Những quốc gia hàng đầu

Ngày 1-10-1964, Nhật Bản đưa tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới với tên gọi Tokaido Shinkansen vào hoạt động. Tuyến đường sắt này nối Tokyo với Osaka, trở thành biểu tượng cho sức mạnh công nghệ và công nghiệp của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngày nay, mạng lưới đường sắt cao tốc ở Nhật Bản đã được mở rộng với tổng chiều dài lên đến 2.400km, từ Bắc Tokyo đến Hachinohe và từ Nam Tokyo đến Hakata. Nhật Bản còn đang xây dựng thêm nhiều tuyến mới để mở rộng ra phía Tây đến Kanazawa, phía Nam đến Nagasaki và phía Bắc đến Sapporo. Tốc độ chạy tàu được nâng dần từ 210km/h lên 320km/h và lượng hành khách vận chuyển hiện là 1 triệu người mỗi ngày.

Không những là quốc gia đầu tiên phát triển hệ thống đường sắt cao tốc, Nhật Bản còn nổi tiếng về sự an toàn và chính xác. Những con tàu Shinkansen vào ga chính xác đến từng giây và chưa bao giờ xảy ra tai nạn trong suốt 6 thập kỷ hoạt động.

60 năm thành công với Shinkansen, giờ đây, Nhật Bản đang phát triển hệ thống tàu cao tốc mới có tên ALFA-X, với tốc độ thử nghiệm đạt 400km/giờ. Không những nhanh hơn, tàu ALFA-X còn có công nghệ an toàn mới được thiết kế để giảm độ rung và tiếng ồn, đồng thời giảm khả năng trật bánh trong các trận động đất lớn.

Quốc gia nổi tiếng thứ hai với đường sắt cao tốc là Pháp. Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên vận hành tại Pháp vào năm 1981. Hệ thống Train à Grande Vitesse (TGV) của Pháp có lẽ là thương hiệu nổi tiếng nhất trong số các hệ thống đường sắt cao tốc vì độ an toàn, nhanh và tiện lợi. TGV được chế tạo bởi Tập đoàn quốc doanh sản xuất xe lửa Alstom, hoạt động dưới sự điều hành của Công ty Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF). Khi đi vào vận hành, mạng lưới TGV của Pháp đã thành công ngoài sức tưởng tượng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các thành phố lớn của đất nước, đưa việc đi lại tốc độ cao trở nên dễ dàng với giá cả phải chăng, dễ tiếp cận đối với những người đi lại thường xuyên. TGV đã hình thành nên xương sống cho hệ thống đường sắt cao tốc của cả châu Âu với khoảng 100 triệu hành khách/năm và vị thế này sẽ càng được củng cố thêm trong những năm tới khi nhiều đường ray mới được hoàn thành.

Pháp đang thử nghiệm dự án tàu TGV INOUI, được sản xuất bằng vật liệu có thể tái chế tới 97%, thiết kế khí động học giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng 20%, cải thiện lượng khí thải carbon thêm 37% mỗi năm so với các đoàn tàu hiện tại.

Ngay sau khi đường sắt cao tốc xuất hiện ở Pháp, Chính phủ Đức đã hoàn thành một hệ thống tương tự. Và ngày nay, Đức nổi tiếng thế giới với thương hiệu InterCity Express (tàu tốc hành liên thành phố-ICE). Hệ thống ICE được phát triển nhằm cải thiện vận tải đường dài và kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn của Đức. Bên cạnh đó, hệ thống này còn mở rộng sang các quốc gia lân cận, bao gồm Áo, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ và Hà Lan trong các dịch vụ xuyên biên giới.

Tại châu Âu, trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, Tây Ban Nha dù đi sau Pháp và Đức nhưng đã phát triển hệ thống này lên tầm hàng đầu thế giới với tổng chiều dài đạt 3.400km, hiện chỉ sau Trung Quốc. Sau gần 4 thập kỷ phát triển, Tây Ban Nha đã sở hữu một trong những hệ thống đường sắt tiên tiến nhất trên thế giới xét về chiều dài, mức độ hiện đại, tốc độ thương mại, chỉ số đúng giờ. Hệ thống đường sắt cao tốc AVE Tây Ban Nha có hơn 30 tuyến kết nối 57 thành phố với đội tàu khoảng 230 đoàn, phục vụ 70% dân số cả nước. Đặc biệt, đường sắt cao tốc Tây Ban Nha đang sử dụng năng lượng tái tạo, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Trung Quốc lại là quốc gia có tốc độ phát triển hệ thống đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới. Năm 2008, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hoạt động, kết nối Bắc Kinh và Thiên Tân, rút ngắn thời gian di chuyển từ 70 phút xuống còn 30 phút. Cũng năm này, mạng lưới đường sắt cao tốc ở Trung Quốc có tổng chiều dài 672km. Chỉ 2 năm sau, năm 2010, con số này tăng lên thành 5.133km. Giai đoạn 2017-2020, mạng lưới đường sắt cao tốc ở Trung Quốc đã tăng lên gần 40.000km. Chỉ riêng trong năm 2022, mạng lưới mở rộng thêm 2.082km. Hiện nay, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc có quãng đường vận hành dài nhất trên thế giới, vượt 46.000km, chiếm hơn 70% tổng số chiều dài đường sắt cao tốc của thế giới. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu có 50.000km đường sắt cao tốc vào năm 2025 và 200.000km vào năm 2035.

Những con tàu siêu tốc

Cùng với cuộc đua mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc, các quốc gia sở hữu tàu cao tốc còn tranh giành nhau tốc độ chạy tàu. Hiện tại, đứng ở vị trí đầu tiên là tàu đệm từ L0 Maglev của Nhật Bản. Trong hoạt động thử nghiệm, L0 Maglev đạt tốc độ tối đa 603km/h. Dự kiến, năm 2027, con tàu này sẽ được đưa vào sử dụng nối Tokyo với Nagoya.

Vị trí á quân tốc độ chạy tàu cao tốc thuộc về Trung Quốc. Trong thử nghiệm, một con tàu cao tốc đệm từ của nước này (chưa có tên chính thức) đạt tốc độ 600km/h. Với nhiều công nghệ mới, con tàu này dự kiến sẽ chạy quãng đường từ Thâm Quyến đến Thượng Hải trong khoảng 2,5 giờ, thay vì chuyến tàu cao tốc kéo dài 10 giờ như hiện nay.

Ngoài vị trí á quân, những con tàu cao tốc của Trung Quốc còn chiếm vị trí thứ 4, 5 và 7. Trong đó, tàu CRH380A Hexie đạt tốc độ cao nhất 486km/h. Tàu đệm từ Thượng Hải đạt tốc độ tối đa lên tới 431km/h. Con tàu này giúp việc đi lại giữa thành phố Thượng Hải và các khu vực lân cận, như sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải trở nên cực kỳ tiện lợi và dễ dàng. Con tàu xếp ở vị trí thứ 7 có tên Fuxing Hao, đạt tốc độ cao nhất gần 420km/h, hoạt động thường xuyên trên một số tuyến cao tốc ở Trung Quốc, bao gồm các tuyến phổ biến như Bắc Kinh-Thượng Hải.

leftcenterrightdel
 L0 Maglev - con tàu nhanh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Nikkei 

 

Dù bị Trung Quốc “qua mặt” nhưng tốc độ chạy tàu của Pháp vẫn rất đáng “kính nể” và đang được khai thác. Đoàn tàu TGV POS của nước này đạt tốc độ cao nhất tới 574km/h, đứng thứ 3. Tàu TGV POS được vận hành bởi Công ty đường sắt Pháp SNCF để sử dụng trên tuyến LGV Est, chạy giữa Paris, miền Đông nước Pháp và miền Nam nước Đức.

Đứng thứ 6 trên bảng “phong thần” là tàu HEMU-430X của Hàn Quốc với tốc độ cao nhất 421km/h. Con tàu này được Hàn Quốc sản xuất với ước tính có thể đạt đến vận tốc tối đa là 430km/h nhưng trên thực tế, vào một cuộc thử nghiệm năm 2013, nó chỉ đạt tới tốc độ 421km/h.

Đứng ở vị trí cuối cùng những con tàu có tốc độ cao nhất là tàu Frecciarossa 1000 của Italy, với tốc độ cao nhất gần 394km/h. Con tàu này nối liền các thành phố lớn của Italy như: Milan, Florence, Rome và Venice.

TRẦN LONG