Phóng viên (PV): Nghe nói nhà văn Nguyễn Văn Thọ đang ấp ủ chuẩn bị cho ra đời một tiểu thuyết lớn về đề tài chiến tranh?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi đã viết nhiều truyện ngắn về đề tài chiến tranh và vẫn luôn ấp ủ thực thiện một tiểu thuyết về chiến tranh ra tấm ra món. Sau tiểu thuyết “Quyên” (năm 2009), tôi bắt tay vào thực hiện tác phẩm này trong gần 10 năm, hiện đã chuẩn bị xong. Với một người dành cả tuổi thanh xuân để đi qua các cuộc chiến, tham gia nhiều chiến dịch lớn ở cả hai miền Bắc, Nam, rồi Tây Nguyên, Lào, chiến đấu trong những vùng chất độc da cam, phát quang, napan... những nơi ác liệt nhất... thì hình tượng người lính không bao giờ phai mờ trong tâm khảm.
Theo tôi, tiểu thuyết không phải là sự xét lại lịch sử, cũng không phải chép lại lịch sử mà trên cả lịch sử, nhà văn đưa ra những suy ngẫm dưới ánh sáng của tầng văn hóa và triết học để lý giải tính chính nghĩa và phi nghĩa ở trong cuộc chiến, nhìn rõ bản chất chiến tranh mà cụ thể là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Trải qua cuộc chiến, cho đến hôm nay, tôi vẫn khẳng định chiến tranh là địa ngục, tôi không muốn chiến tranh, mong muốn đất nước luôn hòa bình để các bạn trẻ không phải tham gia vào bất cứ cuộc chiến nào; để bộ đội bây giờ thấy được truyền thống cha anh, sẵn sàng hy sinh một lần nữa nếu phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Và tôi coi cuốn sách là cách để tôi trả ơn đồng đội.
|
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Ảnh: THU HÒA |
PV: Là nhà văn từng đi qua bom đạn, ông thấy viết về chiến tranh có khó không?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Thực sự là rất khó. Nếu chỉ nói về bom đạn thì đó là tả thực, quan trọng nhất là con người trong chiến tranh họ yêu như thế nào, sống, chiến đấu ra sao... Khi Hà Nội đang bị đánh dữ dội bởi B-52, những người lính vẫn yêu đương, hẹn hò trước khi nhập ngũ; ở mặt trận, những người lính vẫn thèm khát tình yêu. Đó là hiện thực. Khi tôi đóng quân ở Hải Phòng, có cô gái rất yêu tôi. Nhưng khi đi B, tôi quyết chia tay vì tôi đi không hẹn được ngày về, sợ lỡ dở thanh xuân của cô ấy... Mẹ tôi mất, 3 năm sau thư báo tin của bố và chị mới đến tay tôi. Đồng đội tôi, nhiều người vừa lấy vợ xong, có người vừa có con còn bé tẹo đã lên đường nhập ngũ. Họ rất khổ vì có thêm nỗi nhớ vợ con.
Viết về chiến tranh khó vì dễ khô khan. Tôi quan niệm tiểu thuyết chiến tranh quan trọng là cốt truyện hay, tạo được tuyến nhân vật khác biệt, bất ngờ, kịch tính và giống như bất cứ tiểu thuyết nổi tiếng nào trên thế giới đều có một mối tình trong đó. Chính tình yêu nuôi dưỡng con người ngoài đời và cũng tình yêu làm cho cuốn tiểu thuyết thêm người hơn. Sự phản ánh tính người, thân phận người, tâm lý ra sao, suy nghĩ thế nào trong hoàn cảnh đặc biệt của đời sống là điều cần làm sáng tỏ. Vậy nên, trong cuộc chiến biền biệt chẳng biết bao giờ kết thúc nhưng người ta vẫn luôn hy vọng đến ngày hòa bình. Có những chuyện rất cảm động của tôi mà tôi cũng đưa vào nhân vật, đã có lúc chúng tôi chán chiến tranh đến nỗi có ý nghĩ muốn tự thương để được trở về. Song chúng tôi chiến thắng được vì nghĩ đến đồng đội, danh dự và lòng tự trọng của người đàn ông với đất nước. Rồi có lúc ngồi tâm sự, chúng tôi hỏi nhau nếu trở về sẽ làm gì. Nhiều người nói tôi đọc thơ hay, hợp làm thầy giáo. Thế là tôi cũng ước mơ đến ngày hòa bình, được về một làng quê nào đó làm thầy giáo dạy tiểu học. Lúc đó, tôi sẽ dạy các em đọc thơ, dạy về con voi, con nai trong rừng, sẽ kể cho các em chiến tranh là thế nào... Những giấc mơ ấy rất con người, cũng rất thật, trong chiến tranh chúng tôi nghĩ như vậy.
Thứ hai, để truyện hấp dẫn người đọc thì tác giả đừng đi vào lối mòn của người khác. Hãy khai thác tối đa thực tế rất sinh động của đời sống thật vốn cuồn cuộn như dòng thác lũ. Không phải chỉ bom đạn khốc liệt, mà hơn thế, chính tâm hồn con người mới là điều cốt tử của cuốn sách.
PV: Thế nhưng thế hệ tác giả tham gia chiến tranh đang dần thưa vắng. Thế hệ cầm bút trẻ thiếu trải nghiệm thực tế có phải là một hạn chế?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Lev Tolstoy không hề tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng vẫn tạo ra được một tác phẩm kinh điển. Không có trải nghiệm thực tế là một khó khăn lớn nhưng nhà văn vẫn thành công nếu đủ thông minh, tài năng, chăm chỉ nghiên cứu lịch sử. Bằng không, nhà văn khó viết hay được, hoặc chỉ viết được một số truyện ngắn chứ khó mà thành công được với tiểu thuyết vốn đòi hỏi vốn sống trải nghiệm, sự suy tưởng trong trải nghiệm. Nhà văn cần trải nghiệm nhưng nếu chỉ trải nghiệm không thì không thể trở thành nhà văn lớn, bởi nếu tái hiện hiện thực thì nhà báo làm rất tốt. Nhà văn trên cơ sở hiện thực và trên cả hiện thực, phải bằng phông văn hóa, triết học dày dặn để nhìn lại, đánh giá, phản ánh bản chất người trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể-hoàn cảnh đất nước chiến tranh-chứ không thể lý giải bằng trí óc non nớt của người chỉ bằng cảm xúc.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự thể hiện của các tác giả trẻ ở mảng đề tài này?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi cũng quan tâm, chịu khó đọc và thấy lớp trẻ viết về chiến tranh đa số thành công ở thể loại truyện ngắn, và thành công ở một góc cạnh nào chứ chưa thấy ai thật xuất sắc. Điều đó cũng dễ thông cảm bởi vì họ hạn chế về vốn sống, nhất là những trải nghiệm phải đổi bằng máu và nước mắt, trong khi sự tưởng tượng nhiều khi lại không đúng. Ngay cả những nhà văn tham gia chiến tranh mà không trực diện cũng còn có nhiều thiếu sót. Ví dụ, có nhà văn viết về cấu trúc chung, nhân vật, tâm lý thì tốt nhưng có chi tiết cụ thể thuyết phục người đọc thì kém, chẳng hạn viết súng CKC bắn liên thanh-rất buồn cười vì súng bán tự động không thể bắn liên thanh. Những kiến thức thực tế ấy nhà văn phải có được, nếu không có được phải hỏi, đừng giấu dốt. Tôi nhớ, khi viết về tâm trạng của cô gái mới lớn, tôi phải đưa cho con gái và các bạn đọc để kiểm tra xem sự suy ngẫm của mình có thực tế không, vì tôi không thể áp đặt tư tưởng của một nhà văn già vào cô gái 16 tuổi được. Tôi biết, có những nhà văn tra cứu rất nhiều sách, mất công sức chỉ để xác minh một chi tiết trong tác phẩm của mình. Nhưng bây giờ cũng có nhiều nhà văn salon, bịa không có tính thuyết phục, khiến độc giả phần nào thấy chán, xa rời văn hóa đọc.
PV: Nhiều tác giả đã chọn tiếp cận từ góc nhìn của người ngoài cuộc để viết về chiến tranh. Cách này có yêu cầu gì với người viết, thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Đó cũng là một cách thể hiện hay. Viết về chiến tranh ở các góc khác nhau thì tôi nghĩ phải hiểu vấn đề đúng đắn và logic. Nhưng nếu không trải qua mà phê phán, nhìn lại cuộc chiến của dân tộc bằng góc độ không đầy đủ thì lại đáng cười. Có những người trẻ đứng ở tâm thế hôm nay, dùng con mắt cá nhân để phán xét quá khứ, thậm chí có người nói chúng tôi ngày xưa ngu dốt, sao không chọn thế này, sao không làm thế kia... mà không nhận thức được rằng, ở mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể khác nhau sẽ tạo ra tâm lý, sự lựa chọn khác nhau. Quyền tự do sáng tạo của nhà văn nhưng nếu anh quay lưng lại với dân tộc thì anh sẽ thất bại.
PV: Nhiều người vẫn cho rằng, chiến tranh cách mạng vẫn là một siêu đề tài cho các nhà văn, nhưng nếu các cây bút không đủ “khỏe” để viết thì đề tài khó này nên được khai thác như thế nào, thưa ông?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Nước Nga có lẽ chỉ cần “Chiến tranh và hòa bình”, khi cần, người ta sẽ đọc lại những tác phẩm kinh điển như vậy. Chiến tranh cách mạng là đề tài ý nghĩa nhưng nếu không thể viết hay hơn thì cũng không nhất thiết phải viết. Đi vào lối mòn, lặp lại người khác, lặp lại chính mình trong văn học-nghệ thuật là điều cần hết sức tránh. Viết về người lính, quân đội trong thời bình, về khát vọng dân tộc... đời sống hiện thực luôn đầy tràn và đòi hỏi những đề tài hấp dẫn khác nữa.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!