QĐND - Ông kể, để điều trị tốt cho bệnh nhân tâm thần, việc đầu tiên phải thực sự coi họ là những con người...

Ít phút vội vã trong dịp ông được vinh danh Phó giáo sư tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội, Thầy thuốc nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ, đã tâm sự với phóng viên Quân đội nhân dân Cuối tuần đôi điều về quãng thời gian 40 năm theo nghề y và 20 năm gắn bó với Bệnh viện Tâm thần Trung ương II.

Bệnh viện Anh hùng

Phóng viên (PV): Tôi nhớ, năm 1990, khi đang là Phó khoa A6, Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Học viện Quân y, ông đã đưa cả gia đình chuyển vào Đồng Nai và nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương II. Trong 20 năm đã qua, với 8 năm ông làm Phó giám đốc, 12 năm làm Giám đốc, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II đã chuyển biến như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ (trái) Ảnh: Thành Kiên

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ: Năm tôi mới vào, đó là giai đoạn đất nước mới bắt đầu công cuộc Đổi mới, Bệnh viện gặp rất  nhiều khó khăn. Bệnh viện Tâm thần Trung ương II xây từ năm 1915, với nhiều lần đổi tên như Nhà thương điên Biên Hòa, Dưỡng trí viện Nam Kỳ, Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đây là cơ sở điều trị ở tuyến cao nhất về bệnh tâm thần khu vực phía Nam. Anh giám đốc trước đã có những bước đặt nền móng phát triển. Năm 2000, nhân 85 năm thành lập, Chính phủ và Bộ Y tế đã phê duyệt dự án nâng cấp toàn bộ Bệnh viện. Có cơ sở vật chất, việc chăm sóc được phát triển. Năm 2005, bệnh viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Và đến nay, vẫn là bệnh viện tâm thần duy nhất trên toàn quốc nhận được danh hiệu này.

Hiện tại, quy mô điều trị của Bệnh viện Tâm thần Trung ương II khoảng 1.200 bệnh nhân. Tuy nhiên, Bệnh viện luôn phải tiếp nhận và điều trị khoảng 1.400-1.500 bệnh nhân. Vì thế, luôn luôn trong tình trạng quá tải!

PV: Theo ông, vì sao Bệnh viện Tâm thần Trung ương II nhận được danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới?

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ: Với bệnh nhân tâm thần, ngoài điều trị bằng liệu pháp sinh học là thuốc men, quan trọng hơn là điều trị về tâm lý và tái thích ứng xã hội để người bệnh khi khỏi có thể hòa nhập với xã hội. Viện Tâm thần Trung ương II đi đầu trong điều trị tâm lý nên được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Điều trị liệu pháp sinh học không thì chỉ giam giữ bệnh nhân. Còn như chúng tôi không giam giữ mà đưa họ đến với những hoạt động xã hội. Chúng tôi tổ chức nhiều công việc cho bệnh nhân làm để cuốn hút họ. Hơn thế, những bệnh nhân tâm thần thường bị xã hội khinh rẻ, cho là những người tàn phế, bỏ đi, nhưng chúng tôi tạo điều kiện cho họ làm ra các sản phẩm. Chúng tôi tổ chức các loại hình lao động như: Chăn nuôi, trồng trọt, làm hàng thủ công mỹ nghệ, thậm chí là cả làm hàng may xuất khẩu sang châu Âu. Tất nhiên là bệnh nhân chỉ có thể làm từng khâu nhưng họ vẫn được tham gia lao động. Ngoài ra, còn các liệu pháp điều trị khác như: Văn hóa, thể dục thể thao. Đặc biệt, hiện nay tôi là người duy nhất ở Việt Nam triển khai liệu pháp điều trị bệnh nhân tâm thần bằng âm nhạc. Liệu pháp này ở Mỹ và châu Âu đã làm chuyên nghiệp nhưng ở Việt Nam thì Bệnh viện Tâm thần Trung ương II là cơ sở đầu tiên và duy nhất. Tôi đã viết một cuốn sách về liệu pháp âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần.

Tổ chức điều trị toàn diện như thế tạo cho người bệnh cảm giác được sống trong cuộc đời thực. Đa số người bệnh tâm thần có căn nguyên từ tâm lý nên việc điều trị bằng liệu pháp tâm lý rất quan trọng.

PV: Việc chữa trị cho bệnh nhân tâm thần thường vô cùng khó khăn và tỷ lệ tái phát rất cao. Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, tỷ lệ này chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ: Bệnh nhân tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ lớn, hơn 70% và lại nặng nề nhất vì chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Những bệnh nhân đó, theo dân gian gọi là “điên nặng”. Hơn nữa, đa số lại rơi vào lớp trẻ. Nhiều khi họ chỉ điều trị qua giai đoạn nặng, rồi về, rồi bệnh lại tái phát. Chỉ khoảng 30% khỏi hoàn toàn. Những bệnh có căn nguyên rõ ràng thì giải quyết dễ. Hiện nay trên thế giới, ngành hóa dược phát triển mạnh, có khả năng cải thiện được rất nhiều cho cuộc sống của người bệnh tâm thần. Trước đây hóa dược chưa phát triển, người bệnh chủ yếu bị giam giữ. Giờ có thuốc tốt, bệnh trở nên nhẹ nhàng hơn. Kết hợp cả điều trị tâm lý, bệnh chuyển biến tốt hơn, thời gian tái phát lâu hơn.

Tuy nhiên, vấn đề là bệnh viện phải tạo ra được các hoạt động tâm lý, xã hội để người tâm thần được đối xử khác ngày xưa. Họ phải nhận được quyền con người. Phải chăm sóc họ với tất cả tình thương yêu. Đó là ý nghĩa nhân đạo của việc điều trị. Khi trở lại cộng đồng, với tâm lý tốt, họ có thể tái hòa nhập. Từ đó hướng tới xu hướng quản lý họ tại cộng đồng.

Ngành của tôi còn hướng tới vấn đề sức khỏe tâm thần. Vấn đề sức khỏe tâm thần là vấn đề của nền văn minh. Phải tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng để biết giữ sức khỏe, đối phó với stress, có vệ sinh tâm lý. Muốn xây dựng ngành đó, mình giữ các bệnh nhân nặng để nghiên cứu nhằm giải quyết triệt để bệnh này.

Vai trò của ngành tâm thần còn là như thế. Rồi người dân sẽ thấy đó là quan trọng. Các nước văn minh đã thấy đó là quan trọng. Ở ta giờ chưa thấy hết, chưa đầu tư đầy đủ. Giờ ta vẫn đang phải lo những gì đang thiết thực nhất, từ vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiễm khuẩn, truyền nhiễm, từ những bệnh vẫn còn của các nền văn hóa thấp.

PV: Trên thực tế, nhiều bệnh nhân tâm thần đã bị bỏ rơi. Vậy kinh phí điều trị cho họ lấy từ đâu, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ: Hiện nay, một số bệnh như tâm thần phân liệt, động kinh được coi là bệnh xã hội. Những bệnh nhân này khi vào bệnh viện điều trị hoàn toàn được miễn phí. Nhưng tất nhiên, với sự bao cấp còn thấp, chỉ dùng được những thứ thuốc rẻ tiền, mấy trăm đồng một viên. Trong khi đó, giờ có những loại thuốc rất đắt, lên tới 85.000 đồng/viên, mà phải dùng liền vài tháng, làm sao đủ. Dùng thuốc kinh điển cũng điều trị được nhưng không thể bằng những thuốc mới. Vì thế, gia đình thường phải mua thêm. Còn hiện tại, có khoảng 300 bệnh nhân bị gia đình phó mặc cho bệnh viện. Với những bệnh nhân này, mình lại phải san sẻ cho họ.

Nhạc sĩ của người... tâm thần

Nếu PGS Nguyễn Hải Chi là người đầu tiên ở Việt Nam khởi xướng áp dụng liệu pháp âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần thì PGS. TS Nguyễn Văn Thọ, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, lại là người đã vận dụng và trải nghiệm vững vàng những kỹ thuật của trị liệu âm nhạc hành vi cho người bệnh tâm thần, qua đó mang đến kết quả khả quan trong điều trị căn bệnh này.

PV: Khi tốc độ cuộc sống ngày càng tăng nhanh, người ta càng phải đối mặt nhiều hơn với stress. Và, âm nhạc đã trở thành một liệu pháp rất hiệu quả nhằm giải tỏa những căng thẳng. Trong điều trị bệnh nhân tâm thần, âm nhạc có giữ vai trò tương tự, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ: Đó mới chỉ là một dạng, một khía cạnh trong điều trị tâm thần. Đó là âm nhạc thư giãn, chữa trị ở khía cạnh thư giãn. Chúng tôi còn làm nhiều liệu pháp như phân tâm học của Sigmund Freud. Phân tâm học chia bản năng con người ra làm ba phần: Cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi. Trong đó nói rõ, con nguời luôn bị chi phối bởi bản năng tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn nhu cầu đó. Khi bị cha mẹ, xã hội cấm không làm việc nọ, việc kia, bản năng bị ức chế thì cái tôi xuất hiện để đáp ứng nguyên tắc thực tại. Trong quá trình bị dồn nén và đưa vào tầm vô thức mà chính con người không nhận biết. Đến khi trưởng thành, xuất hiện cơ chế phòng vệ, chuyển dịch cái bị dồn nén. Trong đó, có chuyển dịch tốt nhất là sự thăng hoa, thậm chí trở thành thiên tài, tức là làm việc mà xã hội chấp nhận. Có cơ chế phòng vệ không tốt biến thành bệnh thần kinh, rối loạn tâm thần. Sigmund Freud đã nghiên cứu tìm được cái bị dồn nén trong tiềm thức là cái gì để đưa nó lên mặt bằng để giải quyết. Để làm việc đó, ông tìm các liên tưởng tự do như nói chuyện với bệnh nhân. Còn bây giờ, các nhà nghiên cứu phát hiện, dùng âm nhạc cổ điển là phương pháp đi vào tiềm thức đó nhanh nhất. Nhạc cổ điển có thể khiến bệnh nhân “du lịch” trở lại thế giới tiềm thức, khơi gợi cho bệnh nhân cảm xúc, giác quan. Có bệnh nhân nghe nhạc cổ điển nói rằng, thấy Hoàng đế Na-pô-lê-ông. Hay có người thấy cả cánh rừng. Mặc dù, họ chưa từng biết nhạc cổ điển là gì.

Phản ứng của bệnh nhân giúp chúng tôi hiểu đời sống tiềm thức, những mâu thuẫn tâm lý của họ. Thông qua những tiềm thức mà bệnh nhân tự bày tỏ khi nghe nhạc, người trị liệu có thể tìm ra nguyên nhân về tâm lý để từ đó có hướng điều trị đúng cách.

Hơn nữa, từ đây, bệnh nhân từng bước tham gia vào cuộc chơi âm nhạc thực sự mà mỗi một người là một nghệ sĩ với những cảm nhận rất riêng về loại hình này. Họ có thể hát múa, tham gia biểu diễn văn nghệ như những người bình thường khác. Họ được trải lòng thực sự, họ bày tỏ những mơ ước rất thực, rất đời. Họ đã thi, đã hát trong sự cổ vũ của bạn bè và trong chính nỗ lực của họ.

PV: Liệu pháp âm nhạc đã thể hiện sự thành công ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ: Điều đặc biệt của phương pháp này là bệnh nhân được hướng dẫn thư giãn, nghe nhạc. Trong thời gian đó, các bác sĩ chữa trị ngồi phía sau quan sát mọi phản ứng, cử chỉ của bệnh nhân. Bệnh nhân Lê Viết Tuấn mắc bệnh tâm thần phân liệt đã hơn 10 năm, lần đầu tiên được áp dụng phương pháp này đã nhảy dựng ra khỏi ghế. Sau 4 lần trị liệu, anh đã “tỉnh”, nhớ được nhiều chuyện về gia đình trong quá khứ và bắt đầu muốn nói chuyện với mọi người xung quanh. Mỗi lần nghe nhạc xong là Tuấn muốn vẽ trở lại. Lê Viết Tuấn trước đây là họa sĩ.

Chúng tôi còn thành lập cả một “ban nhạc” hòa tấu đàn Tơ-rưng (Tây Nguyên). Đàn Tơ-rưng được tháo rời theo 7 nốt nhạc, mỗi tốp nhạc từ 32 đến 42 bệnh nhân, chia ra thành 7 nhóm phân theo từng nốt nhạc Đồ, Rê, Mi, Pha, Son… Phương pháp này giúp các bệnh nhân khôi phục lại trí nhớ, tạo giao tiếp giữa bệnh nhân với bệnh nhân. Ngoài ra còn tạo cho bệnh nhân có trách nhiệm và tinh thần làm việc theo tập thể.

Tất cả các bệnh nhân tâm thần đều có thể áp dụng phương pháp chữa trị bằng âm nhạc nhưng hiệu quả nhất vẫn là những người phát bệnh do căn nguyên tâm lý (do ám ảnh, lo âu, trầm cảm...).

PV: Loại âm nhạc nào hiệu quả nhất trong điều trị bệnh nhân tâm thần, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ: Âm nhạc cũng như thuốc, với mục tiêu gì thì dùng âm nhạc ấy. Ngoài âm nhạc, chúng tôi còn triển khai điều trị người bệnh bằng hội họa. Liệu pháp này giúp bệnh nhân có khả năng diễn tả những cảm nhận và cảm xúc của mình.

PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ cùng bạn đọc Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần!

Huy Quân (thực hiện)