Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, thực tiễn nước ta hiện nay đặt ra yêu cầu gì cho việc xây dựng con người Việt Nam mới?
GS, TS Đỗ Huy: Đất nước ta đang trên đà phát triển với sự tham gia của các thành phần trong xã hội, đâu đâu chúng ta cũng nghe nói đến cất cánh, khởi nghiệp, truyền cảm hứng, lan tỏa. Không ít người khuyết tật đã tạo nên những diễn đàn hấp dẫn, truyền cảm hứng về khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng lao động. Các doanh nhân, các chiến sĩ quân đội ở biên cương, hải đảo, công nhân trong các nhà máy, khu chế xuất, học sinh, sinh viên trong trường học... ở đâu cũng xuất hiện những con người tuyệt vời. Có thể nói, những cái tốt, cái đẹp, cái cao cả đang từng ngày, từng giờ xuất hiện khắp nơi trên đất nước với khát vọng làm sao cho nhân dân luôn giàu có, đất nước càng hùng mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Nhưng bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập cũng đang tạo nên rất nhiều cái xấu, cái ác trong xã hội. Lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội... lan tràn khắp nơi từ thành thị đến nông thôn làm băng hoại nền đạo đức xã hội. Trong văn hóa chính trị, Đảng ta đã “chỉ mặt đặt tên” những hiện tượng tham nhũng, đánh mất lý tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Đường lối xây dựng con người mới của Đảng được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng hơn 30 năm nay đã liên tục đề xuất nhiều giải pháp đẩy lùi cái xấu, cái ác và tạo điều kiện để cho cái tốt, cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng phát triển mạnh mẽ, hướng đến xây dựng con người Việt Nam mới có sự phát triển trong sáng về đạo đức, hiểu biết sâu sắc về trí tuệ và tình cảm cao đẹp về mặt thẩm mỹ. Để xây dựng những con người như vậy, Đảng ta đã có nhiều biện pháp, phương thức, yêu cầu đòi hỏi nhiều khoa học tham gia xây dựng con người mới, trong đó có khoa học mỹ học.
PV: Hiện nay có rất nhiều khuynh hướng, quan điểm mỹ học, vậy mỹ học tham gia vào xây dựng con người mới mà chúng ta hướng tới là mỹ học nào?
GS, TS Đỗ Huy: Trong đời sống thẩm mỹ có nhiều khuynh hướng mỹ học tìm kiếm con đường xây dựng con người Việt Nam trong cơ chế thị trường hiện nay. Có khuynh hướng nghiêng về các giá trị truyền thống, đặc biệt là phẩm chất của những con người ảnh hưởng của quan điểm tam cương, ngũ thường Nho giáo; khuynh hướng khác lại nghiêng về chống cái cũ, xây cái mới theo quan niệm mỹ học hiện đại. Mỹ học này không đặt con người vào bất cứ một hệ thống xã hội nào mà là con người tự do, phức thể và đa dạng. Lý thuyết này hoài nghi mọi ý nghĩa, mọi quy tắc, mọi định hướng cứng nhắc trong việc hình thành một nhân cách của cơ chế thị trường, cổ vũ cho những cá tính chen chúc đè lên nhau trong số phận của một nhân cách. Làm như vậy để tránh việc hình thành nhân cách một chiều và cũng là quá trình giải phóng nhân cách khỏi những bộ mặt cũ kỹ, nô lệ, sùng bái, mất tự do để giải phóng mỹ cảm phát huy mọi tiềm năng, nhu cầu, thị hiếu, lý tưởng của cá nhân. Những quan niệm về xây dựng các nhân cách ngoài mỹ học mác-xít nghiêng hẳn về mỹ học tư sản phương Tây. Thực ra mỹ học phương Tây truyền thống và hiện đại rất phong phú trong việc xây dựng các phong cách của xã hội mà lý thuyết đó ra đời. Chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hiện sinh... đều gắn với việc hình thành con người của xã hội tư sản. Nó là học thuyết từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống nên nó đề xuất nhiều vấn đề về con người của xã hội nó. Mặc dù đề cao tự do cá nhân, cá tính nhưng không có lý thuyết nào đề xuất xây dựng những nhân cách phát triển toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mặt khác, mỹ học Mác-Lênin mà Đảng ta dùng tham gia xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa không phải là hệ thống đóng kín, một chiều. Nó tiếp thu mọi thành quả, mọi yếu tố của các mỹ học tiến bộ khác và luôn tự đổi mới gắn với thực tiễn dân tộc để trở thành hệ thống mỹ học tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng con người Việt Nam có sự phát triển cao về trí tuệ, cao thượng về đạo đức, mạnh khỏe về thể chất và xuất sắc về tài năng, đại diện cho nhân cách của một đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
PV: Cụ thể mỹ học Mác-Lênin tham gia vào xây dựng con người phát triển toàn diện ở nước ta như thế nào, thưa Giáo sư?
GS, TS Đỗ Huy: Mỹ học Mác-Lênin là khoa học nghiên cứu các quan hệ thẩm mỹ của con người trong mọi hoạt động lao động, giao tiếp, nhận thức, sáng tạo. Nói cách khác, nó cổ vũ cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng trong mọi hoạt động của con người; vạch trần bản chất của những cái xấu xa, thấp hèn, vô cảm... Để làm được điều này, mỹ học Mác-Lênin cung cấp cho con người những kiến thức cơ bản, phương pháp, cách thức để đạt tới cái đẹp, cái cao cả, tránh được cái xấu, tránh những hoạt động tự phát, tiến tới những hoạt động tự giác trong quá trình nhận thức, tự rèn luyện, đánh giá và sáng tạo. Những tri thức mỹ học sẽ nâng cao giá trị của con người cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất và thẩm mỹ, giúp con người phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ.
Con người khi giao tiếp với thế giới có 3 hình thức cơ bản: Hoạt động nhận thức mang tính chất lý trí sâu sắc; hoạt động ý chí là hoạt động đạo đức; hoạt động tình cảm của con người chủ yếu là những xúc động, những sở thích, năng khiếu. Đây là một lĩnh vực rất quan trọng và rất cơ bản, đặc trưng của quan hệ thẩm mỹ-đối tượng trung tâm của mỹ học.
Con người phát triển toàn diện không chỉ phát triển một mặt về lý trí, thể chất, hay về đạo đức mà sâu sắc hơn nữa là thế giới tình cảm.
Khi nói đến vai trò của mỹ học trong giáo dục thẩm mỹ, các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác-Lênin nói rằng, mỹ học dùng nghệ thuật để quán triệt thế giới bằng hình tượng; bằng hình tượng để liên kết cái đúng, cái tốt, cái đẹp dưới một hình thức đa dạng, nhiều xúc cảm để thuyết phục con người say mê phát minh khoa học, tôn trọng những cái tốt đẹp và kích hoạt khả năng sáng tạo.
Mỹ học thường dùng nghệ thuật, tình cảm để dẫn con người đến chân lý một cách tự nhiên thông qua những câu chuyện về cuộc sống. Khác với khoa học hay tôn giáo, mỹ học giáo dục con người gắn với cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng, cái bi, cái hài với nhu cầu, với thị hiếu lý tưởng tạo thành những năng lực tiềm tàng đa dạng trong sự phát triển của con người, cổ vũ lòng say mê, những rung cảm tột cùng theo quy luật của cái đẹp… Nói cách khác, vai trò quan trọng của mỹ học trong việc hình thành, xây dựng con người phát triển một cách toàn diện là thúc đẩy con người sống đúng hơn, sống tốt hơn, kiểm soát cái xấu xa và bảo vệ, định hướng cái đẹp. Trong xã hội, luật pháp có vai trò to lớn trong việc kiểm soát cái đúng, cái sai; đạo đức học kiểm soát cái thiện, cái ác; mỹ học tạo lập các quan hệ tình cảm hài hòa các quan hệ lý trí của pháp luật, quan hệ ý chí của đạo đức làm cho con người tích lũy được một năng lượng tổng hợp về cuộc sống và liên kết các quan hệ pháp luật, đạo đức trong sự phát triển thống nhất của cá nhân với nhu cầu và trách nhiệm xã hội.
Trong sự phát triển của xã hội, cái đúng tuy phát triển lý trí của mỗi con người nhưng luật pháp là quan hệ cưỡng bức do đó phát triển nhân cách con người luôn cứng nhắc. Cũng như vậy, sự phát triển về mặt đạo đức của con người là sự phát triển về mặt ý chí cũng là một định hướng có sự quan hệ với dư luận cộng đồng làm cho cá nhân không lựa chọn được các quan hệ đạo đức phù hợp nếu thiếu thị hiếu thẩm mỹ. Mỹ học Mác-Lênin không chỉ quan tâm đến cái chung mà còn nâng đỡ cái riêng. Vì lý do đó, vai trò rất quan trọng của việc xây dựng con người phát triển toàn diện là phải làm cho cái đúng và cái đẹp có sự tác động thống nhất nhưng khác biệt, làm cho con người được phát triển đa dạng, không một chiều.
PV: Với vai trò quan trọng đó, việc đưa mỹ học vào hoạt động giáo dục là rất cần thiết. Theo đánh giá của Giáo sư, việc này ở nước ta đang được thực hiện như thế nào?
GS, TS Đỗ Huy: Nhiều chục năm nay, thực tế ở nước ta đã phát triển mỹ học trong các trường đại học và xuất bản nhiều sách mỹ học dùng cho hệ thống giáo dục để phát triển con người cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất và thẩm mỹ. Trí, đức, thể, mỹ là mục tiêu giáo dục toàn diện của ta. Đó là một ý tưởng sâu sắc, nhất quán và nhân đạo của Đảng ta. Với mục tiêu này, Đảng đã tạo điều kiện để phát triển mỹ học rộng khắp và dùng nghệ thuật chân chính, coi nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của mỹ học có khả năng giáo dục các nhu cầu, thị hiếu, lý tưởng tốt đẹp của con người.
Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ, đúng mức để làm cho mỹ học phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng con người phát triển toàn diện.
Hiện nay, các chương trình giảng dạy mỹ học có ở các cấp học ở nước ta. Cấp phổ thông có môn Mỹ thuật, Âm nhạc nhưng còn thiếu giáo viên và cơ sở vật chất, khu vực thực hành và nhất là các môn này chưa được xã hội coi trọng đúng mực, coi đó là môn phụ, phát triển hời hợt. Ở bậc đại học, chương trình đào tạo cho mỹ học đã ít lại thiếu giáo viên, thường phải nhờ người từ các viện nghiên cứu
giảng dạy vài giờ. Trong khi ở các viện nghiên cứu, lực lượng nghiên cứu mỹ học mỏng, chưa có chiến lược nghiên cứu đầy đủ hệ thống mỹ học Mác-Lênin, ngay cả mỹ học ngoài mác-xít cũng bị bỏ qua.
    |
 |
Cô và trò Trường Mầm non Hoa hồng (Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trong giờ học tạo hình các con vật từ lá cây. Ảnh: THU HÒA |
Chúng ta biết, thị hiếu thẩm mỹ của người Việt lâu nay vẫn được đánh giá là ở mức thấp nên nghệ thuật khó phát triển, nhất là nghệ thuật đỉnh cao khó có thể vươn tầm quốc tế. Bên cạnh đó, các nước trên thế giới có trình độ thẩm mỹ cao, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật thành khu vực để tăng trưởng kinh tế quốc dân, nhưng quan trọng là thông qua văn hóa, họ có thể áp đặt hệ tư tưởng của nước họ cho các nước khác… Đó là cám dỗ, nguy cơ đối với chúng ta, nhất là thanh thiếu niên nếu không có một nền tảng văn hóa, thẩm mỹ vững chắc. Nâng cao trình độ văn hóa, thẩm mỹ là yêu cầu cấp thiết trước nguy cơ bị mất an ninh văn hóa, bị xâm lăng văn hóa trong điều kiện cơ chế thị trường, toàn cầu hóa hiện nay ở nước ta.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
DƯƠNG THU (thực hiện)