Nhưng cuộc đời là thế! Và Kalanick hẳn tin rằng, dù ra đi trong cay đắng nhưng ông sẽ có cơ hội khẳng định mình vĩ đại đến nhường nào. Dù gì thì năm nay ông mới 45 tuổi.
Một tay gây dựng cơ đồ
Khi UberCab mới bắt đầu hoạt động trong phạm vi nhỏ lẻ ở thành phố San Francisco vào năm 2010 (một năm sau ngày thành lập), các tài xế taxi truyền thống đã “đánh mùi” thấy sự nguy hiểm. Họ và các ông chủ hãng taxi đệ đơn kiện UberCab lên lãnh đạo thành phố. Chẳng muốn mất lòng các công ty cánh hẩu lâu nay, một nhóm viên chức của cái gọi là Các dịch vụ tiện ích thành phố (thuộc Ủy ban Tiện ích công cộng) đến trụ sở UberCab, đưa ra trát yêu cầu cấm hoạt động từ tháng 10-2010. Trát ghi ngắn gọn mà khiến Kalanick và các nhà đầu tư rụng rời: Nếu UberCab còn hoạt động sai quy định, thành phố sẽ phạt 5.000USD đối với mỗi chuyến xe và giam xe trong 3 tháng.
    |
 |
Các nhà đầu tư đang ngóng chờ thời khắc Kalanick trở lại. Ảnh: Theweek |
Kalanick buộc phải “nẩy số” và đi đến quyết định: Bỏ chữ “Cab” (taxi) khỏi tên của ứng dụng. Ủy ban Tiện ích công cộng California muốn Uber đăng ký với tư cách là một công ty cho thuê xe, tuy nhiên, Kalanick đã triệu tập những thầy cãi giỏi nhất nước Mỹ, nhóm luật sư này biện luận Uber thực chất chỉ là trung gian giữa tài xế và khách hàng. Khách hàng không chọn Uber thì thân chủ của chúng tôi lỗ, dẫn đến phá sản, âu cũng là chuyện thường. Nhưng mấu chốt các ngài phải hiểu cho Uber không phải là một hãng điều hành xe, càng không phải là kiểu taxi trá hình.
Công nhận đội ngũ thầy cãi mà Kalanick thuê được việc. Ủy ban Tiện ích công cộng California thống nhất Uber không phải dừng hoạt động và công nhận Uber không phải là một hãng điều hành xe. Tin này như “quả bom” dội về thung lũng Silicon vì những nhà đầu tư lập tức chú ý đến Uber. Trước đó, ai mà nghĩ Uber sẽ trụ được vài tháng cơ chứ. Giờ đã gần hai năm và hình hài của con gà đẻ trứng vàng đã nhìn thấy trong phôi.
Đến năm 2012, Uber đã vươn “vòi bạch tuộc” ra gần khắp nước Mỹ. Vị CEO thiện chiến Kalanick tuyên bố trên tờ The New York Time: “Chúng tôi luôn đồng hành với khách hàng và lái xe. Phương châm của chúng tôi là Uber luôn mang đến một chuyến đi đáng tin cậy. Công ty luôn có những thuật toán định giá chuyến đi giúp tài xế và khách hàng gặp nhau ở mức giá đôi bên hài lòng. Nhiều khách đặt xe thì giá tăng, giá tăng thì có nhiều người sẵn sàng hợp tác cùng Uber, dẫn đến nhiều chuyến đi được thực hiện. Để rồi ít hành khách bị bỏ lại hơn và số đông hành khách thì hài lòng với lựa chọn của mình”.
Vì sao Kalanick dám mạnh miệng như vậy? Đó là nhờ vào vòng gọi vốn serie B (serie B nghĩa là Build: Xây dựng để đưa doanh nghiệp (ở đây là Uber) lên cấp độ tiếp theo, vượt qua giai đoạn phát triển bằng cách mở rộng thị trường. Trong serie B, các nhà đầu tư mạo hiểm có tầm nhìn xa hơn về tương lai của công ty. Tháng 10-2011, CEO của Uber muốn có thêm vốn đầu tư để mở rộng hoạt động cho công ty. Quỹ đầu tư Andreessen Horowitz ban đầu định giá Uber 300 triệu USD và sẵn sàng đầu tư nhưng Marc Andreessen, đồng sáng lập quỹ và cũng là đồng sáng lập Netscape sau đó chơi trò dìm giá, ông ta bảo Kalanick rằng Uber chỉ đáng giá 220 triệu USD. Còn ban đầu nói Uber có giá 300 triệu USD là để đuổi bớt các nhà đầu tư non gan khác.
Đúng lúc đó, Quỹ Đầu tư mạo hiểm Menlo ở thung lũng Silicon nhảy vào cuộc chơi. Pishevar, người sáng lập Menlo tin rằng Uber có giá 290 triệu USD và đề nghị một khoản đầu tư trị giá 25 triệu USD. Kalanick chơi bài ngửa: “Ông muốn ghế nào trong Hội đồng quản trị” nhưng Pishevar phẩy tay cười: “Cho anh đó”.
Đáp lại sự ngạc nhiên của Kalanick, Pishevar mong muốn Uber sẽ đạt được mức lợi nhuận trước thuế 100 triệu USD vào tháng 10-2012 nhưng chỉ đến tháng 5-2012, Uber đã mang về con số trên. Tin tưởng vào sự thành công của Uber dưới tài chèo lái từ chiến tướng Kalanick, Pishevar đã kêu gọi một loạt ngôi sao giải trí hàng đầu xứ cờ hoa đầu tư vào Uber, nhà đầu tư gốc Iran này cũng nhiệt tình mời gọi Bezos, ông chủ Amazon và Schmidt, CEO của Google đầu tư vào Uber. Đến năm 2014, Kalanick gọi vốn đầu tư thêm 310 triệu USD vào Uber, lúc này đã được giới tài chính ở New York định giá 3,5 tỷ USD. Hai năm sau, Uber được định giá tới 68 tỷ USD dù còn chưa phát hành cổ phiếu. Nhưng từ Trung Quốc, một gã khổng lồ đang vươn lên thách thức Uber, đó là Didi. Khoan nói về Didi, Uber tăng tốc thần kỳ là nhờ đầu năm 2014, Kalanick cho ra mắt dịch vụ đi xe chung UberX tại 28 thành phố ở nước Mỹ. Cuối năm 2016, UberX và những mảng dịch vụ khác đã có mặt ở hơn 450 thành phố lớn trên thế giới. Năm 2014, Uber mới đạt 200 triệu chuyến đi, con số này vào năm 2016 là 1 tỷ chuyến đi và đến giữa năm 2017 đã đạt đến 2 tỷ chuyến đi. Các nhà đầu tư vào Uber nhận được báo cáo tài chính chẳng thể ngậm được mồm, họ cười ngoác cả mép, trong bụng tự nhủ: Cái tay Kalanick thế mà giỏi.
Thư hùng ở Trung Quốc
Quay trở lại với Didi, trong khi Uber đang tung hoành ở khắp thế giới thì công ty này phải lao vào cuộc chiến một mất một còn với Kuaidi. Đứng đằng sau Didi là Tencent, còn đầu tư cho Kuaidi là Alibaba. Năm 2014, cuộc chiến giữa hai hãng đặt xe công nghệ này đến hồi khốc liệt khi Alibaba và Tencent bước vào trận chiến mới: Hệ thống thanh toán di động. Didi được tích hợp vào tính năng thanh toán ứng dụng chat phổ biến WeChat của Tencent, còn Kuaidi cho phép khách hàng trả tiền qua ứng dụng thanh toán Alipay. Mùa đông năm 2014, Didi và Kuaidi bước vào trận chiến quyết liệt, mỗi ngày hai hãng này “đốt” 200.000USD vào cuộc chiến chống lại nhau. Quá mệt mỏi và biết nếu già néo sẽ dẫn đến “lưỡng bại câu thương” nên Didi và Kuaidi điều đình, tiến hành sáp nhập. Nhờ tài năng của CEO Cheng Wei, Didi sở hữu 60% cổ phần ở công ty mới sáp nhập có tên Didi Kuaidi.
Nhưng trận chiến hay nhất còn chưa nổ ra. Uber đã âm thầm tiến vào Trung Quốc từ năm 2011. Nhưng để thi triển được các ngón đòn ở đất nước đông dân nhất thế giới, Kalanick cần phải luyện thêm nhiều tuyệt chiêu. Hội đồng quân sư đã khuyên Kalanick không nên đầu tư ồ ạt vào Trung Quốc nhưng vị CEO của hãng quyết tâm cho cả nước Mỹ và thế giới thấy Uber là sự khác biệt.
Vậy đâu là sự khác biệt? Trước đó, với các công ty, tập đoàn tài chính của Mỹ, đầu tư vào Trung Quốc là việc bình thường nhưng đối với các công ty trong lĩnh vực internet, đầu tư vào Trung Quốc như thể đâm đầu vào đá. Hùng mạnh cỡ Facebook, Amazon, Google... còn xin chào thua, bỏ của chạy lấy người thì nói gì đến Uber. Kalanick muốn chứng minh điều ngược lại. Nhưng thị trường Trung Quốc không phải là nơi Kalanick dễ dàng múa gậy vườn hoang.
Sự thật thì vào thời điểm 2015-2016, Uber và Didi Chuxing (đã đổi tên từ Didi Kuaidi) tốn mỗi bên tới 2 tỷ USD cho cuộc đấu đá tranh giành tầm ảnh hưởng và thị phần ở Trung Quốc. Cheng Wei “gấu” hơn Kalanick tưởng, còn CEO của Uber hiếu chiến hơn những gì Cheng Wei nghĩ. Vậy là cả hai đều đánh giá thấp nhau cho đến khi họ tỉnh ngộ. Hiệp ước “đình chiến” cuối năm 2016 đi đến thỏa thuận: Uber đồng ý rời khỏi thị trường Trung Quốc và giao lại toàn bộ hoạt động của họ tại quốc gia này cho Didi Chuxing. Đổi lại, Uber nắm giữ 17% cổ phần sở hữu Didi Chuxing và nhận 1 tỷ USD đầu tư từ chính đối tác mới của mình.
Ai đó có thể cười vào Kalanick khi anh rút Uber khỏi Trung Quốc và dù đã “đốt” 2 tỷ USD ở Trung Hoa, nhưng vị CEO này vẫn có quyền ngẩng cao đầu vì khoản đầu tư của Uber vào Didi Chuxing giờ đã đạt gần 9 tỷ USD.
Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Vào tháng 5-2017, nhóm cổ đông chính của Uber kiện Kalanick ra tòa vì cho rằng vị CEO của công ty quá hiếu chiến, có những hành động làm tổn hại đến lợi ích của công ty. Tháng 6-2017, sau một thời gian điều đình, Kalanick chấp nhận rời vị trí CEO Uber, để lại một sự tiếc nuối ở thung lũng Silicon.
Cho đến tận ngày cuối cùng của năm 2019, Kalanick mới chính thức giã từ Uber khi rời ghế trong ban giám đốc điều hành.
Vị vua đã ra đi nhưng linh hồn và tinh thần của Kalanick vẫn còn hiển hiện ở Uber. Có một sự thật, điều khiến Kalanick đau đớn nhất không phải là cách ông bị “đá” khỏi Uber, mà là trong những thời khắc u ám, u uất nhất sự nghiệp, nhiều người đã không nhấc máy khi ông điện thoại.
TRANG ANH