Phóng viên (PV): Nhật ký chiến trường trong những ngày trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của ông được thể hiện bằng thơ. Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện đằng sau những vần thơ ấy?

Nhà thơ Vương Cường: Trong hành trang của người lính, tôi có một tình yêu văn chương, đặc biệt là thơ. Tôi biết làm thơ như là đi trên con đường xa nhưng không thấy đích. Tình yêu ấy luôn bị bạn đọc và thời gian thử thách ngày càng lớn. Khi đi Chiến dịch mùa Xuân 1975, chúng tôi vượt Trường Sơn lần thứ hai. Nhờ thơ, khi sau lưng mang hơn 30kg, tôi vượt qua núi cao, vực sâu nhẹ nhàng hơn. Những câu thơ luôn thức dậy trong đầu tôi, như trong bài thơ “Phía sau và phía trước” tôi viết: Anh lên đường nhẹ nhàng thoáng chợt/ em/ những câu thơ trong đầu hành quân. Khi nghe tin em giao liên dẫn quân len lỏi giữa rừng sâu bị trúng bom hy sinh, tôi viết bài thơ “Cặp mắt cô giao liên mở ra lần cuối”: Không phải bầu trời tắt hai ngôi sao/ mà rực cháy một trời rực rỡ/ những binh đoàn nhận thêm ánh sáng từ em/ ra trận...

leftcenterrightdel
Nhà thơ Vương Cường. 

Đầu tháng 4-1975, trung đoàn tôi hành quân thần tốc về Sài Gòn, vừa hành quân vừa đánh giặc, mở đường mà tiến. Trận đánh vào thị xã Phan Rang, đơn vị bị máy bay bắn rocket và ném bom vào đội hình, khói đen trùm lên mù mịt. Xe chạy như trong đêm. Bài thơ “Quỹ đạo hình sin”, tôi viết trong những giờ phút ấy: Bom nổ nhấc xe lên đặt xuống/ Quỹ đạo hình sin có bước nhảy giữa chừng. Nếu viết ở điều kiện khác sẽ không thể có câu thơ như thế... Lúc 3 giờ sáng 30-4-1975, đại đội tôi đến bờ sông Đồng Nai, chuẩn bị vượt sông. Bầu trời chi chít sao nhấp nháy liên hồi như những chiến sĩ đang nóng lòng vượt sóng. Trên trời vẫn còn nghe tiếng pháo, tiếng súng xa. Trời sáng, những con tàu, thuyền treo cờ trắng chạy trên sông Đồng Nai. Nhiều máy bay trực thăng chở người di tản bay vội vàng. Giây phút ấy, mặt trời chiến thắng sắp lên, và tôi viết: Chúng tôi đẩy mặt trời lên/ để nhìn rõ Sài Gòn phía trước...

Biết bao đồng đội không được nhìn thấy lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Giữa rừng cao su Bình Sơn, 5 ngày trước đó, chúng tôi bị một trận bom đánh vào đội hình, hơn 100 người thương vong: Đã vượt qua cả ngàn cây số đạn bom/ bạn nằm lại giữa rừng cao su Bà Rịa/ đành chịu lỗi với mẹ... Bốn ngày trước đó, trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, mở cánh cửa phía Đông cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn diễn ra rất ác liệt. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương và nhiều đồng đội tôi đã hy sinh. Sau trận này, tôi đã “Khóc tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương”: Sài Gòn xa mấy ngàn cây số máu/ đi mãi không cùng/ anh dừng lại ở Long Thành/ với lính/ sống có nhau giờ chết cũng còn nhau... Sau ngày 30-4, đồng đội tôi vừa reo lên sẽ được về thăm mẹ thì gần trưa ngày 7-5, khi chuyển quân về Long Bình, một xe bị gài mìn, gần như cả xe hy sinh. Sự hy sinh ấy không thể diễn tả hết được: Đã vượt qua hàng trăm cửa tử/ phút cuối cùng anh nằm lại ở cửa sinh/ chia từng nắm thịt xương vùi đất/ sống từng chia chết cũng còn chia...

PV: Điều gì khiến ông trong những ngày cam go, căng thẳng của cuộc chiến ấy vẫn có thể tìm thấy sự thăng hoa trong ngôn từ và cảm xúc như vậy?

Nhà thơ Vương Cường: Ngay trận đánh đầu tiên của tiểu đoàn tôi trong Chiến dịch mùa Xuân 1975, ở cao điểm 363 trên dãy Cồn Sắt, miền Tây Thừa Thiên Huế, chưa kịp nổ súng, chúng tôi bị pháo địch từ Đá Bạc bắn lên suốt 3 tiếng đồng hồ. Những đồng đội bị thương và hy sinh ngay trước mắt mình... Trên con đường đi đến toàn thắng không chỉ có chiến thắng mà còn có những hy sinh, tổn thất, những thất bại tạm thời. Chứng kiến điều đó đã giúp tôi nhìn thấy đồng đội ở một vẻ đẹp toàn diện hơn. Trong giờ phút đau thương ấy, trong mắt đồng đội tôi bừng lên ngọn lửa hun đúc thêm tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, không ngại hy sinh, không hề dao động, tiếp tục mài sắc thêm ý chí, củng cố niềm tin, cầm chắc tay súng hướng đến chiến thắng ngày mai.

Thơ tôi viết dọc đường chiến dịch theo từng trận đánh như nhật ký. Có thể có người nghĩ, sao trong cuộc chiến cam go, cấp tốc và hy sinh ấy, tôi còn làm thơ được? Bởi cuộc chiến đấu anh dũng, sự hy sinh cao cả, tinh thần lạc quan, xả thân vì Tổ quốc của đồng đội tôi. Đó là những “bài thơ” thứ nhất gợi lên cảm xúc và thúc giục tôi cầm bút. Bài thơ của tôi là bài thơ thứ hai. Không có bài thơ thứ nhất sẽ không có bài thơ thứ hai. Ở thời hậu chiến, tôi vẫn viết tiếp về những hy sinh của đồng đội. Tôi chỉ viết khi cảm thấy không thể không viết. Và nếu được bạn đọc, nhất là thế hệ Bộ đội Cụ Hồ hôm nay quan tâm, thì ấy là may mắn của tác giả.

leftcenterrightdel

Bộ đội Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất trưa 30-4-1975. Ảnh: ĐINH QUANG THÀNH

PV: Những bài thơ ông sáng tác khi ấy có được chia sẻ, phổ biến tới đồng đội?

Nhà thơ Vương Cường: Khi ấy tôi không chia sẻ với đồng đội. Một phần vì đâu có thời gian để chia sẻ; phần khác, tôi nghĩ thơ cần được kiểm nghiệm đã. Nhưng bộ đội ta rất yêu thơ. Thơ làm cho tâm hồn người lính tươi trẻ và yêu đời, yêu người, quý trọng tình đồng đội hơn. Trong sổ tay nhiều người ngày ấy chép thơ Tố Hữu, Dương Hương Ly, Trần Đăng Khoa và nhiều nhà thơ Quân đội khác. Sau này, với độ lùi cần thiết, tôi đã công bố tác phẩm của mình trên một số báo, tạp chí văn nghệ. Tôi nghĩ cũng chưa muộn, nếu thơ mình có người yêu mến...

PV: Thơ văn với ông trong những ngày tháng chiến tranh có ý nghĩa như thế nào?

Nhà thơ Vương Cường: Thơ đã giúp tôi và đồng đội tôi nhẹ bước hành quân và mạnh mẽ hơn trong những thử thách sinh tử. Nó giúp hoàn thiện mình nhờ lưu giữ trong tâm hồn những vẻ đẹp của nó; bồi đắp tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân. Lạc quan, tin tưởng, gặp khó khăn không nản, khi chiến thắng không kiêu. Luôn cân bằng, mở lòng tiếp nhận những vẻ đẹp của cuộc đời. Thơ mách bảo cần phải hòa mình trong cái vui, buồn của nhân dân. Quý trọng tình đồng đội và biết ơn những người đã hy sinh để cho mình có cuộc sống hôm nay.

PV: Trong quá khứ, văn chương đã góp phần củng cố sức mạnh tinh thần cho toàn quân, toàn dân ta đi đến ngày toàn thắng, đến hôm nay vẫn góp phần xây dựng, bồi đắp bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Theo ông, vai trò của văn chương đã được thể hiện thế nào?

Nhà thơ Vương Cường: Có thể nói trong chiến tranh, thơ văn đã góp phần quan trọng về mặt tinh thần trong việc củng cố sức mạnh của toàn quân, toàn dân ta. Trước hết, nó bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn, nâng cao trí tuệ và nhận thức đúng những yêu cầu từ thực tiễn. Từ nhận thức, từ vẻ đẹp, phải biến thành hành động trong thực tế. Nếu chỉ nhận thức mà thiếu hành động thực tế, chúng ta chưa đi đến cái đích cuối cùng của văn chương.

Thời bình, điều kiện cũng như nhiệm vụ của Quân đội có nhiều khác biệt so với thời chiến, nhưng tinh thần, bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thì không thay đổi. Văn học Việt Nam viết về người lính đã có nhiều thành tựu được nhân dân và bộ đội yêu mến. Lịch sử, truyền thống của Quân đội, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong quá khứ và hiện tại vẫn luôn cần được tô thắm và thăng hoa thành các tác phẩm văn học; và văn học bằng đặc trưng riêng có của mình sẽ lại góp phần hun đúc, xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Ở mỗi giai đoạn của đất nước, bản thân văn chương cũng cần phải bám sát đời sống, nhu cầu xã hội để hoàn thành nhiệm vụ, trở thành món ăn tinh thần cho con người. Bạn đọc hôm nay có những nhu cầu nhận thức tương ứng với thời đại: Tác phẩm văn chương phản ánh đúng khát vọng của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới; mặt khác, phải chống lại những tư tưởng sai trái, lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, đi ngược với nguyện vọng của nhân dân. Quá khứ, hiện tại và tương lai luôn có mối quan hệ trên con đường chúng ta đi tới. Và văn chương phải thể hiện được mối quan hệ đó, không chỉ nội dung mà cả nghệ thuật.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ trên!

DƯƠNG THU (thực hiện)