QĐND - Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực bảo tồn sự đa dạng này nhưng những hoạt động buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã nguy cấp đang khiến cho nguồn tài nguyên sinh học ở nước ta không ngừng suy giảm. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi cùng bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), về những giải pháp cho vấn đề này.
Phóng viên (PV): Chỉ cách đây ít lâu, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ việc 70 con tê tê được cứu hộ tại Chương trình Bảo tồn nghiên cứu thú ăn thịt và tê tê (CPCP) nhưng vì vướng mắc về các quy định của pháp luật nên đang chết dần, chết mòn mà không thể tái thả về tự nhiên. Phải chăng, đang tồn tại sự mâu thuẫn giữa các yêu cầu bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) và các văn bản pháp luật, thưa bà?
Bà Bùi Thị Hà: Từ tháng 8-2015, CPCP đã cứu hộ được 60 con tê tê - tang vật vụ buôn bán ĐVHD bất hợp pháp tại Ninh Bình và Thanh Hóa. Sau khi được chăm sóc, cuối tháng 9, những cá thể này đều khỏe mạnh, không bị lây nhiễm bệnh. Cùng với số tê tê được chăm sóc tại trung tâm từ trước là 70 con, chúng đạt tiêu chuẩn để tái thả về tự nhiên. Tuy nhiên, cơ quan công an và kiểm lâm hai tỉnh không đồng ý tái thả cho đến khi vụ việc được xử lý và có quyết định tịch thu tang vật vụ án. Nguyên nhân, theo Điều 76, Bộ luật tố tụng hình sự 2003, việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Như vậy, ĐVHD là vật chứng của vụ án chỉ có quyết định tịch thu và thả về tự nhiên sau khi vụ án kết thúc.
 |
Bà Bùi Thị Hà tại Cuộc thi vẽ tranh “Hành động vì môi trường hoang dã”, tháng 7-2015. Ảnh: Nguyễn Bích |
Tê tê là loài ĐVHD chỉ có thể sống ở môi trường tự nhiên. Vì thế, trong khi chờ đợi quyết định của các cơ quan chức năng, đến nay, đã có một số con bị chết. Như vậy, trên thực tế, những quy định của pháp luật đang để lại hệ quả lớn cho công tác bảo tồn. Trong khi, nếu cơ quan chức năng linh động có thể tái thả những con tê tê này về tự nhiên. Việc ấy thực tế không vi phạm pháp luật vì dù cơ quan chức năng xử lý thế nào thì quyết định cuối cùng vẫn là tái thả chúng.
ENV đã kiến nghị với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để sửa đổi những quy định bất hợp lý này. Theo đó, nên bổ sung vào quy định của pháp luật về vật chứng là ĐVHD còn sống thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm sau khi bắt giữ cần được lập hồ sơ xác định tên loài, số lượng, lưu lại hình ảnh rồi tiến hành tái thả về tự nhiên, chứ không phải chờ đến khi vụ án kết thúc, có quyết định tịch thu.
PV: Ngoài vụ việc cụ thể trên, bà đánh giá thế nào về mức độ phổ biến của các vi phạm trong bảo vệ ĐVHD và hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng?
Bà Bùi Thị Hà: Cho tới đầu năm 2010, Việt Nam vẫn tự hào là quốc gia có cá thể tê giác tự nhiên cuối cùng còn sót lại của Đông Dương sống trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia, cá thể tê giác cuối cùng này được phát hiện bị bắn chết trong tình trạng sừng bị cắt và xác thì đã thối rữa trong rừng. Hy vọng rằng, kết cục đáng buồn này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh tới các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong công tác bảo vệ ĐVHD. Chúng ta đã vĩnh viễn mất đi một phần loài tê giác vì mục đích riêng, thiếu hiểu biết của một nhóm người...
Nhằm đánh giá mức độ phổ biến của các vi phạm về ĐVHD và những nỗ lực của cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm này, ENV đã và đang tiến hành chương trình khảo sát vi phạm về ĐVHD trên địa bàn một số thành phố lớn của Việt Nam. Khảo sát được thực hiện tại tất cả các cơ sở kinh doanh có khả năng vi phạm về ĐVHD như nhà hàng, khách sạn, chợ, quán rượu, cửa hàng chim/thú cảnh, hiệu thuốc y học cổ truyền trên địa bàn các thành phố lớn như: Hà Nội, Đông Hà, Huế và TP Hồ Chí Minh. Cho đến thời điểm hiện nay, hơn 5.000 cơ sở kinh doanh đã được cán bộ ENV khảo sát.
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, Hà Nội có mức độ dấu hiệu vi phạm về ĐVHD cao nhất, với 21% các cơ sở được khảo sát có dấu hiệu vi phạm liên quan tới ĐVHD. Đông Hà và TP Hồ Chí Minh lần lượt đứng thứ hai và thứ ba với tỷ lệ 18% và 16%. Huế được ghi nhận với số lượng dấu hiệu vi phạm về ĐVHD thấp nhất với 12% các cơ sở khảo sát có dấu hiệu vi phạm về ĐVHD.
Cũng theo kết quả khảo sát của chúng tôi, Hà Nội là thành phố thành công nhất trong việc xử lý các vi phạm về ĐVHD với tỷ lệ xử lý thành công là 51%, so với 46% tại TP Hồ Chí Minh, 43% tại Đông Hà và 40% tại Huế.
PV: Là một trung tâm được thành lập với mục tiêu bảo vệ ĐVHD, ENV đã và đang có những giải pháp nào nhằm làm “hạ nhiệt” vấn nạn săn bắn, buôn bán và sử dụng ĐVHD, thưa bà?
Bà Bùi Thị Hà: Được thành lập năm 2000, ENV là một trong những tổ chức môi trường đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về sự cần thiết của việc bảo vệ thiên nhiên và các loài ĐVHD.
ENV tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm mang tính chiến lược bao gồm: Giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD thông qua các chương trình nâng cao nhận thức; Tăng cường thực thi pháp luật thông qua việc hỗ trợ trực tiếp các cơ quan chức năng và khuyến khích sự tham gia tích cực của công chúng chung tay ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD trái phép; Phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách để tăng cường thể chế, khắc phục các lỗ hổng luật pháp, phát triển các chính sách hiệu quả và thúc đẩy quá trình ra quyết định có liên quan tới vấn đề bảo vệ ĐVHD.
Về những hành động cụ thể, ENV liên tục thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm giảm nạn tiêu thụ ĐVHD. Phòng giáo dục môi trường lưu động của ENV thực hiện nhiều chương trình nâng cao nhận thức tại nhiều vùng, miền trên khắp cả nước nhằm chuyển tải thông điệp bảo vệ ĐVHD đến các nhóm đối tượng có liên quan từ học sinh-sinh viên, người dân vùng đệm vườn quốc gia/khu bảo tồn, cho đến các cán bộ hải quan và các cơ quan chức năng địa phương. Cùng đó, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm tuyên truyền giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD, chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD trái phép, nuôi nhốt gấu và tổ chức các buổi hội thảo cho sinh viên các trường đại học, khuyến khích sinh viên cùng tham gia.
Ngoài ra, để giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD tại Việt Nam, ENV đã phối hợp chặt chẽ với hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan, chợ, bệnh viện và các hiệu thuốc đông y với mục đích nâng cao ý thức cho nhân viên của các doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ ĐVHD. Đặc biệt, ENV cũng tiến hành các chiến dịch tập trung vào một số loài như: Gấu, hổ, tê giác, rùa biển, tê tê, các loài linh trưởng nguy cấp.
Năm 2005, ENV thành lập Phòng Bảo vệ ĐVHD (WCU) nhằm tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của công chúng vào việc ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép, đồng thời hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD. WCU thiết lập một đường dây nóng miễn phí bảo vệ ĐVHD “1800 1522” để tiếp nhận thông tin từ người dân về các vụ buôn bán, săn bắt, vận chuyển, tàng trữ ĐVHD trái phép. Làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng, WCU theo dõi và điều tra các vụ việc cho tới khi kết thúc và lưu giữ thông tin trong cơ sở dữ liệu của ENV. WCU luôn nỗ lực để mỗi vụ việc đều có được kết quả tích cực nhất thông qua việc hỗ trợ, tư vấn cách thức xử lý ĐVHD tịch thu được với các cơ quan chức năng, đồng thời khuyến khích các cơ quan chức năng có thái độ kiên quyết trong quá trình xử lý các vụ việc để nhằm tạo tính răn đe, ngăn chặn việc tái phạm.
WCU hiện đang quản lý Mạng lưới Tình nguyện viên Bảo vệ ĐVHD lên tới hơn 5.000 tình nguyện viên tại 33 tỉnh, thành phố trên cả nước để hỗ trợ việc giám sát, điều tra các điểm nóng về buôn bán ĐVHD tại Việt Nam. Từ năm 2005, hàng trăm ĐVHD trong các vụ buôn bán trái phép đã bị tịch thu, đây chính là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ của ENV với các cơ quan hữu quan. Cùng với việc theo dõi sát sao các đối tượng vi phạm, các quảng cáo về ĐVHD, thực đơn ĐVHD trong các nhà hàng cũng đã được dỡ bỏ. Nỗ lực của ENV nhằm ngăn chặn việc buôn bán trái phép ĐVHD đã giúp nâng cao hiệu quả của việc thực thi pháp luật bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy sự minh bạch trong thi hành luật và không ngừng nỗ lực hỗ trợ thi hành luật chống nạn buôn bán ĐVHD trái phép tại Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Theo báo cáo về quan trắc môi trường nước của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong 10 quốc gia giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới, với sự có mặt của 10% số loài được biết đến, trong khi diện tích lãnh thổ chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích Trái Đất. Việt Nam là nơi cư trú của hơn 275 loài thú có vú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 2.470 loài cá, 5.500 loài côn trùng và 12.000 loài cây (trong đó chỉ có 7.000 loài đã được nhận dạng).
Theo số liệu từ Dự án 104. VIE 1.MFS2/21, nhu cầu về ĐVHD ở Việt Nam để sử dụng làm thực phẩm, thuốc, và mục đích trang trí và xuất khẩu hằng năm nằm trong khoảng 3.700 tấn đến 4.500 tấn (không bao gồm chim và côn trùng). Với nhu cầu lớn này, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi từ một nước xuất khẩu thành một thị trường lớn nhập khẩu và tiêu thụ ĐVHD.
Theo Sách đỏ Việt Nam, số loài động vật nguy cấp quý hiếm tăng từ 365 loài (năm 1992) lên 418 loài (năm 2007), trong đó có 116 loài mức nguy cấp rất cao, 9 loài từ nguy cấp lên mức coi như đã tuyệt chủng. Theo ước tính của Quỹ Bảo vệ ĐVHD (WWF) trong vòng 40 năm, 12 loài động vật quý hiếm đã bị biến mất hoàn toàn ở Việt Nam...
Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế thì việc buôn bán ĐVHD đem lại lợi nhuận khổng lồ, ước tính chỉ xếp sau buôn bán ma túy. Vì thế mà việc buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD vẫn là vấn nạn nhức nhối không chỉ của bất kỳ một quốc gia nào. Đặc biệt ở những nước có nguồn sinh học đa dạng như Việt Nam. Theo thống kê, tổng doanh thu hằng năm từ buôn bán ĐVHD bất hợp pháp ở nước ta là 66,5 triệu USD.
|
THU PHƯƠNG (thực hiện)