FBI được thành lập năm 1908 với tên gọi ban đầu là Cục Điều tra. Năm 1935, cái tên FBI mới chính thức được sử dụng. Giám đốc FBI đầu tiên là J.Edgar Hoover, phục vụ 48 năm, từ năm 1924 đến 1972 (tính cả quãng thời gian từ khi FBI còn có tên gọi là Cục Điều tra). Sau khi ông qua đời, quốc hội Mỹ thông qua luật giới hạn nhiệm kỳ giám đốc FBI là 10 năm. FBI trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, có nhiệm vụ trọng tâm là chống khủng bố, phản gián và điều tra hình sự, chủ yếu hoạt động trong nước, có trụ sở tại tòa nhà J.Edgar Hoover, Washington, với 56 văn phòng đại diện tại các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ và hơn 400 cơ quan thường trú tại các thành phố nhỏ hơn và các khu vực trên toàn quốc. FBI có hơn 30.000 đặc vụ, chuyên gia và các nhân viên khác. Người ứng tuyển vào FBI phải ở độ tuổi từ 23 đến 37, cựu quân nhân có thể được ưu tiên ứng tuyển sau 37 tuổi. Họ phải là công dân Mỹ, có lý lịch tốt và có bằng cử nhân hệ 4 năm. Tất cả nhân viên FBI đều được yêu cầu kiểm tra an ninh tối mật. Ứng viên đặc vụ phải vượt qua bài kiểm tra thể chất bao gồm chạy 300m, 1 phút làm động tác đứng lên ngồi xuống, hít đất hết sức và chạy 2,4km. Ngoài ra ứng viên phải vượt qua đợt kiểm tra tim mạch với các câu hỏi về tiền sử sử dụng ma túy. Giám đốc FBI được bổ nhiệm bởi Tổng thống Mỹ và phải được Thượng viện Mỹ thông qua.

leftcenterrightdel
Trụ sở của FBI tại Washington. Ảnh: FBI

FBI là một trong những tổ chức điều tra tội phạm kín tiếng nhất thế giới, tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là cơ quan này có hẳn một phòng đọc phục vụ những công dân Mỹ trong nước với hơn 6.700 tài liệu lưu trữ thông tin điều tra về hàng loạt người nổi tiếng như: Marilyn Monroe, Steve Jobs…

Những tài liệu được công bố gần đây cho biết, FBI đang có trong tay hầu hết ADN của người dân Mỹ. Tại Hoa Kỳ, khi lấy bằng lái xe hoặc mua súng, người dân phải được lấy vân tay. Những dữ liệu này được lưu vào hệ thống nhận dạng dữ liệu vân tay tự động của FBI. Cơ sở dữ liệu khổng lồ này đã lên đến con số 100 triệu và toàn bộ được lưu giữ tại một cơ quan nằm ở vùng Clarksburg, West Virgina. Dù lưu trữ một lượng thông tin khổng lồ như vậy nhưng FBI khẳng định rằng, họ chỉ cần khoảng 12 phút để so sánh và đối chiếu thông tin khi cần. Mặt khác, nếu một người đã từng xét nghiệm ADN, kết quả đó cũng có thể được FBI sử dụng để điều tra trong những trường hợp cần thiết.

Trong hoạt động nghiệp vụ, các nhân viên FBI khá nổi tiếng với việc khai thác thông tin từ nghi phạm. Gần đây, một cựu nhân viên FBI đã chia sẻ về quy trình phát hiện một kẻ nói dối. Để phát hiện một kẻ nói dối, ban đầu điều tra viên FBI tiếp xúc một cách nhẹ nhàng để xây dựng lòng tin và sự thoải mái của đối tượng. Họ đặt ra những câu hỏi ngẫu hứng để nghi can không thể chuẩn bị trước, sau đó lắng nghe, theo dõi từng biểu cảm và thái độ của đối tượng. Họ tập trung đặc biệt vào các tình huống mà đối tượng đưa ra những lời phủ nhận bằng việc quan sát tông giọng, ánh mắt và những hành động đáng ngờ khác. Ngoài ra, họ còn hỏi thêm về những chi tiết phụ xoay quanh câu chuyện để nếu đối tượng đang nói dối, sự bối rối của chúng sẽ làm lộ ra sơ hở.

FBI sở hữu một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đông đảo và tinh thông, nhưng theo kết quả điều tra của tờ The Guardian, cơ quan này sử dụng rất nhiều tin tặc để thu thập thông tin. Khoảng 25% tin tặc Mỹ đã chuyển các thông tin hiệu quả cho FBI. Tuy nhiên, cũng chính FBI lại là một đối tượng bị nhiều tin tặc tấn công. Cách đây chưa lâu, một trang web của chi nhánh FBI đã bị tin tặc đột nhập và làm lộ danh tính của 180 người dùng và mật khẩu của các nhân viên.

FBI là một trong những cơ quan điều tra tội phạm hiệu quả hàng đầu thế giới, thế nhưng trong lịch sử hơn một thế kỷ hoạt động, FBI từng có những lần thất bại đầy hài hước. Năm 1960, ca khúc “Louie Louie” của nhóm nhạc The Kingsmen đã bị FBI nghi ngờ chứa ngôn ngữ khiêu dâm, phản cảm. Cơ quan này đã lập hẳn một tập hồ sơ dày 119 trang để điều tra về “Louie Louie”, tuy nhiên, cuộc điều tra kết thúc mà không thu được kết quả gì. Trong thập niên 1950, FBI điều tra về khả năng ngoại cảm (ESP) để xác định xem có thể sử dụng khả năng đặc biệt này như một công cụ gián điệp hay không. Nhưng cuối cùng ý tưởng này đã thất bại. Năm 2005, FBI  dành hẳn hai năm để điều tra nhóm nhạc tôn giáo cực đoan The Church of the Hammer. Tuy nhiên, cuối cùng thì đây chỉ là một giáo phái không có thật…

QUANG HUY (Theo Forbes và Washington Post)