Dữ liệu trong thập kỷ qua cho thấy, BĐKH không phải là vấn đề của tương lai mà đang là thách thức nghiêm trọng với sự tồn vong của nhân loại. Với sự gia tăng tần suất hiện tượng thời tiết cực đoan, cuộc khủng hoảng về khí hậu đang dần chạm đến điểm “không thể quay đầu”. Tình trạng nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng, mưa bão, lũ lụt... khiến nhiều quốc gia phải vật lộn tìm cách ứng phó và khắc phục những hậu quả nặng nề mà các hiện tượng thời tiết cực đoan này gây ra.
|
|
Liên hợp quốc (LHQ) hy vọng các nước phát triển đóng góp nhiều hơn cho công cuộc chống biến đổi khí hậu tại COP29. Ảnh: GettyImages
|
Chưa hết, cùng với căng thẳng địa-chính trị, các hiện tượng thời tiết cực đoan còn làm trầm trọng thêm những rủi ro tiềm ẩn đối với kinh tế toàn cầu. Thậm chí, khủng hoảng khí hậu được coi là “sát thủ kinh tế”. Báo cáo của Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cho thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới trong thập kỷ qua, tác động đến cuộc sống của 1,6 tỷ người trên toàn cầu.
Từ lâu, các nhà khoa học đã khẳng định rằng tình trạng nóng lên trên toàn cầu do phát thải khí nhà kính trong quá trình sử dụng nguyên liệu hóa thạch như than đá, dầu lửa là nguyên nhân chính dẫn đến BĐKH. Để ngăn tình trạng này, Hiệp định Paris về BĐKH ký năm 2015 đặt ra mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Đây là ngưỡng rất quan trọng, vì nếu vượt qua, thế giới sẽ phải đối mặt với BĐKH cực đoan và không thể đảo ngược.
Đáng tiếc là nhân loại đang trên đà vượt xa cam kết theo Thỏa thuận Paris. Trái đất đang nóng lên nhanh chóng mà nếu thế giới không nhanh chóng hành động, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này. Số liệu của Cơ quan theo dõi BĐKH Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho thấy năm 2024 sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phải thốt lên rằng nhân loại đang thiêu đốt trái đất và sẽ phải trả giá, rằng kỷ nguyên “sôi sục toàn cầu” giờ đã thay thế kỷ nguyên “nóng lên toàn cầu”.
Thế giới không còn cách nào khác là phải giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng khí hậu bằng cách chuyển đổi dần khỏi nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng. Mục tiêu là giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu 30% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi những chuyển đổi có quy mô lớn, nhanh chóng và mang tính hệ thống trên toàn cầu. Đi kèm với nó là nguồn tài chính khổng lồ để chuyển sang nền kinh tế xanh, công nghệ xanh ít phát thải khí nhà kính và đối phó với hậu quả thời tiết khắc nghiệt do BĐKH gây ra.
Kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu ở châu Âu vào thế kỷ 18-thời điểm con người bắt đầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch với số lượng lớn, các nước giàu đã góp phần nhiều nhất phát thải dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong khi đó, hậu quả của BĐKH thì lại chủ yếu tàn phá các nước nghèo và các nước đang phát triển. Chính vì thế, không chỉ cần giảm lượng phát thải, các nước giàu còn cần phải đóng góp tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi của các nước đang phát triển khỏi nhiên liệu hóa thạch để hướng tới con đường phát triển bền vững. Đây có thể coi là trách nhiệm đạo lý toàn cầu của các nước giàu với quá khứ tàn phá khí hậu.
Theo ước tính của Mạng lưới hành động khí hậu toàn cầu, các nước đang phát triển cần khoảng 1.000 tỷ USD tài trợ mỗi năm từ các nước giàu để ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ, EU và Nhật Bản mới chỉ cam kết huy động 100 tỷ USD/năm, một con số quá nhỏ so với yêu cầu đặt ra. Đã thế, một phần đáng kể nguồn tài trợ này đến từ các khoản vay lãi suất cao, dẫn đến những lời chỉ trích gay gắt và cáo buộc về vi phạm lời hứa. Các nước đang phát triển kêu gọi nâng mức tài trợ lên 1.000 tỷ USD, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay. Tuy nhiên, yêu cầu này bị Mỹ và một số nước châu Âu phản đối.
Trong bối cảnh đó, COP29 là cơ hội hiếm hoi để thế giới cùng nhau thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Sự kiện này được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu khi mà nhiệt độ tại nhiều nơi liên tục phá kỷ lục và các thảm họa khí hậu ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Không có cam kết tài chính khí hậu, khó có thể hy vọng các nước sẽ thống nhất được về tiến độ cắt giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tranh cãi diễn ra gay gắt nhưng Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo: “Về vấn đề tài chính khí hậu, thế giới phải trả phí, nếu không nhân loại sẽ phải trả giá”. Ông nhấn mạnh, các nước không được rời Hội nghị COP29 với “hai bàn tay trắng”, đạt được thỏa thuận là điều bắt buộc, bởi nếu không, tương lai nhân loại sẽ bị đe dọa.
TƯỜNG LINH