Những bước tiến vượt bậc của bóng chuyền nữ Việt Nam là kết quả từ sự quan tâm, đầu tư của Cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, các đơn vị tài trợ cùng đông đảo người hâm mộ. So với trước đây, các tuyển thủ bóng chuyền nữ Việt Nam được tạo điều kiện thi đấu quốc tế nhiều hơn, chế độ đãi ngộ được cải thiện và công tác đào tạo trẻ của các câu lạc bộ trong nước được chú trọng. Giải bóng chuyền vô địch quốc gia ngày càng tinh, chất lượng với sự góp mặt của các ngoại binh. Quy định phạt vận động viên (VĐV)/câu lạc bộ không tuân thủ lệnh triệu tập góp phần giúp đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia có đội hình chất lượng. Đội tuyển bóng chuyền nữ trẻ Việt Nam tập trung trở lại sau vài năm ngắt quãng và lập tức giành được tấm vé lịch sử dự giải thế giới.

leftcenterrightdel

Niềm vui của các thành viên đội tuyển bóng chuyền U.20 nữ Việt Nam sau khi giành quyền tham dự Giải bóng chuyền vô địch U.21 thế giới 2025. Ảnh: VFV

Vui mừng trước thành tích ấn tượng trên, nhưng chúng ta cần thừa nhận, bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa với Thái Lan và các cường quốc bóng chuyền nữ châu Á. FIVB Challenger Cup 2024 là giải thế giới nhưng là cấp độ hạng 2, không quy tụ những đội bóng hàng đầu. Trong khi đó, giải U.21 thế giới 2025 mới chỉ là giải trẻ, nơi các VĐV tiềm năng đọ tài. Mục tiêu đổi màu huy chương từ bạc sang vàng tại SEA Games, hay cạnh tranh huy chương ở sân chơi Asian Games vẫn chưa khả thi với bóng chuyền nữ Việt Nam.

Xét ở góc độ phát triển, hai thành tích kể trên đã truyền cảm hứng bứt phá, niềm tin cho VĐV, những người làm công tác chuyên môn cùng người hâm mộ bóng chuyền nước nhà rằng, nếu đầu tư bài bản và chuyên nghiệp thì ắt sẽ có thành tích. Bao năm qua, bóng chuyền nữ Việt Nam sở hữu nhiều thế hệ VĐV tài năng, song vẫn chưa thể bứt ra khỏi tầm khu vực Đông Nam Á. Một phần vì nguồn lực đầu tư cho bóng chuyền không đều, phần vì tâm lý e ngại đối thủ mạnh bởi ít có cơ hội được cọ xát với những nền bóng chuyền hàng đầu.

Cũng bởi nguồn lực có hạn nên sự đầu tư cho bóng chuyền nữ Việt Nam mới chỉ tập trung chủ yếu vào đội tuyển quốc gia, chưa có sự hỗ trợ mang tính đặc thù đối với các VĐV trẻ tài năng hay các câu lạc bộ. Trên thực tế, công tác tuyển sinh năng khiếu bóng chuyền nữ Việt Nam trong thời gian qua diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa có một công thức hay giáo án chung để tuyển chọn, đào tạo và định hướng phát triển các tài năng hiệu quả.

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia từng bày tỏ tiếc nuối khi thế hệ những Thanh Thúy, Lâm Oanh hay Bích Tuyền dù rất tài năng nhưng không được đầu tư bài bản từ sớm; đồng thời cảnh báo nếu đội tuyển bóng chuyền trẻ Việt Nam không có kế hoạch phát triển dài hơi thì rất khó bứt phá. Sau tấm vé dự giải thế giới, các tài năng trẻ của bóng chuyền nữ Việt Nam cần được đầu tư trọng điểm với kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế thường xuyên, được sử dụng nhiều hơn tại các câu lạc bộ trong nước để trưởng thành.

Từ tài năng lên thành VĐV chuyên nghiệp đạt đẳng cấp là một quãng đường lắm chông gai. Trong hành trình đó, nỗ lực của VĐV thôi là chưa đủ, mà cần cộng hưởng sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị tài trợ và người hâm mộ. 

DIỆU PHƯƠNG