Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với đạo diễn, NSƯT Trần Lực để hiểu hơn về sân khấu thử nghiệm.
Phóng viên (PV): Thưa đạo diễn Trần Lực, trong giai đoạn sân khấu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, theo anh, cơ hội cũng như thách thức với sân khấu thử nghiệm là gì?
Đạo diễn Trần Lực: Thực ra sân khấu thử nghiệm chẳng có gì thách thức cả vì với những sản phẩm thử nghiệm nói chung thì hoặc là tạo ra thứ vô cùng giá trị, hoặc là “vớ vẩn” vứt đi. Tôi đang thử mà! Và tôi cũng không cần theo nguyên tắc gì cả. Ví như khi uống cà phê bình thường cho thêm đường hoặc sữa, giờ tôi thử cho muối, mắm. Có thể có người uống không được nhưng có người lại thích.
Thử nghiệm có thể sẽ rất hay nhưng có cái rất dở, đó là chuyện bình thường. Nhưng dù là dở thì chúng ta cũng cần tôn trọng nó bởi họ đã sáng tạo, làm ra những cái rất mới lạ.
Tôi đã đi một số liên hoan sân khấu thế giới, từ liên hoan sân khấu trẻ, chuyên nghiệp, đường phố; diễn trong rạp hay trình diễn ngoài đường… thấy và cảm nhận rất rõ sự sáng tạo tự do, không bị gò bó của nghệ sĩ. Khán giả bây giờ cần thấy một tác phẩm sân khấu mà ở đó các nghệ sĩ được sáng tạo không biên giới, thoải mái tự do, không bị gò ép bởi bất cứ khuôn mẫu nào. Các vở diễn của sân khấu LucTeam chúng tôi cũng đang làm theo cách đó và tôi thấy đa phần khán giả xem rất thích thú, số thấy không quen lại hầu hết là dân trong nghề. Thực ra các nghệ sĩ đang bị lạc hậu với nhu cầu của khán giả, đang tự trói mình vào trong cái hộp, không gian của mình, cứ sợ người xem không quen, trong khi ở ngoài kia khán giả đang tìm cái gì đó khác, mới hơn. Đó cũng là một lý do khán giả không đến với sân khấu vì họ không thấy được cái hấp dẫn họ. Suy cho cùng, tất cả những thứ gọi là thử nghiệm, thay đổi, mong muốn thay đổi đều hướng đến điểm cuối cùng là khán giả. Vậy nên người nghệ sĩ làm thế nào thỏa mãn chính mình nhưng cũng phải thỏa mãn khán giả.
PV: Thử nghiệm có nghĩa là thử làm mới, khác đi. Vậy nên hiểu mới và khác như thế nào cho đúng, thưa anh?
Đạo diễn Trần Lực: Không có gì là đúng, sai, không có cụ thể như thế nào, quan trọng anh làm cái chưa ai làm bao giờ, có thể là vở kịch viết theo một kết cấu khác... Ví dụ nếu ở kịch truyền thống có các sự kiện, cao trào kịch tính, tháo nút, gỡ nút… thì ở vở “Nữ ca sĩ hói đầu” tôi làm là thử nghiệm chống lại truyền thống. Ở đó không có cốt truyện gì cả, là những câu chuyện tào lao nhưng thực chất lại không hề tào lao mà ẩn đằng sau rất nhiều triết lý về cuộc sống, nhân sinh.
Tôi xác định mỗi loại hình nghệ thuật có giá trị riêng của nó. Cái gì các loại hình nghệ thuật khác làm được và hay hơn thì mình làm thôi. Mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ, sự hấp dẫn riêng. Với tôi, sân khấu theo phong cách nào thì trước hết phải đầy ắp ngôn ngữ sân khấu đã, ngôn ngữ chỉ sân khấu mới làm được, không quay lên phim được mà để khán giả phải đến xem, là diễn trực tiếp, là tương tác với khán giả. Thử nghiệm là phải tìm, khai thác ra cái mới trong ngôn ngữ sân khấu. Ví dụ trong sân khấu anh có thể dùng âm nhạc, múa, nhảy hay các loại hình nghệ thuật, kỹ thuật hiện đại khác nhưng là để phục vụ cho ngôn ngữ sân khấu của anh chứ không phải anh làm giống loại hình khác. Nhưng ở ta, đôi khi vẫn có trường hợp bị lạm dụng, nhầm lẫn những thứ đó.
PV: Vậy, sân khấu của anh đã thử nghiệm theo cách nào?
Đạo diễn Trần Lực: Tôi bị ảnh hưởng rất mạnh bởi sân khấu truyền thống Việt Nam như tuồng, chèo - bản thân nó là ngôn ngữ ước lệ biểu hiện, ước lệ tự sự. Nhưng tôi được tiếp cận với sân khấu châu Âu hiện đại và sân khấu đương đại nên đã kết hợp giữa ngôn ngữ sân khấu ước lệ biểu hiện truyền thống với sân khấu đương đại bây giờ để làm nên phương pháp sân khấu mới lạ ở Việt Nam, đó là giao thoa giữa hai thứ ngôn ngữ khác nhau, một thứ hơi thực dụng, lý trí phương Tây và cái đầy hồn nhiên, ngây thơ của phương Đông.
Ví dụ ở vở “Quẫn”, đó là tính tối giản ước lệ của tuồng, chèo và sân khấu đương đại; nhưng nếu tuồng, chèo vẫn sử dụng màu sắc trang phục để miêu tả các nhân vật thì tôi tối giản màu sắc theo lối phương Tây-sân khấu trống rỗng chỉ hai màu đen, trắng, ánh sáng đơn sắc... ở đó nhân vật tỏa sáng. Hay khi miêu tả đám đông, nếu làm theo sân khấu hiện thực tâm lý sẽ thường có nhiều người với những trang phục khác nhau thể hiện sự đa dạng... nhưng đám đông của tôi toàn bộ là màu đen. Màu đen thể hiện sự huyền bí, tạo cho khán giả khi xem đôi khi thấy sợ. Và quan trọng màu đen còn thể hiện được ý đồ trong đó là đám đông có sức mạnh khủng khiếp, nó kéo tất cả theo nó, không ai cưỡng được đám đông, từ trước đến nay hay sau này hiệu ứng đám đông vẫn vậy. Giữa sân khấu đen trắng, những bóng đen, ánh sáng đơn sắc, tôi giữ 4 nhân vật chính vẫn có màu sắc trang phục làm cho nhân vật nổi lên, hút người xem tập trung vào... Tính đương đại chính là đó, thử nghiệm là đó. Tôi đã thử nghiệm từ gốc để ra một thứ ngôn ngữ riêng-sân khấu ước lệ biểu hiện và cái khác lớn nhất là tính ước lệ trong nghệ thuật biểu diễn, trong đó đặc biệt tôn trọng sáng tạo của diễn viên trong cảm nhận và thể hiện nhân vật.
PV: Và, ở sân khấu thử nghiệm, yêu cầu đặt ra cho các thành phần sáng tạo cũng rất khác?
Đạo diễn Trần Lực: Mỗi một bộ phận đều có nhiệm vụ riêng mang tính sáng tạo cá nhân trong đó. Với người đạo diễn, dù ở bất cứ trường phái sân khấu nào thì vẫn là người chỉ huy, như người thuyền trưởng hay nói cách khác là giám đốc nghệ thuật, gom tất cả mọi người lại cùng tạo ra một sản phẩm. Đầu tiên đạo diễn cần những cộng sự hiểu mình, có cùng quan điểm nghệ thuật. Người diễn viên theo phương pháp sân khấu này đòi hỏi toàn năng hơn, có thể hát, nhảy múa... ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ tiếng nói tốt và đặc biệt tâm hồn luôn hồn nhiên yêu đời, ngây thơ… Ở sân khấu mang tính đương đại tối giản không chỉ khó cho đạo diễn dàn dựng thế nào, diễn viên thể hiện ra sao mà còn khó cho họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ... Có những vở diễn cần đầu tư về kỹ thuật, trang trí sân khấu, âm nhạc để đạt được hiệu quả mong muốn, phục vụ ngôn ngữ sân khấu. Điều đó đòi hỏi nghệ sĩ đầy sáng tạo bởi nếu đưa vào các yếu tố không cẩn thận sẽ thành lạm dụng, giết chết sân khấu. Bởi vậy ở sân khấu thử nghiệm của tôi, mỗi người, mỗi thành phần sáng tạo đều phải tài năng thực sự.
PV: Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
hà viết kịch Lê Quý Hiền: Đừng lạm dụng công nghệ
Sân khấu thử nghiệm tức là đi tìm cái mới, mới trong kịch bản, mới trong dàn dựng. Nhưng chúng ta biết rằng bản thân sáng tạo văn học nghệ thuật đã là đi tìm cái mới rồi. Vậy nên khi nói đến thử nghiệm ở đây ta hiểu là cách tân, làm sao có cái mới khác hẳn cái nếp cũ và đừng nhầm cách tân với tìm tòi, sáng tạo.
Thực chất, sân khấu thử nghiệm là một sân khấu khoa học. Trước khi thử nghiệm anh phải chỉ được ra là thử nghiệm cái gì, có luận cứ khoa học, kèm theo vấn đề anh giải quyết được là gì... tất nhiên vẫn phải giữ được bản sắc sân khấu. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, qua các liên hoan sân khấu thử nghiệm vừa qua có thể nói là chưa có sự cách tân, mà chỉ là thay đổi về cách thể hiện. Gần đây có sân khấu LucTeam được coi là thử nghiệm với việc kết hợp giữa sân khấu truyền thống và kịch đương đại. Ở đó, theo cảm nhận từng người có vở hay, không hay nhưng đó là thử nghiệm và rất đáng trân trọng. Sân khấu LucTeam là một tư duy khoa học trong tìm ra một kiểu sân khấu mới. Khi nói đến thử nghiệm, nhiều đơn vị nghệ thuật cũng dàn dựng các vở diễn trong đó có sự tìm tòi cái mới, nhưng sân khấu luôn cần những sự tìm tòi cái mới như thế. Thử nghiệm không đơn giản chỉ là đi tìm tòi những thủ pháp nhỏ mà phải là tìm ra phương thức thể hiện mới. Và đó không phải câu chuyện có thể làm trong 2-3 năm.
Trong một hội thảo về sân khấu thời Cách mạng công nghiệp 4.0, tôi có phát biểu rằng, dù trong thời nào thì sân khấu mãi vẫn là sân khấu, sinh ra vì con người và phát triển do con người. Ngày xưa không có sân khấu lớn, đèn, loa, chỉ có mỗi chiếu trải ra giữa đình làng, thế mà “Thị Màu lên chùa” vẫn vậy từ đó đến giờ. Tất nhiên có sự tác động nhất định nhưng sân khấu không phụ thuộc vào sự phát triển của khoa học công nghệ. Do đó, nếu lạm dụng công nghệ sẽ làm mất đặc trưng của sân khấu. Vậy nên muốn cách tân gì, thử nghiệm gì thì nguyên tắc đầu tiên là không được đánh mất đặc trưng sân khấu.
|
DƯƠNG THU (thực hiện)