Có thể nhớ lại rằng, ngay từ khi bắt đầu bùng nổ chiến sự ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã rất nhẫn nại đưa ra những yêu cầu, thậm chí là đã cầu khẩn Nhà Trắng cung cấp nhiều hơn và cho phép sử dụng những loại vũ khí có thể bắn sâu vào những khu vực mà quân Nga chiếm giữ, hay nói cho cùng là vào sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, tới gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn lắc đầu trước đòi hỏi này và mãi không chịu "bật đèn xanh" cho Kiev thực hiện những hành vi đầy phiêu lưu mang tính "đổ thêm dầu vào lửa" đó. Lý do đơn giản là Washington e ngại những biện pháp "ăn miếng trả miếng" có thể sẽ rất khốc liệt từ Nga. Và ông Biden từng không chỉ một lần khẳng định: “Chúng tôi không muốn bùng nổ thế chiến thứ ba!”.

leftcenterrightdel
Binh sĩ Ukraine điều khiển pháo tự hành tại khu vực gần thị trấn Chasiv Yar ở vùng Donetsk. Ảnh: Oleg Petrasiuk 

Thế nhưng, ở những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã đưa ra một quyết định khốc liệt là cho phép Kiev bắn tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất vào sâu trong lãnh thổ Nga. Mọi người đều thấy trong thực tế, ở thời điểm hiện nay, tình thế của Ukraine ngoài chiến trường rất nguy ngập trước thế thượng phong của các đơn vị vũ trang Nga. Những trận "bão lửa" mới của Nga đang tàn phá ngày một nặng nề các cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế và hệ thống quân sự Ukraine. Tổng thống Biden trong quan hệ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine có vẻ như đã luôn e ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin nên vừa tỏ thái độ nhất quán ủng hộ Kiev vừa thầm run trong bụng trước những cơn thịnh nộ có thể bùng nổ ở Moscow một khi phương Tây bước qua những lằn ranh giới đỏ mà Nga đã đặt ra. Lần này, Nhà Trắng, bằng quyết định cho phép bắn tên lửa ATACMS nhằm vào các khu vực đồn trú của quân đội Nga, dường như đã bước một chân qua lằn ranh giới đỏ. 

Thêm vào đó, như nhiều chính trị gia Mỹ nhận định, ông Biden muốn đẩy đối thủ chính trị của mình vào thế khó khăn nhất... Tất nhiên, để lấp liếm sự dính líu sâu hơn của mình vào cuộc xung đột Ukraine, Washington qua phát biểu của Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan đã biện minh rằng, dù tên lửa do Mỹ sản xuất nhưng việc bắn vào lãnh thổ Nga lại là quyết định của chính quyền Ukraine chứ Mỹ không hề phải chịu trách nhiệm... Anh và Pháp cũng lặp lại trò tháu cáy này và làm trò “mũ ni che tai” để Kiev bắn những tên lửa do họ sản xuất vào lãnh thổ Nga.

Moscow không chấp nhận cách lý giải của phương Tây. Ngày 21-11, sau khi Ukraine bắn tên lửa vào lãnh thổ Nga, Tổng thống Vladimir Putin ngay lập tức có bài phát biểu hướng tới các lực lượng vũ trang và công dân Nga, trong đó nhấn mạnh: “Việc đối phương sử dụng những loại vũ khí như thế không thể ảnh hưởng tới diễn tiến chiến sự trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt. Và: “Bộ đội của chúng ta đang tấn công hiệu quả trên toàn bộ chiến tuyến”. Tổng thống Putin cũng cho biết, để đáp trả việc Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ và Anh, ngày 21-11, quân đội Nga đã thực hiện một cú đánh tổng hợp vào một trong những “khu liên hợp công nghiệp lớn nhất và nổi tiếng nhất kể từ thời Liên Xô” của Ukraine, nơi Kiev hiện đang sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác. Trong điều kiện chiến đấu phía Nga đã tiến hành thành công thử nghiệm một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của mình, đó là tên lửa siêu vượt âm không thể bắn hạ Oreshink.

Hiện nay, mỗi ngày trôi qua lại càng làm cho nguy cơ "quá mù ra mưa" trên mặt trận Ukraine trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. NATO không dễ duy trì được thái độ như thể vô can của mình. Trong tương lai xa, nếu bản chất của nền chính trị quốc tế vẫn như hiện nay, rất khó tránh khỏi xung đột trực diện giữa NATO với Nga. Đó vẫn là từ mâu thuẫn chủ đạo nằm trong căn cốt của phương thức phát triển tư bản chủ nghĩa. Ở thời điểm hiện nay, khi nước Mỹ có tổng thống mới với trọng tâm hành động được chuyển sang khu vực khác thì độ nóng trong xung đột Đông-Tây ở châu Âu có thể được giảm nhiệt, nhưng về bản chất vẫn không mất đi. Hơn nữa, trong thời gian qua, những kinh nghiệm đắng đót trong quan hệ với EU và NATO đã cho Moscow hiểu rõ hơn những nguy cơ luôn tiềm tàng từ phương Tây đối với sự tồn vong của mình, nên chắc sẽ không bao giờ ngây thơ tin vào thiện chí có thể có của phương Tây nữa.

Tổng thống Putin ngày 21-11 cũng buộc tội Washington đã phá hủy hệ thống an ninh quốc tế và việc Mỹ vẫn tiếp tục "cố đấm ăn xôi" để duy trì quyền bá chủ của mình chỉ xô đẩy thế giới tới ngày một gần hơn cuộc xung đột toàn cầu. Học thuyết hạt nhân của Nga mới đây đã được sửa đổi và cho phép Moscow có thể đáp trả ngay cả một cuộc tấn công thông thường được hỗ trợ bởi sức mạnh hạt nhân như những gì Kiev vừa thực hiện... Nhân loại hiện đang ở gần với nguy cơ có thể bùng nổ một cuộc thế chiến mới.

HỒNG THANH QUANG