

Phóng viên (PV): Thưa anh, mới đây anh được mời tham gia biểu diễn tại “Jazz Festival Ystad” ở Thụy Điển-một chương trình quốc tế uy tín. Anh có thể chia sẻ những cảm xúc của mình khi tham dự festival này?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh: Có thể nói đây là một niềm vinh dự, tự hào đối với bản thân tôi nói riêng và Khoa Jazz, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói chung. Khi hai chữ Việt Nam được nhắc đến cùng các nước ở châu Âu, tôi đã rất xúc động và áp lực khá lớn. Rồi khi nhìn những tên tuổi nghệ sĩ jazz lớn trên thế giới, như: Benny Golson, Charles Lloyd, NDR Bigband Joyce Moreno, Nils Landgren, Paolo Fresu, Richard Galliano... những người mà trước đây chỉ được học, được nghe các bậc thầy này qua băng đĩa, sách vở, nay được đứng trên cùng sân khấu nên cảm giác khá là “run”. Tuy nhiên ngay lập tức tôi đã phải gạt cảm xúc qua một bên và sắp xếp để đi Thụy Điển sớm 15 ngày và chỉ để tập đàn nhằm bảo đảm cho buổi biểu diễn tốt nhất, mặc dù chi phí ở Thụy Điển không hề rẻ và tôi phải bỏ tiền túi ra.

Chương trình diễn ra trong hơn 70 phút, tôi lại đánh độc tấu thuộc lòng từ đầu đến cuối nên cũng tạo ra áp lực về chuyên môn, sợ bị “nhàm”, “cùng mầu”. Vì vậy, thay vì chuẩn bị 12 đến 14 bài cho chương trình này, tôi đã chuẩn bị 30 bài và báo cho ban tổ chức program để tôi có thể quyết định hoàn toàn lúc biểu diễn bằng việc xem không khí khán giả, cảm xúc của mình trong lúc diễn. Tôi đã cố gắng để đưa khán giả vào câu chuyện âm nhạc của mình từ khi còn bé đến lúc lớn. Nó là câu chuyện về hành trình vì sao tôi thích nhạc jazz và vì sao tôi “sống chết” với nó.

Rất vui là sau buổi diễn tôi đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng và phản hồi tốt từ các nhà báo, nhà phê bình nhạc jazz thế giới.

Đặc biệt, ngay sau đó tôi lại tiếp tục được mời biểu diễn độc tấu cho Hoàng gia Đan Mạch vào ngày 17-9, kết hợp song song với chuyến lưu diễn 3 buổi hòa nhạc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Thụy Điển-Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Nguyễn Tiến Mạnh (giữa) cùng Giáo sư Hakan Rydin và Giám đốc nghệ thuật Jan Lundgren. Ảnh do nhân vật cung cấp

PV: Để một nghệ sĩ được biểu diễn trong các chương trình mang tầm quốc tế như vậy, cần đáp ứng được những tiêu chí nào, thưa anh?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh: Tiêu chí đánh giá dựa trên tên tuổi của nghệ sĩ của từng quốc gia. Tôi có một may mắn là giành được học bổng tại Học viện Hàn lâm Âm nhạc Malmo Thụy Điển và lấy được bằng đại học, thạc sĩ biểu diễn piano jazz năm 2009. Sau này tôi tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Việt Nam và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với các giáo sư, bạn bè tại Thụy Điển. Trong quá trình học ở nước ngoài, tôi đã được đi biểu diễn nhiều nơi tại Thụy Điển, Đan Mạch và biết đến Jazz Festival Ystad từ năm 2009. Tôi đã luôn tự nhủ rằng một ngày nào đó quay trở lại tôi sẽ là một trong những nghệ sĩ được đứng trên sân khấu này.

Tôi có một may mắn nữa là thường xuyên có sự trao đổi hợp tác về công tác biểu diễn, nghiên cứu và đào tạo tại Thụy Điển liên tục trong hơn 16 năm qua. Cũng như có rất nhiều nghệ sĩ lớn tại Thụy Điển mà tôi được học, biểu diễn cùng các thầy, và sau này chính các thầy là người đề cử giới thiệu tôi đến Jazz Festival Ystad.

Hội đồng nghệ thuật, đứng đầu là Chủ tịch Thomas Lantz và đặc biệt là giám đốc nghệ thuật-nghệ sĩ Jan Lundgren là những người khá kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị cho chương trình này. Đối với nước ngoài không có sự cả nể, tất cả đều được thể hiện bằng chuyên môn của nghệ sĩ. Bản thân tôi sau khi nhận được lời mời cũng đã phải gửi ý tưởng chương trình để ban tổ chức sắp xếp trước 3 tháng. Đặc biệt tôi rất xúc động và ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng khi chương trình của tôi được bán hết vé trước 1 tháng và tôi lại được ban tổ chức mời thêm một suất diễn nữa.

Trò đông, thiếu thầy giỏi

PV: Làm thế nào để anh cũng như các nghệ sĩ có thể quảng bá âm nhạc, văn hóa Việt Nam ra thế giới qua các chương trình như thế này?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh: Có thể nói, những nghệ sĩ jazz Việt Nam với tinh thần dân tộc không ngừng nỗ lực phấn đấu sẽ không hề thua kém các nghệ sĩ jazz trên thế giới. Tất cả các giảng viên Khoa Jazz của chúng tôi đã và đang làm điều này từ nhiều năm qua. Jazz là một loại hình âm nhạc xuất phát từ nước Mỹ, tuy nhiên jazz đã lan tỏa ra toàn thế giới nhờ kết hợp với những bản sắc địa phương mà mỗi vùng, miền nó cập bến. Nhạc jazz là loại hình âm nhạc của sự đa văn hóa. Tính đặc trưng nhất trong các nghệ sĩ nhạc jazz là sự ngẫu hứng. Thế hệ của chúng tôi như: Quyền Thiện Đắc, Lương Xuân Thịnh, Nguyễn Mạnh, Lê Duy Mạnh... là sự kế thừa của các thế hệ đi trước tự học như: PGS. TS, NSƯT Lưu Quang Minh, NSƯT Hoàng Tùng...

Để trở thành nghệ sĩ nhạc jazz, chúng tôi đã phải hy sinh tập luyện và học hành với một quá trình ít là hơn chục năm đến hai chục năm và vẫn tiếp tục không ngừng tập luyện, học tập. Sau đó chúng tôi lại tìm ngược lại những đặc trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam trong các loại hình như: Dân ca, chèo, cải lương, nhã nhạc... để làm sao kết hợp khéo léo, vừa giữ được những đặc trưng của nhạc jazz nhưng lại vừa mang bản sắc riêng. Đây chính là điều cần  thiết để chúng ta có thể mang nhạc jazz đi “đánh” xứ người.

PV: Jazz ở Việt Nam là một thể loại âm nhạc khá mới và kén người nghe, những khó khăn của nghệ sĩ theo dòng nhạc này hiện nay là gì, thưa anh?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh: Nhạc Jazz không hề khó và kén người nghe như nhiều người nghĩ. Mọi thứ đều có thể trở thành nhạc jazz bởi nhạc jazz đặc trưng của nó là sự sáng tạo và nghệ thuật ngẫu hứng. Tuy nhiên để làm được điều đó cũng cần phải được học bài bản. Chúng tôi vẫn nói vui là “bịa” trong khuôn khổ, trong bài bản.

Tại Việt Nam, chúng ta đã đi chậm so với công tác đào tạo và biểu diễn nhạc jazz trên thế giới hàng thập kỷ, tuy nhiên tôi tin khoảng cách này sẽ ngày càng được rút ngắn lại trong 5 đến 10 năm tới. Thuận lợi của lứa nghệ sĩ jazz chúng tôi là sức trẻ và được đào tạo bài bản, chính quy. Nhưng khó khăn thứ nhất chính là hiện có nhiều trung tâm âm nhạc lớn nhỏ có đào tạo về nhạc jazz, tuy nhiên hiện chỉ có Khoa Jazz tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là đào tạo nhạc jazz chính quy. Khoa Jazz là một khoa non trẻ thành lập chính thức từ năm 2013 và một khó khăn hơn nữa là nhạc jazz hiện đang thiếu thầy dạy. Chúng tôi đang phải đối mặt với vấn đề này khi vài năm gần đây số lượng người học nhạc jazz đông mà để trở thành giảng viên của Khoa Jazz không dễ, bởi quá trình này ít nhất phải trải qua hơn 10 năm rồi còn phải biểu diễn để lấy kinh nghiệm... Nhất là chúng tôi luôn chú trọng công tác chuyên môn lên hàng đầu, vì vậy số lượng giảng viên khoa còn hạn chế. Dù được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo bộ, ban giám đốc học viện, tuy nhiên cơ sở vật chất cũng như một số cơ chế ưu đãi nói chung còn chưa đáp ứng do nguồn ngân sách của Nhà nước còn eo hẹp.

Không thua kém thế giới!

PV: Được biết, anh từng tham gia giảng dạy ở nước ngoài, anh đánh giá thế nào về chương trình cũng như chất lượng đào tạo của Việt Nam so với thế giới?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh: Vài năm gần đây có rất nhiều học viện, trung tâm tại Việt Nam có giảng dạy về nhạc jazz, tuy nhiên giữa nhạc jazz được viết sẵn (Jazz transcriptions-jazz nguyên bản ghi nốt sẵn như âm nhạc cổ điển) với nhạc jazz ngẫu hứng (jazz chính quy) còn cách xa nhau rất nhiều. Và tôi có thể khẳng định, hiện chỉ có duy nhất tại Khoa Jazz, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là đào tạo nhạc jazz chính quy, cùng với việc hỗ trợ cho Học viện Âm nhạc Huế và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Về giáo trình đào tạo của Khoa Jazz hiện nay không hề thua kém các chương trình đào tạo nhạc jazz trên thế giới, đó là sự tổng hợp của Mỹ, Thụy Điển, Pháp và điều chỉnh phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn của học sinh, sinh viên Việt Nam. Đội ngũ các GS, TS, giảng viên của chúng tôi là những người được đào tạo bài bản, chính quy tại nước ngoài.

Sinh viên của chúng tôi đã có thể kiếm tiền, hàng chục triệu một tháng từ khi đang học, có thể ví dụ rất điển hình là Ban nhạc Jazz Glory. Tuy nhiên với tư cách là người thầy, chúng tôi vẫn khuyên các em xác định mục tiêu học tập để sau khi tốt nghiệp có thể làm việc cả đời. Một số em học nhạc jazz không được tốt lắm lại có thể đánh “ngon lành” nhạc pop và rock. Nhưng đó cũng là một trong những “cạm bẫy” khiến các em có thể không tiếp tục học nhạc jazz bởi thị trường nhạc Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn định hướng và phát triển các giá trị nghệ thuật chân chính.

PV: Anh có mong muốn, hy vọng gì trong việc phát triển jazz ở Việt Nam cũng như đưa âm nhạc Việt Nam đến với thế giới qua jazz?

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Mạnh: Đầu tiên, trong tương lai gần, tôi mong các học viện âm nhạc trong nước có hệ thống nhạc jazz được đào tạo, biểu diễn và nghiên cứu một cách bài bản, chính quy với tất cả các chuyên ngành nhạc cụ từ piano cho đến kèn, violon, guitar... và hệ thống các môn học bổ trợ chuẩn cho nhạc jazz theo đúng như mô hình của các nhạc viện, học viện âm nhạc trên thế giới. Tất nhiên cùng với đó là đội ngũ giảng viên là những nghệ sĩ giỏi.

Với niềm tin mỗi nghệ sĩ là một đại sứ cho chính dòng nhạc mình đam mê và theo đuổi, ta hãy thử hình dung Khoa Jazz năm nay hiện có hơn 150 học sinh, sinh viên, cứ nhân lên hàng năm như vậy, tôi tin rằng trong ít năm nữa sẽ có đông đảo tầng lớp khán giả yêu nhạc jazz không chỉ về lượng mà còn chất. Chính từ sự ủng hộ đó mà các nghệ sĩ có động lực để tìm tòi sáng tạo, quay trở về với cội nguồn tìm những nhân tố trong âm nhạc truyền thống, từ đó kết hợp hài hòa với nhạc jazz, giúp jazz Việt Nam ngày càng bay cao và xa hơn nữa trên trường quốc tế.

 PV: Trân trọng cảm ơn anh!

THU HÒA (thực hiện)