Kỹ sư thực hành: Học gắn liền với hành

PV: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng, thực hiện tiến trình hiện đại hóa quân đội, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa xây dựng chương trình, mục tiêu, yêu cầu đào tạo như thế nào để học viên tốt nghiệp ra trường có thể thực hiện nhiệm vụ được ngay?

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Hưng: Tôi hiểu câu hỏi này đặt ra vấn đề chất lượng đào tạo của Trường Đại học Trần Đại Nghĩa. Các sản phẩm đầu ra của các hệ trung cấp, cao đẳng tôi xin đề cập sau. Chỉ tính riêng đào tạo trình độ đại học, có người hỏi trong đào tạo kỹ sư Trường Đại học Trần Đại Nghĩa và Học viện Kỹ thuật quân sự có điểm gì khác biệt không? Tôi xin trả lời, nếu như Học viện Kỹ thuật quân sự đào tạo đi vào định hướng nghiên cứu, trọng điểm quốc gia thì Trường Đại học Trần Đại Nghĩa xác định đào tạo theo hướng công nghệ ứng dụng. Hiểu một cách khái quát là đào tạo kỹ sư thực hành. Trong đào tạo hướng vào công tác kỹ thuật như bảo dưỡng, sửa chữa kỹ thuật, nâng cấp, duy trì vũ khí trang bị kỹ thuật ở trạng thái SSCĐ.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng, PGS, TS, Nguyễn Văn Hưng. 

Theo định hướng như vậy nên Nhà trường tổ chức quy trình đào tạo gắn với yêu cầu sử dụng ở các đơn vị phải đặt lên hàng đầu. Học viên ra trường đáp ứng ngay được yêu cầu của đơn vị.

Qua khảo sát, nắm thực tế, các quân khu, quân đoàn ở phía Nam đánh giá rất cao sản phẩm đầu ra của nhà trường. Học viên ra trường phát huy được ngay vốn kiến thức tích lũy trên cương vị, chức trách được giao. Năm 2016, khóa đào tạo sĩ quan trình độ đại học đầu tiên tốt nghiệp, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị có học viên ra trường tiến hành tiếp thu đánh giá của các đơn vị cơ sở. Đồng thời nắm ý kiến của các học viên sau khi ra trường. Tổng kết với vốn kiến thức được trang bị tại nhà trường, học viên ra trường khả năng đáp ứng công việc ở mức độ nào? Từ đó tìm ra nội dung phù hợp, chưa phù hợp để điều chỉnh lại nội dung, chương trình đào tạo.

Năm 2017, chúng tôi sẽ hoàn thiện bộ quy tắc yêu cầu chuẩn đầu ra. Học viên ra trường phải đạt được chuẩn. Từ chuẩn đầu ra quay ngược lại xác định nội dung trương trình, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Riêng đội ngũ cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Nhà trường từ khi tiếp quản và thành lập (12-5-1975) đến nay đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là các cơ quan phía Nam đánh giá rất cao về chất lượng đào tạo. Một dẫn chứng là tất cả các đồng chí Chủ nhiệm Kỹ thuật của các Quân khu, Quân đoàn phía Nam đều là học viên tốt nghiệp tại Trường Đại học Trần Đại Nghĩa… Một cuộc khảo sát của nhà trường về những đồng chí cán bộ đương nhiệm giữ các chức danh Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, Trưởng ban Quân khí, Trưởng ban Xe máy công tác ở các cơ quan, đơn vị phía Nam thì hơn 70% học viên tốt nghiệp từ nhà trường. Dẫn chứng điều đó để chứng minh sản phẩm đào tạo của Nhà trường đã được thực tiễn thừa nhận và có hướng phát triển tốt.

Gắn công tác giáo dục đào tạo của nhà trường với thực tiễn đơn vị là tất yếu khách quan. Những năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp gắn kết với đơn vị như thông qua việc trao đổi giữa lãnh đạo nhà trường với các đơn vị kỹ thuật cấp chiến dịch. Thường xuyên gửi học viên đi thực tập tại các đơn vị kỹ thuật ở các quân khu, quân đoàn. Ở chiều ngược lại, các đơn vị cũng tạo điều kiện cho học viên thực tập được tiếp xúc với các trang bị kỹ thuật, cùng với cán bộ kỹ thuật các đơn vị giải quyết các vấn đề thực tế. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh việc đưa giáo viên nhà trường đi thực tế ở các đơn vị.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng xác định nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ chính trị trung tâm, song song với công tác giáo dục đào tạo. Nghiên cứu khoa học gắn liền với việc giải quyết các vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục và yêu cầu thực tế công tác kỹ thuật ở các đơn vị; tập trung thực hiện nghiên cứu, mô phỏng các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, tăng khả năng an toàn cho các loại trang bị kỹ thuật như ô tô, xe tăng... Một số kết quả nghiên cứu của nhà trường đã được chuyển giao cho các cơ quan trong quân đội để thực hành ứng dụng vào thực tế. Thế mạnh của chúng tôi là kỹ thuật mô phỏng. Vừa qua nhà trường cũng có ba mô phỏng được Tổng cục Kỹ thuật đề nghị nâng cấp và chuyển giao cho toàn quân để nâng cao chất lượng huấn luyện.

Hiện chúng tôi đang nghiên cứu đổi mới nội dung chương trình đào tạo phù hợp với vũ khí trang bị của quân đội hiện đại. Tuy nhiên, các cán bộ, nhân viên chúng tôi đào tạo ra phục vụ chủ yếu ở các đơn vị lục quân. Còn một số lực lượng hiện đại như Phòng không-Không quân, hay tàu ngầm thì cũng có nội dung đào tạo nhưng chưa phải là vấn đề cấp thiết đặt ra. Thế nên đổi mới nội dung chương trình nhưng chúng tôi vẫn bám vào định hướng nghiên cứu, bảo quản, sửa chữa những vũ khí hiện có trong quân đội hiện nay.

Nhà trường đi trước các đơn vị một bước nên tôi đã giao cho các cơ quan, khoa giáo viên, nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan cấp trên để cán bộ của nhà trường được tiếp xúc với tài liệu và vũ khí trang bị mới. Nhà trường đã chỉ đạo nghiên cứu, mô phỏng một số loại vũ khí trang bị mới phục vụ trong việc sẵn sàng giảng dạy khi có yêu cầu. Đó cũng là sự kết hợp giữa nhà trường và đơn vị.

Xây dựng một "đội hình đẹp"

PV: Hiện nay, quân đội đang từng bước hiện đại hóa, trong biên chế có thêm nhiều loại vũ khí trang bị mới. Để thực hiện việc nhà trường gắn với đơn vị, đi trước đơn vị phải chuẩn bị những điều kiện gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Hưng: Chúng tôi đang từng bước đề nghị được cung cấp tài liệu liên quan và tiếp xúc với vũ khí trang bị mới. Nhưng tất cả điều đó vẫn đang nằm trong ý tưởng và việc này cần có chủ trương chung của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Nếu bây giờ mô phỏng một vũ khí hiện đại ngay thì khó, nhưng phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà trường, có giao nhiệm vụ cụ thể nghiên cứu mô phỏng từng cụm, từng bộ phận sau đó tích hợp lại thì tôi tin là mô phỏng được mô hình hoàn thiện.

leftcenterrightdel
Giờ học thực hành của học viên chuyên ngành Tăng thiết giáp. 

Đúng là chúng ta xác định nhà trường phải đi trước đơn vị một bước nhưng phải xác định đi trước như thế nào và đi trước ở lĩnh vực gì. Và việc đi trước trong mỗi thời điểm khác nhau, sẽ có những chỉ đạo cụ thể.

Đối với giáo viên nhà trường để đáp ứng được yêu cầu đào tạo những năm trước mắt và lâu dài chúng tôi đã tích cực thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở nhà trường hiện đang làm nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài chiếm tỷ lệ 40%. Chúng tôi phấn đấu là đến năm 2020, đội ngũ giáo viên hơn 75% có trình độ sau đại học. Cao hơn so với chỉ tiêu chung trong chiến lược phát triển của nhà trường quân đội. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường có 26 đồng chí có học vị tiến sĩ. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50 người có học vị tiến sĩ. Đào tạo kỹ sư thực hành có những yêu cầu rất cao đối với đội ngũ giảng viên mà học vị chỉ là một tiêu chí. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên của Nhà trường đáp ứng được yêu cầu giáo dục đào tạo trong giai đoạn hiện nay và bảo đảm đội hình "đẹp" trong tương lai.

Môi trường kỹ thuật không hề khô khan

PV: Nghề sư phạm khó nhất là truyền đam mê đến người học, các ngành nghề kỹ thuật lại khá khô khan. Chúng tôi tự hỏi, những người thầy của trường kỹ thuật làm thế nào để truyền đam mê kỹ thuật đến học viên, sinh viên?

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Hưng: Nghề nào cũng phải có đam mê thì mới thành công. Như tôi làm quản lý nhưng vẫn thích và cố gắng bố trí lịch để trực tiếp tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình. Năm qua, tôi không tham gia giảng dạy nhiều do bận công tác quản lý nhưng vẫn tham gia giảng bồi dưỡng học viên giỏi dự thi Olympic toàn quốc, hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học và nghiên cứu khoa học. Tôi vẫn thường xuyên tiếp xúc đối thoại với học viên thuộc các loại hình đào tạo khác nhau. Nghe anh em nói và nói cho anh em nghe. Nói về cuộc sống trong quân ngũ, về đời thường.

Khi bước chân vào một trường kỹ thuật, bản thân mỗi người học đã có sẵn trong mình một niềm đam mê nhất định. Cái hay của học kỹ thuật là phải học được thì mới thích. Trong chương trình đào tạo thì môn học trước là tiền đề, nền móng phục vụ môn tiếp theo. Cho nên, chúng tôi thường xây dựng hạt nhân học tập trong mỗi lớp, đây sẽ là ngọn cờ kích thích người học "đua đuổi và vượt nhau", những hạt nhân học tập còn là niềm cảm hứng khám phá tri thức, làm chủ kỹ thuật quân sự cho người khác. Môi trường quân ngũ, học viên ăn, ở cùng nhau nên rất dễ truyền đam mê. Quả thật, dạy các môn kỹ thuật khô khan nhưng đi vào chuyên sâu vẫn có rất nhiều cái hay, thú vị. Vấn đề là người thầy đứng lớp ngoài vững chuyên môn, kiến thức, thì phải có đạo đức nghề nghiệp mới lôi cuốn được người học. Điều này giải thích tại sao có thầy rất giỏi nhưng giảng bài học viên lại không thích. Có thầy học hàm, học vị không cao nhưng khi giảng bài thì học viên thích đến nỗi nghe không muốn bỏ lọt câu nào. Cái này, nhiều người nói là kỹ năng sư phạm, là năng khiếu nhưng tôi hiểu bao trùm lên trên những cái đó là đạo đức, lòng yêu nghề của người thầy. Giảng bậc đại học, đúng như các anh nói, quan trọng là truyền đam mê và định hướng cho người học tự tìm hiểu, khám phá tri thức và rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo.

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chú trọng, chăm lo đời sống tinh thần cho học viên, tận dụng mọi điều kiện tạo nguồn thu để nâng cao đời sống cán bộ giáo viên, bổ sung kinh phí cho hoạt động giáo dục đào tạo.

Từ năm 2002, ngoài nhiệm vụ đào tạo học viên trong quân đội, nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển, đào tạo sinh viên hệ dân sự. Từ lâu, nhà trường giao nhiệm vụ cho các Tiểu đoàn quản lý học viên kết nghĩa với các trường đại học trong khu vực như: Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức giao lưu trong các dịp lễ, kỷ niệm trọng đại của quân đội và đất nước. Vừa qua, nhà trường tổ chức cắm trại với học viên các trường Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát, Đại học Công nghiệp, biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày Toàn quốc kháng chiến. Thực chất nội dung này nhằm tạo điều kiện cho học viên quân sự tăng cường giao lưu học hỏi, nâng cao kỹ năng giao tiếp. Nhận thấy kỹ năng mềm của học viên quân sự còn yếu, nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ Tiếng Nga, tiếng Anh, Nhiếp ảnh, tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh để học viên tăng cường giao lưu, học hỏi với các bạn trẻ trong và ngoài quân đội. Đó cũng là những biện pháp nhằm xây dựng đời sống văn hóa-tinh thần, giúp người học thêm yêu mái trường và qua đó, gia tăng niềm đam mê nghề nghiệp mà họ theo đuổi.

HỒNG HẢI - VĂN TUẤN (thực hiện)