Phóng viên (PV): Thưa giáo sư, trong điều kiện chịu ảnh hưởng của BĐKH, diễn biến thiên tai ở Việt Nam hiện nay đã tác động thế nào đến công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này?

GS, TS Nguyễn Trung Việt: Như chúng ta biết, Việt Nam đã và đang là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất do tác động của BĐKH, nước biển dâng trong những năm qua. Càng ngày, BĐKH càng có tác động lớn và rõ nét đến từng ngõ ngách của đời sống xã hội, người dân với những hiện tượng tác động xấu như: Mưa cực hạn, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở nghiêm trọng ở khu vực miền núi phía Bắc và xói lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng vùng cửa sông và bờ biển…

leftcenterrightdel
GS, TS Nguyễn Trung Việt. Ảnh: DƯƠNG THU

Trường Đại học Thủy lợi là trường đại học đầu ngành trong lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, tài nguyên, môi trường, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước. Trong công tác đào tạo, trường đã chú trọng đến việc cập nhật những nội dung mang hơi thở thực tế, lồng ghép những nội dung đó vào chương trình đào tạo của trường. Ngay từ những năm học đầu, sinh viên đã được đào tạo bài bản chuyên môn, đặc biệt đến năm thứ 4, thứ 5, sinh viên đã được đào tạo rất chuyên sâu những kiến thức về phòng, chống BĐKH. Từ một trường đào tạo đơn ngành, thành lập năm 1959, đến nay đã thành trường đào tạo đa ngành với 27 ngành đào tạo ở trình độ đại học (trong đó có 2 ngành đào tạo chất lượng cao hoàn toàn bằng tiếng Anh, hợp tác với Đại học Colorado và Đại học Arkansas, Hoa Kỳ); 20 chuyên ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ (trong đó có 4 chuyên ngành đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, hợp tác với đại học hàng đầu ở châu Âu là Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan và Đại học Liege, Vương quốc Bỉ) và 11 chuyên ngành đào tạo ở trình độ tiến sĩ.

Riêng trong lĩnh vực BĐKH, nhà trường có ngành thủy văn học đào tạo cả trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Với chuyên ngành quản lý thiên tai, chương trình đào tạo tập trung đi sâu vào những kiến thức về mặt học thuật trong kỹ năng phòng, chống thiên tai. Đã có nhiều luận văn cao học, luận án tiến sĩ chuyên sâu và những công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế, hội nghị quốc tế và trong nước về lĩnh vực này.

PV: Trong việc chuẩn bị kiến thức cho nguồn nhân lực ngành thủy lợi và phòng, chống thiên tai, chúng ta đã có sự chuẩn bị như thế nào đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

GS, TS Nguyễn Trung Việt: Đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc đổi mới của trường nói riêng, với các trường đại học trong cả nước nói chung thì phòng, chống thiên tai luôn là nhiệm vụ được nhà trường quan tâm đặt lên hàng đầu. Ngoài đào tạo tại trường, trường còn cử chuyên gia đi học tập kinh nghiệm, nghiên cứu ở trình độ cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước phát triển như: Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore… Nhà trường luôn có sự chuẩn bị nhân lực rất sớm cho việc này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mời các nhà khoa học có uy tín, chuyên môn cao trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai để cộng tác, hướng dẫn, giảng dạy các chương trình đào tạo như tôi đã nói ở trên.

Ví dụ, chúng tôi mời GS Hitoshi Tanaka, Đại học Tohoku (Nhật Bản)-trường cũ tôi nghiên cứu ở bậc tiến sĩ-sang giảng dạy thường xuyên tại Trường Đại học Thủy lợi. GS sang Việt Nam rất thường xuyên, dài ngày, có năm sang 5-6 lần và không có yêu cầu về kinh phí, chỉ cần bố trí chỗ ăn ở tại trường. Đó là tâm huyết của GS trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai nói chung, đặc biệt vấn đề nghiên cứu xói lở nghiêm trọng vùng cửa sông ven biển, gần đây nhất là trong vấn đề xói lở nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long và bờ biển Cửa Đại, Hội An. Tương tự như vậy, có các GS đến từ Thụy Điển, Hà Lan, Nhật Bản… Nhiều năm nay, chúng tôi vẫn cử các cán bộ, học viên sang học tập, nghiên cứu ở Hà Lan, GS từ Hà Lan, Thụy Điển khi sang Việt Nam cũng cử học viên cao học cùng sang để nhà trường đồng hướng dẫn, cùng GS đi khảo sát thực tế ở các nơi.

Mới đây, trong mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam với sự tham dự của hơn 100 nhà khoa học người Việt trẻ trên toàn thế giới có TS Trịnh Quang Toàn là một trong 5 nhà khoa học trẻ trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những vấn đề nóng, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ. Rất vinh dự cho nhà trường khi TS Toàn là một cựu sinh viên, giảng viên của trường, sau khi làm luận án tiến sĩ ở Hoa Kỳ được mời lại làm giảng viên tại Đại học California (UC-Davis). Hiện tại, chúng tôi đang làm việc với GS L.Kavvas, Đại học California, Hoa Kỳ; GS Nguyễn Văn Thanh Vân, Đại học McGill, Canada; GS Roberto Ranzi, Đại học Brestia, Italy cùng nhiều GS ở Nhật Bản, Italy, Hàn Quốc... đã đồng ý cùng tổ chức chuyên đề đặc biệt về BĐKH, nằm trong Hội nghị Quốc tế lần thứ 10 vùng châu Á-Thái Bình Dương về biển do Trường Đại học Thủy lợi tổ chức tại trường vào tháng 9-2019.

Liên tục cử học viên đi học; mời chuyên gia sang tập huấn, cập nhật kiến thức, trong đó có nhiều GS đầu ngành về giảng dạy. Thông qua những kênh học thuật như vậy, chúng tôi đã không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Những vấn đề nóng, mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long; mực nước hạ xuống do đáy sông sạt lở ở Đồng bằng sông Hồng... là những bài toán lớn, nội dung quan trọng mà nhà trường luôn cập nhật cho sinh viên cùng kiến thức nền tảng trong chương trình đào tạo. Vậy vấn đề bây giờ là làm thế nào giải những bài toán đó, bảo đảm khả năng cấp nước trong điều kiện BĐKH? Muốn làm được việc này không có gì tốt hơn là phối hợp với các chuyên gia quốc tế thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu. 

PV: Vậy để đáp ứng việc liên kết đào tạo và học tập kinh nghiệm quốc tế, việc chuẩn bị, bồi dưỡng về ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giảng viên được nhà trường thực hiện như thế nào?

GS, TS Nguyễn Trung Việt: Nếu chỉ nghe tên thì Trường Đại học Thủy lợi là trường đơn ngành. Thủy lợi tức là làm lợi nguồn nước, hạn chế tối đa tác động xấu của nguồn nước. Nhưng đó là tên gốc ban đầu, sau gần 60 năm xây dựng và phát triển, trường đã là trường đa ngành, trong đó có ngành công nghệ thông tin (CNTT), ngành cơ khí, điện-điện tử… cũng là những ngành đang “hot” trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0. Với các ngành CNTT, cơ khí, nông nghiệp thông minh… trường đã phối hợp với các doanh nghiệp không chỉ trong nước mà cả nước ngoài để lồng ghép đào tạo, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Ví dụ như Samsung, Hàn Quốc và một số tập đoàn Nhật Bản có đưa tiêu chuẩn về đầu ra đào tạo chuyên môn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tập đoàn Samsung có đặt một phòng nghiên cứu (Lab) tại trường để ngoài kiến thức chung, bảo đảm sinh viên có những kiến thức cốt lõi bắt buộc của doanh nghiệp đặt ra… Chúng tôi đã lồng ghép ngay yêu cầu của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo, theo đó, sinh viên học một buổi trên trường, một buổi làm việc ở phòng Lab.

Công ty Cổ phần Golf Long Thành, FECON, Licogi 16, DNP… cũng đặt hàng nhà trường đào tạo theo nhu cầu của công ty nên sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay được công việc. Chẳng hạn, trong quy hoạch dự án xây dựng lấn biển tại thành phố đô thị ven biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trong bối cảnh BĐKH, Licogi 16 đặt hàng trường từ quy hoạch, thiết kế, giúp cho công ty lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng.

Tôi cho rằng, hình thức đào tạo đó rất hiệu quả, vừa phát huy được chuyên môn, vừa là kiến thức thực tiễn cuộc sống. Tất nhiên, chương trình đào tạo không thể thay đổi quá nhanh nên ở trường, chúng tôi dạy các em kiến thức nền tảng, tư duy phương pháp luận, bên cạnh đó mời các chuyên gia đến trao đổi, cập nhật cho các em kiến thức thực tiễn để đào tạo không xa rời với thực tế.

Riêng về ngoại ngữ, trường cũng rất chú trọng. Qua nhiều thế hệ lãnh đạo của trường đã xây dựng quy chế đào tạo chuẩn tiếng Anh từ đầu vào đến đầu ra của hệ đào tạo đại học, sau đại học. Hiện tại, các chuyên gia quốc tế đến thăm và làm việc tại trường, chúng tôi hoàn toàn làm việc trực tiếp, trao đổi chuyên môn sâu bằng tiếng Anh. Bản thân tôi và các thầy cô giáo khác trong trường đều luôn phải cố gắng tự học thêm ngoại ngữ để đáp ứng công việc.

PV: Trường Đại học Thủy lợi được coi là trung tâm chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi, phòng, chống thiên tai. Việc này đã được thực hiện như thế nào, thưa giáo sư?

GS, TS Nguyễn Trung Việt: Với quy mô hiện tại, ngoài đào tạo đa ngành, trường còn có đào tạo xuyên ngành. Ở trường hiện có một số chuyên gia giỏi làm việc dạng xuyên ngành, chẳng hạn PGS, TS Lê Đức Hậu nghiên cứu CNTT phục vụ trong lĩnh vực y học. Có tập đoàn đã ký hợp đồng hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để có những công bố mới nhất của thầy Hậu nhằm ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu gen và tế bào…

Như chúng ta biết, để đáp ứng được việc chuyển giao công nghệ thì đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 3 thế kiềng vững chắc, vì vậy, trường rất chú trọng chuyển giao công nghệ. Trường thành lập mô hình các viện nằm trong trường như: Viện Công trình trong Khoa Công trình, Viện Kỹ thuật tài nguyên nước nằm trong Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Viện Thủy lợi và Môi trường ở cơ sở 2 của trường, Viện Đào tạo khoa học ứng dụng miền Trung ở Ninh Thuận… Như vậy, sinh viên của trường vừa học ở trên lớp, vừa được thực hành, học tập ở viện; các cán bộ nghiên cứu của viện đồng thời làm công tác giảng dạy và cũng là những nhà tuyển dụng.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, không thể thiếu được nền tảng cơ bản về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, nguồn nhân lực... Trường Đại học Thủy lợi cũng không nằm ngoài xu thế phát triển đó của Việt Nam và thế giới. Để theo kịp xu thế phát triển trong kỷ nguyên mới thì hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị cho ra mắt “Vườn ươm khoa học công nghệ”. Các chuyên gia trong nước và quốc tế đến làm việc, chúng tôi sẵn sàng chào đón, tiếp nhận, trao đổi, chia sẻ, coi đây như một trung tâm chuyển giao công nghệ, vườn ươm sáng tạo của trường đối với các đối tác quốc tế. Thực tế, chúng tôi được học tập và được chuyển giao khá nhiều công nghệ hiện đại, thiết thực từ các đối tác nước ngoài, đã và đang được các nhóm nghiên cứu sử dụng tại Trường Đại học Thủy lợi phục vụ các chuyên đề chuyên sâu về nghiên cứu xác định nguyên nhân, cơ chế để có giải pháp bảo vệ, phòng, chống thiên tai.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!

HỒNG DƯƠNG - THU HÒA (thực hiện)