QĐND - Hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã được khẳng định. Nhưng ít người biết rằng, để có hiệu quả ấy, ngoài những phương thức kinh doanh khác biệt, “người Viettel” phải có tinh thần thép của người lính. Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, chính môi trường quân đội đã tôi luyện để “người Viettel” luôn vững vàng trước những thử thách đầy cam go.
PV: Thưa đồng chí, khi đầu tư vào những quốc gia tiềm ẩn nhiều bất ổn về chính trị như Bu-run-đi hay những quốc gia tan hoang vì thảm họa động đất như Hai-ti… Viettel đã có những sự chuẩn bị như thế nào?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Khi quyết định đầu tư vào những thị trường này, Viettel đã xác định trước sẽ có nhiều rủi ro. Có nhiều quốc gia mà Viettel đã đầu tư có chế độ đa đảng. Đất nước của họ nghèo, bất ổn về chính trị và an ninh. Do đã xác định từ trước nên Viettel có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng tôi nhận định, dù chính quyền hay chế độ chính trị nào thì họ cũng chào đón chúng tôi, vì Viettel đến đâu cũng giúp xây dựng mạng viễn thông và công nghệ thông tin góp phần hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ấy. Khi chúng tôi đã chuẩn bị thật kỹ, đề phòng những tình huống có thể xảy ra thì không bị bất ngờ và cũng không sợ hãi trước những biến cố.
Do có kinh nghiệm tại nhiều quốc gia nên việc xây dựng tổ chức và tuyển chọn nhân viên ra nước ngoài được đặc biệt chú ý. Người Viettel đi nước ngoài không chỉ được trang bị kiến thức mà còn phải có ý chí, sức khỏe, sự quyết tâm, có những kinh nghiệm trong cuộc sống… Cán bộ quản lý của chúng tôi đều đã “chinh chiến” qua nhiều thị trường, nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài ra, kỷ luật của quân đội cũng đã tạo nên ý chí cho người Viettel khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Các khóa huấn luyện quân sự cho nhân viên mới bước chân vào Viettel thực sự rất hữu dụng với chúng tôi.
Về cách làm, quan trọng nhất là ở nước nào chúng tôi cũng xây dựng mối quan hệ tốt với người dân sở tại. Chúng tôi mang đến hạ tầng mạng lưới rộng, chất lượng dịch vụ tốt, chính phủ điện tử… thể hiện trách nhiệm xã hội cao. Điều đó làm cho người dân ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng ủng hộ Viettel.
 |
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.
|
PV: Đầu tư kinh doanh trong lúc quốc gia sở tại xảy ra bạo loạn, động đất sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vậy tại sao Viettel vẫn quyết làm?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Chúng tôi luôn suy nghĩ rằng, những lúc khó khăn chính là lúc nước bạn cần sự quan tâm của chúng tôi nhất. Và đây cũng chính là cơ hội tạo dựng hình ảnh của mình tốt hơn. Bởi những lúc bình thường, rất khó nhận biết ai tốt hơn ai. Chúng tôi rút ra bài học về cách làm của chính mình: Cách marketing tốt nhất là phải hành động từ trái tim, bằng tất cả tấm lòng. Có sóng viễn thông để liên lạc càng trở nên rất cần thiết trong những tình huống ngặt nghèo, giống như có cơm để ăn, có nước để uống. Điều này chúng tôi cũng đã thấy rõ khi những lần tại Việt Nam xảy ra lũ lụt, người chiến sĩ Viettel không quản hiểm nguy băng mình trong mưa lũ để luôn bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ công tác cứu trợ, khi ấy hình ảnh của Viettel là đẹp nhất.
PV: Được biết, khi Viettel kiên quyết giữ cam kết đầu tư vào Hai-ti sau thảm họa động đất, hãng TelecomTV One (Anh) đã từng bình luận: “Viettel bắt đầu đi trên con đường mà những nhà tư bản sợ phải đi”. Đồng chí nghĩ sao về điều này?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Khó khăn tạo nên sự quyết tâm của người Viettel. Ở Viettel, người nào xung phong hoặc được chọn đi nước ngoài đều có ý chí và sự mạnh mẽ. Cán bộ, nhân viên của chúng tôi là những người chịu khó, chịu khổ. Tôi nghĩ, đó là phẩm chất của người Việt Nam. Ai có thể tin được giám đốc của Viettel ở thị trường nước ngoài ăn ngủ cũng như nhân viên, cũng nằm rừng, cũng cùng anh em đi kéo cáp… chứ không phải sung sướng ở khách sạn năm sao, đi xe sang, nhận lương “khủng” như các nước phát triển. Tuy nhiên, cơ hội cũng nằm trong khó khăn. Ai cũng muốn đầu tư vào châu Âu, vào Mỹ, sang những nước phát triển có khách sạn, nhà đẹp, điều hòa, ô tô… nhưng ở những nước ấy rất khó tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
PV: Nghĩa là đồng chí tin tưởng vào khả năng thành công của Viettel ở những nước nghèo khó, bất ổn?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Viettel đi đầu tư nước ngoài chậm hơn so với các công ty lớn trên thế giới, vì thế, không còn những “mảnh đất” dễ dàng. Chúng tôi bắt buộc phải vào những nơi mà nhiều công ty không dám vào. Nhưng chính tại những thị trường như vậy, Viettel lại thành công. Viettel từng thành công ở nhiều thị trường mà người dân có thu nhập thấp, những nước đang phát triển. Những nước láng giềng của chúng ta như Lào, Cam-pu-chia hay các nước châu Phi mà Viettel đầu tư đều đã chứng minh hiệu quả.
PV: Người Viettel thường được chuẩn bị những hành trang gì trước khi ra làm việc ở nước ngoài?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: "Người Viettel" nào cũng được cung cấp các thông tin về văn hóa, khí hậu, con người, ăn uống, sinh hoạt… Có hai vấn đề mà mỗi người chúng tôi phải nghĩ sâu xa và phải chuẩn bị ý chí để sẵn sàng đối mặt: Thứ nhất là vấn đề chính trị như đã nói ở trên, có nhiều rủi ro. Thứ hai, khi đi ra nước ngoài, về kinh doanh chúng tôi phải cạnh tranh ở sân chơi toàn cầu, với những người “khổng lồ” của thế giới như: Orange, Vodafone, Telefónica… Ở trong nước, Viettel chưa cảm nhận rõ được tính cạnh tranh khốc liệt, nhưng khi ra nước ngoài thì khác hẳn. Bởi vậy, trước khi lên đường, người chỉ huy cần phải nói cho anh em biết một thông điệp: Chúng ta đang trong “thời chiến” và chúng ta là những “chiến binh” thực sự!
PV: Làm thế nào để các đồng chí có được những cán bộ tốt, có thể thích nghi với môi trường làm việc ở nước ngoài?
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Cách rèn luyện cán bộ, nhân viên tốt nhất là qua thực tế. Chúng tôi thường xuyên luân chuyển cán bộ và nhân viên giữa đơn vị và khối cơ quan, thường xuyên đảo vị trí để tìm được người phù hợp, đó cũng chính là cách rèn luyện bản lĩnh cho người Viettel. Quan trọng hơn, một người khi trải qua tất cả những vị trí, làm việc ở cả nơi sướng và nơi khổ rồi, thì sẽ không thấy có gì quá bất ngờ hay khác biệt, khi ấy sẽ là một con người toàn diện và ở đâu cũng có thể tồn tại được. Cách làm ấy cũng là một sự sàng lọc. Ai không chịu được thì về, để những người bản lĩnh hơn tiếp tục "chiến đấu". Ai bám trụ được sẽ tồn tại, sẽ mạnh lên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải tính toán để những người như vậy sẽ có được chế độ đãi ngộ xứng đáng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Tinh thần người lính được Viettel thể hiện rõ tại những đất nước xảy ra thảm họa động đất như Hai-ti (năm 2010); hay những nước xảy ra bạo động, bất ổn như Bu-run-đi (tháng 5-2015). Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, Viettel không rút đầu tư mà vẫn thực hiện đúng cam kết. Tại Hai-ti và Bu-run-đi, Viettel là nhà mạng viễn thông duy nhất còn hoạt động vào những thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đó.
"Đây là truyền thống, là cách làm nhất quán của Viettel, thể hiện chất thép của người lính. Dù đi đến đâu, chúng tôi cũng có trách nhiệm với xã hội, với đất nước, với con người ở nơi đó", Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định.
|
MINH HÀ (thực hiện)
Góc tâm sự người Viettel:
“Chúng tôi không khổ thì đồng đội sẽ phải khổ”
Những chia sẻ ngắn gọn và rất chân thật của đồng chí Hoàng Nguyên Chiêu-Giám đốc chi nhánh tỉnh Ru-vu-ma của Halotel (thương hiệu Viettel tại Tan-da-ni-a) với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và đoàn công tác của bộ từ Việt Nam sang Tan-da-ni-a đã khiến cả đoàn rất xúc động, khâm phục tinh thần người lính Viettel. Xin giới thiệu nội dung chia sẻ đó:
… Tôi là Hoàng Nguyên Chiêu, Giám đốc chi nhánh tỉnh Ru-vu-ma, Tan-da-ni-a. Tôi xin báo cáo sơ qua một số đặc điểm của tỉnh Ru-vu-ma nơi tôi đang công tác. Tỉnh này có diện tích 64.000km2, bằng 44 tỉnh có diện tích trung bình tại Việt Nam cộng lại, nếu so sánh với Bắc Ninh thì bằng 77 tỉnh Bắc Ninh cộng lại. Thu nhập bình quân của người dân ở đây là 650USD/năm, mật độ dân cư là 22 người/km2.
Ngày 22-9-2014, tôi nhận lệnh sang Tan-da-ni-a. Tôi được phân công chỉ huy một đoàn gồm chỉ có 7 anh em đến bắt đầu triển khai công việc tại tỉnh này. Chiều 24-9, chúng tôi có mặt tại đây.
Đặt chân đến Tan-da-ni-a, chúng tôi đã lên xe và đi một mạch 300km toàn đường đất đỏ để đến địa bàn của mình. Đi mãi, đi mãi chỉ thấy toàn đường đất đỏ, bản thân tôi đã thấy khó. Lúc đó, tôi cũng thấy “ngợp” lắm. Nhưng tôi nghĩ “người dân ở đây sống được thì anh em tôi sống được, người Tan-da-ni-a ở đây sống được thì người Viettel sống được”.
Mới đầu, chúng tôi ở khách sạn. Gọi là “khách sạn” nhưng điều kiện ăn ở rất kém. Thức ăn thì không hợp khẩu vị. Hàng quán ở đây thì ít, lại còn đóng cửa sớm. Nhiều khi anh em đói, chia nhau gói mì tôm, rất vất vả nhưng cũng cảm thấy ấm lòng vì còn có đồng đội bên cạnh.
Thời gian đầu, tôi cũng như các anh em rất nhớ nhà. Tôi đã 40 tuổi và đây là lần đầu tiên đi thị trường nước ngoài. Khi tôi đi thì cháu đầu 3 tuổi, vợ đang mang bầu 2 tháng. Nhưng đến địa bàn khó khăn này, chúng tôi xác định: “Chúng ta không làm thì đồng đội chúng ta sẽ phải làm, chúng ta không khổ thì đồng đội cũng sẽ phải khổ. Phải sống làm sao để người dân Tan-da-ni-a đi ngoài đường chào “Hello Việt Nam” một cách vui vẻ nhất”. Chúng tôi cũng xác định rõ, đây là đi làm nhiệm vụ, đã làm nhiệm vụ thì sẽ khó khăn, vất vả chứ không giống như đi du lịch.
Sau 1 năm, chi nhánh tỉnh Ru-vu-ma đã phát sóng được 60 trạm 2G, 42 trạm 3G. Chúng tôi đã rất nỗ lực và tự hào vì đã chuyển giao sự ham mê công việc cho người bản địa. Đến nay, tôi đã có 3 đội trưởng người bản địa mà họ có thể tự triển khai, ứng cứu, mình chỉ cần chỉ đạo từ xa, hỗ trợ giải pháp. Ban đầu chúng tôi nghĩ họ không thể làm được, nhưng rất mừng là việc chuyển giao đã thực hiện thành công từ rất sớm.
Hôm nay, các đồng chí đến đây và đã đem đến thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho chúng tôi. Đại diện anh em Ru-vu-ma, tôi xin có mấy vần thơ mộc mạc như sau:
Một năm rồi mong đợi ngày hôm nay
Muốn nói nhiều, nhưng ngắn gọn một câu
Người tuyến đầu đã hoàn thành nhiệm vụ.
Khúc khởi hành với bao niềm vần vũ
Chỉ miệt mài tìm lối bước qua sông
Để sớm nay rạng rỡ một vừng Đông
Hạnh phúc là đây hòa cùng cánh sóng.
LÊ NAM (ghi)
|