Khi cảnh sát ít có cơ hội dùng còng số

 Ở quê hương của hoa anh đào, người dân hoàn toàn yên tâm khi đặt điện thoại trên bàn để giữ chỗ trong quán cà phê, để xe đạp ngoài đường không khóa, túi xách không cài... Ở các thành phố lớn, phụ nữ đi về nhà muộn không hề lo sợ bị cướp giật. Trẻ em đi du lịch một mình từ khi còn rất nhỏ. Hàng trăm nghìn máy bán đồ uống tự động có mặt khắp nơi, với số tiền lớn thu được hằng ngày trong những chiếc két sắt được đặt giữa thiên nhiên. Nếu ai đó bị rơi ví tiền thì chỉ vài giờ sau, cảnh sát sẽ tìm thấy và trả lại cho người chủ của nó không thiếu một đồng.... “Các vụ phạm tội ở Nhật Bản chỉ ở mức độ rất nhỏ như trộm chùm nho, trộm đậu hũ lên men...”, nhà tội phạm học Koichi Hamai từ Đại học Ryukoku cho hay.

leftcenterrightdel

 Cảnh sát góp phần mang lại sự an toàn cho người dân Nhật Bản. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản

 

Cũng theo chuyên gia Hamai, cảnh sát Nhật Bản ngày càng ít có cơ hội sử dụng còng số 8 để xích tay tội phạm. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA): Kể từ đỉnh điểm năm 2002, tỷ lệ tội phạm ở nước này đã giảm 75%. Theo NPA, tỷ lệ tội phạm giết người trên toàn quốc bằng 1/4 ở Pháp. Nếu tính trên 100.000 dân, ở Nhật Bản, tỷ lệ cướp giật là 1,2; trộm cắp là 35,2. Điều đó cho thấy mức độ an toàn rất cao tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng rất thành công trong việc kiềm chế buôn bán ma túy. Chuyên gia Hamai dẫn kết quả nghiên cứu cho biết, trong suốt cuộc đời, chỉ có 1,2% người Nhật đã thử nghiệm cần sa, so với 32,1% người Pháp và 41,9% người Mỹ. Theo số liệu từ Trung tâm Phòng, chống lạm dụng ma túy Nhật Bản, năm 2023, cảnh sát thu giữ chỉ 800kg cần sa, ít hơn 320 lần so với Pháp.

Ở Nhật Bản, tỷ lệ người phải ngồi tù rất thấp: 33 người/100.000 dân, trong khi con số này ở Pháp là 111 người và ở Mỹ 531 người. “Đối với người Nhật, ra tòa là giải pháp cuối cùng. Trong hầu hết trường hợp, tòa án không có vai trò răn đe. Tên tội phạm không nghĩ đến cảnh sát hay hệ thống tư pháp khi phạm tội”, Giáo sư Nobuhito Yoshinaka thuộc Đại học Hiroshima nhấn mạnh.

Những yếu tố mang lại thành công

 Bí quyết nào mang đến thành công trong việc trấn áp tội phạm ở Nhật Bản? Câu hỏi này được các chuyên gia giải đáp dựa trên một số yếu tố. Trước hết, ở Nhật Bản, lực lượng cảnh sát đi tuần bằng xe đạp hoặc ô tô khá đông. Trên đường phố có nhiều “koban” (đồn cảnh sát), tạo thành mạng lưới bảo đảm an ninh trật tự ở từng khu vực. Do số lượng cảnh sát đông đảo mà số vụ phạm tội lại thấp nên cảnh sát Tokyo sẵn sàng điều tra cả những vụ vi phạm mà ở hầu hết quốc gia khác bị coi là vặt vãnh, ví như trộm xe đạp hoặc tàng trữ một lượng nhỏ thuốc gây nghiện.

Một yếu tố khác khiến tỷ lệ tội phạm ở Nhật Bản thấp được lý giải là cảnh sát nước này không có kế hoạch quy định các băng đảng yazuka là tội phạm.

Yazuka ra đời khi những tên trộm và những kẻ ham mê bài bạc hợp thành những băng nhóm tội phạm ở thời Edo của Nhật, từ năm 1603 đến 1868. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, yazuka không bị coi bất hợp pháp. Theo tờ The Economist, chỉ cần bạo lực giữa các nhóm yazuka không bị lan ra đường phố thì chúng vẫn được chấp nhận ở Nhật Bản. Chuyên gia Hamai nhận định, có vẻ như Nhật Bản thà để tội phạm có tổ chức hoạt động còn hơn là đối mặt với sự vô tổ chức của tội phạm. “Cảnh sát tin rằng làm vậy sẽ thúc đẩy thế giới ngầm tội phạm. Ít nhất thì hiện nay, các yazuka vẫn được điều tiết và ít nhiều tuân thủ pháp luật”, ông Hamai nói.

Sự bình yên nơi công cộng là một đặc điểm riêng biệt của xã hội Nhật Bản. Chuyên gia Hamai mô tả đất nước của mình như một vùng đất rộng lớn, nơi mọi người sống dưới sự giám sát của người khác. Ông Hamai nói: “Tôi gọi đất nước của mình là “xã hội của các gia đình”. Những người cư xử tồi tệ sẽ bị mang tiếng xấu và ảnh hưởng đến những người thân. Cha mẹ của một tội phạm vị thành niên thường không tìm cách che giấu tội của con cái mà luôn khuyên con em ra tự thú. Gia đình nào có người bị kết án tử hình sẽ vô cùng xấu hổ khi đi ra ngoài”.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người nhập cư vào Nhật Bản, điều này dẫn tới tỷ lệ tội phạm người nước ngoài ngày càng cao. Nhưng làm thế nào để đối phó với sự gia tăng tội phạm? Theo Giáo sư Yoshinaka, vị trí địa lý của Nhật Bản đã giúp nước này ngăn ngừa được các vụ tội phạm của người di cư. Là một quần đảo, việc đi và đến Nhật Bản bằng đường hàng không hoặc đường biển đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng kiểm soát tốt người nhập cư và do đó sẽ trục xuất được những kẻ tội phạm tình nghi.

Trong chính sách nhập cư của Nhật Bản, nếu người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Nhật, họ sẽ bị xét xử, thậm chí nhận án treo. Trước khi bị trục xuất về nước, người phạm tội phải nộp tiền phạt và bị cấm quay trở lại Nhật vĩnh viễn.

Những yếu tố trên đã góp phần giúp Nhật Bản kiềm chế được tội phạm và trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.

MINH ĐĂNG