Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với bà con Việt kiều tại tiệc chiêu đãi. Ảnh: TTXVN (Nguyễn Khang)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã kết thúc thành công chuyến thăm và làm việc tại Mỹ. Đây là chuyến thăm mang tính lịch sử bởi những dấu ấn mà nó để lại; và còn bởi sự tiếp nối lịch sử trong mối quan hệ không mấy dễ dàng giữa Việt Nam và Mỹ...

Dấu ấn lịch sử ở Ca-li-pho-ni-a

11 giờ 30 phút trưa 22-6 theo giờ Oa-sinh-tơn, Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bước vào phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, bắt đầu cuộc hội đàm kín kéo dài trong gần 1 giờ đồng hồ, một cuộc hội đàm được đánh giá là “lịch sử”.

Chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bay ngang nước Mỹ, từ bờ Đông sang bờ Tây để tới thăm thành phố Lốt An-giơ-lét, bang Ca-li-pho-ni-a, nơi có đông Việt kiều sinh sống ở trung tâm quận Cam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có một cuộc nói chuyện với gần 1.000 đại biểu đại diện cho hơn 1,5 triệu người Việt đang sinh sống và làm ăn trên khắp nước Mỹ.

Đó cũng là một cuộc nói chuyện lịch sử.

Bởi lần đầu tiên đã có một nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam tới thăm và nói chuyện tại nơi được coi là trung tâm của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Bài nói chuyện của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã luôn bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay như sấm dậy của các cử tọa có mặt trong khán phòng và chắc chắn là những tiếng vỗ tay đó cũng đã vang đến tai cả những người ở bên ngoài phòng họp đó.

Hết sức chân tình, cởi mở, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ điều mà hầu như ai cũng thấm thía: Chúng ta là người Việt Nam, dù quá khứ như thế nào đi nữa, bây giờ hãy thương yêu nhau, hãy đoàn kết với nhau bởi vì chúng ta cùng một Mẹ hiền Việt Nam.

Với những người còn khác biệt quan điểm, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng thẳng thắn bày tỏ: Mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng dang rộng cánh tay đón nhận tất cả những người con của mình về với Tổ quốc. Không có lý do gì để những khác biệt này ảnh hưởng đến đoàn kết, đến nhiệm vụ xây dựng đất nước của chúng ta. Tôi cũng đề nghị tất cả chúng ta không có thành kiến với những người có cử chỉ bất đồng. Chúng ta hãy hiểu giùm cho họ là những thông tin đến với họ chưa đầy đủ, họ chưa có dịp về quê hương đất nước để tận mắt chứng kiến những đổi thay nhanh chóng, những tiến bộ đáng mừng của quê hương đất nước. Sống trên đời để làm gì? Các bạn có đặt câu hỏi đó không? Sống trên đời không phải để thù hận mà chính để yêu thương nhau. Hãy vì quê hương đất nước, vì dân tộc mình, gác bỏ những chuyện cũ, mọi tị hiềm của quá khứ, hãy đoàn kết lại để cùng nhau xây dựng đất nước, một đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Bài nói chuyện đã lay động tâm thức của những người nghe, bởi vì nó đã đụng chạm đến một vấn đề cốt tử: Lòng yêu nước của những người Việt Nam. Đang ở Việt Nam, biết tin đoàn đại biểu cao cấp sẽ tới Lốt An-giơ-lét và có cuộc gặp tại đây, cựu Phó tổng thống chính quyền miền Nam trước đây Nguyễn Cao Kỳ đã quay trở lại Mỹ và tham dự cuộc gặp. Ông Nguyễn Cao Kỳ đã thốt lên: Bài nói của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết gây xúc động lớn đối với tôi. Tôi không biết nói gì hơn trước những lời nói chân thành từ tâm hồn, trái tim của một người Việt Nam yêu nước, một nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Có rất nhiều dấu ấn lịch sử và những tình cảm chân thành như thế trong suốt chuyến thăm.

Lay động báo giới

Rất dễ hiểu khi chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Mỹ cũng đã để lại những dấu ấn đậm nét trên các phương tiện truyền thông đại chúng thế giới, đặc biệt là báo giới Mỹ.

Độc giả của báo Bưu điện Oa-sinh-tơn, một “con khủng long” trong làng báo chí thế giới và là tờ báo có số phát hành lớn nhất ở Mỹ, đã có cơ hội đọc bức thư của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói về quan hệ Việt Nam-Mỹ, đăng trên báo này hôm 21-6. Đăng kèm bức thư này là ảnh Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bắt tay Tổng thống G.Bu-sơ, phía sau là bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lá cờ đỏ sao vàng và bức ảnh Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đang đứng xem Tổng thống G.Bu-sơ gẩy đàn bầu trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2006.

Lần đầu tiên, tờ Nhật báo phố U-ôn, một trong những “kim chỉ nam” trong giới kinh doanh Mỹ đã thiết kế một phụ trương đặc biệt bốn trang về Việt Nam với tựa đề: Việt Nam-ngôi sao đang lên mới nhất châu Á. Trong loạt bài đăng trên phụ trương này, các tác giả đã giới thiệu Việt Nam như là ngôi sao mới nổi với những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế; vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế; thị trường chứng khoán ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài; các ưu đãi đầu tư của Việt Nam; Việt Nam đang hợp tác với Microsoft về bảo vệ bản quyền; sân golf ở Việt Nam đang hấp dẫn du khách... Phụ trương này đăng trên ấn bản phát hành toàn cầu của Nhật báo phố U-ôn với 2,2 triệu bản, trong đó ở châu Âu 114 ngàn bản, châu Á-Thái Bình Dương khoảng 80 ngàn bản, riêng tại Mỹ gần 2 triệu bản...

Trong suốt thời gian chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đài truyền hình CNN của Mỹ đã phát hằng ngày nhiều lần, mỗi lần 30 giây, video clip với tiêu đề: Việt Nam-một chân trời mới, nêu bật những thành tựu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đài này cũng đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Nguyễn Minh Triết.

Lúa gạo và nho

Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cũng có những dịp hai bên đã bày tỏ một cách thẳng thắn quan điểm của mình về nhiều vấn đề vẫn còn sự khác biệt và đó cũng là điều bình thường trong một mối bang giao đã trải qua không ít thăng trầm, đứt đoạn.

Mỹ và Việt Nam có lịch sử khác nhau, các hệ thống pháp lý khác nhau và do vậy, đương nhiên sẽ có những ý niệm khác nhau về một số vấn đề nào đó. Thế nhưng rõ ràng là giữa hai quốc gia cách nửa vòng trái đất này vẫn có những điểm chung. Mà không phải chỉ ở thời điểm hiện tại. Sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, do một sự sắp đặt kỳ lạ nào đó của số phận, đã có một mối quan hệ mong manh giữa Mỹ với Việt Nam, từ rất lâu rồi.

Ngày 2-9-1945, trên lễ đài ở Quảng trường Ba Đình Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam vừa giành được độc lập đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới bằng câu: Mọi người được sinh ra bình đẳng. Họ được Đấng Tạo hoá ban cho các quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó chính là những lời trích dẫn trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ do Tổng thống đầu tiên G.Oa-sinh-tơn tuyên đọc vào năm 1776, khai sinh ra nước Mỹ với tư cách một quốc gia thống nhất. Người đọc là Tổng thống G.Oa-sinh-tơn nhưng người chấp bút văn kiện này là một luật sư trẻ tuổi có tên là Tô-mát Giép-phơ-xơn. Sau này, ông Giép-phơ-xơn lên làm Tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ.

Tên tuổi ông Giép-phơ-xơn còn liên quan đến một sự kiện khác gắn với Việt Nam, trước đó. Đó là quãng thập niên 1770, tức là ở ngay thời điểm nước Mỹ sắp sửa hình thành với tư cách một quốc gia thống nhất. Tô-mát Giép-phơ-xơn, khi ấy là con một điền chủ vùng Vớc-gi-ni-a, rất say mê nghề canh nông và chính là người đã sáng chế ra loại cày lật đất được nông dân nhiều nơi sử dụng. Qua một nhà thám hiểm người Pháp đã từng đặt chân lên Việt Nam, khi ấy còn có tên gọi là Cochinchina, ông Giép-phơ-xơn biết về một giống lúa cạn ở xứ sở xa xôi ấy, được gọi là lúa cạn xứ Đàng Trong. Năm 1787, cơ hội đã đến khi ông Giép-phơ-xơn đang ở Pa-ri tham gia các cuộc đàm phán thương mại, biết rằng có một phái đoàn của Việt Nam do Hoàng tử Cảnh là con trai Vua Nguyễn Ánh cũng đang có mặt ở Pa-ri (để cầu cứu người Pháp đưa quân chống lại nhà Tây Sơn). Ông Giép-phơ-xơn đã liên hệ với Hoàng tử Cảnh để tìm giống lúa với hy vọng mang về trồng ở vùng Vớc-gi-ni-a quê hương ông... Tiếc rằng do hoàn cảnh khó khăn lúc ấy mà ý nguyện của ông Giép-phơ-xơn đã không thành hiện thực.

Hơn 200 năm sau, Chủ tịch nước Việt Nam đã đến thăm vùng Vớc-gi-ni-a, quê hương của ông Giép-phơ-xơn, cách thủ đô Oa-sinh-tơn khoảng 120km. Ông đã đến thăm gia đình ông Pôn Brô, một gia đình trồng nho lâu năm tại đây và nhận được sự đón tiếp nồng hậu, cởi mở của các thành viên trong gia đình. Đây là lần đầu tiên có một nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam tới thăm một gia đình người Mỹ, một biểu hiện rõ rệt về mối quan hệ không chỉ giữa nhà nước với nhà nước mà còn giữa nhân dân hai nước. Những gì mà ông Giép-phơ-xơn xưa kia chưa hoàn thành được thì nay, thông qua các mối quan hệ ngày càng cởi mở và chân tình, có thể dễ dàng được thực hiện. Sẽ chẳng có gì phải ngạc nhiên nếu như giờ đây, lúa gạo Việt Nam có thể xuất hiện trên thị trường Mỹ và nho Mỹ cũng hiện diện ở các chợ của Việt Nam. Những mối dây liên hệ trong quá khứ có thể bị đứt đoạn do những điều kiện của lịch sử, thế nhưng không ai ngăn cấm chúng sẽ được nối lại, thông qua thiện chí và lòng chân thành.

*

* *

Tháng 11-2000 tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ khi đó là Bin Clin-tơn nhấn mạnh rằng ông tin tưởng vào một “mùa xuân ấm áp trong quan hệ giữa hai nước sẽ nhanh đến”. Chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là một minh chứng rõ nét để hơi ấm từ mùa xuân ấy mau tới gần.

Văn Yên