Từ bệnh nhân ung thư...

Henrietta Lacks sinh ngày 1-8-1920, tại Virginia với cái tên cúng cơm Loretta Pleasant (cha của bà tên là Johnny Pleasant). Chẳng ai biết vì sao và tự bao giờ, Loretta Pleasant biến thành Henrietta Lacks. Chỉ biết là đến bây giờ, năm châu bốn bể đều coi người phụ nữ có cống hiến vĩ đại cho nền y học thế giới này là Henrietta Lacks.

Mặc dù Henrietta Lacks đã qua đời 70 năm, song con cháu, họ hàng của bà vẫn còn mơ hồ về những đóng góp của bà vào thành tựu của nền y học hiện đại; thậm chí có người họ hàng còn coi bà là hiện thân của ác quỷ và nghĩ bà vẫn còn sống để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học. Ngay cả chính Henrietta Lacks cũng đâu biết rằng, nhờ những tế bào lấy từ cơ thể bà, hàng tỷ con người, bệnh nhân đã được phòng ngừa, tiêm vaccine, chữa trị bệnh ung thư, đái tháo đường, HIV/AIDS... Cái tên Henrietta Lacks đã trở thành một huyền thoại trong lịch sử y học nhân loại. Không có bà, nền y học thế giới sẽ phải mất nhiều thập niên nữa mới đạt được tiến bộ như ngày nay.

leftcenterrightdel
Một bức ảnh hiếm hoi về Henrietta Lacks mà gia đình bà còn giữ được. Ảnh: Zapmeta 

Vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, đa số bác sĩ ở Mỹ vẫn còn chưa phân biệt được thế nào là ung thư cổ tử cung với viêm nhiễm cổ tử cung. Do đó, thay vì chỉ cần tiêm một vài liều kháng sinh, thì họ lại cắt bỏ hoàn toàn cơ quan sinh sản của bệnh nhân. Nhưng Henrietta Lacks ngay từ khi nhập viện đã được bác sĩ TeLinda khám nghiệm và kết luận chính xác: Bị ung thư cổ tử cung. Đầu tháng 2-1951, bác sĩ TeLinda nhận kết quả kiểm tra sinh thiết của Henrietta Lacks, ông đã báo với cô rằng cô bị bệnh ung thư hiểm nghèo. Thực sự khi đó, Henrietta Lacks cũng chỉ lơ mơ nhận biết mình bị mắc bệnh nặng, khó qua khỏi. Cô muốn mình tiếp tục phải sống, để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng khi bệnh tình ngày một nặng hơn, Henrietta Lacks đồng ý để Bệnh viện Johns Hopkins được tiến hành mọi cách điều trị cần thiết để chữa trị căn bệnh quái ác đang hành hạ cô.

Howard Jones, bác sĩ điều trị cho Henrietta Lacks đã sử dụng radium, một kim loại phóng xạ màu trắng phát ra ánh sáng xanh ma quái để điều trị cho cô. Rồi kế đến, bác sĩ phẫu thuật Lawrence nhét một ống chữa đầy radium vào trong cổ tử cung của Henrietta Lacks rồi khâu nó lại. Nhưng trước đó, ông bác sĩ này đã âm thầm cắt hai mẩu mô từ trong cổ tử cung của Henrietta Lacks: Một mẩu từ khối u, một mẩu từ phần mô cổ tử cung bình thường. Hai mẩu mô này được Lawrence xử lý cẩn thận để gửi cho Tiến sĩ (TS) George Gey, chuyên gia nuôi cấy tế bào ở Bệnh viện Johns Hopkins.

Ngày 10-4-1951, gần một tháng sau khi Henrietta Lacks được xạ trị, TS George Gey hăm hở bước vào trụ sở Đài Truyền hình Waam ở Baltimore trong một chương trình đặc biệt nghiên cứu về gen người của ông. Đại ý trong chương trình TS George Gey lý giải cho khán giả biết thế nào là tế bào, sự phát triển của tế bào và vì sao các tế bào trở thành tế bào ung thư (lúc đó vẫn là câu hỏi khó trả lời với y học thế giới). Phần TS George Gey tự hào nhất trong chương trình, đó là khi ông lắc một lọ thủy tinh, bên trong đựng các tế bào ung thư của Henrietta Lacks và nói: “Tôi đang nuôi cấy các tế bào ung thư và từ nghiên cứu nền tảng này, ngày y học Mỹ tìm ra cách phá hủy tế bào ung thư hay chế ngự chúng không còn xa”.

Các nhà nghiên cứu khoa học ở Mỹ và thế giới phát sốt với tế bào ung thư mà TS George Gey sở hữu. Từ Anh, Pháp, Nhật, Australia, Đức... người ta xin ông tế bào của Henrietta Lacks, sau được gọi là tế bào Hela, với niềm hân hoan tột độ.

TS George Gey hào phóng gửi các kiện hàng chứa tế bào Hela đi khắp nơi trên thế giới. Tóm lại, cứ ai ngỏ lời đàng hoàng là ông nhiệt tình gửi tế bào Hela đến nơi đó, cho dù địa chỉ có ở dãy Himalaya đi chăng nữa hay trong rừng rậm châu Phi.

Cho đến ngày nay, tế bào Hela là thứ vô cùng quý giá (không có thứ gì có thể so sánh), vì chúng cho phép các nhà khoa học thực hiện thí nghiệm mà họ không thể làm trên cơ thể con người.

Khi Henrietta Lacks qua đời lúc chính Ngọ ngày 4-10-1951, Bệnh viện Johns Hopkins rất muốn lấy các mẫu vật từ nội tạng của cô để phục vụ cho việc nghiên cứu y học bởi lúc đấy, TS George Gey đã có niềm tin rằng trăm năm sau y học thế giới không tìm ra được người thứ hai như Henrietta Lacks, nhưng gia đình cô đã từ chối.

Trước khi Henrietta Lacks trút hơi thở cuối cùng, vào một buổi tối đầu tháng 10-1951, TS George Gey đã đến thăm bệnh nhân vĩ đại của nước Mỹ nhưng ông không cho cô biết chút gì về những bí mật của tế bào Hela. Ông chỉ cúi xuống, nói nhỏ vào tai Henrietta Lacks: “Các tế bào của cô sẽ khiến cô trở nên bất tử”. Thành thực mà nói, với một bệnh nhân bị ung thư sắp qua đời, cơ thể khi đó bị các cơn đau hành hạ ghê gớm, nghe được một vài từ đã là quá sức bệnh nhân nhưng theo những gì TS George Gey thuật lại thì: “Vào thời điểm đó, Henrietta Lacks đã mỉm cười và nói nhỏ vào tai tôi: “Cầu xin Chúa phù hộ cho ông. Tôi cảm thấy vui vì mình có thể mang đến điều tốt đẹp cho người khác”. 

... sự ra đời của tế bào bất tử

Trước đó, khi hai mẩu mô từ cơ thể Henrietta Lacks được Lawrence xử lý cẩn thận để gửi cho George Gey, vị tiến sĩ này tiếp nhận khá thờ ơ vì ông cùng các đồng nghiệp đều có chung suy nghĩ: Sớm muộn thôi các tế bào này cũng chết dù được nuôi cấy cẩn thận đến đâu. Lúc đó, cả thế giới đã luôn thất bại trong việc nuôi cấy tế bào con người.

Trước khi trở thành tiến sĩ, cậu sinh viên George Gey theo học ở Đại học Pittsburgh đã làm đủ nghề để có tiền đóng học phí: Thợ nề, thợ mộc, rồi cả cửu vạn ở bến xe. Mất đến 8 năm, George Gey mới có bằng tốt nghiệp trường y. Lại nói về phòng nuôi cấy tế bào của TS George Gey. Một tháng sau khi nuôi cấy tế bào của Henrietta Lacks, vị tiến sĩ đáng kính của chúng ta không buồn để ý vì lúc đó, ông đang tập trung nghiên cứu bệnh ung thư. Trợ lý đắc lực của ông, Mary, sẽ phụ trách việc nuôi cấy tế bào. Một buổi sáng, Mary tiến hành việc tiệt trùng các ống nghiệm. Cô nhìn vào ống nghiệm đề tên Henrietta Lacks rồi chẹp miệng: “Làm cho xong việc nào”. Nhưng khi nhìn vào ống nghiệm qua lớp kính hiển vi, Mary đã hét lên: “Georgeeeeee...”. “Kệ đi, George Gey đã bỏ qua phát hiện vĩ đại nhất”, Mary có lời “chia buồn” đến vị sếp mà cô hằng ngưỡng mộ rồi nhìn kỹ vào kính hiển vi. Cô phát hiện một chất gì đó như lòng trắng trứng gà mọc xung quanh các cục máu đông dưới đáy mỗi ống nghiệm. Sự thật là các tế bào đang phát triển nhưng Mary vẫn hoài nghi. Ngay trưa hôm đó, George Gey đã được Mary thông báo tin vui nhưng đáp lại sự phấn khích của nhân viên, vị tiến sĩ khẳng định: “Chúng có thể chết bất kỳ lúc nào”. Cho đến nay, 70 năm đã qua, các tế bào Hela vẫn phát triển với tốc độ vũ bão. Còn thời điểm đó, theo những gì Mary ghi chép lại thì: “Tế bào Hela phát triển như cỏ dại mọc đầy đồng”.

Tế bào của người khác sẽ chết sau vài ngày dù được nuôi cấy cẩn thận đến đâu. Nhưng với tế bào Hela, chúng phát triển theo cấp số nhân, miễn là được cung cấp dưỡng chất và giữ ấm.

Kể từ sau sự kiện nuôi cấy các tế bào ung thư của người đã mất trong phòng thí nghiệm, rất nhiều tế bào đã được nuôi cấy thành công từ những tế bào ban đầu lấy từ cơ thể của Henrietta Lacks. Cho tới nay, từ những mẫu tế bào ung thư đó, các nhà khoa học đã tiến hành hàng chục nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh ung thư, với hơn 60.000 tài liệu khoa học có liên quan.

Năm 1954, các tế bào Hela được nhà khoa học Jonas Salk nghiên cứu và phát triển thành vaccine phòng bệnh nhiễm khuẩn do virus gây ra. Không lâu sau đó, các tế bào Hela được gửi tới các nhà khoa học trên khắp thế giới để phục vụ việc nghiên cứu nhiều căn bệnh nan y khác ngoài ung thư như HIV/AIDS, các bệnh do ảnh hưởng của chất phóng xạ, chất độc và biến đổi gen. Tế bào Hela cũng được sử dụng trong nhiều cuộc thử nghiệm liên quan đến mỹ phẩm và các sản phẩm khác.

Năm 1973, trường hợp của Henrietta Lacks được xác nhận là người đã cung cấp nguồn các tế bào ung thư đầu tiên trên thế giới. Các tế bào ung thư lấy từ cơ thể Henrietta Lacks đã được nuôi cấy và phục vụ cho nghiên cứu cũng như cho việc điều chế thuốc chữa bệnh mang lại doanh thu hàng tỷ USD. Với mỗi lọ vaccine phòng ung thư cổ tử cung được nghiên cứu và sản xuất từ các tế bào Hela có giá gần 200USD. Các tế bào Hela không chỉ mang lại ý nghĩa về mặt y học, mà còn mang lại nguồn thu lớn cho các nhà sản xuất vaccine ngừa ung thư cổ tử cung... nhưng gia đình, con cháu Henrietta Lacks không được hưởng một đồng nào.

Ngày nay, những tế bào mang tên gọi “Hela” vẫn tiếp tục tỏa đi khắp nơi trên thế giới, góp phần tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh học tế bào.

* Năm 1996, tại Atlanta (Mỹ), tên của Henrietta Lacks được xướng lên như một con người đã mang lại cống hiến đặc biệt đối với lĩnh vực y học.  

* Cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang nuôi cấy và làm thí nghiệm trên tế bào Hela. Các tế bào Hela đã giúp y học thế giới phát minh, nghiên cứu, sản xuất ra vaccine ngừa bại liệt, đóng góp nghiên cứu về HIV/AIDS, khám phá số lượng nhiễm sắc thể của con người, giúp lập bản đồ gen, giúp tìm hiểu về tác động của bom nguyên tử, bom khinh khí...

* Tế bào Hela đã được NASA đưa lên Mặt Trăng, Sao Hỏa và tham gia vào nhiều nhiệm vụ nghiên cứu bên ngoài Trái Đất. 

* Dưới kính hiển vi, một tế bào trông như quả trứng ốp lết, có lòng trắng (tế bào chất) chứa nước và protein giúp nuôi dưỡng; có lòng đỏ ở giữa (nhân tế bào) lưu giữ mọi thông tin di truyền khiến không ai trong số chúng ta giống nhau. Trong cơ thể một người chứa khoảng 100.000 tỷ tế bào. Nhỏ như đầu mũi kim cũng có thể chứa được vài nghìn tế bào. Tế bào tạo nên các mô, rồi các mô tạo nên hệ thống cơ quan trong cơ thể.

MINH ANH